|
… “Đừng lựa chọn một ý tưởng nào đó chỉ vì nó đang là mốt, mà hãy chọn một thứ mà bản thân bạn thực sự quan tâm và sẵn sàng mất ngủ vì nó. Hãy tìm kiếm một người mentor thật giỏi, người có thể sẵn sàng bật dậy lúc nửa đêm vì bạn, và sẵn sàng hỗ trợ bạn tới cùng trong vòng 5-10 năm tới”- Văn Đinh Hồng Vũ- Sáng lập Elsa Speak# *
Khi sự thành công của rất nhiều nhà khởi nghiệp sáng tạo đang truyền cảm hứng cho các bạn trẻ, và đứng đằng sau sự thành công đó là rất nhiều con người như cố vấn khởi nghiệp, các huấn luyện viên, những người đào tạo khởi nghiệp v..v, cũng là lúc, chúng ta cùng nhau nhìn nhận lại và phân biệt vai trò của những nhân vật này, và chúng ta nên kỳ vọng gì ở họ? Bởi lẽ, nếu hiểu nhầm và đặt nhầm kỳ vọng vào những nhóm khác nhau, có thể sẽ dẫn đến sự phủ nhận sạch trơn những nỗ lực và đóng góp của họ, hoặc không biết khai thác các nguồn lực để hệ sinh thái khởi nghiệp ngày một mạnh lên.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu các vai trò của người đào tạo (trainer), huấn luyện viên (coach), cố vấn (mentor), tư vấn (consultant), nhà đầu tư (investor), đặc điểm mối quan hệ của họ với chủ doanh nghiệp/dự án khởi nghiệp và cùng nhau giải đáp một số câu hỏi thường gặp về chủ đề này.
|
Trainer – người đào tạo: Là người hỗ trợ ngắn hạn tùy theo chương trình, nội dung đào tạo, nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng cho các chủ dự án/đội nhóm khởi nghiệp. Người đào tạo có thể đào tạo: (1) Kiến thức (có thể về một ngành cụ thể như du lịch, hoặc một mảng trong quản trị doanh nghiệp như marketing, nhân sự, tài chính, kế toán, sở hữu trí tuệ v..v hoặc phương pháp, ví dụ khởi nghiệp tinh gọn); (2) Kỹ năng (pitching – gặp gỡ nhà đầu tư; thuyết trình; bán hàng v.v). Là một người đào tạo, đương nhiên những kỹ năng cơ bản cần có là khả năng truyền đạt, kỹ năng giảng dạy. Thông thường, đào tạo là một dịch vụ có thu phí. Các khóa học miễn phí cũng có thể diễn ra dưới sự tài trợ của các tổ chức hoặc sự tự nguyện của người dạy. Bạn nên kỳ vọng vào kiến thức có được khi làm việc với người đào tạo, thay vì những lời khuyên hoặc sự tư vấn.
Coach – Huấn luyên viên: Là người hỗ trợ ngắn hạn, thường kéo dài 3-6 tháng với các dự án khởi nghiệp ở giai đoạn ươm mầm và tăng tốc. Bạn có thể thấy họ trong các vườn ươm hoặc các công ty cung cấp dịch vụ huấn luyện chuyên nghiệp. Người làm huấn luyện viên (HLV) cũng giống như người HLV của đội bóng, cầm tay chỉ việc và hướng dẫn đội nhóm khởi nghiệp cho một mục tiêu/công việc nhất định.
Ví dụ: Xác định được chân dung khách hàng của doanh nghiệp. Để làm việc này, người HLV có thể đặt ra các câu hỏi nhằm giúp nhóm khởi nghiệp xác định rõ hơn mình bán hàng cho ai? Đặc điểm của họ thế nào? Vấn đề của họ ra sao? V..v. Người HLV không trả lời giúp bạn các câu đó, mà với kinh nghiệm, kỹ năng của mình, họ sẽ giúp bạn nhận ra và tự trả lời từ đó tự giải quyết vấn đề của mình. Họ cũng đóng vai trò như một người kèm cặp bạn trong một công việc cụ thể. Một người HLV không can thiệp sâu vào lĩnh vực kinh doanh của startup mà chỉ đưa ra các nguyên lý chung để những người khởi nghiệp cân nhắc, do đó, họ có thể trở thành HLV cho các dự án khởi nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Điểm mạnh nhất của họ chính là kỹ năng đặt câu hỏi, giúp bạn phát hiện vấn đề và sử dụng các công cụ nhằm hỗ trợ bạn giải quyết những vấn đề đó. Họ cũng sẽ huấn luyện bạn sử dụng các công cụ hoặc thực hành một công việc cho đến khi thuần thục. Sau đó bạn có thể không cần đến họ nữa. Nói một cách đơn giản, HLV là người đồng hành với bạn trong một thời gian ngắn, là người cầm tay chỉ việc và đi sát với thực tế doanh nghiệp trong một thời gian. Dù bạn đang khởi nghiệp hay phát triển một dự án mới trên tinh thần khởi nghiệp, việc có một HLV giống như có một người đứng từ bên ngoài nhìn vấn đề của bạn một cách khách quan. Họ thậm chí phải xin phép trước khi cho bạn lời khuyên, và sẽ không tư vấn gì cho bạn, nhưng họ sẽ là người đồng hành và giúp bạn tự giải quyết vấn đề một cách hiệu quả. Coaching là dịch vụ có thu phí.
Mentor- Cố vấn khởi nghiệp: Là một người bạn và hơn thế. Họ là những người có trải nghiệm nhiều hơn bạn, quan tâm đến sự phát triển cá nhân của bạn trong kinh doanh và cuộc sống. Mentor đầu tiên phải là người bạn thực sự mong muốn nói chuyện, để bạn là chính mình và chia sẻ chân thành. Bạn có thể tìm kiếm mentor qua các buổi gặp gỡ networking và cũng có thể đến các chương trình cố vấn khởi nghiệp để tìm và kết nối.
Những cặp mentor-mentee nổi tiếng như Steve Jobs – Mark Zuckerberg hay Warren Buffett – Bill Gates đều là những ví dụ về mối quan hệ mentorship bền vững, lâu dài và phi lợi nhuận. Trong quan hệ mentoring, cả hai đều coi trọng mối quan hệ, học hỏi lẫn nhau và chia sẻ. Người mentor có lúc là người dẫn đường, kể cho mentee những trải nghiệm của mình và có thể có những gợi ý, lời khuyên nhỏ. Mentee là người đặt ra những mục tiêu cho buổi nói chuyện để đạt đến cái đích của mình. Các doanh nhân thành công coi việc trở thành mentor là cơ hội lắng nghe thế hệ trẻ thay vì ban phát lời khuyên. Cũng chính vì mối quan hệ đặc biệt này, sự kết nối giữa các thế hệ doanh nhân, sự chia sẻ và hợp tác dẫn đến việc mentoring trở thành một văn hóa.
Consultant – Tư vấn: Là người cung cấp dịch vụ chuyên sâu, đưa ra những gợi ý dựa trên kết quả nghiên cứu và phân tích sâu một vấn đề của doanh nghiệp. Người làm tư vấn bắt buộc có kiến thức và kỹ năng chuyên môn, có hiểu biết về doanh nghiệp và đặc thù của ngành một cách sâu sắc. Tư vấn sẽ giúp giải quyết một vấn đề, hoặc đưa ra những lựa chọn về giải pháp. Ra quyết định cuối cùng phụ thuộc vào người chủ doanh nghiệp. Tư vấn cũng có thể tiến hành những đào tạo hướng dẫn về chiến lược, quản trị và cùng bạn lập kế hoạch cần thiết để đạt được mục tiêu. Tùy giai đoạn mà doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ cần những tư vấn khác nhau ví dụ tư vấn kế toán, thuế, sở hữu trí tuệ hoặc tư vấn đầu tư v.v. Dịch vụ tư vấn là dịch vụ tính phí.
Investor- Nhà đầu tư: Nhà đầu tư cấp vốn để giúp phát triển startup. Khi đầu tư vào startup, nhà đầu tư hoàn toàn có thể đổi cổ phần lấy sự chia sẻ mạng lưới quan hệ kinh doanh của họ, hoặc kiến thức chuyên môn/bí quyết kinh doanh nào đó.Vốn trong ngữ cảnh đầu tư phải được hiểu bao gồm các lựa chọn sau: (1) Tiền mặt (2)Thời gian (3) Nguồn lực (mối quan hệ, hỗ trợ chuyên môn,…)1
Quan hệ với nhà đầu tư: trước tiên đó là quan hệ kinh doanh vì lợi ích, cả hai đều cùng mong đến sự phát triển của doanh nghiệp để sự đầu tư của mình sinh ra hiệu quả. Tuy vậy, mối quan hệ này như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào chính hiểu biết của cả hai bên. Đây hoàn toàn không phải là quan hệ bề trên kẻ dưới.2
Một nhà đầu tư có thể trở thành mentor cho chính startup mà mình đầu tư. Hoặc trong một số trường hợp có sự hoán đổi từ mentor sang thành investor. Tuy vậy, tỷ lệ này không nhiều, chỉ chiếm khoảng 6%. Chính vì vậy, khi chọn mentor, cũng không nên kỳ vọng họ sẽ trở thành nhà đầu tư cho bạn và ngược lại, không phải nhà đầu tư nào cũng sẽ mentor cho startup của mình.
Câu hỏi đặt ra là một người có thể đóng nhiều vai trò không? Hoàn toàn có thể được. Tuy vậy, trong từng hoàn cảnh khác nhau, bạn hãy xác định vai trò chính của họ để từ đó có những kỳ vọng đúng đắn về hiệu quả làm việc.
——-
* Startup giáo dục của 2 cô gái Việt vào vòng chung kết cuộc thi có tỷ lệ “1 chọi 400”. http://nhipcaudautu.vn/cong-nghe/ict/startup-giao-duc-cua-2-co-gai-viet-vao-vong-chung-ket-cuoc-thi-co-ty-le-1-choi-400-3302391/
1 Nguồn: Hiểu Sai Vai Trò — Hiểu Sai Kỳ Vọng. Phan Đình Tuấn Anh. https://medium.com/@tuananh_phan/hi%E1%BB%83u-sai-vai-tr%C3%B2-hi%E1%BB%83u-sai-k%E1%BB%B3-v%E1%BB%8Dng-5a2a171e0f82
2 http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/158321/
Tác giả: Nguyễn Đặng Tuấn Minh
Nguồn: Tia Sáng