nhà đầu tư thiên thần

Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo vùng: Ấn tượng và khoảng trống

Trước khi tham gia hỗ trợ chuyên môn cho Techfest vùng cùng với Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học công nghệ, thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, có những câu hỏi luôn quanh quẩn trong đầu chúng tôi:

Liệu định hướng mô hình Silicon Valley có thực sự phù hợp với những địa phương này? Tìm đâu ra những nhóm khởi nghiệp theo tiêu chí nhân rộng được và mở rộng được? Nếu có khởi nghiệp sáng tạo thì đó là những mô hình như thế nào? Hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương có gì để hỗ trợ họ?

Những câu hỏi thôi thúc chúng tôi tham gia vào cuộc hành trình từ tháng 9, tháng 10, tháng 11 qua Techfest vùng Đông Nam Bộ, Techfest vùng ĐBSCL, Techfest vùng Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung. Những nhận định dưới đây được rút ra từ những quan sát, học hỏi và trải nghiệm qua cuộc gặp gỡ với hàng trăm nhóm khởi nghiệp, có cả những ấn tượng, những câu hỏi bỏ ngỏ và khoảng trống cần phải điền vào.

Ấn tượng

Sáng tạo từ yêu cầu của cuộc sống: Nếu ở những thành phố lớn, đặc trưng bởi nhu cầu đa dạng và nhóm trung lưu thu nhập đang nổi trở thành điểm hút với các dự án khởi nghiệp sáng tạo theo mô hình sáng tạo mang tính sao chép các mô hình từ nước ngoài, mang về bản địa hóa và phục vụ cho thị trường, thì điều đáng ngạc nhiên ở những dự án nổi bật trong khởi nghiệp sáng tạo ở các vùng là sự sáng tạo cũng mang tính địa phương, phục vụ đầu tiên cho chính thị trường bản địa, đi ra từ những tài nguyên của địa phương, xuất phát từ chính những thách thức của địa phương, không ít trong số này hoàn toàn nhân rộng được và lặp lại được. Ví dụ như Giải nhất của Techfest vùng Đông Nam Bộ là dự án Máy lọc nước biển thành nước ngọt cho ngư dân tàu đánh bắt xa bờ (nhóm tác giả Trần Thái Sơn của Bà Rịa-Vũng Tàu). Từ lâu, vấn đề có nước ngọt cho các tàu đánh bắt xa bờ luôn chưa thực sự được giải quyết thấu đáo. Chia sẻ về việc phát triển sản phẩm, anh Trần Thái Sơn của Bà Rịa Vũng Tàu kể rằng, ở nhà anh gần như không sót một loại máy nào từng có trên thế giới để lọc nước mặn thành nước ngọt. Nhưng với những khó khăn đặc thù, luôn cần những giải pháp đặc thù. Giải pháp máy lọc nước của nhóm tác giả tiết kiệm được chi phí mua máy, chi phí và công sức hỗ trợ trong trường hợp sự cố ngoài khơi, và có thể khắc phục ngay khi đang ở ngoài biển.

Hay xuất phát từ lợi thế về du lịch và mô hình Bungalow (nhà gỗ) ở Đà Lạt trở thành một điểm nhấn trong trải nghiệm của khách du lịch do hướng tới thiên nhiên, bảo vệ môi trường, sản phẩm “Nhà gỗ lắp ghép và đồ nội thất thông minh” của Công ty TNHH Kết nối nghệ thuật 24 (Lâm Đồng) ra đời để giúp cho việc thi công, lắp đặt nhanh hơn, tiết kiệm nhiều chi phí hơn, cơ động trong việc tháo rời và di chuyển được khắp mọi nơi. Sản phẩm sáng tạo này không chỉ có tiềm năng phục vụ tại thị trường Đà Lạt, mà thực chất, hoàn toàn có thể nhân rộng ra ở những nơi có điều kiện tự nhiên phù hợp và nhu cầu phát triển Bungalow cho du lịch nếu có một chiến lược kinh doanh và marketing hiệu quả, nếu không muốn nói là có thể tiêu thụ ở thị trường khu vực.

Mô hình nhà gỗ Bulgalow đang được nhân rộng ở Đà Lạt.

Một ví dụ khác, xuất phát từ những quan sát tại địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nơi những người dân sống với dừa nhưng chưa thực sự làm giàu được với dừa. Sản phẩm giấy dừa Bến Tre của Công ty TNHH Escoco Vietnam (Bến Tre), sản xuất giấy từ xơ tàu dừa, sử dụng làm giấy mỹ thuật, bao bì và tận dụng được nguồn cung vật liệu dồi dào của địa phương đã giành ngôi vị quán quân Techfest ĐBSCL. Cũng trong những nhóm dự án ấn tượng nhất tại Techfest Đồng bằng sông Cửu Long, một dự án ống hút làm từ nước dừa tập trung giải quyết vấn đề rác thải nhựa từ ống hút và nhanh chóng thu hút sự chú ý của cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nếu tận dụng tốt nguồn lực địa phương, những thế mạnh đặc biệt của địa phương và giải quyết những vấn đề đang bức xúc, chắc chắn những sản phẩm này có cơ hội vươn xa hơn trên thị trường Việt Nam và quốc tế.

 

Nếu tận dụng tốt nguồn lực địa phương, những thế mạnh đặc biệt của địa phương và giải quyết những vấn đề đang bức xúc, chắc chắn những sản phẩm này có cơ hội vươn xa hơn trên thị trường Việt Nam và quốc tế.

Tác động xã hội là một phần của mô hình kinh doanh: Nếu trước đây, những tác động chỉ được nhắc đến ở những dự án xã hội, hoặc điểm xuyết trong các bài thuyết trình về mô hình kinh doanh sáng tạo, thì điểm đáng mừng là mặc dù khái niệm “đổi mới sáng tạo xã hội” còn mới mẻ ở Việt Nam, nhưng thực chất, tinh thần kinh doanh nhằm tạo tác động tích cực cho xã hội bên cạnh tạo lợi nhuận đã nằm sẵn trong tư duy của những doanh nhân sáng tạo này. Chủ dự án giấy dừa Bến Tre chia sẻ rằng, chị mong muốn mang lại một mô hình mà mỗi người phụ nữ, hộ gia đình tham gia vào cung cấp nguồn nguyên liệu dừa nước cho chị có thêm một kế sinh nhai trong thời gian rảnh rỗi và tận dụng nguồn tàu dừa nước bỏ đi của địa phương. Với phương thức sản xuất này, chúng ta sẽ bớt phải đốn cây để làm giấy và chị có thể xây dựng một hệ sinh thái bền vững cho sản xuất cũng như thu nhập tốt hơn của người dân xứ dừa. Hay giải pháp máy lọc nước biển thành nước ngọt được nêu ở trên không chỉ được các ngư dân chào đón mà còn được các đơn vị vũ trang làm việc trên biển sử dụng để giải quyết cơ bản những khó khăn về nước ngọt.

Dự án “Giấy dừa Bến Tre” nhằm tận dụng nguồn dừa nước bỏ đi của Công ty TNHH Escoco Vietnam (Bến Tre) đoạt giải nhất Techmart - Techfest Mekong 2019.

Dự án “Giấy dừa Bến Tre” nhằm tận dụng nguồn dừa nước bỏ đi của Công ty TNHH Escoco Vietnam (Bến Tre) đoạt giải nhất Techmart - Techfest Mekong 2019.

Trên thực tế thành công của những mô hình khởi nghiệp sáng tạo xã hội như EthnoTeck Bags hay Maria’s bag, bên cạnh việc bán sản phẩm có giá trị gia tăng cao, mới lạ, độc đáo, mang các đặc trưng bản địa, việc phát triển một hệ sinh thái cho sản phẩm, tạo ra những giá trị cho nhiều bên liên quan trong toàn bộ chuỗi giá trị đang nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng do sự bền vững của cách tiếp cận.

Sự xuất hiện lẻ tẻ của các doanh nghiệp lớn tại các Techfest vùng được lý giải bởi nhiều nguyên nhân: không ít trường hợp xuất phát phát từ suy nghĩ khởi nghiệp sáng tạo vẫn còn là câu chuyện phong trào, chưa phải mối bận tâm của doanh nghiệp lớn.

Sự tham gia tích cực của trường đại học: Ở Techfest vùng, có thể thấy sự tham gia sôi động của các trường đại học. Hình ảnh những giảng viên hướng dẫn một nhóm sinh viên tham gia pitching trong cuộc thi không phải hiếm. Có những giải pháp thực sự tiềm năng đi ra từ trường đại học, gây ấn tượng bởi sự tâm huyết của cả thầy và trò và những giá trị nhân văn mà dự án mang lại cho chính cộng đồng của mình và cho xã hội. Có thể kể đến những dự án Sản xuất máy in 3D giá rẻ của Trường CĐ Cộng đồng Kon Tum với kỳ vọng sản xuất máy in giá rẻ phục vụ đào tạo trong các trường dạy nghề, hay Xử lý nước uống bền vững từ nguồn nước bị nhiễm mặn bằng công nghệ năng lượng Mặt trời VMD của các giảng viên, nghiên cứu viên, sinh viên tại Khoa Môi trường và Tài nguyên - Đại học Đà Lạt. Trong những năm vừa qua, nỗ lực đưa trường đại học vào trung tâm của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo bắt đầu đạt được những bước tiến nhất định trên cả nước, nhưng nếu nhìn vào hệ sinh thái hiện có ở những địa phương này, khi trường đại học đang chủ động tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, chứ không còn ở vị trí quan sát, thăm dò như nhiều tỉnh, thành phố khác, thì có thể tin rằng, họ sẽ sớm tìm ra những hướng đi cho riêng mình, vươn ra ngoài mô hình của Thung lũng Silicon.

Những khoảng trống

Tuy nhiên, hệ sinh thái khởi nghiệp ở các vùng còn khuyết đi những mắt xích quan trọng giúp thúc đẩy sự hình thành, phát triển của những doanh nghiệp, dự án khởi nghiệp sáng tạo.

Nhà đầu tư thiên thần: Số lượng các nhà đầu tư thiên thần của địa phương tham gia trực tiếp vào các hoạt động kết nối đầu tư và tìm hiểu về khởi nghiệp còn khiêm tốn và manh mún. Sự chủ động của nhà đầu tư thiên thần luôn đóng vai trò quan trọng ở những hệ sinh thái còn non trẻ. Để có thể đưa hoạt động đầu tư thiên thần thành một điểm đến thực sự tạo giá trị cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ở giai đoạn trứng nước, khi mà các hoạt động đầu tư mạo hiểm còn đứng ngoài cuộc, đòi hỏi nỗ lực từ chính địa phương và từ những nhà đầu mang tính dẫn dắt. Họ là những doanh nhân thành công, yêu thích sự sáng tạo và mong muốn đóng góp vào những sáng tạo ấy. Nguồn lực này ở địa phương không ai khác chính là các chủ doanh nghiệp trưởng thành tại địa phương, những người hiểu về tình hình địa phương và hiểu về những con người ở chính địa phương đó. Tuy nhiên, câu hỏi còn bỏ ngỏ là làm thế nào để thúc đẩy việc hình thành những nhóm nhà đầu tư như vậy để giảm thiểu rủi ro thay vì những hoạt động đầu tư tự phát, đơn lẻ?

Dịch vụ phát triển kinh doanh và tổ chức hỗ trợ thúc đẩy kinh doanh: Doanh nghiệp sở hữu công nghệ tốt, sản phẩm sáng tạo tại địa phương cũng đang phải đối mặt với những thách thức do chính sự chưa hoàn thiện của môi trường kinh doanh mang lại. Nhiều dự án “hồn nhiên” mang sản phẩm đi thi, đi triển lãm mà chưa hề đăng ký bảo hộ giải pháp hữu ích hay kiểu dáng công nghiệp. Những chương trình ươm tạo, tăng tốc chưa được thiết kế tốt để thúc đẩy sự phát triển của các dự án này lên cấp độ cao hơn, kiểm chứng thị trường ở mức độ lớn hơn và xây dựng đội nhóm chuyên nghiệp hơn. Sự thiếu vắng những dịch vụ phát triển kinh doanh chuyên nghiệp phi tài chính như thuế, luật, tài chính v..v. cũng như các chương trình tăng tốc, ươm tạo đang làm hạn chế đáng kể sự phát triển của những dự án hiện tại và có thể, sẽ khó thúc đẩy sự ra đời những dự án tiềm năng trong những năm tiếp theo một cách hiệu quả, bền vững dựa trên thế mạnh địa phương.

Sự tham gia của các doanh nghiệp lớn: Doanh nghiệp lớn trong vai trò người mua hàng, đối tác đặt hàng hay ươm tạo, tăng tốc nội bộ, đầu tư dường như là những khái niệm còn mới mẻ. Việc thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo dường như vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Sự xuất hiện lẻ tẻ của các doanh nghiệp lớn tại các Techfest vùng được lý giải bởi nhiều nguyên nhân: không ít trường hợp xuất phát phát từ suy nghĩ khởi nghiệp sáng tạo vẫn còn là câu chuyện phong trào, chưa phải mối bận tâm của doanh nghiệp lớn. Một vài doanh nghiệp xuất hiện vào phút chót trong những phiên kết nối đầu tư chia sẻ rằng, thời gian có hạn, mà thông tin thì đến chậm nên khó thu xếp. Còn nguyên nhân sâu xa hơn của khoảng trống này chính là thiếu sự kết nối, hợp tác và thông tin thông suốt giữa những cấu phần khác nhau của hệ sinh thái khởi nghiệp: các sở ban ngành với các tổ chức hiệp hội, các cơ quan và các đơn vị có liên quan đến khởi nghiệp. Khởi nghiệp sáng tạo là một phần không thể tách rời của hệ sinh thái và môi trường kinh doanh. Nó sẽ chỉ phát triển được khi môi trường đó trưởng thành từng ngày. Không có mô hình nào là hoàn hảo, chỉ có những nỗ lực phi thường của con người mới biến những nơi khô cằn thành cơ hội và tự biến mình thành hình mẫu cho những nơi có vấn đề tương tự mà thôi.

Tôi xin trích một câu trong lời giới thiệu cuốn sách “Vươn ra khỏi Thung lũng Silicon” của GS. Michael E. Goldberg kể về câu chuyện của Ohio đã tự mình tạo dựng mô hình riêng cho mình như thế nào từ những thách thức mà chính họ gặp phải cho đến những câu chuyện khác nhau trên thế giới đã tự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp một cách sáng tạo như thế nào để thay cho lời kết: “Trong khi Thung lũng Silicon tự hào với danh tiếng đỉnh cao của hệ sinh thái khởi nghiệp thành công, các thuộc tính độc đáo và sự tập trung chính vào công nghệ thông tin khiến nó trở thành mô hình hạn chế cho các khu vực khác trên thế giới học tập. Thay vào đó, việc phát triển hệ sinh thái có thể được truyền cảm hứng từ những trở ngại, đấu tranh và thất bại mà Đông Bắc Ohio phải đối mặt, một khu vực bị áp lực bởi những thách thức kinh tế nhưng đồng thời nổi bật bởi sự khéo léo và quyết tâm của chính mình”.

 


 

 

Giải nhất của Techfest vùng Đông Nam Bộ là dự án “Máy lọc nước biển thành nước ngọt cho ngư dân tàu đánh bắt xa bờ”. “Máy lọc nước biển thành nước ngọt gồm nhiều bộ phận, theo đó nước biển sau khi bơm cấp vào máy sẽ được lọc bằng cụm màng lọc thô để loại bỏ chất bẩn cho ra nước biển sạch. Nước biển sạch sẽ đi qua một máy nén áp suất cao để đẩy qua màng lọc RO. Tại đây, muối và các tạp chất khác sẽ được lọc sạch để cho ra nước ngọt tinh khiết. Sản phẩm nước ngọt đầu ra của máy lọc nước biển này được Bộ Y tế chứng nhận đạt tiêu chuẩn nước uống”, theo anh Trần Thái Sơn, giảng viên trường Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu, tác giả của Dự án.

Tác giả: 
Nguyễn Đặng Tuấn Minh - Sáng lập & CEO KisStartup

"Cuộc hôn nhân" nhà đầu tư - startup: Kỳ vọng gì từ hai phía? (Phần 2)

Ở phần 1 chúng ta đã tìm hiểu về kỳ vọng của nhà đầu tư về doanh nghiệp, về người sáng lập, về sản phẩm dịch vụ v..v. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, startup thường có xu hướng phải đi tìm nhà đầu tư và thuận theo những mong muốn của nhà đầu tư hơn là chiều ngược lại. Startup có quyền lựa chọn nhà đầu tư cho mình không? Nếu chọn thì chọn như thế nào? Có nên đặt ra những kỳ vọng của chính mình khi gặp nhà đầu tư không? Câu trả lời là: Rất nên, thậm chí còn thực sự nên bình tĩnh trước khi nói lời đồng ý. Nói một cách hình ảnh thì, nếu bạn muốn kết hôn và bạn tin là mình có quyền lựa chọn thì hãy hỏi và tìm hiểu để lựa chọn, bởi thực tế đã chứng minh, đó có thể là một đám cưới mở ra cho bạn một chặng đường mới với người bạn đời ủng hộ và chia sẻ nhưng đó cũng có thể đó là một địa ngục mà việc thoát ra không hề đơn giản và có thể đánh mất của bạn nhiều cơ hội. Với phần 2, sau khi phân tích kỳ vọng của startup, chúng tôi sẽ cùng bạn chỉ ra những sai lầm thường gặp phải trong “cuộc hôn nhân” này.  

Hiểu mình - Bạn đã thực sự sẵn sàng cho cuộc chơi đầu tư?

Startup là ai trong con mắt nhà đầu tư? Thực tế không có một câu trả lời chính xác nào cho định nghĩa này vì mỗi nhà đầu tư sẽ có định nghĩa của riêng mình. Tuy nhiên, theo cách hiểu về startup – khởi nghiệp sáng tạo thì bạn thực sự cần phải có cái mới và trên con đường định hình cái mới thành một giá trị thực sự. Cái nhà đầu tư muốn nhìn thấy có thể cũng giống bạn, đó là giá trị đó sẽ nhân rộng ra và mang lại lợi ích cho nhiều người. Khi hiểu về cái mới và những giá trị mình đang có cũng như sẽ theo đuổi, bạn hãy đặt câu hỏi tiếp theo, bạn đã sẵn sàng cho cuộc chơi đầu tư? 

Bạn luôn phải hỏi mình câu hỏi này trước khi chính thức nói tôi cần nhà đầu tư. Theo bà Melissa Bradley một serial entrepreneur, một nhà đầu tư, một giáo sư, một nhà nghiên cứu và hiện là Đối tác Quản lý (Managing Partner) của Chương trình Phát triển Kinh doanh 1863 Ventures chia sẻ tại buổi tọa đàm tổ chức ngày 27.3.2019 tại Trung tâm Hoa Kỳ, trong khuôn khổ chương trình GIST của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ – điều đầu tiên bạn cần chuẩn bị khi khởi nghiệp là tài chính. Ít nhất bạn cần chuẩn bị số tiền đủ để bạn có thể tồn tại trong thời gian đầu trước khi có thể gọi được vốn từ nhà đầu tư hoặc từ các nguồn khác như gia đình, bạn bè, vốn vay, quỹ hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, v.v. Và ngay cả khi bạn cần tiền, hoặc rất rất cần tiền, đầu tư không phải là một phương án duy nhất để có tiền phát triển doanh nghiệp của bạn. Hãy tự hỏi mình: Còn nguồn nào khác để huy động vốn? Rủi ro của việc có nhà đầu tư là gì? Bạn có sẵn sàng từ bỏ một phần quyền sở hữu những gì bạn đang có hiện nay không? Bạn muốn đi bao xa trong câu chuyện này? Nếu đã xác định chính xác mình cần vốn đầu tư để phát triển kinh doanh và sẽ gọi vốn, điều đó đồng nghĩa với bạn bước chân vào một cuộc chơi gọi vốn liên tục. Dù muốn hay không, ngay từ bước đầu tiên, quan trọng nhất, tự bạn phải vạch ra lộ trình gọi vốn các vòng: vốn mồi, series A, B,C,  v..v. Trên thực tế, các vòng gọi vốn có thể thay đổi về thời gian, và lượng vốn cần gọi nhưng việc có một kế hoạch chứng minh, bạn đang chấp nhận cuộc chơi dài hạn. 

Sau khi đã thực sự xác định được mình cần đầu tư, bạn sẽ phải đưa ra những thông tin cụ thể cho nhu cầu số tiền bạn cần. Điều này giúp nhà đầu tư hiểu được tiền của họ sẽ đi vào đâu và thúc đẩy doanh nghiệp của bạn ở khía cạnh nào vào thời điểm này. 

Hiểu người - Bạn đã hiểu gì về nhà đầu tư?

Cũng giống như nhà đầu tư tìm hiểu về startup, startup cũng cần tìm hiểu về nhà đầu tư. Thông thường, thông tin về những nhà đầu tư thiên thần sẽ được chính họ công khai chia sẻ, những doanh nghiệp họ đã và đang đầu tư, những lĩnh vực mà họ quan tâm và quy mô đầu tư của họ. Còn với một thị trường mà thông tin đang thiếu sự minh bạch, cách tốt nhất để bạn tìm hiểu về nhà đầu tư chính là hỏi họ và hỏi những doanh nghiệp đã từng được họ đầu tư như một hình thức đối chứng. Dưới đây là một số câu hỏi bạn nên tìm hiểu hoặc hỏi trực tiếp nhà đầu tư và một số lý giải tại sao bạn phải hỏi những câu hỏi đó. 

- Anh chị dự định đầu tư tối đa vào công ty tôi là bao nhiêu? Câu hỏi giúp bạn xác định xem đây có phải là nhà đầu tư phù hợp với nhu cầu của bạn không? Quá lớn hay quá nhỏ đều không phù hợp. Câu hỏi này bạn nên hỏi ngay từ đầu, thậm chí trước khi gặp gỡ. 

- Quá trình due diligence (tạm dịch là: thẩm định để đầu tư) của anh chị sẽ diễn ra như thế nào?: Câu hỏi giúp bạn hình dung quá trình diễn ra để tiến đến việc bạn nhận được tiền của nhà đầu tư sẽ như thế nào, liệu nó có phức tạp hoặc quá đơn giản không. 

- Nhà đầu tư thiên thần nào anh chị ngưỡng mộ? Tại sao? Câu hỏi này đương nhiên cho bạn hiểu rất nhiều về nhà đầu tư, những giá trị họ theo đuổi và những giá trị đó có phù hợp với bạn hay không. 

- Anh/chị đã đầu tư bao nhiêu startup rồi? Họ là những ai? Kinh nghiệm đầu tư làm nên một nhà đầu tư chuyên nghiệp. 

- Ở những doanh nghiệp này anh chị làm gì cho họ ngoài góp vốn?: Nếu bạn đang tìm kiếm những nhà đầu tư không chỉ mang lại cho bạn tiền thì đây là một câu hỏi quan trọng. Nên ghi nhớ rằng bên cạnh lĩnh vực chuyên môn với những khách hàng tiềm năng, họ còn có thể mang lại cho bạn những hiểu biết về đặc thù của ngành, thị trường và những xu hướng, thông tin quý giá. 

- Lĩnh vực chuyên môn/Kinh nghiệm của anh/chị thuộc ngành nào?: Nhà đầu tư chuyên nghiệp thường đầu tư những lĩnh vực họ hiểu rõ để giảm thiểu rủi ro. Vì vậy, hỏi để tìm ra điểm tương đồng giữa lĩnh vực chuyên môn của họ với ngành mà startup của bạn đang hoạt động là cần thiết.

- Kế hoạch thoái vốn của anh/chị là trong bao lâu?: Câu hỏi giúp bạn xác định đây là nhà đầu tư chơi cuộc chơi dài hạn hay ngắn hạn. 

Một số quan sát 

Thực tiễn làm việc với các startup đã tiếp nhận đầu tư gồm cả những thương vụ thành công và không thành công, chúng tôi thấy rằng, ở một hệ sinh thái khởi nghiệp còn non trẻ như Việt Nam, hiểu sai về kỳ vọng của nhà đầu tư từ phía startup và/hoặc có những kỳ vọng sai lầm từ chính các nhà đầu tư có thể dẫn đến những kết quả không mong muốn cho cả hai. Có thể tóm tắt trong một số điểm sau đây về sai lầm thường gặp từ cả hai phía:

Startup:

1.Không tìm hiểu và khi gặp không đặt câu hỏi: Với những quy định khá mở như đã nói ở phần 1, việc mang danh nhà đầu tư thiên thần, nhưng không phải là thiên thần ở Việt Nam không phải hiếm. Trong khi đó, với hiểu biết lơ mơ, các startup cũng mặc nhiên đưa mình vào vị thế thấp hơn so với những nhà đầu tư thiên thần mà họ gặp. Không ít startup hồn nhiên tin rằng, những doanh nhân thành đạt là nhà đầu tư thiên thần, họ có rất nhiều tiền và có thể đầu tư vào doanh nghiệp của mình. Sự hồn nhiên này dẫn đến sai lầm thường gặp phải là không tìm hiểu kỹ và cũng không đặt câu hỏi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không chỉ ở Việt Nam, theo Andrew J Scott, chỉ 2% những sáng lập viên đặt câu hỏi ngược lại với các nhà đầu tư hoặc quỹ đầu tư tiềm năng. Đây là một sai lầm trầm trọng vì bạn tự đánh mất quyền và vị thế của mình trong đầu tư. Startup dường như quên mất rằng, đây là quan hệ đôi bên có lợi, bạn không “xin” tiền mà đang tìm kiếm những người cùng bạn khiến đồng tiền của họ và ước mơ của bạn sinh sôi nảy nở và phát triển cùng nhau mà thôi. 

2. Rất cần tiền nên chấp nhận thật nhanh và mọi điều kiện để nhận được tiền đầu tư: Thông thường, một nhà đầu tư rót tiền nhanh chưa hẳn đã là một nhà đầu tư tốt vì chưa có thời gian tìm hiểu. Bạn quyết định nhanh cũng có thể là một bất lợi cho bạn khi chưa hiểu rõ kỳ vọng của nhà đầu tư. Term sheet (Điều khoản đầu tư) là thứ vô cùng quan trọng quyết định chất lượng của mối quan hệ. Nếu bạn đặt bút ký vào một bản term sheet lỏng lẻo, đơn giản thật nhanh miễn là có tiền sớm có nghĩa là bạn đang tự đe dọa tương lai của chính mình. Nhà đầu tư có thể trở thành một ông chủ của bạn trong doanh nghiệp của chính bạn. Bên cạnh đó, không ít startup chấp nhận mất hơn 30% cổ phần cho nhà đầu tư thiên thần, sai lầm này dẫn đến việc không thể gọi vốn cho những vòng sau. 

3. Kỳ vọng nhà đầu tư sẽ tham gia trực tiếp vào công việc kinh doanh: Đừng quên, một nhà đầu tư chuyên nghiệp không chỉ đầu tư cho một startup, bạn chỉ là 1 trong hàng chục những thương vụ đầu tư của họ. Việc kỳ vọng này không chỉ gây ra thất vọng cho chính bạn mà còn làm nhà đầu tư nản lòng vì bạn không thể tự chủ động tổ chức công việc kinh doanh của mình. 

4. Kỳ vọng tiền của nhà đầu tư sẽ giải quyết mọi vấn đề: Đừng quên bạn đang tham gia vào một cuộc chơi dài hạn. Số tiền “vốn mồi” ở giai đoạn đầu này chỉ giúp bạn giải quyết một hoặc một vài vấn đề bức thiết nhất mà thôi. Nếu không làm rõ điều này, chính bạn sẽ gặp rắc rối khi chi tiêu số tiền không có trọng tâm sau này. Đó là chưa nói tới, có thể nó sẽ là bất lợi cho bạn khi không giúp nhà đầu tư thiên thần hiểu rằng, số tiền họ đầu tư cho bạn chỉ là một phần nhỏ trong cả một câu chuyện lớn mà thôi.
 

Nhà đầu tư

1.Muốn thu hồi vốn thật nhanh: Khởi nghiệp là một cuộc chơi dài hạn. Nếu nhà đầu tư nào đó nói với bạn họ sẽ thoái vốn trong khoảng 3 năm thì đó là báo động đỏ. Theo Francesca Warner- Đồng sáng lập và CEO của Diversity VC. Vương quốc Anh, họ không chấp nhận được rủi ro của việc đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, họ không thực tế và sẽ khó giúp bạn có một hợp tác thuận lợi. 

2. Không tự mình làm due diligence: Một nhà đầu tư thiên thần sẽ tự mình thẩm định startup trước khi họ đầu tư, đó là quá trình giúp họ gia tăng trải nghiệm và giúp họ hiểu về startup mà mình đầu tư. Không tự thẩm định doanh nghiệp mình sẽ đầu tư hoặc đồng hành về cả người đứng đầu, đội nhóm, sản phẩm dịch vụ cho đến sức khỏe của doanh nghiệp v..v. là sai lầm dẫn đến những thất bại trong đầu tư.

3. Muốn sở hữu và thâu tóm hơn là giúp startup phát triển: Một thực tế ở Việt Nam theo quan sát của một số nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm đến từ Mỹ, các nhà đầu tư thiên thần bản địa chuyên nghiệp và thực sự là những nhà đầu tư thiên thần không nhiều. Không ít những nhà đầu tư được gọi là thiên thần đang cố gắng sở hữu hơn và thâu tóm với giá rẻ vào giai đoạn đầu của những startup hơn là thực sự đầu tư vào những doanh nghiệp này. Họ thường đòi mức cổ phần khống chế cho khoản tiền mình đầu tư, can thiệp rất sâu vào hoạt động của doanh nghiệp. Về lâu dài, sai lầm này không chỉ dẫn đến việc startup không phát triển được mà thậm chí, chính họ cũng mệt mỏi một khi danh mục đầu tư nhiều lên. 

Có một điểm thú vị là đầu tư thiên thần ở Mỹ được nhận định là sự giao thoa giữa nhà đầu tư và một cố vấn, có lẽ cũng sẽ đúng với bối cảnh ở Việt Nam. Không chỉ là những người đến sớm để chấp nhận rủi ro cùng bạn, họ còn là những người mang lại cho bạn những giá trị giúp bạn tiến gần hơn đến ước mơ của mình. Với các nhà đầu tư, để thực sự trở thành thiên thần và mang lại lợi nhuận từ chính khoản đầu tư của mình, họ cũng cần chuẩn bị về cả năng lực tài chính và tư duy. Thay cho lời kết, những người viết bài này muốn chia sẻ với bạn câu chuyện chúng tôi được nghe từ chính người sáng lập Raegan Moya-Jones của Aden + Anais từng phát triển thương hiệu của mình từ con số không đến doanh nghiệp triệu đô và bị đẩy ra khỏi doanh nghiệp của mình. Raegan chia sẻ, gặp được những nhà đầu tư thiên thần trong cuộc đời cô là một may mắn, họ thực sự là thiên thần, tôn trọng tầm nhìn và giá trị bạn mang lại, hỗ trợ bạn, kết nối bạn với những bạn hàng và mạng lưới có giá trị. Còn nếu vội vàng với những thương vụ đầu tư chỉ tập trung vào tiền, có thể bạn cũng giống cô, bị đẩy ra khỏi doanh nghiệp chính mình tạo dựng và bắt đầu lại từ đầu với con số 0. 

------------

Tài liệu tham khảo:

https://medium.com/7percent/questions-startup-founders-should-ask-angel-investors-and-vcs-but-rarely-do-3cbb08faad09

https://medium.com/@checkwarner/a-guide-to-angel-investors-part-ii-the-questions-to-ask-angels-before-taking-their-40c067f7a09c

Tác giả: 
Tạ Hương Thảo, Nguyễn Đặng Tuấn Minh

“Cuộc hôn nhân” nhà đầu tư-startup: Kỳ vọng gì từ hai phía? (Phần 1- Nhà đầu tư)

“Chọn nhà đầu tư giống như chọn bạn đời” – Mối quan hệ phức tạp giữa nhà đầu tư và startup đòi hỏi cả lý trí và tình cảm, không phải tự nhiên người ta ví von rằng mối quan hệ này giống như mối quan hệ hôn nhân bởi nó cần được xây dựng trên nền tảng của niềm tin và sự trung thực.


Bill Gross, Founder của IdeaLab, từng tư vấn và giúp đầu tư cho 100 công ty với 35 thương vụ thoái vốn thành công. Ảnh: IdeaLab

“Chọn nhà đầu tư giống như chọn bạn đời” – Mối quan hệ phức tạp giữa nhà đầu tư và startup đòi hỏi cả lý trí và tình cảm, không phải tự nhiên người ta ví von rằng mối quan hệ này giống như mối quan hệ hôn nhân bởi nó cần được xây dựng trên nền tảng của niềm tin và sự trung thực. Tuy nhiên, trên thực tế, nó phức tạp hơn rất nhiều bởi lẽ “Việc của nhà đầu tư là đầu tư và làm cho đồng tiền sinh sôi nảy nở. Với người sáng lập khởi nghiệp, phần nhiều đó là câu chuyện đam mê và ước mơ”- Malini Goyal. Để cả hai gặp nhau và đi đến một cuộc “hôn nhân” tốt đẹp đòi hỏi sự hiểu biết về kỳ vọng của cả hai phía, và điểm gặp nhau giữa những kỳ vọng này. Ở một thị trường mới mẻ như Việt Nam, việc hiểu lại càng cần thiết. Khi hiểu về đối phương và kỳ vọng thì việc chấp nhận đi cùng nhau mới có thể thực sự đơm hoa kết trái và mang lại một hợp tác mang tính hai bên cùng thắng thay vì một trò chơi tổng không – bên thắng và bên thua hoặc tệ hơn, cả hai cùng thua. Trong hai bài viết về chủ đề này, với kinh nghiệm đồng hành với cả hai phía và được chia sẻ nhiều từ các nhà đầu tư chuyên nghiệp trong và ngoài nước, chúng tôi muốn chia sẻ với bạn hai góc nhìn từ cả nhà đầu tư và startup. Chúng tôi tin rằng, khi hiểu nhau hơn, cả hai phía sẽ đặt mình vào đúng vị trí trong cả đàm phán và phát triển doanh nghiệp theo hướng lâu dài vì lợi ích của cả hai bên. 

Nhà đầu tư là ai? 

Một nhà đầu tư thiên thần là người sử dụng nguồn vốn cá nhân để đầu tư vào dự án doanh nghiệp khởi nghiệp nhằm thu lại lợi tức trên đầu tư (ROI). Mỗi nước sẽ có quy định cụ thể về định nghĩa nhà đầu tư thiên thần. Ở Mỹ, theo Quy tắc 501 của Quy tắc D quy định bởi Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC), để được công nhận là nhà đầu tư (accredited investor), cá nhân phải có tổng giá trị tài sản ròng ít nhất 1.000.000 USD, không bao gồm giá trị cư trú chính của người đó hoặc có thu nhập ít nhất 200.000 USD mỗi năm trong hai năm qua (hoặc thu nhập kết hợp 300.000 USD nếu đã kết hôn) và có kỳ vọng sẽ kiếm được số tiền tương tự trong năm hiện tại1. Tại Việt Nam, hiện tại chưa có văn bản pháp luật định nghĩa cụ thể thế nào là một nhà đầu tư thiên thần, tại Điều 18, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, nhà đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo bao gồm quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài thực hiện hoạt động kinh doanh thông qua việc góp vốn thành lập, mua cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo. Vậy để tìm được những nhà đầu tư với điều kiện quy định như trên, ở Việt Nam việc trở thành một nhà đầu tư không phải là khó, thậm chí không có ràng buộc cụ thể nào về một con số trong tài sản.

Nhà đầu tư có thể bỏ vốn, bỏ kiến thức chuyên môn và bỏ tài sản là mối quan hệ (mạng lưới) của mình vào để đầu tư. Tuy nhiên, hình thức phổ biến là đầu tư bằng tiền. Việc nhà đầu tư thiên thần còn hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thông qua kết nối với mạng lưới, nguồn lực nhằm giảm mức độ rủi ro và tăng tỉ lệ tăng trưởng của doanh nghiệp khởi nghiệp. 
Vốn từ nhà đầu tư thiên thần thường chính là một trong những “vị cứu tinh” cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ở giai đoạn đầu mới hình thành để doanh nghiệp ít nhất có thể tồn tại, phát triển sản phẩm và tiếp cận người chấp nhận sản phẩm đầu tiên. Chính vì vậy, những doanh nghiệp tìm vốn đầu tư thiên thần thường là ở giai đoạn đầu, nhiều rủi ro, và những nhà đầu tư chấp nhận rủi ro cao để đầu tư vào những doanh nghiệp này có lẽ được gọi là nhà đầu tư thiên thần vì vậy. 

 

Họ kỳ vọng gì?

Một nhà đầu tư đương nhiên mong tìm kiếm những doanh nghiệp/dự án “có thể đầu tư”. Vậy một dự án “có thể đầu tư” trong con mắt của nhà đầu tư là như thế nào? Theo bà Gwen Edwards, người được ủy thác và đồng chủ tịch của Angel Resource Institute chia sẻ tại tọa đàm do Trung tâm Hoa Kỳ tổ chức hồi tháng 3 tại Hà Nội, để đánh giá một doanh nghiệp có thể đầu tư được hay không, nhà đầu tư sẽ nhìn vào 4 tiêu chí dưới đây: 
Thị trường
Đây là mối quan tâm lớn nhất của bất kì nhà đầu tư nào khi đánh giá một doanh nghiệp khởi nghiệp trước khi quyết định đầu tư. Cụ thể, nhà đầu tư sẽ đánh giá: (1) Quy mô thị trường và tốc độ tăng trưởng của thị trường đó (2) Đặc tính của thị trường (3) Chiến lược đi-ra-thị trường của doanh nghiệp/dự án khởi nghiệp (4) Thời điểm ra thị trường – Doanh nghiệp có quá sớm khi đi ra thị trường? Sản phẩm của doanh nghiệp có thực sự sẵn sàng đi ra thị trường hay không? Đây chính là yếu tố đầu tiên đóng góp vào sự thành công của một doanh nghiệp. Theo Bill Gross – Founder của IdeaLab, người đã từng tư vấn và giúp đầu tư cho hơn 100 công ty, tham gia vào hơn 300 vòng cấp vốn với hơn 3.5 tỷ USD và 35 thương vụ IPO và xác nhập thành công2-  cho biết sự khác biệt lớn nhất giữa doanh nghiệp thành công và thất bại chính là thời điểm, chiếm 42%, sau đó mới tới đội ngũ, ý tưởng, mô hình kinh doanh và cuối cùng là vốn (14%)3. Một ví dụ điển hình chính là Uber, bên cạnh một mô hình kinh doanh độc đáo, thời điểm chính là yếu tố làm nên thành công của Uber. Uber ra đời đúng thời kỳ kinh tế suy thoái khi các lái xe đang cần kiếm thêm thu nhập. 

Đội ngũ: đội ngũ có nhiệt huyết hay không? Đội ngũ bao gồm những thành viên như thế nào? 
Cũng theo Bill Gross, đội ngũ đóng góp 32% vào sự thành công của một doanh nghiệp. Đây cũng là yếu tố mà nhà đầu tư quan tâm không chỉ trong quá trình xem xét đầu tư mà còn trong quá trình đầu tư. Để làm nên một đội ngũ tốt cần rất nhiều yếu tố, trong đó có 3 yếu tố chính dưới đây: (1) Có chung một mục tiêu: một đội ngũ (team) khác với một nhóm (group) ở chỗ có chung một mục tiêu và cùng nỗ lực để tiến tới mục tiêu đó; (2) Nhiệt huyết, đam mê: nhiệt huyết, đam mê quan trọng nhưng quan trọng hơn là duy trì được nhiệt huyết và đam mê đó tới cùng. (3) Bù trừ lẫn nhau: lý tưởng nhất, một đội ngũ bao gồm các thành viên có thể bù trừ cho nhau. Ví dụ, nếu bạn giỏi công nghệ nhưng yếu kinh doanh thì trong đội ngũ của bạn nên có một người giỏi kinh doanh để bổ trợ cho bạn. 
Công nghệ/ Sản phẩm: sản phẩm/ công nghệ có độc đáo và sáng tạo hay không. Những câu hỏi tham khảo để doanh nghiệp có thể trả lời được câu hỏi này của nhà đầu tư: 
* Bạn đang giải quyết vấn đề gì? 
* Hiện tại trên thị trường có bao nhiêu sản phẩm/ công nghệ có thể giải quyết được vấn đề đó? 
* Điểm khác biệt giữa sản phẩm/ công nghệ của bạn với các giải pháp đó là gì? 
* Mất bao lâu để người khác có thể bắt chước công nghệ/ sản phẩm này của bạn? 
Tài chính: cách doanh nghiệp khởi nghiệp kiếm tiền và tăng trưởng
Tài chính hay nói đơn giản hơn là cách doanh nghiệp kiếm tiền là yếu tố cuối cùng nhà đầu tư quan tâm khi đánh giá một doanh nghiệp. Việc đánh giá các tiêu chí tài chính của doanh nghiệp ảnh hưởng đến chiến lược thoái vốn của nhà đầu tư. Một nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ cho bạn biết họ định bao lâu sẽ thoái vốn khỏi doanh nghiệp. 

Nhà đầu tư thiên thần thường hỏi câu gì khi gặp bạn? 

Giống như một cuộc hôn nhân, giai đoạn tiền hôn nhân chính là giai đoạn tìm hiểu. Nhà đầu tư có nhiều cách tìm hiểu về bạn, tìm kiếm trên mạng (hồ sơ LinkedIn), tìm hiểu qua những người xung quanh bạn và hỏi bạn trực tiếp. Mục đích của việc hỏi này chính là để: 
Hiểu bạn là ai? - Một cuộc gặp không thế đánh giá hết tiềm năng về một sản phẩm nhưng có thể nói lên rất nhiều điều về con người làm nên sản phẩm đó. Vậy nên, trong buổi gặp đầu tiên, những câu hỏi đầu tiên nhiều nhà đầu tư sẽ hỏi không phải về sản phẩm của bạn tốt như thế nào mà về bạn là một con người như thế nào, bạn có thực sự đang hiểu bạn cần gì, mong muốn điều gì, bạn từng học ở đâu, kinh nghiệm của bạn như thế nào, những thất bại của bạn ra sao, bạn học gì từ những thất bại đó v.v. Không lấy gì làm ngạc nhiên nếu nhà đầu tư hỏi ai là mentor (cố vấn) cho bạn? Ai là người luôn ủng hộ chia sẻ khi bạn thất bại? Những câu hỏi này giúp họ hình dung được bức tranh rộng hơn về bạn, chỉ để đảm bảo rằng, bạn sẽ tiếp tục ngay cả khi thất bại. Rất đơn giản, những câu hỏi đầu tiên chỉ là về bạn mà thôi.
Hiểu vấn đề bạn đang giải quyết? – Bạn cần trả lời được tại sao doanh nghiệp của bạn quan trọng và bạn làm gì để tạo nên khác biệt cho doanh nghiệp bạn? Với những câu hỏi này thực sự bạn cần phải chứng minh cho nhà đầu tư, bạn thực sự hiểu những gì bạn đang làm bằng trải nghiệm, bằng thất bại và bằng những kiến thức mà bạn thực sự có. 
Hiểu khách hàng – Hiểu rõ khách hàng của bạn là ai, vấn đề họ gặp phải, họ cần gì, mong muốn gì, v.v. Nhà đầu tư đương nhiên sẽ không bỏ tiền vào một doanh nghiệp mà không biết mình đang bán sản phẩm cho ai. 
Hãy thành thật – Mọi thứ luôn thay đổi không ngừng còn con người luôn giới hạn về hiểu biết. Vậy nên, bạn cần thành thật với nhà đầu tư về những điều bạn không biết hay những thách thức, rủi ro bạn có thể gặp phải. Bạn cũng cần trình bày phương án để giảm thiểu hay giải quyết thách thức và rủi ro đó. Lẽ thông thường, chúng ta không biết những gì ta không biết, nhưng quan trọng là khi nói về những điều bạn không biết, những rủi ro tiềm ẩn, nhà đầu tư hiểu rằng bạn luôn ý thức về những rủi ro và tìm cách giảm thiểu những rủi ro tiềm tàng. Đó là những gì họ muốn. 
Sử dụng con số - Đo lường và chứng minh mọi thứ bạn nói bằng các con số. Nghe thật buồn cười, nhưng sự thực là, nhà đầu tư cũng là một con người, họ luôn có xu hướng bị thuyết phục bởi các con số. Những câu chuyện hay thể hiện được bạn với đam mê và khát vọng, nhưng những con số nói lên rất nhiều về cách thức bạn hiện thực hóa những đam mê đó bằng hành động và tạo dựng niềm tin cho người sắp chọn bạn để đồng hành. 
Trên thực tế, 70% các thương vụ đầu tư là thất bại, quan niệm về một giỏ đầu tư gồm 10 startup không thực sự bù đắp được rủi ro mà nhà đầu tư thiên thần gánh chịu. Điều đó cũng có nghĩa là, để giảm thiểu rủi ro, nhà đầu tư chuyên nghiệp hiếm khi đầu tư một mình. Họ thuộc về một nhóm đầu tư nào đó và có xu hướng đầu tư vào những lĩnh vực/ngành họ hiểu rõ. Vì vậy, nếu bạn nằm trong giỏ đầu tư của khoảng 20 dự án khác nhau này, bạn cần phải hiểu rõ chính bản thân mình, kỳ vọng của mình và của nhà đầu tư để chủ động viết nên câu chuyện của bạn. Trong phần 2, chúng tôi sẽ viết về kỳ vọng của startup với mong muốn không chỉ giúp các startup hiểu và tự trang bị cho chính mình những gì cần thiết để gặp nhà đầu tư mà còn giúp những nhà đầu tư mới hiểu về startup cũng như kỳ vọng của họ.□
--------
Chú thích: 
1https://www.investor.gov/additional-resources/news-alerts/alerts-bulleti...
2 https://firstround.com/review/Lessons-Learned-from-Bill-Gross-35-IPOs-an...
3 https://www.inc.com/chris-dessi/this-ted-talk-explains-the-5-reasons-why...

Tài liệu tham khảo: 
1. Hội thảo “What Investors Expect from Entrepreneur”, Trung tâm Hoa Kỳ, 3.2019 https://firstround.com/review/Lessons-Learned-from-Bill-Gross-35-IPOs-an...
2. https://www.inc.com/chris-dessi/this-ted-talk-explains-the-5-reasons-why...
3. http://economictimes.indiatimes.com/articleshow/46646853.cms?utm_source=...

Tác giả: 
Tạ Hương Thảo, Nguyễn Đặng Tuấn Minh