(BĐT) – Đổi mới sáng tạo thông qua hình thức mua lại (acquiring innovation) vốn không phải là một khái niệm mới. 2.000 thương vụ mua lại của Apple với các công ty/dự án khởi nghiệp sáng tạo là một bằng chứng cho thấy, bên cạnh việc tự tạo ra những đổi mới sáng tạo ngay trong chính doanh nghiệp (DN), đổi mới sáng tạo có thể thực hiện qua việc mua lại các khởi nghiệp sáng tạo.
Những công ty công nghệ lớn như Apple, Google, Facebook thường mua lại khởi nghiệp sáng tạo để phát triển doanh nghiệp
Khởi nghiệp sáng tạo nằm trong tầm ngắm của doanh nghiệp lớn
Những tập đoàn công nghệ như Apple, Google, Facebook cùng những thương vụ mua lại các startup liên tục thời gian qua đang đặt ra câu hỏi: phải chăng việc mua lại khởi nghiệp sáng tạo chỉ xảy ra với những công ty công nghệ lớn? Vậy những DN không phải là công ty công nghệ nằm ở đâu trong câu chuyện này?
Ở Việt Nam, sự xuất hiện nhiều hơn của các tập đoàn lớn, các DN trong bức tranh hệ sinh thái khởi nghiệp đang là những dấu hiệu cho thấy tiềm năng của xu hướng đổi mới sáng tạo qua mua lại khởi nghiệp sáng tạo này, khi mà đổi mới sáng tạo của DN đứng trước rất nhiều thách thức do môi trường kinh doanh không ngừng biến động và khó đoán định. Vậy các DN thường mua gì từ các khởi nghiệp sáng tạo? Tại sao cần có mối liên hệ chặt chẽ hơn giữa các DN khởi nghiệp sáng tạo và các tập đoàn lớn, các DN?
Trước hết, lý do để các khởi nghiệp sáng tạo nằm trong tầm ngắm của các DN lớn là vì với việc mua lại những DN khởi nghiệp sáng tạo, các DN/tập đoàn có thể mua lại những đổi mới sáng tạo xoay quanh những sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh có sẵn. Theo đó, nếu một DN đã có sẵn mô hình kinh doanh, thì việc có thêm những đổi mới sáng tạo cho những sản phẩm, dịch vụ mới không nhất thiết phải đi từ bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D). Bởi, khi việc mua lại một khởi nghiệp sáng tạo sẽ nhanh hơn rất nhiều, thì việc biến khởi nghiệp sáng tạo thành bộ phận R&D của DN là một lựa chọn không tồi để giải quyết vấn đề về thời gian và chi phí.
Lý do thứ hai, việc mua lại những đổi mới sáng tạo cho phép các tập đoàn gia nhập thị trường mới gần với thị trường đã có. Điển hình như trường hợp của Facebook mua lại Instagram để mở rộng sang thị trường gần gũi với họ là mạng xã hội chia sẻ hình ảnh. Thay vì phải cạnh tranh và chia sẻ người dùng, Facebook đã tận dụng được thế mạnh của việc mua sắm này, giúp việc người dùng chuyển đổi thói quen từ Facebook sang Instagram hoặc ngược lại đều có lợi cho họ.
Lý do thứ ba, việc mua lại những công ty với sản phẩm đổi mới sáng tạo đột phá hoặc mô hình kinh doanh đột phá sẽ tạo điều kiện để các tập đoàn, DN phát triển thành những công ty tỷ USD. Mặc dù là hình thức hấp dẫn nhất, nhưng đây là hình thức đòi hỏi đầu tư lớn và tầm nhìn dài hạn. Việc Google mua lại Youtube hay Ebay mua lại Paypal đều chứng minh được tính đúng đắn của các quyết định mua lại.
Bên cạnh đó, việc mua lại các khởi nghiệp sáng tạo còn giúp các DN tiếp cận các tài sản sở hữu trí tuệ; bổ sung nguồn nhân lực; mua toàn bộ công ty, doanh thu và số lượng người dùng mà khởi nghiệp sáng tạo đã tạo dựng được…
Chủ động trong tìm hiểu các công nghệ mới
Tại Việt Nam, trong khi rất nhiều khởi nghiệp vốn xuất thân là các kỹ sư, lập trình viên giỏi còn đang loay hoay với bài toán thị trường, phân khúc khách hàng và mô hình kinh doanh, thì nhiều DN lại gặp khó khăn trong việc áp dụng những công nghệ mới vào bài toán cũ của DN. Việc mua lại cũng đã diễn ra nhưng còn khá khiêm tốn về số lượng và quy mô. Nhiều DN mới đặt vấn đề mua lại khởi nghiệp để giải quyết vấn đề nhân sự về công nghệ.
Trong một chuyến đi đến Việt Nam, khi nói chuyện với các DN du lịch về đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực du lịch, Jeff Hoffman, tỷ phú Mỹ, người đầu tư cho rất nhiều khởi nghiệp sáng tạo đình đám có chia sẻ: Hãy bước chân ra bên ngoài, nhìn nhận và học hỏi những xu hướng công nghệ mới, thậm chí là cả những công nghệ tưởng như không có mối liên quan nào tới ngành nghề của DN. Đổi mới sáng tạo sẽ nảy sinh từ những quan sát, hiểu biết và liên tưởng đó. Sâu xa trong lời khuyên đó chính là nếu DN thực sự muốn đổi mới sáng tạo, hãy chủ động hơn trong việc tìm hiểu các công nghệ mới – mà không ai khác chính các khởi nghiệp sáng tạo là người đang nắm giữ và đi tiên phong trong những xu hướng này.
Không phải ngẫu nhiên Techfest 2017 – sự kiện khởi nghiệp lớn nhất Việt Nam cũng sắp chứng kiến sự xuất hiện chính thức của hoạt động kết nối các DN vừa với khởi nghiệp sáng tạo và thu hút mạnh mẽ hơn các DN tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp. Đó cũng là một tín hiệu tốt, đánh dấu sự tham gia mạnh mẽ hơn của những DN vào câu chuyện khởi nghiệp sáng tạo xuất phát từ chính nhu cầu đổi mới sáng tạo của họ. Và biết đâu, trong một thời gian ngắn tới đây, chúng ta sẽ chứng kiến nhiều hơn những vụ mua lại khởi nghiệp sáng tạo từ chính các DN, tập đoàn trong nước – một cú hích quan trọng với hệ sinh thái khởi nghiệp còn khá non trẻ của Việt Nam.
Nguyễn Đặng Tuấn Minh – Quản lý & Đồng sáng lập KisStartup
Nguồn: Báo Đấu Thầu