kinh tế biển

Mô hình kinh doanh sáng tạo trong kinh tế biển Những niềm hy vọng

Sau năm năm đồng hành cùng nhiều startup trong mảng kinh tế biển, chúng tôi mong muốn chia sẻ một góc nhìn bắt đầu từ các mô hình kinh doanh sáng tạo trong lĩnh vực này. Từ đó có thể khơi gợi những chuyển hướng và ưu tiên thích hợp về mặt chính sách.

Những con tàu ở cảng cá Bình Sơn, Quảng Ngãi. Ảnh: Thu Quỳnh.

Những điểm sáng và khoảng trống

Việt Nam, với hơn 3.000 km đường bờ biển, nắm giữ một vị trí chiến lược quan trọng trong bản đồ kinh tế biển khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tài nguyên biển phong phú từ đa dạng sinh học, thủy sản, dầu khí, đến năng lượng gió và sóng biển đã định vị kinh tế biển như một động lực phát triển bền vững cho quốc gia. Biển không chỉ là biên giới mà còn là cầu nối. Việt Nam đã có những định hướng rõ ràng về phát triển trong kinh tế biển, nhưng thực tế đổi mới sáng tạo và những mô hình khởi nghiệp trong lĩnh vực này còn rất hạn chế.

Nói đến bức tranh rộng của kinh tế biển, có thể nói đến những mảng chính 1) Khai thác và nuôi trồng thủy sản công nghệ cao 2) Năng lượng tái tạo từ biển; 3) Công nghệ hàng hải và vận tải biển thông minh 4) Du lịch biển thông minh 5) Ứng dụng công nghệ sâu liên ngành khác trong các khía cạnh vận tải, nuôi trồng, năng lượng phục vụ gia tăng hiệu quả kinh tế biển và bảo vệ môi trường bền vững. 

Ở Việt Nam, theo quan sát của chúng tôi, lĩnh vực đang nổi lên như điểm sáng đầy hứa hẹn, nhất là với sự tham gia của các startup công nghệ, chính là khai thác và nuôi trồng thủy hải sản công nghệ cao. Điều này dễ hiểu khi Việt Nam là một trong những quốc gia có sản lượng xuất khẩu thủy hải sản top đầu thế giới. Nhiều sáng kiến đang tập trung phát triển và thử nghiệm các mô hình nuôi trồng dựa trên IoT và trí tuệ nhân tạo. để giám sát chất lượng nước, quản lý môi trường và tối ưu hóa sản lượng. Bên cạnh đó, các mô hình nuôi biển xa bờ bắt đầu được triển khai, ứng dụng công nghệ để chống chịu với điều kiện khắc nghiệt, từ đó giảm tải cho vùng ven bờ vốn đang chịu nhiều áp lực khai thác quá mức. Dù vậy, những giải pháp này vẫn chưa đạt quy mô lớn và thường giới hạn ở các dự án thí điểm, thiếu đầu tư dài hạn và chiến lược mở rộng ra thị trường quốc tế. Ngoài ra, các giải pháp liên quan đến công nghệ hàng hải thông minh, và năng lượng tái tạo từ biển cũng đang nhen nhóm. Tuy nhiên, những bước tiến này vẫn mang tính rời rạc, chưa đủ sức tạo ra đột phá đồng bộ để đưa kinh tế biển Việt Nam vươn lên tầm khu vực. Chúng tôi chưa thấy bóng dáng của những giải pháp, ý tưởng liên quan đến du lịch biển thông minh mặc dù du lịch được coi là ngành mũi nhọn của kinh tế biển Việt Nam. 


“Có một vấn đề rất lớn là hiện giờ không nhiều các bạn trẻ có tình yêu với biển và phát triển công nghệ liên quan đến kinh tế biển. Sự thiếu hụt nhân sự này dẫn đến những thách thức cho các doanh nghiệp mới trong việc phát triển mô hình kinh doanh gắn với biển”. (Ông Trần Thái Sơn, Sáng lập SDIVICO)

Dưới đây là một số sáng kiến mà chúng tôi đánh giá là khá hứa hẹn với giải pháp sáng tạo và mô hình kinh doanh độc đáo. Sự phát triển của các startup này có thể là một gợi ý để các chính sách liên quan đến kinh tế biển Việt Nam nhận ra những hướng đi nổi bật, có thể tập trung khuyến khích hoặc ưu tiên đầu tư. 

Rynan Technologies: Tiên phong trong công nghệ thủy sản

Rynan Technologies, với trụ sở tại Trà Vinh, đã đưa việc ứng dụng công nghệ vào nuôi trồng thủy sản lên một tầm cao mới. Các giải pháp như RYNAN Smart Aquaculture và hệ thống TOMGOXY tích hợp IoT và AI không chỉ cải thiện chất lượng nước và quản lý dịch bệnh mà còn tối ưu hóa hiệu quả sản xuất. Đặc biệt, sự hợp tác của Rynan với các tổ chức quốc tế để phục hồi rừng ngập mặn và phát triển mô hình nuôi tôm bền vững cho thấy tầm nhìn rộng lớn và khả năng kết hợp giữa công nghệ và bảo tồn môi trường. Rynan không chỉ cung cấp sản phẩm mà còn xây dựng một hệ sinh thái nuôi trồng thủy sản bền vững, tạo giá trị vượt xa các giải pháp đơn lẻ.

Tép Bạc: Hệ sinh thái công nghệ cho ngành tôm

Tép Bạc, một startup của TP.HCM, cũng gần giống với hướng đi của Rynan Technologies, đã xây dựng một hệ sinh thái toàn diện cho ngành nuôi tôm, với các thiết bị IoT, nền tảng quản lý trại nuôi, và cả sàn thương mại điện tử B2B. Từ việc giám sát chất lượng nước đến tối ưu hóa quy trình vận hành, Tép Bạc giúp người nuôi tôm giảm rủi ro và tiết kiệm chi phí. Đặc biệt, tầm nhìn mở rộng ra thị trường quốc tế như Ấn Độ và Indonesia cho thấy khả năng nhân rộng mô hình của startup này. 

Wesolife: Tư duy xanh cho xử lý nước

Wesolife, một startup từ Cà Mau, quán quân ở cả hai bảng giải pháp và ý tưởng của cuộc thi Đổi mới Sáng tạo ngành Thủy sản Bà Rịa – Vũng Tàu 2024 đã chọn cách tập trung vào thị trường ngách nhưng đầy tiềm năng: xử lý nước trong nuôi trồng thủy sản. Với công nghệ điện hóa để tạo clo từ nước muối, Wesolife không chỉ cung cấp giải pháp thay thế hóa chất mà còn giảm phát thải CO2, góp phần bảo vệ môi trường. Công ty cũng phát triển các giải pháp IoT để giám sát chất lượng nước và mở rộng ứng dụng sang các lĩnh vực khác như rửa rau quả và khử trùng trong bệnh viện và OxyBoost – Đưa oxy đến từng giọt nước. Điều đáng chú ý ở Wesolife là sự linh hoạt trong mô hình kinh doanh: tập trung trước vào nhu cầu cấp thiết của nuôi tôm siêu thâm canh, sau đó mở rộng ra các thị trường khác.

Những vuông tôm san sát ở xã Vĩnh Hải, ven biển Vĩnh Châu, Sóc Trăng. Ảnh: Thành Nguyễn.

NamiBio: phục vụ nông nghiệm rồi mở rộng sang thủy sản

Xuất phát với đội ngũ nghiên cứu, phát triển và sản xuất các chế phẩm vi sinh ứng dụng trong nông nghiệp, thủy sản, chăn nuôi và môi trường, NamiBio hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, giảm thiểu sử dụng hóa chất và nâng cao giá trị sản xuất. Mô hình kinh doanh của công ty độc đáo ở chỗ không chỉ dừng lại ở việc sản xuất và cung cấp sản phẩm như chế phẩm vi sinh, men bổ sung thức ăn chăn nuôi, mà còn mở rộng sang lĩnh vực chuyển giao công nghệ và cung cấp thiết bị, dây chuyền sản xuất. Khách hàng của NamiBio bao gồm các nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp và các cơ sở nghiên cứu hướng đến xử lý các vấn đề môi trường theo cách bền vững. 

SDVICO: Đa dạng hóa sản phẩm cho ngư dân

Tại Vũng Tàu, SDVICO tập trung vào việc xây dựng hệ sinh thái sản phẩm phục vụ ngư dân và ngành thủy sản. Điểm mạnh của SDVICO nằm ở khả năng đổi mới liên tục và phát triển nhiều sản phẩm bổ sung giá trị cho ngành. Mô hình này không chỉ tăng hiệu quả hoạt động cho ngư dân mà giống như Wesolife còn mở rộng tiềm năng thị trường khi áp dụng được vào các lĩnh vực khác ngoài thủy sản. Khi ngư dân gặp khó khăn về giá dầu tăng, SDVICO đã tập trung phát triển công nghệ nano graphene trong phụ gia cho nhớt, giúp tăng tuổi thọ động cơ, giảm thiểu phát thải carbon và đặc biệt là tiêu hao năng lượng. Sản phẩm không chỉ được sử dụng cho các tàu cá mà còn mở rộng sử dụng trong các phương tiện vận tải khác và hợp tác với PVOil để phát triển sản phẩm PV ENGINE RMI Nano Graphene. 

Hệ thống Biển Việt: 

Hệ thống này tận dụng công nghệ 4.0, AI và IoT để cải thiện quản lý trên biển thông qua ba thành phần chính: Cơ sở dữ liệu (CSDL) lưu trữ trên máy chủ tại Việt Nam, tích hợp và chia sẻ thông tin liên quan đến tàu cá, cảng biển và các quy định pháp luật; Phần mềm quản lý cho các cơ quan, cho phép theo dõi vị trí và hành trình của tàu cá, cấp phép hoạt động cho tàu, cũng như cung cấp bản đồ dự báo ngư trường; và Ứng dụng di động giúp ngư dân sử dụng điện thoại thông minh để truy cập thông tin cần thiết về điều kiện biển, chính sách hỗ trợ từ cảng, đồng thời ghi lại hành trình và nhật ký khai thác điện tử. Quy trình chuyển đổi số được thực hiện qua ba bước: số hóa dữ liệu liên quan đến hoạt động của cảng và tàu cá; số hóa quy trình để tăng cường tính đồng bộ và hiệu quả trong quản lý; và thực hiện chuyển đổi số để áp dụng vào thực tiễn, tạo ra một hệ thống quản lý liên thông. Hệ thống đã thu hút gần 30.000 người dùng tại 28 tỉnh ven biển với phản hồi tích cực, khẳng định khả năng tự lực của các nhà khoa học Việt Nam trong việc giải quyết thách thức trên biển và mang lại lợi ích thiết thực cho ngư dân, đồng thời góp phần vào việc bảo vệ nguồn lợi hải sản bền vững.


Việt Nam cần có chiến lược xây dựng hệ sinh thái cho đổi mới sáng tạo kinh tế biển, gắn kết chặt chẽ với hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia nơi các yếu tố nhân lực, tài chính và công nghệ được kết nối chặt chẽ. 

Có một điểm dễ nhận thấy là các startup này đều xuất phát từ các nghiên cứu và có sự đầu tư nghiêm túc vào công nghệ để từ đó tìm ra thế mạnh cạnh tranh riêng. Sự phát triển mô hình kinh doanh của họ qua thời gian cũng cho thấy một xu hướng rõ rệt: chuyển dịch từ việc cung cấp các giải pháp đơn lẻ sang xây dựng những hệ sinh thái toàn diện. Đây là chiến lược tập trung vào một đối tượng cụ thể, như người nuôi tôm, ngư dân, hay nhà quản lý trại nuôi, và từ đó phát triển các sản phẩm và dịch vụ bổ sung xoay quanh nhu cầu của đối tượng này. Xu hướng này không chỉ tối ưu hóa nguồn lực, tăng tính gắn bó của khách hàng mà còn mở ra tiềm năng nhân rộng lớn hơn khi giải pháp được chứng minh hiệu quả và củng cố mạnh mẽ hơn công nghệ mà họ phát triển.

Ví dụ, Tép Bạc không chỉ dừng lại ở việc cung cấp các thiết bị IoT cho ao nuôi mà còn mở rộng sang nền tảng quản lý trại nuôi, sàn thương mại điện tử B2B, và dịch vụ xét nghiệm bệnh tôm. Mỗi giải pháp không tồn tại độc lập mà kết nối với nhau, tạo thành một hệ thống khép kín, đáp ứng hầu hết các nhu cầu của người nuôi. Điều này không chỉ tạo ra giá trị cao hơn cho khách hàng mà còn giúp startup xây dựng mối quan hệ bền vững, khó thay thế.

Cách tiếp cận theo hệ sinh thái còn mang lại tiềm năng nhân rộng đáng kể. Một khi mô hình đã thành công với một đối tượng cụ thể, nó có thể được mở rộng ra thị trường mới với những điều chỉnh nhỏ để phù hợp. Lấy ví dụ, giải pháp Nanographene Oil – vốn ban đầu được ứng dụng để cải thiện hiệu suất dầu nhớt phù hợp với động cơ tàu thuyền trong ngành vận tải biển, sau đó đã được sử dụng rộng rãi trong ngành vận tải. Điều này cho thấy rằng một sản phẩm được phát triển thành công trong một hệ sinh thái không chỉ gói gọn ở lĩnh vực ban đầu mà còn có thể chuyển đổi linh hoạt sang các ngành liên quan.

TS. Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Rynan Technologies, bên ao nuôi tôm công nghệ giàu oxy.

Một điểm nhấn khác là cần có chiến lược nhân rộng các giải pháp theo cách tinh gọn. Thay vì triển khai đồng loạt trên quy mô lớn, các mô hình hệ sinh thái nên được thử nghiệm tại các khu vực thí điểm, với sự tham gia của các đối tượng mục tiêu, trước khi mở rộng. Cách làm này không chỉ giảm rủi ro mà còn giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa mô hình trước khi đầu tư vào giai đoạn tăng trưởng.

Những thách thức với các mô hình kinh doanh kinh tế biển

Nguồn nhân lực đóng vai trò cốt lõi trong việc đưa các công nghệ và mô hình kinh doanh mới vào thực tế. Tuy nhiên, sự phát triển của các doanh nghiệp này đang bị cản trở bởi sự thiếu hụt nhân lực chuyên môn cao trong các lĩnh vực như công nghệ hàng hải, nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, và năng lượng tái tạo từ biển. Các chương trình đào tạo hiện tại ở các trường đại học, trường nghề phần lớn vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của thị trường, dẫn đến khoảng cách lớn giữa lý thuyết và ứng dụng thực tế. Doanh nghiệp thiếu nguồn nhân lực phục vụ thương mại hóa sản phẩm ra thị trường bởi để quảng bá và chào bán những sản phẩm công nghệ này cần những nhân sự có sự am hiểu về cả công nghệ và thị trường. Bên cạnh đó, để liên tục phát triển công nghệ đáp ứng nhu cầu mới của doanh nghiệp đòi hỏi phải kiếm tìm nguồn nhân lực nghiên cứu say mê với lĩnh vực này – một điều không dễ. Ông Trần Thái Sơn, Sáng lập SDIVICO chia sẻ: “Có một vấn đề rất lớn là hiện giờ không nhiều các bạn trẻ có tình yêu với biển và phát triển công nghệ liên quan đến kinh tế biển. Sự thiếu hụt nhân sự này dẫn đến những thách thức cho các doanh nghiệp mới trong việc phát triển mô hình kinh doanh gắn với biển”

Việc tăng cường các chương trình đào tạo chuyên sâu là điều cấp thiết. Điều này không chỉ bao gồm việc nâng cao năng lực tại các trường đại học, cao đẳng mà còn cần sự tham gia trực tiếp của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có thể đóng vai trò đối tác trong quá trình đào tạo, thông qua việc cung cấp cơ hội thực hành, tham gia xây dựng giáo trình, hoặc đồng tổ chức các chương trình nghiên cứu. Đây không chỉ là cách để nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động mà còn đảm bảo rằng nhân lực được đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và thị trường.


Các công nghệ tiên tiến như blockchain trong quản lý chuỗi cung ứng, trí tuệ nhân tạo trong giám sát môi trường, và năng lượng tái tạo từ biển đều đang dừng lại ở mức thí điểm, chưa thể triển khai trên quy mô lớn. Điều này không chỉ giới hạn tiềm năng của các mô hình kinh doanh mà còn khiến doanh nghiệp Việt Nam mất đi lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia trong khu vực về nhiều khía cạnh đặc biệt là phát triển các chiến lược mới.

Các giải pháp liên quan đến kinh tế chỉ dành cho một vài ngành một phần lớn là do dữ liệu trong các ngành khác bị phân mảnh, thiếu đồng bộ và không đầy đủ. Việc chúng ta đang gặp khó khăn trong việc thu thập, tích hợp và chia sẻ thông tin, dẫn đến tình trạng thiếu hụt dữ liệu quan trọng về tài sản tự nhiên, hệ sinh thái biển và các nguồn lực kinh tế. Các công nghệ tiên tiến như blockchain trong quản lý chuỗi cung ứng, trí tuệ nhân tạo trong giám sát môi trường, và năng lượng tái tạo từ biển đều đang dừng lại ở mức thí điểm, chưa thể triển khai trên quy mô lớn. Điều này không chỉ giới hạn tiềm năng của các mô hình kinh doanh mà còn khiến doanh nghiệp Việt Nam mất đi lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia trong khu vực về nhiều khía cạnh đặc biệt là phát triển các chiến lược mới cho phát triển. 

Một trong những thách thức khác đối với các startup kinh tế biển là thiếu nguồn tài chính ổn định để hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và thương mại hóa công nghệ. Trong khi các quốc gia như Singapore và Nhật Bản đã xây dựng các quỹ đầu tư mạnh mẽ và cơ chế tài chính hỗ trợ đổi mới sáng tạo, Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn đầu của quá trình này. Các startup kể trên có thể sử dụng nguồn lực ban đầu của họ là vốn tự có và những nguồn lực từ công ty mẹ đã thành công, nhưng về lâu dài, họ cần sự đồng hành của các quỹ đầu tư, đặc biệt là các quỹ đầu tư đề cao tạo tác động tích cực cho môi trường, mà số lượng này còn khá hiếm hoi tại Việt Nam. Để đi xa hơn, họ cần những quỹ đầu tư dám chấp nhận rủi ro để cùng họ củng cố năng lực nghiên cứu, khai phá những thị trường mới ở nước ngoài để tận dụng lợi thế quy mô. 

Vượt qua những thách thức? 

Kinh tế biển Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa của sự thay đổi, nơi công nghệ và hệ sinh thái kinh doanh có thể trở thành lực đẩy chính. Tuy nhiên, sự thiếu kết nối giữa các bên liên quan – startup, viện nghiên cứu và tổ chức chính sách – đã hạn chế việc chuyển giao công nghệ vào thực tiễn, làm giảm năng lực cạnh tranh và khiến doanh nghiệp khó vươn ra thị trường quốc tế.

Để vượt qua những thách thức này, Việt Nam cần có chiến lược xây dựng hệ sinh thái cho đổi mới sáng tạo kinh tế biển, gắn kết chặt chẽ với hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia nơi các yếu tố nhân lực, tài chính và công nghệ được kết nối chặt chẽ. Các chương trình đào tạo nhân lực nên được thiết kế để không chỉ đáp ứng nhu cầu hiện tại mà còn dự đoán xu hướng tương lai, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao của kinh tế biển. Đồng thời, cải thiện các cơ chế tài chính để tạo điều kiện tốt nhất cho các startup đổi mới sáng tạo là điều cần thiết. Việc kêu gọi các nhà đầu tư cá nhân và các quỹ đầu tư chuyên biệt cho lĩnh vực kinh tế biển là một giải pháp quan trọng. Những quỹ này có thể hỗ trợ cả các dự án nghiên cứu, phát triển và thương mại hóa, giúp startup vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu. Cần xây dựng các cơ chế tài chính khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, như chính sách miễn giảm thuế hoặc hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho các dự án công nghệ biển.

Phát triển các đổi mới sáng tạo trong kinh tế biển Việt Nam theo mô hình hệ sinh thái như chúng ta đang thấy và quan sát ở giai đoạn đầu là một quá trình tự nhiên phản ánh sự trưởng thành của các doanh nghiệp khởi nghiệp. Những mô hình tập trung vào một đối tượng cụ thể, rồi mở rộng dần qua việc tích hợp các giải pháp xoay quanh nhu cầu thực tế, đang dần định hình lại cách tiếp cận của kinh tế biển. Điều này tạo ra một nền tảng rất đáng quan sát và thúc đẩy. Tuy nhiên, để những mô hình này không chỉ dừng lại ở tiềm năng mà còn có thể nhân rộng, cần có những cách tiếp cận thực tiễn hơn, đặc biệt trong việc giải quyết các rào cản về nhân lực, công nghệ và tài chính.

Khả năng nhân rộng là chìa khóa để các mô hình hệ sinh thái mang lại lợi thế cạnh tranh cho kinh tế biển Việt Nam. Nhưng điều này đòi hỏi sự gắn kết chặt chẽ giữa các bên liên quan: từ startup, các nhà hoạch định chính sách đến cộng đồng địa phương. Sự phối hợp này không chỉ giúp khai thác hiệu quả tài nguyên công nghệ mà còn đảm bảo tính bền vững và trách nhiệm với môi trường – hai yếu tố quan trọng để kinh tế biển thực sự đóng góp vào sự phát triển lâu dài.□

Bài đăng Tia Sáng số 22/2024

Tác giả: 
KisStartup

KisStartup chúc mừng các đội thi tại Cuộc thi đổi mới sáng tạo ngành Thuỷ sản Bà Rịa Vũng Tàu năm 2024

KisStartup chúc mừng thành công của Wesolife và các đội đạt giải tại Cuộc thi Đổi mới Sáng tạo Ngành Thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu 2024!

KisStartup tự hào thông báo thành công ấn tượng của đội Wesolife, đạt "Giải Ý tưởng" với dự án WIoT - Giám sát thông minh, điều khiển hoàn hảo và giành "Giải Nhất Giải pháp" với sáng kiến OxyBoost – Đưa Oxy Đến Từng Giọt Nước. Thành tích của Wesolife là minh chứng cho những nỗ lực vượt bậc trong phát triển công nghệ tiên tiến cho ngành thủy sản Việt Nam. Wesolife cũng là đội đã từng giành giải thưởng của Techplanter Việt Nam và nhận được giải huấn luyện của KisStartup.

Chúng tôi cũng vui mừng giới thiệu ba đội thi xuất sắc đã giành Giải ươm tạo trị giá 3,000 USD từ KisStartup:

  1. Quy trình sản xuất rêu ghẹ và chitosan từ ghẹ tạp - dự án góp phần phát triển tài nguyên thủy sản tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
  2. Gạch siêu nhẹ từ rác thải nhựa và vỏ trấu - sáng kiến bảo vệ hệ sinh thái biển đến từ Kiên Giang.
  3. Biến vỏ sò ốc thành sản phẩm décor - dự án sáng tạo chuyển đổi chất thải thành các sản phẩm trang trí độc đáo và thân thiện môi trường.

Các đội đạt giải ươm tạo sẽ làm việc chặt chẽ cùng KisStartup và Impact City trong suốt 3 tháng để phát triển ý tưởng và giải pháp của mình. Cuộc thi là bước tiến quan trọng thể hiện cam kết của KisStartup trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo kinh tế biển tại Việt Nam.

Cuộc thi Đổi mới Sáng tạo Ngành Thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu là cuộc thi duy nhất về đổi mới sáng tạo trong ngành thủy sản tại Việt Nam và có tuổi đời dài nhất ở khu vực ASEAN. Được tổ chức thường niên từ năm 2020, cuộc thi do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phối hợp cùng Cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh BR-VT và các đơn vị liên quan triển khai với mục tiêu nâng cao giá trị và giải quyết các vấn đề của ngành thủy sản.

Cuộc thi hướng đến các cá nhân, tổ chức, và doanh nghiệp có giải pháp về công nghệ và đổi mới sáng tạo phù hợp với lĩnh vực dự thi trên phạm vi toàn quốc, đồng thời mở rộng đối tượng tham dự cho các giải pháp không giới hạn từ cả trong và ngoài nước.

Tác giả: 
KisStartup

Thông báo thành lập doanh nghiệp xã hội - Impact City, tạo tác động kinh tế biển

Chúng tôi rất vui mừng thông báo với bạn doanh nghiệp thứ 3 của KisStartup - Impact City. Là một doanh nghiệp xã hội thúc đẩy đổi mới tác động của đại dương xanh ở tỉnh Vũng Tàu và trong khu vực, Impact City đồng sáng lập bởi KisStartup và SDVico, nhằm mở đường cho những tiến bộ bền vững trong lĩnh vực nền kinh tế biển.

Với slogan "Đổi mới sáng tạo tác động nền kinh tế đại dương", sứ mệnh của chúng tôi tại Impact City là đổi mới sáng tạo để đạt được sự bền vững trong kinh tế biển. Thông qua quan hệ đối tác chiến lược, công nghệ tiên tiến và sự cống hiến cho việc trao quyền cho cộng đồng, chúng tôi cam kết mở ra những cơ hội chưa được khai thác.

Hãy tham gia cùng chúng tôi khi chúng tôi bắt đầu hành trình biến đổi hướng tới một tương lai bền vững và thịnh vượng hơn. Hãy cùng nhau tạo ra những làn sóng tác động trong nền kinh tế xanh.

Chuỗi đào tạo khởi nghiệp đầu tiên của chúng tôi được triển khai vào tháng 4 năm 2024 với sự tham gia của các trường đại học, công ty khởi nghiệp và các công ty lớn trong lĩnh vực này. Chúng tôi hoan nghênh các công ty khởi nghiệp trong khu vực tham gia cùng chúng tôi. Gửi email cho chúng tôi giải pháp của bạn tại hello@kisstartup.com.
Hãy theo dõi để biết thông tin cập nhật và cơ hội tham gia!
KisStartup & SDVico

Tác giả: 
KisStartup

KisStartup chính thức khai trương chi nhánh tại Hải Phòng

Sau thời gian khảo sát thực nghiệm, KisStartup nhận thấy được tiềm năng phát triển của thị trường đổi mới sáng tạo tại Hải Phòng. Thực tế tại Hải Phòng cho thấy có nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Bên cạnh nhiều thách thức song đây cũng là cơ hội hội để đẩy mạnh phát triển thị trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Hải Phòng. Nắm bắt cơ hội đó, Công ty cổ phần KisStartup chính thức công bố mở chi nhánh tại thành phố Hải Phòng. Chi nhánh mới này sẽ được đặt tại địa chỉ tại số 47/384 Lạch Tray, Phường Đằng Giang, Quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng và bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 10 tháng 10 năm 2023.

Tại buổi lễ công bố, bà Nguyễn Đặng Tuấn Minh, tổng giám đốc và là người sáng lập của công ty cổ phần KisStartup, cho biết việc mở chi nhánh tại Hải Phòng là một bước đi chiến lược quan trọng trong sự phát triển của công ty. Chi nhánh mới này sẽ giúp KisStartup mở rộng thị trường. Trong buổi lễ bà có chia sẻ tầm nhìn của công ty trong các hoạt động tại Hải Phòng. Cụ thể trong dài hạn công ty sẽ tập trung phát triển các lợi thế mà Hải Phòng có về Kinh tế biển và lực lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ, tập trung phát triển nhân lực ở Hải Phòng và các tỉnh lân cận như: Hải Dương, Thái Bình, Quảng Ninh. Mục tiêu thiết lập các mạng lưới kinh tế biển với các tỉnh ven biển khác ở Việt Nam và rộng hơn là thiết lập mạng lưới phát triển kinh tế biển quốc tế.

Trong năm 2023-2024, KisStartup sẽ tiến hành bốn hoạt động chính : 

Ươm tạo: tiến hành ươm tạo các dự án công nghệ môi trường và các dự án công nghệ và mô hình kinh doanh mới về kinh tế biển.

Đào tạo: Thực hiện đào tạo đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp tại địa phương trong ngành du lịch và tăng tốc hoạt động kinh doanh số.

Phát triển nguồn nhân lực: Tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực tại Hải Phòng.

Thiết lập mạng lưới trong nước và quốc tế: Phối hợp với các tỉnh ven biển lân cận để phát triển mạng lưới kinh tế biển đồng thời hợp tác với các quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc để mở rộng mạng lưới kinh tế biển ra thị trường quốc tế.

Hay theo dõi hành trình sắp tới của KisStartup  tại Hải Phòng. Để có thể cập nhật những  thông tin mới nhất về những hoạt động của KisStartup  website kisstartup.com và fanpage https://www.facebook.com/kisstartup 

—----------------------------------------------------

Mọi thắc mắc xin liên hệ

Điện thoại: 0396.292.442 (Ms. Xuân - Quản lý Dự án)

Zalo:  0376547880 (KisStartup)

Tác giả: 
KisStartup,

Hội nghị Đổi mới sáng tạo giải quyết các thách thức ngành Thủy sản và cuộc thi đổi mới sáng tạo ngành thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu 2023 và Hợp tác phát triển chương trình Ươm tạo Kinh tế biển

Ngày 06.07.2023, Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức Hội nghị “Đổi mới sáng tạo giải quyết các thách thức ngành thủy sản và Phát động cuộc thi Đổi mới sáng tạo ngành thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2023”

Hội nghị là cơ hội để các sở ban ngành, hiệp hội thủy sản, các doanh nghiệp, các chuyên gia trong ngành thủy sản chia sẽ về thực trạng và khó khăn của ngành thủy sản đang phải đối mặt. Ngoài ra, chương trình hội nghị đã chính thức phát động cuộc thi Cuộc Thi Đổi Mới Sáng Tạo Ngành Thủy Sản Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2023. Sau 4 năm triển khai, cuộc thi năm nay có có sự đổi mới trong cách tiếp cận, có mục tiêu thực tiễn cùng lộ trình hỗ trợ chuyên sâu cho các dự án. Cuộc thi không chỉ tìm kiếm các ý tưởng, mô hình đổi mới sáng tạo ngành thủy sản mà còn mong muốn kết nối các giải pháp có thể giải quyết các vấn đề thực tế ngành thủy sản, do các các doanh nghiệp trực tiếp tham gia đặt đề bài về các khó khăn và thách thức mà doanh nghiệp đang phải đối mặt. Từ đó, chương trình tạo ra kết nối để các dự án trong và ngoài tỉnh cùng tham gia giải quyết trong khuôn khổ cuộc thi và có các định hướng hỗ trợ phù hợp, hướng tới thương mại hóa các giải pháp khả thi để ứng dụng vào thực tiễn.

Trong chương trình hội nghị cũng đã tuyên bố ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác Chương trình kinh tế biển ngành thủy sản tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu (Gọi tắt là IMEP Vũng Tàu), giữa Văn phòng thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu và Công ty cổ phần KisStartup nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của 2 đơn vị và thúc đẩy các hoạt động ươm tạo hướng tới cùng xây dựng mô hình đổi mới sáng tạo kinh tế biển ngành thủy sản theo hướng bền vững và hỗ trợ kết nối xây dựng mạng lưới hệ sinh thái kinh tế biển tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Cụ thể, KisStartup sẽ:

  • Cùng đồng hành các hoạt động và đào tạo trong Cuộc Thi Đổi Mới Sáng Tạo Ngành Thủy Sản Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Năm 2023, tìm ra các đề bài doanh nghiệp, kết nối và truyền thông đến các dự án trong và ngoài tỉnh có các giải pháp đổi mới sáng tạo tham gia để giải quyết các thách thức đặt ra của  doanh nghiệp và ngành thủy sản kinh tế biển địa phương 
  • Lựa chọn tài trợ 03 giải thưởng cho dự án trong ngành kinh tế biển ươm tạo cho các dự án trong chương trình ươm tạo kinh tế biển sau cuộc thi.
  • Hướng đến cùng xây dựng và thì điểm triển khai chương trình ươm tạo kinh tế biển phù hợp đặc thù địa phương ( gọi tắt là IMEP Vũng Tàu) dựa trên mô hình ươm tạo kinh tế tế biển (IMEP) do KisStartup phát triển 

Về Chương trình IMEP xem lại >>Tại đây 

Xem lại  thông tin chi tiết về sự kiện >>Tại đây

Tác giả: 
KisStartup

Chương trình Ươm tạo Kinh tế biển (Incubation of Marine Economy Program - IMEP)


Năm 2023, Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Biển (MIECentre) thuộc KisStartup và KisImpact đã được thành lập với mục tiêu:

  • Khai thác các thế mạnh về kinh tế biển của Việt Nam, đồng thời khắc phục các vấn đề như ô nhiễm biển, chuyển đổi nghề cho các ngư dân trên biển
  • Thúc đẩy ứng dụng các công nghệ mới, mô hình mới nhằm thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 
  • Phối hợp với các đối tác có liên quan để thực hiện các chương trình nâng cao năng lực, hợp tác nghiên cứu và xây dựng mạng lưới nhằm phát triển kinh tế biển và nghiên cứu về kinh tế biển

MIECentre xin thông báo triển khai chương trình đầu tiên - Ươm tạo Kinh tế biển (Incubation of Marine Economy Program - IMEP) với hoạt động chính là cùng đồng hành, ươm tạo các dự án cung cấp các giải pháp đổi mới sáng tạo hữu ích, giải quyết các thách thức và khai thác giá trị ngành biển Việt Nam theo hướng bền vững. Chương trình không chỉ trực tiếp đóng góp vào phát triển các mô hình đổi mới sáng tạo phục vụ kinh tế biển mà còn thúc đẩy đưa công nghệ mới, sáng tạo, các giải pháp thực tế phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp kinh doanh trong kinh tế biển, góp phần tạo tác động tích cực đến môi trường và nâng cao đời sống ngư dân vùng biển. 

Để đạt được tầm nhìn đó, chúng tôi mong muốn kết nối, xây dựng hệ sinh thái Kinh tế biển Việt Nam và mở rộng hợp tác với đối tác có quan tâm, cùng mục tiêu khai thác và nâng cao giá trị kinh tế biển bền vững. Cụ thể:

  • Dự án có các giải pháp hữu ích liên quan đến lĩnh vực kinh tế biển mong muốn được ươm tạo và kết nối đầu tư
  • Các trung tâm, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp có nhu cầu kết nối các dịch vụ hỗ trợ chuyên sâu về ươm tạo, đầu tư cho các dự án tiềm năng 
  • Doanh nghiệp có nhu cầu tìm kiếm các công nghệ, giải pháp hữu ích theo nhu cầu của đơn vị trong lĩnh vực kinh tế biển
  • Chuyên gia tất cả các lĩnh vực quan tâm và có nền tảng kiến thức mong muốn trở thành cố vấn hoặc đầu tư cho các dự án

Mọi góp ý xây dựng chương trình và kết nối xin vui lòng liên hệ:

Email: hello@kisstartup.com

SĐT: 0396 292 442 ( Ms. Xuân)

 

Tác giả: 
KisStartup, KisImpact