khởi nghiệp

Thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và văn hóa cố vấn tại Tây Bắc

Ngày 10.10.2024, KisStartup với Trung tâm Thúc đẩy Khởi sự, Khởi nghiệp Kinh doanh và Thu hút Đầu tư vùng Dân tộc Thiểu số - Đại học Tây Bắc, thực hiện chương trình đào tạo trực tuyến với chủ đề "Hệ sinh thái khởi nghiệp." Chương trình nhằm hỗ trợ các giảng viên, giáo viên, và cán bộ của các cơ quan chính quyền nắm rõ khái niệm hệ sinh thái khởi nghiệp và vai trò của mình trong hệ sinh thái khởi nghiệp quốc tế, quốc gia, địa phương, cũng như trong môi trường trường đại học.

Chương trình tập trung giới thiệu về khái niệm và các yếu tố quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Các học viên đã được hướng dẫn cách thực hiện nghiên cứu hiện trạng hệ sinh thái khởi nghiệp tại địa phương, từ đó phân tích và xác định những vấn đề cụ thể mà hệ sinh thái khởi nghiệp đang gặp phải. Điều này giúp các giảng viên có thể thiết kế và xây dựng các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển của hệ sinh thái tại trường học và địa phương, đồng thời kết nối với hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia.

KisStartup tập trung vào việc phân biệt các vai trò khác nhau trong hệ sinh thái khởi nghiệp, bao gồm: cố vấn, huấn luyện viên, cố vấn ngành (kỹ thuật), tư vấn, và người đào tạo. Các học viên được tìm hiểu kỹ hơn về các kỹ năng cần thiết cho từng vai trò trong hệ sinh thái khởi nghiệp, từ đó phát triển các kỹ năng cố vấn chuyên sâu. Đặc biệt, các học viên đã có cơ hội thực hành và đưa ra những đề xuất sáng tạo cho các chương trình mentoring (cố vấn) như: chương trình mentor cho nữ sinh viên dân tộc thiểu số đang làm mẹ nhằm giảm thiểu nguy cơ bỏ học, hoặc chương trình mentoring cho các nhóm khởi nghiệp vùng dân tộc thiểu số tại địa phương ngay tại trường phổ thông trung học. 

Kết thúc 02 buổi đào tạo

  • Các giảng viên đã có hiểu biết rõ ràng hơn về hệ sinh thái khởi nghiệp và nhận thức sâu sắc về vai trò của mình trong việc thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái này.
  • Học viên đã phát triển những ý tưởng chương trình mentoring sáng tạo nhằm hỗ trợ khởi nghiệp cho cộng đồng dân tộc thiểu số tại địa phương.
  • KisStartup cam kết tiếp tục đồng hành cùng các thầy cô giáo trong việc khai thác các tiềm năng của địa phương và cá nhân, góp phần vào sự phát triển bền vững của hệ sinh thái khởi nghiệp

 

Tác giả: 
KisStartup

Năm 2023 của KisStartup và những con số đáng nhớ

Như thông lệ, đầu năm mới là thời điểm để đội ngũ cùng nhìn lại các kết quả của năm vừa qua và cùng chuẩn bị cho những kế hoạch sắp tới thông qua một số chỉ số cơ bản sau đây:

  • 32: Số sự kiện chính bao gồm trực tiếp và trực tuyến: 
  • >44: hoạt động đào tạo 
  • >126: phiên tư vấn huấn luyện:
  • 03: Thị trường quốc tế mở rộng gồm: Nhật Bản, Canada, Hà Lan
  • 42: Chương trình/ Dự án thiết kế và vận hành bởi KisStartup và KisImpact
  • 09 : cặp mentee và mentor được thiết lập tại chương trình SME  mentoring 1on1
  • 125: Kết nối bao gồm doanh nghiệp, startups, nhà đầu tư trong nước và quốc tế

Với chúng tôi, những con số không chỉ nói lên nỗ lực mà đằng sau mỗi con số, đó là những câu chuyện của những khách hàng, sự tiến bộ của đội ngũ và là nguồn năng lượng từ những bài học thành công, thất bại, cho sự dũng cảm điều chỉnh và thay đổi. 

Đối với đối tác, cộng sự và khách hàng chúng tôi hy vọng những con số sẽ phần nào giúp bạn hiểu hơn về chúng tôi để đặt nền tảng cho niềm tin và những hợp tác bền vững trong tương lai. Đặc biệt, xin gửi lời cảm ơn chân thành đến mạng lưới kết nối và hợp tác trong hệ sinh thái KisStartup vì những nỗ lực và sự hỗ trợ to lớn mà chúng tôi không thể dùng thang đo thích hợp nào để lượng hóa.

Từ đội ngũ KisStartup.

Tác giả: 
KisStartup

Đào tạo Tư duy Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo tại Đại học Công nghiệp Hà Nội - HAUI

ĐÀO TẠO TẠO TƯ DUY ĐỔI MỚI SÁNG TẠI TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP HÀ NỘI – HAUI
 
 
Đạo tạo tư duy đổi mới sáng tạo tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội nằm trong chương trình hợp tác giữa Đoàn thanh niên trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (CLB SIP HAUI) và VinTech city. Trong chương trình này, KisStartup đóng vai trò là đơn vị phụ trách chuyên môn đào tạo cho không chỉ sinh viên đã có dự án hoặc ý tưởng khởi nghiệp mà chương trình còn được thiết kế một buổi đặc biệt dành cho các thầy cô trong trường với mong muốn tạo ra những giảng viên nguồn có khả năng đỡ đầu, hỗ trợ và giám sát trực tiếp các ý tưởng hoặc dự án đi ra từ trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.
Chương trình đào tạo trực tiếp được diễn ra trong 04 buổi và kết thúc vào buổi chiều ngày 17.11.2019. Kết thúc chương trình đào tạo trực tiếp này là mở ra 03 tháng hỗ trợ tiếp theo cho 05 dự án tiềm năng nhất được chọn lọc dưới sự giáo sát trực tiếp của giảng viên nguồn và KisStartup.
 
KisStartup hy vọng đây là bước khởi đầu nhỏ cho những bước tiến dài hơn của trường đại học trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hỗ trợ mạnh mẽ cho chính sinh viên trong trường.
---
#kisstartup #HAUI #đại_học_công_nghiêpj_hà_nội #Vintechcity
#đào_tạo_đổi_mới_sáng_tạo #đổi_mới_sáng_tạo #trường_đại_học 
 

     

 

Tác giả: 
KisStartup

KisStartup tập huấn cho cán bộ quản lý, giảng viên, cán bộ truyền thông tại Trà Vinh

KisStartup tập huấn cho cán bộ quản lý, giảng viên, cán bộ truyền thông tại Trà Vinh. 

Trong khuôn khổ chương trình của Dự án phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ của tỉnh Trà Vinh (SME Trà Vinh), KisStartup đã tiến hành tập huấn về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho các cán bộ quản lý, cán bộ truyền thông, giảng viên từ các sở, ban, ngành và trường đại học của tỉnh Trà Vinh. 

Chương trình nhắm đến việc đưa những khái niệm quan trọng, tư duy của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo lồng ghép vào các hoạt động hiện tại của tổ chức. Anh Phan Đình Tuấn Anh và Chị Nguyễn Đặng Tuấn Minh trao đổi trực tiếp với các học viên về:

* Đổi mới sáng tạo cách thức truyền thông về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua hiểu về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

* Thiết kế thử nghiệm các chương trình mentoring, ươm tạo và hỗ trợ kết nối đầu tư cho các dự án khởi nghiệp 

Sau khóa học, KisStartup và các chuyên gia sẽ tiếp tục đồng hành cùng các hoạt động và hỗ trợ các cán bộ quản lý, giảng viên để phát triển các hoạt động trong thời gian tới cũng như kết nối các hoạt động của Trà Vinh với mạng lưới của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam và quốc tế. 

Tác giả: 
KisStartup

"Cuộc hôn nhân" nhà đầu tư - startup: Kỳ vọng gì từ hai phía? (Phần 2)

Ở phần 1 chúng ta đã tìm hiểu về kỳ vọng của nhà đầu tư về doanh nghiệp, về người sáng lập, về sản phẩm dịch vụ v..v. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, startup thường có xu hướng phải đi tìm nhà đầu tư và thuận theo những mong muốn của nhà đầu tư hơn là chiều ngược lại. Startup có quyền lựa chọn nhà đầu tư cho mình không? Nếu chọn thì chọn như thế nào? Có nên đặt ra những kỳ vọng của chính mình khi gặp nhà đầu tư không? Câu trả lời là: Rất nên, thậm chí còn thực sự nên bình tĩnh trước khi nói lời đồng ý. Nói một cách hình ảnh thì, nếu bạn muốn kết hôn và bạn tin là mình có quyền lựa chọn thì hãy hỏi và tìm hiểu để lựa chọn, bởi thực tế đã chứng minh, đó có thể là một đám cưới mở ra cho bạn một chặng đường mới với người bạn đời ủng hộ và chia sẻ nhưng đó cũng có thể đó là một địa ngục mà việc thoát ra không hề đơn giản và có thể đánh mất của bạn nhiều cơ hội. Với phần 2, sau khi phân tích kỳ vọng của startup, chúng tôi sẽ cùng bạn chỉ ra những sai lầm thường gặp phải trong “cuộc hôn nhân” này.  

Hiểu mình - Bạn đã thực sự sẵn sàng cho cuộc chơi đầu tư?

Startup là ai trong con mắt nhà đầu tư? Thực tế không có một câu trả lời chính xác nào cho định nghĩa này vì mỗi nhà đầu tư sẽ có định nghĩa của riêng mình. Tuy nhiên, theo cách hiểu về startup – khởi nghiệp sáng tạo thì bạn thực sự cần phải có cái mới và trên con đường định hình cái mới thành một giá trị thực sự. Cái nhà đầu tư muốn nhìn thấy có thể cũng giống bạn, đó là giá trị đó sẽ nhân rộng ra và mang lại lợi ích cho nhiều người. Khi hiểu về cái mới và những giá trị mình đang có cũng như sẽ theo đuổi, bạn hãy đặt câu hỏi tiếp theo, bạn đã sẵn sàng cho cuộc chơi đầu tư? 

Bạn luôn phải hỏi mình câu hỏi này trước khi chính thức nói tôi cần nhà đầu tư. Theo bà Melissa Bradley một serial entrepreneur, một nhà đầu tư, một giáo sư, một nhà nghiên cứu và hiện là Đối tác Quản lý (Managing Partner) của Chương trình Phát triển Kinh doanh 1863 Ventures chia sẻ tại buổi tọa đàm tổ chức ngày 27.3.2019 tại Trung tâm Hoa Kỳ, trong khuôn khổ chương trình GIST của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ – điều đầu tiên bạn cần chuẩn bị khi khởi nghiệp là tài chính. Ít nhất bạn cần chuẩn bị số tiền đủ để bạn có thể tồn tại trong thời gian đầu trước khi có thể gọi được vốn từ nhà đầu tư hoặc từ các nguồn khác như gia đình, bạn bè, vốn vay, quỹ hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, v.v. Và ngay cả khi bạn cần tiền, hoặc rất rất cần tiền, đầu tư không phải là một phương án duy nhất để có tiền phát triển doanh nghiệp của bạn. Hãy tự hỏi mình: Còn nguồn nào khác để huy động vốn? Rủi ro của việc có nhà đầu tư là gì? Bạn có sẵn sàng từ bỏ một phần quyền sở hữu những gì bạn đang có hiện nay không? Bạn muốn đi bao xa trong câu chuyện này? Nếu đã xác định chính xác mình cần vốn đầu tư để phát triển kinh doanh và sẽ gọi vốn, điều đó đồng nghĩa với bạn bước chân vào một cuộc chơi gọi vốn liên tục. Dù muốn hay không, ngay từ bước đầu tiên, quan trọng nhất, tự bạn phải vạch ra lộ trình gọi vốn các vòng: vốn mồi, series A, B,C,  v..v. Trên thực tế, các vòng gọi vốn có thể thay đổi về thời gian, và lượng vốn cần gọi nhưng việc có một kế hoạch chứng minh, bạn đang chấp nhận cuộc chơi dài hạn. 

Sau khi đã thực sự xác định được mình cần đầu tư, bạn sẽ phải đưa ra những thông tin cụ thể cho nhu cầu số tiền bạn cần. Điều này giúp nhà đầu tư hiểu được tiền của họ sẽ đi vào đâu và thúc đẩy doanh nghiệp của bạn ở khía cạnh nào vào thời điểm này. 

Hiểu người - Bạn đã hiểu gì về nhà đầu tư?

Cũng giống như nhà đầu tư tìm hiểu về startup, startup cũng cần tìm hiểu về nhà đầu tư. Thông thường, thông tin về những nhà đầu tư thiên thần sẽ được chính họ công khai chia sẻ, những doanh nghiệp họ đã và đang đầu tư, những lĩnh vực mà họ quan tâm và quy mô đầu tư của họ. Còn với một thị trường mà thông tin đang thiếu sự minh bạch, cách tốt nhất để bạn tìm hiểu về nhà đầu tư chính là hỏi họ và hỏi những doanh nghiệp đã từng được họ đầu tư như một hình thức đối chứng. Dưới đây là một số câu hỏi bạn nên tìm hiểu hoặc hỏi trực tiếp nhà đầu tư và một số lý giải tại sao bạn phải hỏi những câu hỏi đó. 

- Anh chị dự định đầu tư tối đa vào công ty tôi là bao nhiêu? Câu hỏi giúp bạn xác định xem đây có phải là nhà đầu tư phù hợp với nhu cầu của bạn không? Quá lớn hay quá nhỏ đều không phù hợp. Câu hỏi này bạn nên hỏi ngay từ đầu, thậm chí trước khi gặp gỡ. 

- Quá trình due diligence (tạm dịch là: thẩm định để đầu tư) của anh chị sẽ diễn ra như thế nào?: Câu hỏi giúp bạn hình dung quá trình diễn ra để tiến đến việc bạn nhận được tiền của nhà đầu tư sẽ như thế nào, liệu nó có phức tạp hoặc quá đơn giản không. 

- Nhà đầu tư thiên thần nào anh chị ngưỡng mộ? Tại sao? Câu hỏi này đương nhiên cho bạn hiểu rất nhiều về nhà đầu tư, những giá trị họ theo đuổi và những giá trị đó có phù hợp với bạn hay không. 

- Anh/chị đã đầu tư bao nhiêu startup rồi? Họ là những ai? Kinh nghiệm đầu tư làm nên một nhà đầu tư chuyên nghiệp. 

- Ở những doanh nghiệp này anh chị làm gì cho họ ngoài góp vốn?: Nếu bạn đang tìm kiếm những nhà đầu tư không chỉ mang lại cho bạn tiền thì đây là một câu hỏi quan trọng. Nên ghi nhớ rằng bên cạnh lĩnh vực chuyên môn với những khách hàng tiềm năng, họ còn có thể mang lại cho bạn những hiểu biết về đặc thù của ngành, thị trường và những xu hướng, thông tin quý giá. 

- Lĩnh vực chuyên môn/Kinh nghiệm của anh/chị thuộc ngành nào?: Nhà đầu tư chuyên nghiệp thường đầu tư những lĩnh vực họ hiểu rõ để giảm thiểu rủi ro. Vì vậy, hỏi để tìm ra điểm tương đồng giữa lĩnh vực chuyên môn của họ với ngành mà startup của bạn đang hoạt động là cần thiết.

- Kế hoạch thoái vốn của anh/chị là trong bao lâu?: Câu hỏi giúp bạn xác định đây là nhà đầu tư chơi cuộc chơi dài hạn hay ngắn hạn. 

Một số quan sát 

Thực tiễn làm việc với các startup đã tiếp nhận đầu tư gồm cả những thương vụ thành công và không thành công, chúng tôi thấy rằng, ở một hệ sinh thái khởi nghiệp còn non trẻ như Việt Nam, hiểu sai về kỳ vọng của nhà đầu tư từ phía startup và/hoặc có những kỳ vọng sai lầm từ chính các nhà đầu tư có thể dẫn đến những kết quả không mong muốn cho cả hai. Có thể tóm tắt trong một số điểm sau đây về sai lầm thường gặp từ cả hai phía:

Startup:

1.Không tìm hiểu và khi gặp không đặt câu hỏi: Với những quy định khá mở như đã nói ở phần 1, việc mang danh nhà đầu tư thiên thần, nhưng không phải là thiên thần ở Việt Nam không phải hiếm. Trong khi đó, với hiểu biết lơ mơ, các startup cũng mặc nhiên đưa mình vào vị thế thấp hơn so với những nhà đầu tư thiên thần mà họ gặp. Không ít startup hồn nhiên tin rằng, những doanh nhân thành đạt là nhà đầu tư thiên thần, họ có rất nhiều tiền và có thể đầu tư vào doanh nghiệp của mình. Sự hồn nhiên này dẫn đến sai lầm thường gặp phải là không tìm hiểu kỹ và cũng không đặt câu hỏi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không chỉ ở Việt Nam, theo Andrew J Scott, chỉ 2% những sáng lập viên đặt câu hỏi ngược lại với các nhà đầu tư hoặc quỹ đầu tư tiềm năng. Đây là một sai lầm trầm trọng vì bạn tự đánh mất quyền và vị thế của mình trong đầu tư. Startup dường như quên mất rằng, đây là quan hệ đôi bên có lợi, bạn không “xin” tiền mà đang tìm kiếm những người cùng bạn khiến đồng tiền của họ và ước mơ của bạn sinh sôi nảy nở và phát triển cùng nhau mà thôi. 

2. Rất cần tiền nên chấp nhận thật nhanh và mọi điều kiện để nhận được tiền đầu tư: Thông thường, một nhà đầu tư rót tiền nhanh chưa hẳn đã là một nhà đầu tư tốt vì chưa có thời gian tìm hiểu. Bạn quyết định nhanh cũng có thể là một bất lợi cho bạn khi chưa hiểu rõ kỳ vọng của nhà đầu tư. Term sheet (Điều khoản đầu tư) là thứ vô cùng quan trọng quyết định chất lượng của mối quan hệ. Nếu bạn đặt bút ký vào một bản term sheet lỏng lẻo, đơn giản thật nhanh miễn là có tiền sớm có nghĩa là bạn đang tự đe dọa tương lai của chính mình. Nhà đầu tư có thể trở thành một ông chủ của bạn trong doanh nghiệp của chính bạn. Bên cạnh đó, không ít startup chấp nhận mất hơn 30% cổ phần cho nhà đầu tư thiên thần, sai lầm này dẫn đến việc không thể gọi vốn cho những vòng sau. 

3. Kỳ vọng nhà đầu tư sẽ tham gia trực tiếp vào công việc kinh doanh: Đừng quên, một nhà đầu tư chuyên nghiệp không chỉ đầu tư cho một startup, bạn chỉ là 1 trong hàng chục những thương vụ đầu tư của họ. Việc kỳ vọng này không chỉ gây ra thất vọng cho chính bạn mà còn làm nhà đầu tư nản lòng vì bạn không thể tự chủ động tổ chức công việc kinh doanh của mình. 

4. Kỳ vọng tiền của nhà đầu tư sẽ giải quyết mọi vấn đề: Đừng quên bạn đang tham gia vào một cuộc chơi dài hạn. Số tiền “vốn mồi” ở giai đoạn đầu này chỉ giúp bạn giải quyết một hoặc một vài vấn đề bức thiết nhất mà thôi. Nếu không làm rõ điều này, chính bạn sẽ gặp rắc rối khi chi tiêu số tiền không có trọng tâm sau này. Đó là chưa nói tới, có thể nó sẽ là bất lợi cho bạn khi không giúp nhà đầu tư thiên thần hiểu rằng, số tiền họ đầu tư cho bạn chỉ là một phần nhỏ trong cả một câu chuyện lớn mà thôi.
 

Nhà đầu tư

1.Muốn thu hồi vốn thật nhanh: Khởi nghiệp là một cuộc chơi dài hạn. Nếu nhà đầu tư nào đó nói với bạn họ sẽ thoái vốn trong khoảng 3 năm thì đó là báo động đỏ. Theo Francesca Warner- Đồng sáng lập và CEO của Diversity VC. Vương quốc Anh, họ không chấp nhận được rủi ro của việc đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, họ không thực tế và sẽ khó giúp bạn có một hợp tác thuận lợi. 

2. Không tự mình làm due diligence: Một nhà đầu tư thiên thần sẽ tự mình thẩm định startup trước khi họ đầu tư, đó là quá trình giúp họ gia tăng trải nghiệm và giúp họ hiểu về startup mà mình đầu tư. Không tự thẩm định doanh nghiệp mình sẽ đầu tư hoặc đồng hành về cả người đứng đầu, đội nhóm, sản phẩm dịch vụ cho đến sức khỏe của doanh nghiệp v..v. là sai lầm dẫn đến những thất bại trong đầu tư.

3. Muốn sở hữu và thâu tóm hơn là giúp startup phát triển: Một thực tế ở Việt Nam theo quan sát của một số nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm đến từ Mỹ, các nhà đầu tư thiên thần bản địa chuyên nghiệp và thực sự là những nhà đầu tư thiên thần không nhiều. Không ít những nhà đầu tư được gọi là thiên thần đang cố gắng sở hữu hơn và thâu tóm với giá rẻ vào giai đoạn đầu của những startup hơn là thực sự đầu tư vào những doanh nghiệp này. Họ thường đòi mức cổ phần khống chế cho khoản tiền mình đầu tư, can thiệp rất sâu vào hoạt động của doanh nghiệp. Về lâu dài, sai lầm này không chỉ dẫn đến việc startup không phát triển được mà thậm chí, chính họ cũng mệt mỏi một khi danh mục đầu tư nhiều lên. 

Có một điểm thú vị là đầu tư thiên thần ở Mỹ được nhận định là sự giao thoa giữa nhà đầu tư và một cố vấn, có lẽ cũng sẽ đúng với bối cảnh ở Việt Nam. Không chỉ là những người đến sớm để chấp nhận rủi ro cùng bạn, họ còn là những người mang lại cho bạn những giá trị giúp bạn tiến gần hơn đến ước mơ của mình. Với các nhà đầu tư, để thực sự trở thành thiên thần và mang lại lợi nhuận từ chính khoản đầu tư của mình, họ cũng cần chuẩn bị về cả năng lực tài chính và tư duy. Thay cho lời kết, những người viết bài này muốn chia sẻ với bạn câu chuyện chúng tôi được nghe từ chính người sáng lập Raegan Moya-Jones của Aden + Anais từng phát triển thương hiệu của mình từ con số không đến doanh nghiệp triệu đô và bị đẩy ra khỏi doanh nghiệp của mình. Raegan chia sẻ, gặp được những nhà đầu tư thiên thần trong cuộc đời cô là một may mắn, họ thực sự là thiên thần, tôn trọng tầm nhìn và giá trị bạn mang lại, hỗ trợ bạn, kết nối bạn với những bạn hàng và mạng lưới có giá trị. Còn nếu vội vàng với những thương vụ đầu tư chỉ tập trung vào tiền, có thể bạn cũng giống cô, bị đẩy ra khỏi doanh nghiệp chính mình tạo dựng và bắt đầu lại từ đầu với con số 0. 

------------

Tài liệu tham khảo:

https://medium.com/7percent/questions-startup-founders-should-ask-angel-investors-and-vcs-but-rarely-do-3cbb08faad09

https://medium.com/@checkwarner/a-guide-to-angel-investors-part-ii-the-questions-to-ask-angels-before-taking-their-40c067f7a09c

Tác giả: 
Tạ Hương Thảo, Nguyễn Đặng Tuấn Minh

Hơn 30 cuộc gặp gỡ diễn ra tại Mini Matching 01 - Chuỗi sự kiện kết nối đầu tư trước Techfest Vietnam 2018 do KisStartup thực hiện

Ngày 30/10 tại VCCI đã diễn ra hoạt động Mini Matching 01 – Kết nối đầu tư trước Techfest Vietnam 2018. Tiểu ban Kết nối đầu tư tại Techfest Vietnam 2018 do KisStartup thực hiện.  Với tiêu chí linh hoạt và tạo điều kiện gặp gỡ trao đổi tối đa cho các startup và nhà đầu tư, hoạt động Mini Matching 01 tiến hành cả trực tuyến và ngoại tuyến với tổng số 34 cuộc gặp. Số lượng startup từ các vùng miền khác tham gia đa dạng, các dự án làm thật, có những sản phẩm tốt và thực sự đang có nhu cầu vốn.

Minimatching 01 - Nằm trong chuỗi sự Kết nối đầu tư trước Techfest diễn ra tại Hà Nội ngày 30/10 vừa qua là sự một phần của hoạt động kết nối đầu tư trong Ngày hội Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Quốc gia - Techfest Vietnam 2018 (29/11 -01/12/2018). Techfest 2018 được chỉ đạo bởi Ban kinh tế Trung ương, Bộ Khoa học Công nghệ, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, UBND thành phố Đà Nẵng, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng nhiều cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội trên toàn quốc. Trong đó, hoạt động Kết nối đầu tư được giao cho đơn vị KisStartup trực tiếp thực hiện với đơn vị tài trợ địa điểm Báo Diễn đàn Doanh nghiệp.

Khác với mọi năm, các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) tại buổi Mini Matching 01 tập trung ở Hà Nội, năm 2018, số lượng startup từ các vùng miền khác tham gia đa dạng hơn. Như nhận xét của nhiều nhà đầu tư, các dự án làm thật, có những sản phẩm tốt và thực sự đang có nhu cầu vốn.

Trong đó, số lượng dự án chắc chắn nhận đầu tư là 02, số lượng dự án trở thành đối tác hợp tác tiềm năng là 04, có 08 dự án đang được cân nhắc đầu tư. Tham gia trong vai trò nhà đầu tư không chỉ có các nhà đầu tư thiên thần, mà còn có các đại diện của các quỹ đầu tư, các chương trình hỗ trợ tìm kiếm các ứng viên tiềm năng cho hoạt động ươm tạo, tăng tốc và tiền tăng tốc.

Tuy nhiên qua 34 phiên kết nối cũng có thể thấy những khoảng cách giữa nhu cầu vốn và ngân sách đầu tư của các nhà đầu, quỹ đầu tư. Trong khi nhóm startup quy mô vừa phải với nhu cầu vốn khoảng từ 20.000 USD đến 200.000 USD thì có những quỹ đầu tư tìm kiếm những startup ở trình độ phát triển cao hơn với khả năng hấp thụ vốn cao hơn rất nhiều.

“Khẩu vị” của các nhà đầu tư cũng có nhiều thay đổi so với năm 2017. Trong khi năm 2017, startup được quan tâm tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực Fintech (công nghệ tài chính) thì năm 2018, số lượng startup trong lĩnh vực nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp lại chiếm tỷ trọng không nhỏ.

Một thực tế cho thấy, rất nhiều doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội đầu tư nhưng trong quá trình kết nối đã trở thành khách hàng của startup. Điều đó phản ánh nhu cầu kết nối doanh nghiệp với startup để bán hàng, giới thiệu giải pháp song song với hoạt động kết nối đầu tư.

Tiếp nối thành công của Techfest Vietnam 2017 với tổng số 170 cuộc kết nối đầu tư sâu từ trước và trong sự kiện và tiền có cam kết đầu tư trong vòng 3 tháng lên tới trên 700.000 USD, 29 vụ đầu tư trong đó được cam kết với tổng giá trị đến hơn 4,5 triệu USD, Ban tổ chức kỳ vọng trong đợt kết nối thứ hai, với tên gọi Mini Matching 02 – Kết nối đầu tư trước Techfest Vietnam 2018 diễn ra vào ngày 06/11 tới đây, sẽ có 40 cuộc kết nối được thực hiện./.

Tác giả: 
KisStartup

Một góc nhìn về các doanh nghiệp khởi nghiệp từ thế mạnh địa phương

Một góc nhìn về các doanh nghiệp khởi nghiệp từ thế mạnh địa phương

Những doanh nghiệp nông nghiệp, tận dụng thế mạnh của các địa phương gần đây xuất hiện khá nhiều trong các cuộc thi khởi nghiệp. Tuy nhiên, nếu đem định nghĩa startup của Steve Blank là “tổ chức được thành lập để đi tìm kiếm một mô hình kinh doanh mở rộng ra được và lặp lại được”, thì có thể nói 99% số doanh nghiệp này không được gọi là startup. Họ là những doanh nghiệp hoàn toàn sản xuất sản phẩm dịch vụ, đáp ứng nhu cầu thị trường và kiếm tiền. Mô hình kinh doanh cũng hết sức truyền thống và khá đơn giản.

Cheer Farm, doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm hữu cơ từ dứa theo mô hình kết hợp giữa nhà đầu tư, nhà khoa học và người nông dân.  Nguồn ảnh: Cheer Farm.

Tuy nhiên, không phải startup không có nghĩa là không thể áp dụng những công cụ của khởi nghiệp tinh gọn để giúp những doanh nghiệp này phát huy được thế mạnh vốn có của mình và góp phần thúc đẩy nền kinh tế địa phương vốn có ít điều kiện hơn các thành phố lớn. 

Nếu xuất phát từ mô hình tinh gọn (lean canvas) gồm 9 yếu tố (Vấn đề; Giải pháp; Giá trị độc đáo; Lợi thế cạnh tranh khó bắt chước; Phân khúc khách hàng; Kênh; Các chỉ số đo; Chi phí; Doanh thu) do Ash Maurya giới thiệu lấy cảm hứng từ mô hình kinh doanh canvas sẽ thấy rõ hơn những điểm mạnh và điểm yếu. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi muốn nhấn mạnh vào những điểm mạnh và điểm yếu nhất.

Trong khi rất nhiều startup còn loay hoay với bài toán lợi thế cạnh tranh khó bắt chước, thì bản thân những câu chuyện đi từ thế mạnh địa phương lại có điểm mạnh này. Vĩ dụ như không có startup trong lĩnh vực rượu vang ở Bordeaux trở thành trăm triệu USD trong thời gian ngắn, nhưng dựa vào thế mạnh vùng miền, họ đã phát triển lên những sản phẩm dịch vụ mang tính địa phương đặc trưng mà không thể nơi nào bắt chước được.

Nhưng nếu chỉ có sản phẩm thô thôi thì không đủ. Chúng ta đã có bài học về nuôi ngọc trai ở Vân Đồn – nơi có nhiều điều kiện tốt nhất để nuôi ngọc trai, nhưng doanh nghiệp Nhật Bản sớm nhận ra lợi thế này và họ sang để nuôi trai với công nghệ riêng của họ và mang trở lại Nhật Bản để chế tác sản phẩm cũng như chế biến các phụ phẩm khác mà không để lại ở thị trường bản địa một chút nào. Cuối cùng, họ thậm chí còn có thể xuất khẩu ngọc trai đã qua chế tác ngược trở lại Việt Nam hoặc xuất đi rất nhiều thị trường trên thế giới. Giá trị gia tăng mang lại cho địa phương hầu như là con số 0. Hay trái thanh long của Malaysia có thể chế biến thành 11 loại sản phẩm khác nhau trong khi nông sản của chúng ta được mùa mất giá.

Do đó, có thể thấy, nếu thế mạnh tự nhiên ở địa phương không kết hợp với công nghệ và những bí quyết quan trọng, cũng như nỗ lực gia tăng giá trị cho sản phẩm thì không thể duy trì một lợi thế cạnh tranh không thể bắt chước được trong thời gian dài.

Nếu sử dụng mô hình tinh gọn kết hợp với Mô hình kinh doanh canvas, có thể thấy hai cách tiếp cận cho thúc đẩy khởi sự kinh doanh từ thế mạnh địa phương:

1. Khởi nghiệp dựa trên những vấn đề của địa phương (tiếp cận từ vấn đề - problem – oriented)

Năm 2017, trong chuyến tới thăm Việt Nam, tỷ phú Mỹ Jeff Hoffman đã có chia sẻ về việc xuất phát từ những vấn đề địa phương. Rõ ràng không địa phương nào không có những vấn đề của riêng mình. Một chàng trai Nam Phi trở thành một doanh nhân thành đạt trẻ, xuất khẩu sản phẩm sang các nước châu Phi khác nhờ ứng dụng công nghệ để giải quyết vấn đề của nước đang phát triển. Một cô gái trẻ sống ở chân núi đã xây dựng được một công ty cung cấp dịch vụ thuê ngoài lập trình viên (outsourcing), bắt đầu từ dự án nhỏ dạy lập trình cho các em gái sống trên núi, ngày đi bộ 2 tiếng xuống núi để học và đi bộ 2 tiếng lên núi để về nhà. Cơ hội nằm ngay trong những vấn đề của vùng. Nếu lấy cách tiếp cận này để sáng tạo giải pháp có lẽ trong tương lai không xa chúng ta sẽ giảm bớt những rủi ro của việc bán sản phẩm thô, sẽ không còn điệp khúc được mùa mất giá, hay sự rớt giá nông sản thê thảm như vẫn từng chứng kiến. Trên thực tế đã có những nhà máy sản xuất các sản phẩm hữu cơ ngay trên vùng nguyên liệu với mô hình nhiều bên hưởng lợi như Cheer Farm, kết hợp nhà khoa học, nhà đầu tư và người nông dân với đa số sản phẩm để xuất khẩu. Họ là một doanh nghiệp khởi nghiệp trẻ.

Cuối năm 2017, tại Vũng Tàu diễn ra một cuộc thi khởi nghiệp quy mô tỉnh. Điểm bất ngờ không nằm ở chỗ số lượng các nhóm tham gia mà chính những nhóm ngành tưởng chừng sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia thì dường như vắng bóng, trong khi đó, nổi lên những nhóm làm các sản phẩm thực tế, giải quyết những vấn đề của địa phương và vốn cũng là thế mạnh của địa phương đó là cơ khí tự động hóa trong hàng hải. Vốn là một địa phương có thế mạnh về ngành công nghiệp hỗ trợ dầu khí, chất xám và vốn máy móc tốt, cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp khởi nghiệp địa phương và những doanh nghiệp ở nơi khác đến chính là có khách hàng ngay tại chỗ và thị trường sẵn sàng tiếp nhận.

2. Khởi nghiệp dựa trên những thế mạnh và sản phẩm chủ lực của địa phương (tiếp cận dựa trên định hướng giá trị -value-proposition oriented)

Có nhất thiết lúc nào cũng phải bắt đầu từ vấn đề? Trên thực tế, không hẳn là như vậy. Mô hình tinh gọn bắt đầu nhìn nhận mô hình kinh doanh từ nỗ lực giải quyết một vấn đề nào đó nhưng tuyên bố giá trị (value proposition) mới là trái tim của mô hình kinh doanh. Điều đó có nghĩa là không nhất thiết bạn phải tìm ra một vấn đề ngay khi bắt đầu. Henry Ford từng nói: “thị trường không bao giờ bão hòa với những sản phẩm tốt nhưng nó sẽ bão hòa rất nhanh với những sản phẩm tồi”. Hãy nhìn vào những sản phẩm hàng chục hoặc hàng trăm tuổi đáp ứng những nhu cầu rất cơ bản, rõ ràng, đôi khi người sáng lập ra nó cũng không nghĩ quá nhiều vấn đề mà họ chỉ muốn làm ra những sản phẩm tốt nhất có thể, đó cũng chính là lúc họ giải quyết một vấn đề thực sự của người tiêu dùng: không tìm được sản phẩm tuyệt hảo. Bằng chứng trên thực tế có rất nhiều, đó là những thương hiệu bánh trung thu truyền thống, hay cửa hàng bánh Ozasa niêm yết trên sàn chứng khoán Nhật Bản, không bán gì có hàm lượng công nghệ cao, mà chỉ là hai loại bánh nhưng sản phẩm của họ ngon và giá trị khó có sản phẩm nào vượt qua được. Bí quyết làm ra bánh được tích lũy qua thời gian, trải nghiệm, công sức và cả công nghệ để chế biến nó một cách thủ công hoàn hảo nhất. Nếu đưa câu chuyện vào những sản phẩm xuất phát từ thế mạnh địa phương nào đó hãy biến nó thành sản phẩm xuất sắc từ mọi nguồn lực mà doanh nghiệp có, giống như thông điệp của Ozasa: “Nếu làm hãy làm ra sản phẩm hoàn hảo nhất, nếu không thì đừng làm nữa”.

Nói như vậy không có nghĩa là “vấn đề” không nên được tính đến trong phát triển mô hình kinh doanh.Vấn đề mà bạn cố gắng giải quyết luôn nằm trong mô hình kinh doanh dù nó không phải là điểm xuất phát. Một doanh nghiệp bán lá tắm từ bài thuốc của người Dao cổ cho phụ nữ sau sinh, một doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoa quả sấy khô tự nhiên trên vùng nguyên liệu v..v mặc dù hướng đến một sản phẩm tốt vẫn không thể quên rằng, chỉ khi hiểu đúng về vấn đề của những khách hàng tiềm năng thì mới có thể đưa ra thông điệp mới đúng.

Điểm yếu lớn nhất của các doanh nghiệp đi ra từ thế mạnh địa phương chính là phần xác định và xây dựng các nhóm kênh tiếp cận khách hàng phù hợp đặc biệt là trong việc xuất khẩu, trên thực tế không một doanh nghiệp có thế mạnh địa phương nào có thể tự làm một mình và muốn xuất khẩu thì càng không thể tự làm.Trong 5 nhóm kênh (gồm: Kênh nâng cao nhận thức hoặc giới thiệu ra thị trường; Kênh kiểm chứng giá trị; Kênh giúp mua hàng; Kênh truyền tải giá trị; Kênh hậu mãi) có thể thấy rất nhiều phần cần sự hỗ trợ của các cấp cao hơn và cần phải có những vai trò của Hiệp hội. Để phát triển nhóm kênh cần rất nhiều nỗ lực của các phương tiện truyền thông của địa phương trong việc hỗ trợ xây dựng các giải pháp liên quan đến chỉ dẫn địa lý, thương hiệu vùng để từ đó có thể giúp các doanh nghiệp có cơ sở vững chắc và cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu. Bên cạnh đó, việc nâng cao năng lực marketing cho các doanh nghiệp khởi nghiệp địa phương, đặc biệt là marketing trực tuyến sẽ giúp mở rộng thị trường theo những hướng mới ngoài thị trường truyền thống và hướng tới xuất khẩu.

Trên thực tế, sẽ không có một công thức chung cho thành công nào để trở thành những doanh nghiệp thành công vì ngay cả khi thành công, doanh nghiệp vẫn luôn phải duy trì và sáng tạo những giá trị mới. Đối với khởi nghiệp mang tính thế mạnh của địa phương điểm quan trọng hơn cả cũng chính là gọi tên, duy trì và sáng tạo ra những giá trị mới dựa trên những thế mạnh hoặc chính vấn đề của địa phương mình. Đó cũng là nguồn gốc của sáng tạo.

12/04/2018 08:27 - Nguyễn Đặng Tuấn Minh. Nguồn: http://tiasang.com.vn/-doi-moi-sang-tao/Mot-goc-nhin-ve-cac-doanh-nghiep...

 

Tác giả: 
KisStartup