đổi mới sáng tạo

Năm 2023 của KisStartup và những con số đáng nhớ

Như thông lệ, đầu năm mới là thời điểm để đội ngũ cùng nhìn lại các kết quả của năm vừa qua và cùng chuẩn bị cho những kế hoạch sắp tới thông qua một số chỉ số cơ bản sau đây:

  • 32: Số sự kiện chính bao gồm trực tiếp và trực tuyến: 
  • >44: hoạt động đào tạo 
  • >126: phiên tư vấn huấn luyện:
  • 03: Thị trường quốc tế mở rộng gồm: Nhật Bản, Canada, Hà Lan
  • 42: Chương trình/ Dự án thiết kế và vận hành bởi KisStartup và KisImpact
  • 09 : cặp mentee và mentor được thiết lập tại chương trình SME  mentoring 1on1
  • 125: Kết nối bao gồm doanh nghiệp, startups, nhà đầu tư trong nước và quốc tế

Với chúng tôi, những con số không chỉ nói lên nỗ lực mà đằng sau mỗi con số, đó là những câu chuyện của những khách hàng, sự tiến bộ của đội ngũ và là nguồn năng lượng từ những bài học thành công, thất bại, cho sự dũng cảm điều chỉnh và thay đổi. 

Đối với đối tác, cộng sự và khách hàng chúng tôi hy vọng những con số sẽ phần nào giúp bạn hiểu hơn về chúng tôi để đặt nền tảng cho niềm tin và những hợp tác bền vững trong tương lai. Đặc biệt, xin gửi lời cảm ơn chân thành đến mạng lưới kết nối và hợp tác trong hệ sinh thái KisStartup vì những nỗ lực và sự hỗ trợ to lớn mà chúng tôi không thể dùng thang đo thích hợp nào để lượng hóa.

Từ đội ngũ KisStartup.

Tác giả: 
KisStartup

Cam kết thúc đẩy Đổi mới sáng tạo trong ngành nhà hàng, ẩm thực Việt Nam

Ngày 22.11.2023, đại diện của KisStartup chính thức trở thành thành viên Ban Chấp hành của Hội nhà hàng Việt Nam (RAV). Theo đó, bà Nguyễn Đặng Tuấn Minh - Sáng lập và CEO của KisStartup trở thành 1 trong 17 thành viên BCH của RAV nhiệm kỳ 2023-2027, phụ trách mảng Đổi mới sáng tạo (Innovation). KisStartup thực hiện phát triển Trung tâm đổi mới sáng tạo ẩm thực CFBI và đồng thời thúc đẩy các sáng kiến, đầu tư, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo trong ngành nhà hàng, ẩm thực thông qua chương trình Food Innovation, Digital Transformation and Sustainability. 

Chúng tôi sẽ tập trung vào thúc đẩy các giải pháp đổi mới sáng tạo bền vững trong các nhà hàng   khách sạn nói riêng, ngành ẩm thực nói chung. Đồng thời, chúng tôi cũng tạo cơ hội để các startup có thể giới thiệu giải pháp đến nhà hàng khách sạn. Trong ngày 22.11.2023, 3 startup điển hình đã được lựa chọn để pitching ý tưởng đến các chủ nhà hàng. Các giải pháp được đánh giá cao về công nghệ, tiềm năng ứng dụng nhằm nâng cao hiệu suất của nhà hàng, khách sạn như Trainizi; Fuwa3E; VinaStraw. 

Chúng tôi cam kết thúc đẩy mạnh mẽ network để giúp các doanh nghiệp ngày càng phát triển bền vững và hiệu quả hơn thông qua các chương trình ươm tạo, đào tạo, tư vấn và thúc đẩy xuất khẩu. 

Tác giả: 
KisStartup

Khóa đào tạo Thiết kế tour Du lịch sáng tạo : Du lịch trải nghiệm & Du lịch cộng đồng

Khóa đào tạo Thiết kế tour Du lịch sáng tạo : Du lịch trải nghiệm & Du lịch cộng đồng do KisImpact và KisStartup thực hiện trong khuôn khổ chương trình Ươm tạo “Mô hình kinh doanh trên nền tảng Di sản và Văn hóa”.
Tham gia ngay để:

  • Biết được cách tự thiết kế tour du lịch và cách xây dựng giá tour du lịch
  • Biết cách tự đi khảo sát, thu thập thông tin, và cách nhận diện nguồn lực như tài nguyên thiên nhiên, các giá trị văn hóa di sản (di sản vật thể và phi vật thể)
  • Tự vẽ được chân dung đối tượng khách du lịch mà mình nhắm đến (đặc điểm, nhu cầu, kỳ vọng hay mong đợi,..)
  • Nhận biết được các yếu tố ảnh hưởng đến thiết kế tour (thời gian, khoảng cách di chuyển giữa các điểm, các điểm nhấn, câu chuyện, và cách tính giá tour cơ bản theo các mùa du lịch thấp điểm/cao điểm)
  • Thử nghiệm thiết kế tour của riêng mình, sau đó trình bày và giới thiệu sản phẩm tour
  • Nắm bắt và sử dụng các công cụ quảng bá tour hiệu quả sử dụng mạng xã hội

Hình thức: Khóa đào tạo trực tuyến qua Zoom
Thời gian: 10 buổi (mỗi buổi 1.5h)
Form đăng ký: >>TẠI ĐÂY

-------------------------------------
Chuyên gia giảng dạy:
1. Ông Siu Hril: Thạc sỹ Quy hoạch Phát triển Du lịch Cộng đồng và Bảo tồn Văn hóa. Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Tác Động và Bền vững - Center for Impact Innovation, and Sustainability (gọi tắt là CIIS) trực thuộc Công ty TNHH Doanh nghiệp Xã hội KisImpact. Ông có kinh nghiệm trên 10 năm trong ngành du lịch, và là đồng sáng lập Plei Jrai nhằm liên kết các nghệ nhân và cộng đồng trong vùng cho các hoạt động bảo tồn và duy trì văn hóa Jrai. Từng tư vấn/cố vấn cho các dự án như: Di sản Văn hóa Sống, Kết nối và Sưu tập Di sản số của Hội đồng Anh; Hoạt động nghiên cứu, đánh giá, tư vấn chiến lược về Digital Transformation trong du lịch do Dự án GREAT đã triển khai tại Lào Cai và Sơn La; Dự án về du lịch cộng đồng và bảo tồn văn hóa như du lịch Cao Nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang; Vườn quốc gia Kon Ka Kinh, Gia Lai.
2. Bà Nguyễn Đặng Anh Minh: Tiến sĩ Lịch sử và Nhân học tôn giáo, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Dân tộc học và Kinh tế trên nền tảng văn hoá (Center for Ethnology and Culture-based economy) (CECE) thuộc công ty TNHH Doanh nghiệp Xã hội KisImpact, có kinh nghiệm 14 năm nghiên cứu và làm việc với các nhóm dân tộc thiểu số ở miền Trung và Tây Nguyên Việt Nam. Bà đồng thời là đồng sáng lập Plei Jrai (2016) nhằm hỗ trợ và tư vấn các nghệ nhân xây dựng và thực hiện các dự án bảo tồn, thiết kế các sản phẩm mới và các tour du lịch trên cơ sở các giá trị văn hoá của cộng đồng. Bà cũng là cố vấn cho dự án ‘Hoạt động nghiên cứu, đánh giá, tư vấn chiến lược về Digital Transformation trong nông nghiệp và du lịch do Dự án GREAT triển khai ở Lào Cai và Sơn La (2022).
3. Bà Nguyễn Đặng Tuấn Minh: Quản lý và đồng sáng lập KisStartup, hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và cố vấn khởi nghiệp với sứ mệnh đồng hành cùng các doanh nghiệp khởi nghiệp trong hoạt động nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo hiệu quả hơn, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cộng đồng. Bên cạnh đó, bà Tuấn Minh là chuyên gia đổi mới và kinh doanh điện tử, với 15 năm kinh nghiệm làm việc trong tư vấn, huấn luyện và đào tạo về tinh thần kinh doanh, phát triển kinh doanh, và quản lý doanh nghiệp kỹ thuật số. Năm 2018, bà được Bộ ngoại giao Mỹ lựa chọn là 1 trong 16 lãnh đạo nữ toàn cầu tham gia chương trình Hợp tác Cố vấn dành cho Phụ nữ Toàn cầu của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cùng với đại diện từ 13 quốc gia khác trên thế giới.


Liên hệ với chúng tôi để tìm hiểu thông tin chi tiết:

SĐT: 0396292442 (Ms. Xuân)

Email: hello@kisstartup.com

Mở đơn chương trình ươm tạo giải pháp công nghệ từ thảo dược S-Herb CSK (Mùa 1)

KisStartup và phối hợp với Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp - Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-CSK) chính thức mở đơn đăng ký Chương trình ươm tạo giải pháp đổi mới sáng tạo về dược liệu - Mùa 1 (S-Herb CSK Mùa 1) ( dựa trên mô hình Vườn ươm các giải pháp đổi mới sáng tạo về dược liệu nói chung, gọi tắt là: S-Herb do KisStartup khởi xướng). Chương trình với mục tiêu cụ thể như sau:

  1. Mục tiêu ươm tạo:

- Trọng tâm là phát triển các dự án thành lập được doanh nghiệp và sản phẩm về thảo dược và dược liệu được thị trường, nhà đầu tư chấp nhận
- Tạo nên mạng lưới kết nối với các doanh nghiệp lớn, tập đoàn, các nhà đầu tư, người mua hàng tiềm năng để phát triển các dự án vườn ươm S-Herb CSK trong dài hạn
       2. Chương trình dành cho các dự án có công nghệ / sản phẩm ĐMST/ vùng nguyên liệu về thảo dược, thảo mộc, gia vị cần:
- Đào tạo: về sử dụng các công cụ xây dựng mô hình kinh doanh hiệu quả
- Huấn luyện: Cầm tay chỉ việc thực hiện các nội dung được đào tạo trực tiếp trên dự án
- Thương mại hóa công nghệ/ sản phẩm
- Đầu tư / kết nối đầu tư cho các dự án bằng hỗ trợ mềm và tài chính
- Đồng hành và phát triển: cùng các dự án trong 4-10 năm vì mục tiêu tạo tác động và bền vững
- Kết nối mạng lưới quan trọng giúp dự án phát triển gồm đối tác, khách hàng, các chương trình thực hiện tại KisStartup & KisImpact

       3. Đối tượng ươm tạo:

- Các dự án là các doanh nghiệp từ 0- 5 năm tuổi trong lĩnh vực dược liệu, bao gồm công nghệ và cả không sử dụng công nghệ (ví dụ vùng nguyên liệu).
- Riêng các dự án đến từ CSK thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội khuyến khích có hàm lượng công nghệ cao

       4. Đăng ký tham gia tại đây: >>TẠI ĐÂY 

       5. Thời gian mở đơn: từ 14.08.2023 đến 31.08.2023

Thông tin cần trao đổi vui lòng liên hệ:

SĐT: 0396 292 442 (Ms. Xuan)
Email: hello@kisstartup.com

Hội nghị Đổi mới sáng tạo giải quyết các thách thức ngành Thủy sản và cuộc thi đổi mới sáng tạo ngành thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu 2023 và Hợp tác phát triển chương trình Ươm tạo Kinh tế biển

Ngày 06.07.2023, Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức Hội nghị “Đổi mới sáng tạo giải quyết các thách thức ngành thủy sản và Phát động cuộc thi Đổi mới sáng tạo ngành thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2023”

Hội nghị là cơ hội để các sở ban ngành, hiệp hội thủy sản, các doanh nghiệp, các chuyên gia trong ngành thủy sản chia sẽ về thực trạng và khó khăn của ngành thủy sản đang phải đối mặt. Ngoài ra, chương trình hội nghị đã chính thức phát động cuộc thi Cuộc Thi Đổi Mới Sáng Tạo Ngành Thủy Sản Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2023. Sau 4 năm triển khai, cuộc thi năm nay có có sự đổi mới trong cách tiếp cận, có mục tiêu thực tiễn cùng lộ trình hỗ trợ chuyên sâu cho các dự án. Cuộc thi không chỉ tìm kiếm các ý tưởng, mô hình đổi mới sáng tạo ngành thủy sản mà còn mong muốn kết nối các giải pháp có thể giải quyết các vấn đề thực tế ngành thủy sản, do các các doanh nghiệp trực tiếp tham gia đặt đề bài về các khó khăn và thách thức mà doanh nghiệp đang phải đối mặt. Từ đó, chương trình tạo ra kết nối để các dự án trong và ngoài tỉnh cùng tham gia giải quyết trong khuôn khổ cuộc thi và có các định hướng hỗ trợ phù hợp, hướng tới thương mại hóa các giải pháp khả thi để ứng dụng vào thực tiễn.

Trong chương trình hội nghị cũng đã tuyên bố ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác Chương trình kinh tế biển ngành thủy sản tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu (Gọi tắt là IMEP Vũng Tàu), giữa Văn phòng thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu và Công ty cổ phần KisStartup nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của 2 đơn vị và thúc đẩy các hoạt động ươm tạo hướng tới cùng xây dựng mô hình đổi mới sáng tạo kinh tế biển ngành thủy sản theo hướng bền vững và hỗ trợ kết nối xây dựng mạng lưới hệ sinh thái kinh tế biển tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Cụ thể, KisStartup sẽ:

  • Cùng đồng hành các hoạt động và đào tạo trong Cuộc Thi Đổi Mới Sáng Tạo Ngành Thủy Sản Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Năm 2023, tìm ra các đề bài doanh nghiệp, kết nối và truyền thông đến các dự án trong và ngoài tỉnh có các giải pháp đổi mới sáng tạo tham gia để giải quyết các thách thức đặt ra của  doanh nghiệp và ngành thủy sản kinh tế biển địa phương 
  • Lựa chọn tài trợ 03 giải thưởng cho dự án trong ngành kinh tế biển ươm tạo cho các dự án trong chương trình ươm tạo kinh tế biển sau cuộc thi.
  • Hướng đến cùng xây dựng và thì điểm triển khai chương trình ươm tạo kinh tế biển phù hợp đặc thù địa phương ( gọi tắt là IMEP Vũng Tàu) dựa trên mô hình ươm tạo kinh tế tế biển (IMEP) do KisStartup phát triển 

Về Chương trình IMEP xem lại >>Tại đây 

Xem lại  thông tin chi tiết về sự kiện >>Tại đây

Tác giả: 
KisStartup

Mở đơn đăng ký chương trình Ươm tạo Mô hình kinh doanh trên nền tảng Di sản và Văn hóa

Chương trình ươm tạo do KisStartup phối hợp cùng KisImpact thực hiện, nhắm đến:

Đối tượng:

  1. Các dự án khởi nghiệp trên nền tảng văn hóa và di sản
  2. Các doanh nghiệp mong muốn phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới trên nền tảng văn hóa và di sản
  3. Các tổ chức / cộng đồng mong muốn xây dựng các chương trình và mô hình kinh doanh mới trên nền tảng văn hóa và di sản

Các hoạt động:

  1. Đào tạo: Đào tạo về sử dụng các công cụ giúp nhận diện và xây dựng MHKD trên nền tảng văn hóa và di sản
  2. Huấn luyện: Cầm tay chỉ việc thực hiện các nội dung được đào tạo trực tiếp trên dự án
  3. Đầu tư giai đoạn sớm: Đầu tư trực tiếp cho các dự án bằng hỗ trợ mềm và tài chính
  4. Đồng hành và phát triển dự án thông qua cố vấn khởi nghiệp, cố vấn chuyên môn: Đồng hành và phát triển cùng các dự án trong 4-10 năm
  5. Kết nối mạng lưới: Đưa ra các kết nối mạng lưới quan trọng giúp dự án phát triển gồm đối tác, khách hàng,các chương trình thực hiện tại KisStartup & KisImpact

Vui lòng điền form đăng ký theo link: TẠI ĐÂY 

Thời gian mở đơn: 1.3.2023

Thời gian đóng đơn: 23.3.2023

Liên hệ: Ms. Xuân (+84.396292442)

Email: hello@kisstartup.com

Khai thác tài sản trí tuệ của doanh nghiệp- Có khả thi tại Việt Nam

Trong khuôn khổ hợp tác giữa tạp chí Tia sáng và Làng Đổi mới sáng tạo mở Tập đoàn và doanh nghiệp – Techfest Vietnam 2022, chúng tôi sẽ đăng một loạt bài về những trường hợp doanh nghiệp tiên phong đầu tư trong đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ.

“Since + năm” trở thành một cụm từ đầy kiêu hãnh tự hào đứng cạnh các biểu tượng thương hiệu, bởi lẽ tuổi đời của một thương hiệu là một minh chứng quan trọng cho những giá trị theo đuổi, và cũng bởi nói bao nhiêu cũng là không đủ, chỉ có sự tồn tại và phát triển của công ty là minh chứng mạnh mẽ nhất cho chữ tín, khả năng thích ứng và được thị trường công nhận của doanh nghiệp. “Since 1970” của Minh Long cũng là một thông điệp như vậy. Khó đếm hết được các bài viết về “Vua gốm sứ Lý Ngọc Minh”, những câu chuyện khởi nghiệp, cuộc đời và văn hóa mà Minh Long theo đuổi. Cũng không hề ít bài báo nói về những đột phá về công nghệ của Minh Long như công nghệ nung một lần, rồi gần đây là công nghệ cho dòng sản phẩm dưỡng sinh  chiếc nồi sứ công nghệ, có khả năng dẫn nhiệt tốt và chịu được sốc nhiệt lên đến 8000C (trên thế giới hiện chỉ đạt 500-6000C). Có một xu hướng trên thế giới theo thống kê là vòng đời của một doanh nghiệp đang ngày càng ngắn lại, những doanh nghiệp trường tồn đương nhiên phải trải qua rất nhiều cuộc cách mạng, rất nhiều những câu chuyện mới để lột xác và sống sót. Người viết bài này không có ý định khai thác góc nhìn về sự thành công của Minh Long, mà thực chất muốn đặt ra những câu hỏi, những hướng đi mới trong tương lai của Minh Long và những công ty tương tự khi sở hữu trong tay những công nghệ mới, có khả năng giúp sản phẩm cạnh tranh vượt trội ở Việt Nam và trên thế giới. Khả năng sống sót và phát triển tự thân nó hàm chứa bên trong rất nhiều những đổi mới sáng tạo diễn ra hằng ngày hằng giờ. Để khai thác hết những đổi mới này và thương mại hóa nó có lẽ là một hướng đi không hề đơn giản và hàm chứa nhiều câu hỏi cần được trả lời. 

Thói quen “sáng chế mọi thứ” và xu hướng đóng gói dịch vụ và khai thác tài sản trí tuệ cho đổi mới sáng tạo phục vụ đa mục tiêu

Cuộc chiến sở hữu trí tuệ (SHTT) giữa các công ty công nghệ hàng đầu trên thế giới vốn tốn rất nhiều giấy mực của báo chí trong những năm gần đây khiến người ta không nghi ngờ gì mà gọi quyền SHTT là vũ khí của doanh nghiệp trong nền kinh tế trên nền tảng tri thức. Trong bài viết mới nhất trên WIRED, sự ám ảnh của việc nắm giữ và khai thác sáng chế đã khiến các doanh nghiệp công nghệ lớn (big tech) lao vào một cuộc đua về sáng chế. Thói quen –“sáng chế mọi thứ” và xu hướng đóng gói dịch vụ và khai thác tài sản trí tuệ cho đổi mới sáng tạo phục vụ đa mục tiêu trở thành một thói quen quan trọng. 

Những sáng tạo của Minh Long có thể là những ý tưởng “độc nhất vô nhị” trong ngành gốm sứ trên toàn thế giới. Bảo vệ, bảo hộ những ý tưởng lớn, ý nghĩa không chỉ là một cách thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong SMEs mà còn tăng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp này trước các tập đoàn lớn, trước các tập đoàn nước ngoài không chỉ trong phạm vi quốc gia mà còn trên trường quốc tế.

“Sáng chế hóa” và đăng ký sáng chế không lạ lẫm gì với các tập đoàn công nghệ lớn như Amazon, Apple, Google hay Microsoft, Intel. Những sáng chế này không chỉ đến từ bộ phận nghiên cứu phát triển của công ty mà còn từ mọi nhân viên của công ty và được bộ phận pháp lý nội bộ lo phần đăng ký. Sau khi được đăng ký, các sáng chế này sẽ được đưa vào khai thác và sử dụng. Có thể sẽ có những sáng chế không bao giờ được dùng tới, hoàn toàn có thể trở thành những vũ khí lợi hại cho doanh nghiệp trong rất nhiều hoàn cảnh. Bởi lẽ bảo hộ các tài sản trí tuệ và đặc biệt là sáng chế không chỉ giúp các doanh nghiệp khai thác hiệu quả nguồn lực chất xám trong chính doanh nghiệp mình, mà còn giúp các nhà sáng chế trong doanh nghiệp có thêm những nguồn thu nhập, sự ghi nhận và đồng thời gắn bó với doanh nghiệp. Theo Alan Fisch của Fisch Sigler, một công ty tố tụng bằng sáng chế hàng đầu ở Washington, D.C, “bằng sáng chế là một cách để công ty tạo sự khác biệt, bằng sáng chế có thể bảo vệ sự đổi mới, tạo ra giá trị cấp phép, nâng cao thương hiệu và khen thưởng những nhân viên đổi mới – tất cả đều góp phần tạo nên bản sắc công ty lớn hơn”.1

Sớm  nhận ra những tiềm năng và sự lợi hại của thứ vũ khí có thể mang lại từ tài sản trí tuệ, các quốc gia châu Á lớn cũng sớm gia nhập cuộc đua này, các doanh nghiệp tập đoàn lớn của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều tham gia rất nhanh và mạnh mẽ. Các doanh nghiệp nhanh chóng đăng ký sáng chế cho các công nghệ mình phát triển được và sớm đưa nó vào thành một công cụ cho marketing, phát triển sản phẩm mới. 

Xu hướng này không chỉ được bắt gặp ở các công ty công nghệ lớn, những công ty vốn sản xuất và kinh doanh các sản phẩm hữu hình cũng thể hiện rõ những hoạt động này. Uniqlo, nhãn hiệu thời trang hàng đầu Nhật Bản định vị mình không phải là một hãng thời trang mà là một công ty công nghệ. Việc dành thời gian nghiên cứu phát triển các loại vải công nghệ để phục vụ người tiêu dùng với những sản phẩm có chất lượng cao trở thành một tôn chỉ của Uniqlo. Nói đến việc khai thác sáng chế của Uniqlo, không thể không kể đến ba sáng chế quan trọng được truyền thông nhắc đến rất nhiều, đồng thời cũng tạo ra nét đặc trưng có một không hai của Uniqlo đó là HeatTech (công nghệ sản xuất vải giữ nhiệt), LifeWear (công nghệ thiết kế đơn giản, hữu dụng, có tính thẩm mĩ và thời trang vượt thời gian) và AIRism (công nghệ sản xuất vải thấm hút mồ hôi, nhưng khô nhanh và tỏa nhiệt nhanh). Đúng với tôn chỉ của mình là một công ty hiện đại, Uniqlo áp dụng công nghệ cao, phát triển lối sống mới – ăn mặc tối giản và tối ưu hóa trải nghiệm của khách hàng thông qua kinh doanh trực tuyến cũng như số hóa quy trình kinh doanh. Dữ liệu thu về từ những trải nghiệm của khách hàng giúp Uniqlo đáp ứng tốt hơn nhu cầu của họ, đồng thời giúp các đối tác của Uniqlo linh hoạt hơn, ứng biến tốt hơn. Nếu nghiên cứu kỹ hơn về chuỗi giá trị toàn cầu của Uniqlo, có thể thấy, doanh nghiệp này sử dụng hiệu quả các kiến thức kỹ thuật công nghệ, nhằm trang bị cho các đối tác của mình các kỹ năng nghiệp vụ cần thiết để họ có khả năng ứng biến cao, không chỉ đáp ứng nhu cầu của Uniqlo mà còn đáp ứng nhu cầu của thị trường. Nghe thì có vẻ mâu thuẫn, nhưng chính tư duy mở, đưa tri thức và công nghệ của mình chia sẻ với đối tác, giúp họ độc lập tự chủ không lệ thuộc vào mình lại là cách củng cố vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu của mình một cách hiệu quả nhất.

Ảnh: Cục Sở hữu trí tuệ

Đến câu chuyện tiềm năng khai thác tài sản trí tuệ của một thương hiệu hơn 50 tuổi

Quay trở lại câu chuyện của Minh Long, khi năm 2018, công ty này đưa ra một sản phẩm có thể gọi là có một không hai trên thế giới. Đây cũng không phải lần đầu Minh Long có những công nghệ đột phá như vậy. Làm chủ công nghệ, tạo ra những màu men thế giới chưa thể làm được, tạo ra những sản phẩm thượng hạng với công nghệ mới nung một lần để tiết kiệm năng lượng, thời gian và công sức; hay đưa ra sản phẩm nồi bằng sứ có khả năng chịu sốc nhiệt cao, an toàn cho người sử dụng. Xét về giá trị tác động đến môi trường của sản phẩm thì đột phá này thực sự có tiềm năng rất lớn lao trên toàn thế giới bởi nó là chiếc nồi tiết kiệm nước và điện. Dù chưa có con số chính thức từ phía Minh Long tính toán nhưng với những tính năng này, chiếc nồi có thể giúp tiết kiệm nước và điện đun nấu. Tại Minh Long, con số mà ông Minh đưa ra là tiết kiệm tới 30% điện năng sử dụng. 

Xét về tính mới của công nghệ, rất nhiều doanh nghiệp gốm sứ quan tâm đến nồi dưỡng sinh của Minh Long và tiềm năng xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường khó tính như châu Âu rất lớn.

Ông Minh từng kể câu chuyện khi sang nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc nghiên cứu về chiếc nồi với công nghệ mới của họ có khả năng chịu sốc nhiệt cao tới hơn 6500C, có một đối tác ngỏ ý muốn chuyển giao công nghệ cho ông với một mức giá rất cao. Chưa kể, sau khi được khai thác sáng chế này của họ, doanh nghiệp của ông còn cần phải mua đất của họ để có thể sản xuất được sản phẩm và mỗi một sản phẩm bán được sẽ phải tiếp tục trả cho họ một khoản tiền. Ông Minh đã từ chối lời đề nghị này và quyết tâm phát triển công nghệ của riêng mình. Trên thực tế, với nỗ lực đáng khâm phục, trong vòng 15 năm ông đã phát triển được công nghệ của riêng mình, chủ động hoàn toàn trước đối tác. Nhưng nhìn ở khía cạnh khác của câu chuyện, đối tác nước ngoài bán một mô hình kinh doanh bằng khai thác tài sản trí tuệ mà họ sở hữu. Trên thế giới, không nhiều doanh nghiệp có khả năng về tài chính, nhân lực và quyết tâm theo đuổi như ông Minh và Minh Long. Rất nhiều doanh nghiệp theo đuổi công nghệ này đều mất 7-8 năm và bỏ cuộc chơi theo đuổi công nghệ và đỉnh cao chất lượng sản phẩm như vậy. Đúng như nhận định của Rita Gunther Mcgrath – “Những công ty gia đình có đủ thời gian theo đuổi những điều đúng đắn, nên lợi thế về giá cả và mô hình kinh doanh sẽ tồn tại lâu bền. Họ có thể đầu tư vào khoa học chuyên sâu vì họ sở hữu tư nhân trong một thời gian dài”2. Với những lợi thế hiện có và công nghệ với nhiều tính năng đặc biệt như Minh Long, trên lý thuyết, rất có tiềm năng đóng gói và phát triển công nghệ theo hướng một mô hình kinh doanh mới trong khi vẫn tiếp tục tối ưu mô hình kinh doanh hiện tại. Câu hỏi đặt ra với chính chúng tôi khi tìm hiểu về Minh Long là liệu Minh Long có ý định phát triển mô hình kinh doanh theo hướng này không? 

Bằng con đường phát triển mô hình kinh doanh mới từ những tiềm năng của công nghệ sẵn có 

Một công ty như Minh Long thay vì chỉ sản xuất các sản phẩm có chất lượng tốt, cũng có thể sẽ trở thành công ty công nghệ gốm sứ và chuyển giao công nghệ ra khắp thế giới nếu những cải tiến, công nghệ đã được thực hiện trong suốt quá trình sản xuất được đóng gói và định hướng thương mại hóa.  

STT Các cấu phần của mô hình kinh doanh MHKD truyền thống MHKD mới
1 Sản phẩm dịch vụ Sản phẩm hữu hình SP hữu hình

Tài sản trí tuệ

Chuyển giao công nghệ

2 Phân khúc Khách hàng Khách hàng truyền thống Khách hàng truyền thống

Doanh nghiệp cần mua/chuyển giao công nghệ

3 Các dòng doanh thu Từ bán sản phẩm truyền thống Từ bán sản phẩm truyền thống

Từ chuyển giao công nghệ / cho thuê tài sản trí tuệ

Từ các khoản đầu tư sử dụng tài sản trí tuệ như một nguồn lực để đầu tư

4 Các nguồn lực chính Nhà xưởng máy móc Nhà xưởng máy móc, nhân lực, tài lực

Tài sản trí tuệ

5 Các hoạt động chính Sản xuất sản phẩm

Kinh doanh sản phẩm

Sản xuất sản phẩm

Kinh doanh sản phẩm

Nghiên cứu phát triển

Đăng ký và thương mại hóa tài sản trí tuệ

Thử làm một phép so sánh đơn giản giữa một số cấu phần quan trọng Mô hình kinh doanh kiểu truyền thống và mô hình kinh doanh kiểu mới của các doanh nghiệp vốn từ trước tập trung vào các sản phẩm hữu hình. 

Với câu chuyện của Minh Long, doanh nghiệp này có đầy đủ các yếu tố tiềm năng xét về lý thuyết để chuyển giao công nghệ hoặc khai thác các sáng chế cải tiến hữu ích và chuyển giao ngược lại cho những hãng lớn hay biến thành tài sản đầu tư. 

Tuy vậy, hướng đi này có hoàn toàn khả thi? 

Là một doanh nghiệp khoa học công nghệ điển hình của tỉnh Bình Dương, Minh Long hoàn toàn hiểu rõ giá trị của những kết quả nghiên cứu của mình. Việc đăng ký bằng sáng chế trong đó có hai dự án lớn là công nghệ một lần nung và nồi sứ dưỡng sinh Minh Long là một trong hai đề tài lớn của Minh Long và sẽ được thực hiện trong tương lai. Tuy nhiên, lý giải cho việc chưa hình thành mô hình kinh doanh mới theo hướng này tại thời điểm hiện tại, Minh Long cho rằng có nhiều lý do: (1) Doanh nghiệp tập trung sản xuất sản phẩm dịch vụ, chưa có thời gian để đóng gói những công nghệ này và khi muốn đóng gói, phải thực sự phân tích và nghiên cứu sâu nhu cầu của người dùng trước khi thực sự biến thành hàng hóa – điều này có rủi ro khiến Minh Long xa rời hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình (2) Doanh nghiệp chưa thấy nhu cầu đủ lớn từ thị trường chuyển giao/cho thuê công nghệ (3) Nhận thức và hiện trạng thị trường chưa đủ quy tụ các yếu tố cần thiết cụ thể là môi trường pháp lý và thực thi pháp luật để bảo hộ cho các tài sản công nghệ của Việt Nam còn rất yếu. Minh Long là một trong những thương hiệu có sản phẩm bị làm giả làm nhái rất nhiều và gần như không thể xử lý được. Mẫu mã, kiểu dáng công nghiệp, thương hiệu của các sản phẩm được đăng ký nhiều nhưng bị sử dụng, nhái tràn lan trên thị trường và khó giải quyết triệt để đã dẫn đến những tín hiệu không hề tích cực, trở thành những vấn đề không hề nhỏ trong việc thực thi những mô hình kinh doanh mới theo hướng kể trên. 

Với những lợi thế hiện có và công nghệ với nhiều tính năng đặc biệt như Minh Long, trên lý thuyết, rất có tiềm năng đóng gói và phát triển công nghệ theo hướng một mô hình kinh doanh mới trong khi vẫn tiếp tục tối ưu mô hình kinh doanh hiện tại.

Điều đó cho thấy, khi điều kiện hội tụ đầy đủ, chắc chắn chúng ta sẽ có những doanh nghiệp khoa học công nghệ sở hữu những công nghệ có thể vươn ra các thị trường quốc tế, tài sản trí tuệ của doanh nghiệp khi đó có thể được sử dụng với nhiều mục đích và khai thác hiệu quả hơn. 

Vai trò của nhà nước trong hỗ trợ doanh nghiệp thương mại hóa các kết quả nghiên cứu phát triển

Các chương trình hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ ở Việt Nam chủ yếu mới chỉ dừng lại ở việc gia tăng nhận thức về tầm quan trọng của việc đăng ký sở hữu trí tuệ và tập trung hướng tới các trường đại học và viện nghiên cứu. Trong khi những đối mới sáng tạo của các doanh nghiệp SMEs – chiếm đại đa số các tổ chức kinh doanh ở Việt Nam thì lại chưa được chú trọng. Mặc dù trong những năm qua, số lượng sáng chế của doanh nghiệp đăng ký có xu hướng gia tăng mạnh mẽ nhưng tỷ lệ của doanh Việt Nam so với doanh nghiệp nước ngoài vẫn rất khiêm tốn.

Những sáng tạo của Minh Long có thể là những ý tưởng “độc nhất vô nhị” trong ngành gốm sứ trên toàn thế giới. Bảo vệ, bảo hộ những ý tưởng lớn, ý nghĩa không chỉ là một cách thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong SMEs mà còn tăng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp này trước các tập đoàn lớn, trước các tập đoàn nước ngoài không chỉ trong phạm vi quốc gia mà còn trên trường quốc tế.

Chiến dịch quảng cáo của Uniqlo năm 2017, trong ảnh là họ đang biểu diễn đặc điểm của loại vải siêu nhẹ. Ảnh: wwd.com

Việt Nam có thể học cách làm của Chính phủ Anh trong3 việc đồng hành cùng các SMEs nhận ra, bảo vệ và khai thác những tài sản trí tuệ của mình. Các tài sản trí tuệ bao gồm (nhưng không giới hạn ở) nhãn hiệu, bằng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và bản quyền. Nghiên cứu của họ cho thấy, chỉ riêng việc sử dụng nhãn hiệu (Trade mark) – tài sản trí tuệ dễ đăng ký nhất, đã có mối liên hệ với đổi mới sáng tạo tốt hơn, tăng trưởng nhanh hơn và năng suất lớn hơn của doanh nghiệp.

Chương trình của Chính phủ Anh do Cục Sở hữu trí tuệ (IPO) của nước này khởi xướng, nhưng không được thực hiện một cách độc lập mà liên kết với tất cả các chương trình khác của chính phủ như: Hội đồng Chiến lược Công nghệ, Thư viện Quốc gia Anh, Hội đồng Thiết kế, Dịch vụ Tư vấn Sản xuất,… để không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp về sở hữu trí tuệ mà còn hướng dẫn họ sử dụng tài sản đó một cách hiệu quả nhất.

Chương trình này có hai điểm nhấn đáng lưu ý: (1) Xây dựng các công cụ và chương trình đào tạo online để doanh nghiệp “đủ hiểu” về sở hữu trí tuệ và (2) Xây dựng các dịch vụ giá rẻ và miễn phí để tư vấn về việc làm sao tích hợp những tài sản trí tuệ (IP) với mô hình kinh doanh của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp thế nào là “đủ hiểu” về sở hữu trí tuệ? Theo khảo sát, chương trình của Anh đúc rút rằng, SMEs không có nhu cầu hiểu về tài sản trí tuệ quá chi tiết mà chỉ cần những kiến thức cơ bản để có thể xác định được giá trị và các nguy cơ trong các tài sản trí tuệ mà họ đang sở hữu. Nói cách khác “đủ biết” là biết khi nào cần thuê luật sư và chi phí cho việc đó là bao nhiêu, và họ sẽ mất gì nếu không làm như vậy. Bởi vậy, các khóa học và công cụ online của họ được thiết kế rất dễ tiếp cận với doanh nghiệp: nội dung được chia theo từng lĩnh vực kinh doanh, các bài giảng xoay quanh nhiều trường hợp thực tế và có diễn đàn trực tuyến để họ hỏi ý kiến chuyên gia.

Để cung cấp những dịch vụ giá rẻ và miễn phí giúp doanh nghiệp tận dụng được các tài sản trí tuệ trong kinh doanh, Cục sở hữu trí tuệ của Anh phải “huy động” và liên kết với các cơ quan và chương trình khác sẵn có của Chính phủ Anh. Chẳng hạn như họ kết hợp tư vấn về phát triển các chiến lược để khai thác những đổi mới sáng tạo và IP trong chương trình Huấn luyện doanh nghiệp tăng trưởng của Bộ Kinh doanh, Đổi mới sáng tạo và kĩ năng của Anh. Hay họ kết hợp với Hội đồng Chiến lược Công nghệ để hình thành một chương trình hỗ trợ các SMEs vừa tiếp cận vốn, công nghệ mới, kết hợp với viện – trường đại học và vừa bảo vệ và tận dụng IP của mình trong quá trình đó.

Thậm chí, không cần chờ các chương trình quốc gia, bản thân các tỉnh, thành phố cũng có thể xây dựng trước một chương trình tương tự. Trên thực tế, ở Canada, nhận thức được sự nghiêm trọng của việc SME không khai thác tài sản trí tuệ hiệu quả, một số tỉnh không chờ chính phủ liên bang hành động. Vào năm 2020, Ontario đã đưa ra Kế hoạch hành động IP để thành lập một cơ quan cấp tỉnh mới, Cơ quan tài nguyên tập trung về sở hữu trí tuệ. Cơ quan này không chỉ hỗ trợ các doanh nhân có thể tiếp cận với các thông tin và chuyên gia pháp lí về sở hữu trí tuệ.4  

———

1 https://www.wired.com/story/big-tech-patent-intellectual-property/

2 Đổi mới mô hình kinh doanh. Harvard Business Review. Alphabooks, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân. 2022

3 https://assets.publishing.service.gov.uk/government/uploads/system/uploa...

4 https://policyoptions.irpp.org/magazines/november-2021/businesses-need-p...

Tác giả: 
Nguyễn Đặng Tuấn Minh

Huấn luyện Đổi mới Mô hình kinh doanh

Đổi mới mô hình kinh doanh là nhu cầu thiết yếu và liên tục của doanh nghiệp, đặc biệt là giai đoạn sau COVID 19, để thích ứng hiệu quả với những thay đổi của thị trường và xu hướng tiêu cùng mới. Dịch vụ huấn luyện giúp đổi mới mô hình kinh doanh tại KisStartup giúp doanh nghiệp

  • Tìm kiếm những dòng doanh thu mới thông qua phát triển sản phẩm dịch vụ mới, hoặc phát triển khách hàng mới hoặc sáng tạo các giá trị mới
  • Tìm kiếm những nguồn lực mới, động lực mới cho Đổi mới sáng tạo toàn diện như ứng dụng công nghệ số, nâng cao năng lực nhân viên và các quản lý cấp trung
  • Xây dựng văn hóa đổi mới liên tục và khai thác những tài sản hiện có của doanh nghiệp một cách hiệu quả

TẠI SAO DOANH NGHIỆP NÊN SỬ DỤNG DỊCH VỤ

  • Nếu doanh nghiệp của bạn chưa mở rộng thị trường và bán hàng hiệu quả, bạn cần những kênh bán hàng và đội ngũ nhân sự nhạy bén
  • Nếu doanh nghiệp của bạn phát triển sản phẩm dịch vụ mới nhưng không tìm được khách hàng phù hợp do cạnh tranh trên thị trường quá lớn, bạn cần tìm sự phù hợp giữa sản phẩm và thị trường 
  • Nếu bạn cần một tiếng nói từ bên ngoài giúp bạn tự nhận ra vấn đề của mình và hành động nhanh chóng phù hợp
  • Nếu bạn nghĩ đến lúc doanh nghiệp mình cần phản ứng hiệu quả hơn với những biến động của thị trường bằng những công cụ mới, góc nhìn mới, cách khai thác dữ liệu mới 
  • Bạn cần người đồng hành với bạn trên chặng đường mới đầy thách thức nhưng cũng rất sáng tạo này 

HÌNH THỨC TỔ CHỨC

  • Trước huấn luyện: Nghiên cứu  hiện trạng, đánh giá hiện trạng, chuẩn bị nhân sự tham gia 
  • Trong huấn luyện: Sự tham gia của lãnh đạo cao nhất của tổ chức, các quản lý cấp cao, cấp trung 
  • Thực hành trực tiếp trên sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp
  • Sau huấn luyện: Hỗ trợ giám sát quá trình đổi mới và chủ động đổi mới của doanh nghiệp

Để biết thêm thông tin về sự kiện và được hỗ trợ tốt nhất, vui lòng liên hệ với chúng tôi tại hello@kisstartup.com 

Tác giả: 

KisStartup

Ký kết hợp tác giữa KisStartup và Đại học Hồng Đức thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong trường đại học và hệ sinh thái khởi nghiệp

Tại chương trình đối thoại “Đổi mới sáng tạo mở trong Giảng viên – Sinh viên – Nhà trường: Tạo sóng đổi mới sáng tạo trong giáo dục”, nhằm tạo dựng và phát huy tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST), tăng cường kết nối và chia sẻ các nguồn lực phát triển hệ sinh thái KNĐMST trong các cơ sở giáo dục đại học, chiều ngày 19/9/2022, Trường Đại học Hồng Đức phối hợp Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, Bộ KHCN, Bộ KHCN và Công ty cổ phần KisStarup tổ chức chương “Đổi mới sáng tạo mở trong Giảng viên – Sinh viên – Nhà trường: Tạo sóng đổi mới sáng tạo trong giáo dục”.

Trong khuôn khổ của chương trình, PGS.TS. Bùi Văn Dũng – Hiệu trưởng Nhà trường và bà Nguyễn Đặng Tuấn Minh - Trưởng Làng Công nghệ ĐMST mở, Tập đoàn tại Techfest 2022, Nhà sáng lập và điều hành KisStartup đã ký kết biên bản hợp tác về xây dựng, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp.

Theo đó KisStartup sẽ cùng nhà trường phát triển MISP-HDU, xây dựng chương trình ươm tạo và tăng tốc thúc đẩy các giải pháp khởi nghiệp ĐMST giải quyết vấn đề cho các DN VVN và Siêu nhỏ tại Thanh Hóa , đồng thời đưa các giải pháp của startup phục vụ DN VVN và Siêu nhỏ về thử nghiệm và phát triển thị trường tại Thanh Hóa. 

KisStartup cũng cùng nhà trường thúc đẩy thương mại hóa các kết quả nghiên cứu từ nhà trường thông qua chương trình ươm tạo RnD Việt Nam của KisStartup và nâng cao năng lực cho giảng viên, sinh viên nhà trường về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. 

Trường Đại học Hồng Đức với thế mạnh của mình là một trường đa ngành, nằm trong hệ sinh thái hơn 25 000 doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Thanh Hóa sẽ có tiềm năng vươn lên thành một trung tâm đổi mới sáng tạo tại vùng Bắc Trung Bộ. 
Lễ ký kết được thực hiện dưới sự chứng kiến của ông Phạm Hồng Quất , Cục Trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN, Bộ KH&CN và các thành phần khác trong hệ sinh thái khởi nghiệp. 

Tác giả: 
KisStartup

Chuyển đổi số không phải là trào lưu

Trong vài năm trở lại đây, chuyển đổi số đang trở thành một từ khóa thời thượng và chính phủ nhiều lần cổ vũ, kêu gọi mạnh mẽ doanh nghiệp tham gia trào lưu này. Tuy nhiên, đại đa số các doanh nghiệp Việt Nam đang không khỏi cảm thấy mơ hồ, thậm chí xa lạ với khái niệm này. Họ không khỏi băn khoăn: chuyển đổi số thực sự là làm gì?

Chuyển đổi số là gì?

Trong truyện Alice ở xứ sở thần tiên, khi Alice rời khỏi nhà Nữ công tước – Hậu cơ, đã hỏi chú mèo Cheshire mà cô gặp trên đường rằng cô nên đi đường nào. Mèo Cheshire đã trả lời rằng điều đó phụ thuộc vào cái đích cô muốn tới. Thế là, Alice đáp lại: “Tôi không quan tâm, miễn là đi đâu đó.”

Tony Saldanha, tác giả của cuốn sách “Tại sao chuyển đổi số thất bại: Những nguyên tắc đáng kinh ngạc để cất cánh và dẫn đầu” trong một cuộc phỏng vấn đã so sánh các doanh nghiệp chuyển đổi số cũng chẳng khác gì Alice. Ông cho rằng, 70% doanh nghiệp chuyển đổi số thất bại và nguyên nhân chính là họ không xác định được rõ ràng, cụ thể doanh nghiệp của họ cần trở thành như thế nào.

Kiến thức kỹ thuật số ở các cấp lãnh đạo là một vấn đề lớn, bắt đầu từ cấp hội đồng quản trị (HĐQT). Tony Saldahna chỉ ra chưa đến 20% thành viên HĐQT có kiến thức cần thiết cho chuyển đổi số. Từ những thất bại được phân tích trong cuốn sách, Saldanha cũng chỉ ra rằng, nếu thiếu ba điểm quan trọng thì các doanh nghiệp sẽ gặp thất bại bao gồm (1) Xây dựng năng lực để đi trước đối thủ xét trong dài hạn; (2) Kế hoạch tái tạo và phát triển những mô hình kinh doanh mới; (3) Duy trì kỷ luật chính. Chuyển đổi số sẽ chỉ là một khẩu hiệu sáo rỗng nếu doanh nghiệp không có mục tiêu và thiếu cam kết cũng như kỉ luật để đạt được và duy trì mục tiêu đó.

 

Sáu bước chuyển đổi số theo GS. Hồ Tú Bảo.

Như ta đã biết, cách mạng công nghiệp lần thứ ba còn được gọi là cuộc cách mạng số ra đời nhờ sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ điện tử điện tử viễn thông với sự xuất hiện của máy tính cá nhân và internet. Còn cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang trỗi dậy là sự hòa quyện giữa thế giới thực và ảo, các thực thế vật lý và sinh học đều có thể được số hóa và cá nhân hóa. Trong lịch sử, sự xuất hiện các cuộc cách mạng công nghiệp mới sẽ hình thành các lớp doanh nghiệp thế hệ mới, đồng thời, đại đa số những doanh nghiệp ở thời kì cũ không đuổi kịp sẽ bị đào thải. Chuyển đổi số trong doanh nghiệp, theo Tony Saldahna là phải làm sao để công ty thời kì cách mạng công nghiệp lần thứ ba “hòa nhập” được với thời kì cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Họ phải làm sao để công nghệ số trở thành xương sống của các sản phẩm mới, của cách điều hành doanh nghiệp mới và của các mô hình kinh doanh mới.

Thực chất, chuyển đổi số chính là đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp ở mức cao nhất. Và trước khi bước vào con đường này, Saldana đòi hỏi doanh nghiệp phải đánh giá mục tiêu chuyển đổi số của họ bằng cách trả lời những câu hỏi (rất khó) sau:

• Chuyển đổi được đề xuất có sử dụng hai hoặc nhiều thứ sau đây không: (1) công nghệ theo cấp số nhân (2) mô hình dựa trên kết quả (3) hệ sinh thái theo cấp số nhân.

• Mục tiêu chuyển đổi số có phải là để tái tạo thay vì tạo ra sự tiến hóa dần dần không?

• Mục tiêu có mang lại một hoặc nhiều điều sau không? (1) chuyển đổi sang mô hình kinh doanh mới (2) sản phẩm được công nghệ hỗ trợ mới (3) hiệu quả hoạt động tăng gấp nhiều lần.

• Mục đích của việc chuyển đổi có nhằm thúc đẩy văn hóa doanh nghiệp chuyển đổi vĩnh viễn hay không?

• Đề xuất chuyển đổi toàn doanh nghiệp có dựa trên một chiến lược chính thức và định hướng từ ban lãnh đạo cấp cao hay không?

Sau khi đã tìm được mục tiêu, doanh nghiệp bước vào năm giai đoạn của quá trình chuyển đổi số. Trong đó, việc tự động hóa một số quy trình nội bộ (như bán hàng, sản xuất, kế toán) bằng các nền tảng công nghệ chỉ là giai đoạn một, là bước khởi đầu (foundation). Giai đoạn hai, được gọi là giai đoạn "tách biệt", là khi một hoặc một vài chức năng đơn lẻ trong công ty bắt đầu sử dụng những công nghệ rất mới để tạo lập các mô hình kinh doanh mới (chẳng hạn như bộ phận sản xuất sử dụng công nghệ Internet Vạn vật để tạo ra thay đổi lớn trong sản xuất và logistics). Giai đoạn ba là chuyển đổi “đồng bộ một phần”, trong đó lãnh đạo công ty đã xác nhận được “sức mạnh đột phá” của công nghệ số và định nghĩa được tương lai số sẽ như thế nào. Tuy nhiên, công nghệ vẫn chưa trở thành cốt lõi, thành xương sống của các mô hình kinh doanh mới, cũng chưa có văn hóa đổi mới sáng tạo. Giai đoạn bốn là được gọi là “đồng bộ toàn phần”, đánh dấu thời điểm toàn bộ công ty trở thành một nền tảng số và mô hình kinh doanh mới đã bắt đầu bén rễ. Tuy nhiên, chưa có gì đảm bảo rằng trạng thái này sẽ được duy trì và tồn tại bền vững. Cho đến trạng thái cuối cùng - DNA sống khi việc chuyển đổi đã trở nên không thể đảo ngược, công ty mới trở thành một tổ chức đổi mới sáng tạo thực thụ.

Chuyển đổi số sẽ đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về công nghệ và quyết tâm, kiên trì rất lớn của những người lãnh đạo công ty. Bởi như vậy mới đủ để “xoay chuyển” cả một tập thể đang ở trong tư duy cũ, cách làm cũ, văn hóa cũ sang một hướng khác. Saldanha từng trả lời phỏng vấn rằng, chuyển đổi số thành công chỉ có 10% là công nghệ còn 90% còn lại là đóng góp từ cách quản trị sự thay đổi và văn hóa công ty. Có kiến thức số chưa đủ, tạo ra những dự án chuyển đổi số thành công trong công ty cũng vẫn chưa đủ. Nhiều dự án nhỏ lẻ độc lập trong công ty có thể đem lại những kết quả đầy hứa hẹn, nhưng khi bắt đầu tích hợp vào bối cảnh của cả tổ chức, rất dễ thất bại nếu như người đứng đầu không thực sự hiểu hoàn cảnh, năng lực và văn hóa của toàn bộ công ty khi thiết kế những dự án đó.

GS. Hồ Tú Bảo khái quát lại quá trình chuyển đổi số của một tổ chức cũng có nhiều nét tương đồng với Tony Saldahna. GS. Bảo đưa ra sáu bước trên con đường chuyển đổi số: (1) Nhận thức và tư duy mới, (2) Đặt ra chiến lược và lộ trình, (3) Xây dựng năng lực số (năng lực, hạ tầng, văn hóa), (4) Xác định công nghệ chính, (5) Thay đổi mô hình kinh doanh, hoạt động và cuối cùng là (6) Chuyển đổi quy trình: từ nhỏ đến lớn. Nhưng đó không phải là con đường thẳng, sáu bước này được xếp thành một vòng tròn nhắc nhở chúng ta rằng, có những bước bạn sẽ phải làm đi làm lại và làm liên tục trong khi vẫn phải tiến lên những bước tiếp theo.

Việt Nam quan tâm đến chuyển đổi số như thế nào?

Mặc dù từ “chuyển đổi số” ở Việt Nam được nhắc đến nhiều trên các phương tiện truyền thông, trong phát ngôn của các doanh nghiệp công nghệ lớn, trong bài phát biểu của chính phủ nhưng hầu như không có mấy thông tin cụ thể về bản chất của chuyển đổi số là gì và phải làm gì để chuyển đổi số để biến những lời kêu gọi thành hành động.

Tôi thử sử dụng Google và Google Trends xem đánh giá xu hướng tìm kiếm của người Việt xoay quanh khái niệm chuyển đổi số, từ đó có một hình dung nhất định về:

- Mức độ quan tâm đến chuyển đổi số đang như thế nào?

- Mức độ quan tâm đến đổi mới mô hình kinh doanh đang như thế nào?

- Tìm hiểu về chiến lược chuyển đổi số đang ở đâu?

- Khía cạnh nào của chuyển đổi đang được quan tâm nhiều nhất?

Theo đó, từ khóa “chuyển đổi số” mới xuất hiện trên google của Việt Nam vào năm 2009, nhưng mức độ tìm kiếm gần như không có nhiều thay đổi cho đến năm 2020 bắt đầu đi lên và đạt đỉnh vào năm 2021. Trong khi đó, từ khóa “đổi mới mô hình kinh doanh” – điều gắn liền với mục tiêu của chuyển đổi số mới chỉ được quan tâm từ tháng 9.2019 và lên xuống không đồng đều. Nói cách khác là gần như không có mối liên hệ nào giữa hai sự quan tâm này: người Việt quan tâm đến chuyển đổi số nhưng lại ít để ý đến bản chất của khái niệm này. Hơn nữa, khi tìm kiếm từ khóa “chuyển đổi số” cho ra gần 14 triệu kết quả trong khi từ khóa “đổi mới mô hình kinh doanh” chỉ cho ra gần 100 nghìn kết quả, ít hơn gần 150 lần. Từ khóa khác là “mô hình kinh doanh mới” thì có phần cao hơn, cho ra khoảng gần một triệu kết quả. Tuy nhiên, sự chênh lệch lớn giữa kết quả tìm kiếm của “chuyển đổi số” và “mô hình kinh doanh mới” phản ánh phần nào hiện tượng thiếu tương xứng giữa thông tin hô hào chuyển đổi số và thông tin phân tích, chuyên sâu, có tính hướng dẫn thực hành hơn về khái niệm này.

Có lẽ “chuyển đổi số” ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở khẩu hiệu chứ chưa thực sự được doanh nghiệp để tâm. Từ khóa “chuyển đổi số như thế nào” hầu như không được quan tâm, cho đến tháng 10/2021 khi dịch bệnh vừa mới đi qua giai đoạn cao trào và cũng không ngạc nhiên khi các tỉnh phía Nam, nơi chịu ảnh hưởng lớn hơn của dịch COVID-19 lại có mối quan tâm nhiều hơn về từ khóa này so với các tỉnh ở miền Bắc và miền Trung. Từ khóa “chiến lược chuyển đổi số” cũng nhận được sự quan tâm hết sức khiêm tốn (chỉ hơn 100 nghìn kết quả).

Sẽ cần nghiên cứu sâu hơn về những con số trên trong tương quan với bối cảnh để nắm được sâu hơn mối quan tâm của doanh nghiệp với chuyển đổi số và các vấn đề xung quanh nó. Tuy nhiên, những con số trên cũng phần nào phản ánh hiện trạng truyền thông về cách thức thực hiện chuyển đổi số cũng như động lực khiến các chủ doanh nghiệp đặt tay gõ lên bàn phím để tìm hiểu về chuyển đổi số còn rất nhiều vấn đề phải bàn.

Ngoài việc phải đưa ra những thông tin sâu sắc hơn về con đường chuyển đổi số của doanh nghiệp, truyền thông cũng cần cho thấy rằng con đường chuyển đổi số, dù là tất yếu, nhưng sẽ không đơn giản và doanh nghiệp sẽ phải có chiến lược và nguyên tắc để theo đuổi nó. Công cuộc chuyển đổi số của một doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ đều có nguy cơ thất bại và sẽ rất tốt nếu truyền thông có thể phân tích cả hai trường hợp. Khi tra bằng tiếng Việt “chuyển đổi số thành công” có gần 200 nghìn kết quả nhưng phần lớn là nội dung hướng dẫn sao cho thành công chứ chưa thực sự thấy những trường hợp thành công cụ thể được nghiên cứu và phân tích. Trong khi đó, khi tra từ khóa “chuyển đổi số thất bại” chúng ta chỉ có gần sáu nghìn kết quả.

Để thúc đẩy doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đa số tổ chức kinh doanh tại Việt Nam, trước hết chính phủ cần phải có nghiên cứu để xác định nhu cầu, hoàn cảnh và năng lực chung của họ để có những chương trình (bao gồm cả từ phía nhà nước và tư nhân) được thiết kế phù hợp, tạo động lực cho doanh nghiệp đi theo và cam kết với con đường chuyển đổi số này.

Năm 2020, 2021, khi COVID-19 càn quét nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp trong mạng lưới của chúng tôi buộc phải đóng cửa và thậm chí phá sản, một trong những câu hỏi lớn với chúng tôi là làm sao gia tăng tỷ lệ sống sót của các doanh nghiệp, giúp họ thích ứng, và phát triển. Sau khi phân tích hiện trạng, chúng tôi nhận ra rằng, chính những doanh nghiệp khởi nghiệp trẻ trên ba năm tuổi – độ tuổi đủ bình tĩnh trước những sóng gió trên thị trường nhưng cũng cởi mở để sẵn sàng điều chỉnh mô hình kinh doanh mạnh mẽ - sẽ có nhiều cơ hội tận dụng những cơ hội chuyển đổi số và có tiềm năng tạo ra bứt phá.

Chúng tôi cũng nhận ra rằng, “chuyển đổi số” hiện nay có thể là cái áo quá lớn với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều họ quan tâm nhất hiện nay chỉ dừng ở hai mục tiêu: làm sao để tăng doanh số và làm sao để triển khai bán hàng online thành công. Chúng tôi đã lựa chọn hỗ trợ kết hợp giữa đổi mới sáng tạo mô hình kinh doanh và bước đầu chuyển đổi số hơn 20 nhóm kinh doanh hướng đến ba mục tiêu chính: gia tăng doanh số qua kênh trực tuyến, đổi mới mô hình kinh doanh và gia tăng nhân sự cho hoạt động chuyển đổi số. Với hướng đi có trọng tâm này, chúng tôi đã đạt được những kết quả thực sự khả quan với sự gia tăng doanh số qua các kênh trực tuyến 300%-500% bình quân cho mỗi doanh nghiệp tham gia.

Dĩ nhiên, tăng doanh số, triển khai bán hàng online thành công và đổi mới mô hình kinh doanh hiện tại chưa được gọi là chuyển đổi số như định nghĩa của Tony Saldahna. Nhưng như tôi đã nói ở trên, nó là “bước đầu” và nó sẽ tạo động lực để doanh nghiệp tiếp tục những bước khác sâu hơn, khó hơn, phức tạp hơn của chuyển đổi số trong tương lai.

***

Kỷ nguyên dữ liệu đang đến rất gần với khối lượng dữ liệu vào năm 2025 được dự đoán sẽ tăng gấp năm lần so với năm 2019. Khoảng 60% của gần 3000 lãnh đạo các lãnh đạo các tập đoàn kinh doanh và IT toàn cầu cho rằng năng lực của công ty họ không thể bắt kịp với tốc độ tăng trưởng của dữ liệu hiện nay. Chuyển đổi số là con đường mà các doanh nghiệp phải đi nếu muốn tồn tại. Rất nhiều quyết định kinh doanh sẽ dựa trên dữ liệu. Tuy vậy, con đường chuyển đổi số của Việt Nam đang rất chậm và sẽ còn rất chông gai. Quá trình hỗ trợ doanh nghiệp đặt ra những câu hỏi lớn khiến chúng tôi phải nhìn nhận lại hiện trạng về chuyển đổi số từ góc độ tư duy đến chiến lược và thực thi.

- Nhận thức của các lãnh đạo về đổi mới sáng tạo nói chung và chuyển đổi số nói riêng còn rất hạn chế dẫn đến động lực để đổi mới và chuyển đổi số rất thấp. Họ phần lớn coi đó là việc của một phòng ban và không ít coi rằng chuyển đổi số chỉ là sử dụng một số phần mềm.

- Nhân sự cho chuyển đổi số hầu như không có và/hoặc không sẵn sàng.

- Không xác định được chính xác vấn đề mình đang gặp phải nên không xác định được chuyển đổi số nói riêng và việc đổi mới toàn diện mô hình kinh doanh sẽ giúp được gì, từ đó thiếu hoàn toàn một chiến lược toàn diện cho đổi mới và chuyển đổi số.

Chúng ta còn quá nhiều việc phải làm trên con đường chuyển đổi số. Thực sự cần những đột phá so với cách thức truyền thông nhằm thay đổi nhận thức của lãnh đạo doanh nghiệp cho đến đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, thay đổi văn hóa doanh nghiệp và thích ứng các công nghệ để tiến đến những bước chuyển đổi mạnh mẽ hơn. Từ đó cho ra đời những mô hình kinh doanh mới có khả năng thích ứng và tăng trưởng trong những điều kiện môi trường kinh doanh và xã hội có những biến động mạnh. Chuyển đổi số hay mô hình kinh doanh mới bản chất không phải là hai bài toán tách biệt mà là những bước đi cần thiết trong nhau, cho dù doanh nghiệp tiếp cận từ đâu.

GS. Hồ Tú Bảo từng cho rằng, chuyển đổi số là cơ hội vô giá cuối cùng để Việt Nam bắt kịp với các nước phát triển. Việt Nam đang có những lợi thế trong kỷ nguyên số nhưng cũng đứng trước những thách thức vô cùng to lớn. Chúng ta sẽ ứng xử với cơ hội vô giá này thế nào để chuyển đổi số không là trào lưu, để chúng ta nắm bắt và hưởng lợi từ nó thực sự, có lẽ cần một tư duy mới trong chiến lược và thực thi trong đó truyền thông đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nếu không nhìn vào vấn đề doanh nghiệp, tổ chức và quốc gia đang gặp phải trong tương quan với bối cảnh thế giới để tạo ra động lực đổi mới từ nội bộ mỗi doanh nghiệp, tổ chức, thì con số thất bại 70% cũng sẽ không có những ngoại lệ ở Việt Nam nếu không muốn nói là cao hơn.

Tăng doanh số, triển khai bán hàng online thành công và đổi mới mô hình kinh doanh hiện tại chưa được gọi là chuyển đổi số như định nghĩa của Tony Saldahna. Nhưng nó là “bước đầu” và nó sẽ tạo động lực để doanh nghiệp tiếp tục những bước khác sâu hơn, khó hơn, phức tạp hơn của chuyển đổi số trong tương lai.

Chuyển đổi số thành công chỉ có 10% là công nghệ còn 90% còn lại là đóng góp từ cách quản trị sự thay đổi và văn hóa công ty.

Tony Saldahna

 

Tác giả: 
Nguyễn Đặng Tuấn Minh