Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo vùng: Ấn tượng và khoảng trống

31/12/19 11:12:12 Lượt xem:

Trước khi tham gia hỗ trợ chuyên môn cho Techfest vùng cùng với Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học công nghệ, thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, có những câu hỏi luôn quanh quẩn trong đầu chúng tôi:

Liệu định hướng mô hình Silicon Valley có thực sự phù hợp với những địa phương này? Tìm đâu ra những nhóm khởi nghiệp theo tiêu chí nhân rộng được và mở rộng được? Nếu có khởi nghiệp sáng tạo thì đó là những mô hình như thế nào? Hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương có gì để hỗ trợ họ?

Những câu hỏi thôi thúc chúng tôi tham gia vào cuộc hành trình từ tháng 9, tháng 10, tháng 11 qua Techfest vùng Đông Nam Bộ, Techfest vùng ĐBSCL, Techfest vùng Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung. Những nhận định dưới đây được rút ra từ những quan sát, học hỏi và trải nghiệm qua cuộc gặp gỡ với hàng trăm nhóm khởi nghiệp, có cả những ấn tượng, những câu hỏi bỏ ngỏ và khoảng trống cần phải điền vào.

Ấn tượng

Sáng tạo từ yêu cầu của cuộc sống: Nếu ở những thành phố lớn, đặc trưng bởi nhu cầu đa dạng và nhóm trung lưu thu nhập đang nổi trở thành điểm hút với các dự án khởi nghiệp sáng tạo theo mô hình sáng tạo mang tính sao chép các mô hình từ nước ngoài, mang về bản địa hóa và phục vụ cho thị trường, thì điều đáng ngạc nhiên ở những dự án nổi bật trong khởi nghiệp sáng tạo ở các vùng là sự sáng tạo cũng mang tính địa phương, phục vụ đầu tiên cho chính thị trường bản địa, đi ra từ những tài nguyên của địa phương, xuất phát từ chính những thách thức của địa phương, không ít trong số này hoàn toàn nhân rộng được và lặp lại được. Ví dụ như Giải nhất của Techfest vùng Đông Nam Bộ là dự án Máy lọc nước biển thành nước ngọt cho ngư dân tàu đánh bắt xa bờ (nhóm tác giả Trần Thái Sơn của Bà Rịa-Vũng Tàu). Từ lâu, vấn đề có nước ngọt cho các tàu đánh bắt xa bờ luôn chưa thực sự được giải quyết thấu đáo. Chia sẻ về việc phát triển sản phẩm, anh Trần Thái Sơn của Bà Rịa Vũng Tàu kể rằng, ở nhà anh gần như không sót một loại máy nào từng có trên thế giới để lọc nước mặn thành nước ngọt. Nhưng với những khó khăn đặc thù, luôn cần những giải pháp đặc thù. Giải pháp máy lọc nước của nhóm tác giả tiết kiệm được chi phí mua máy, chi phí và công sức hỗ trợ trong trường hợp sự cố ngoài khơi, và có thể khắc phục ngay khi đang ở ngoài biển.

Hay xuất phát từ lợi thế về du lịch và mô hình Bungalow (nhà gỗ) ở Đà Lạt trở thành một điểm nhấn trong trải nghiệm của khách du lịch do hướng tới thiên nhiên, bảo vệ môi trường, sản phẩm “Nhà gỗ lắp ghép và đồ nội thất thông minh” của Công ty TNHH Kết nối nghệ thuật 24 (Lâm Đồng) ra đời để giúp cho việc thi công, lắp đặt nhanh hơn, tiết kiệm nhiều chi phí hơn, cơ động trong việc tháo rời và di chuyển được khắp mọi nơi. Sản phẩm sáng tạo này không chỉ có tiềm năng phục vụ tại thị trường Đà Lạt, mà thực chất, hoàn toàn có thể nhân rộng ra ở những nơi có điều kiện tự nhiên phù hợp và nhu cầu phát triển Bungalow cho du lịch nếu có một chiến lược kinh doanh và marketing hiệu quả, nếu không muốn nói là có thể tiêu thụ ở thị trường khu vực.

Mô hình nhà gỗ Bulgalow đang được nhân rộng ở Đà Lạt.

Một ví dụ khác, xuất phát từ những quan sát tại địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nơi những người dân sống với dừa nhưng chưa thực sự làm giàu được với dừa. Sản phẩm giấy dừa Bến Tre của Công ty TNHH Escoco Vietnam (Bến Tre), sản xuất giấy từ xơ tàu dừa, sử dụng làm giấy mỹ thuật, bao bì và tận dụng được nguồn cung vật liệu dồi dào của địa phương đã giành ngôi vị quán quân Techfest ĐBSCL. Cũng trong những nhóm dự án ấn tượng nhất tại Techfest Đồng bằng sông Cửu Long, một dự án ống hút làm từ nước dừa tập trung giải quyết vấn đề rác thải nhựa từ ống hút và nhanh chóng thu hút sự chú ý của cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nếu tận dụng tốt nguồn lực địa phương, những thế mạnh đặc biệt của địa phương và giải quyết những vấn đề đang bức xúc, chắc chắn những sản phẩm này có cơ hội vươn xa hơn trên thị trường Việt Nam và quốc tế.

 

Nếu tận dụng tốt nguồn lực địa phương, những thế mạnh đặc biệt của địa phương và giải quyết những vấn đề đang bức xúc, chắc chắn những sản phẩm này có cơ hội vươn xa hơn trên thị trường Việt Nam và quốc tế.

Tác động xã hội là một phần của mô hình kinh doanh: Nếu trước đây, những tác động chỉ được nhắc đến ở những dự án xã hội, hoặc điểm xuyết trong các bài thuyết trình về mô hình kinh doanh sáng tạo, thì điểm đáng mừng là mặc dù khái niệm “đổi mới sáng tạo xã hội” còn mới mẻ ở Việt Nam, nhưng thực chất, tinh thần kinh doanh nhằm tạo tác động tích cực cho xã hội bên cạnh tạo lợi nhuận đã nằm sẵn trong tư duy của những doanh nhân sáng tạo này. Chủ dự án giấy dừa Bến Tre chia sẻ rằng, chị mong muốn mang lại một mô hình mà mỗi người phụ nữ, hộ gia đình tham gia vào cung cấp nguồn nguyên liệu dừa nước cho chị có thêm một kế sinh nhai trong thời gian rảnh rỗi và tận dụng nguồn tàu dừa nước bỏ đi của địa phương. Với phương thức sản xuất này, chúng ta sẽ bớt phải đốn cây để làm giấy và chị có thể xây dựng một hệ sinh thái bền vững cho sản xuất cũng như thu nhập tốt hơn của người dân xứ dừa. Hay giải pháp máy lọc nước biển thành nước ngọt được nêu ở trên không chỉ được các ngư dân chào đón mà còn được các đơn vị vũ trang làm việc trên biển sử dụng để giải quyết cơ bản những khó khăn về nước ngọt.

Dự án “Giấy dừa Bến Tre” nhằm tận dụng nguồn dừa nước bỏ đi của Công ty TNHH Escoco Vietnam (Bến Tre) đoạt giải nhất Techmart - Techfest Mekong 2019.

Dự án “Giấy dừa Bến Tre” nhằm tận dụng nguồn dừa nước bỏ đi của Công ty TNHH Escoco Vietnam (Bến Tre) đoạt giải nhất Techmart - Techfest Mekong 2019.

Trên thực tế thành công của những mô hình khởi nghiệp sáng tạo xã hội như EthnoTeck Bags hay Maria’s bag, bên cạnh việc bán sản phẩm có giá trị gia tăng cao, mới lạ, độc đáo, mang các đặc trưng bản địa, việc phát triển một hệ sinh thái cho sản phẩm, tạo ra những giá trị cho nhiều bên liên quan trong toàn bộ chuỗi giá trị đang nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng do sự bền vững của cách tiếp cận.

Sự xuất hiện lẻ tẻ của các doanh nghiệp lớn tại các Techfest vùng được lý giải bởi nhiều nguyên nhân: không ít trường hợp xuất phát phát từ suy nghĩ khởi nghiệp sáng tạo vẫn còn là câu chuyện phong trào, chưa phải mối bận tâm của doanh nghiệp lớn.

Sự tham gia tích cực của trường đại học: Ở Techfest vùng, có thể thấy sự tham gia sôi động của các trường đại học. Hình ảnh những giảng viên hướng dẫn một nhóm sinh viên tham gia pitching trong cuộc thi không phải hiếm. Có những giải pháp thực sự tiềm năng đi ra từ trường đại học, gây ấn tượng bởi sự tâm huyết của cả thầy và trò và những giá trị nhân văn mà dự án mang lại cho chính cộng đồng của mình và cho xã hội. Có thể kể đến những dự án Sản xuất máy in 3D giá rẻ của Trường CĐ Cộng đồng Kon Tum với kỳ vọng sản xuất máy in giá rẻ phục vụ đào tạo trong các trường dạy nghề, hay Xử lý nước uống bền vững từ nguồn nước bị nhiễm mặn bằng công nghệ năng lượng Mặt trời VMD của các giảng viên, nghiên cứu viên, sinh viên tại Khoa Môi trường và Tài nguyên - Đại học Đà Lạt. Trong những năm vừa qua, nỗ lực đưa trường đại học vào trung tâm của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo bắt đầu đạt được những bước tiến nhất định trên cả nước, nhưng nếu nhìn vào hệ sinh thái hiện có ở những địa phương này, khi trường đại học đang chủ động tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, chứ không còn ở vị trí quan sát, thăm dò như nhiều tỉnh, thành phố khác, thì có thể tin rằng, họ sẽ sớm tìm ra những hướng đi cho riêng mình, vươn ra ngoài mô hình của Thung lũng Silicon.

Những khoảng trống

Tuy nhiên, hệ sinh thái khởi nghiệp ở các vùng còn khuyết đi những mắt xích quan trọng giúp thúc đẩy sự hình thành, phát triển của những doanh nghiệp, dự án khởi nghiệp sáng tạo.

Nhà đầu tư thiên thần: Số lượng các nhà đầu tư thiên thần của địa phương tham gia trực tiếp vào các hoạt động kết nối đầu tư và tìm hiểu về khởi nghiệp còn khiêm tốn và manh mún. Sự chủ động của nhà đầu tư thiên thần luôn đóng vai trò quan trọng ở những hệ sinh thái còn non trẻ. Để có thể đưa hoạt động đầu tư thiên thần thành một điểm đến thực sự tạo giá trị cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ở giai đoạn trứng nước, khi mà các hoạt động đầu tư mạo hiểm còn đứng ngoài cuộc, đòi hỏi nỗ lực từ chính địa phương và từ những nhà đầu mang tính dẫn dắt. Họ là những doanh nhân thành công, yêu thích sự sáng tạo và mong muốn đóng góp vào những sáng tạo ấy. Nguồn lực này ở địa phương không ai khác chính là các chủ doanh nghiệp trưởng thành tại địa phương, những người hiểu về tình hình địa phương và hiểu về những con người ở chính địa phương đó. Tuy nhiên, câu hỏi còn bỏ ngỏ là làm thế nào để thúc đẩy việc hình thành những nhóm nhà đầu tư như vậy để giảm thiểu rủi ro thay vì những hoạt động đầu tư tự phát, đơn lẻ?

Dịch vụ phát triển kinh doanh và tổ chức hỗ trợ thúc đẩy kinh doanh: Doanh nghiệp sở hữu công nghệ tốt, sản phẩm sáng tạo tại địa phương cũng đang phải đối mặt với những thách thức do chính sự chưa hoàn thiện của môi trường kinh doanh mang lại. Nhiều dự án “hồn nhiên” mang sản phẩm đi thi, đi triển lãm mà chưa hề đăng ký bảo hộ giải pháp hữu ích hay kiểu dáng công nghiệp. Những chương trình ươm tạo, tăng tốc chưa được thiết kế tốt để thúc đẩy sự phát triển của các dự án này lên cấp độ cao hơn, kiểm chứng thị trường ở mức độ lớn hơn và xây dựng đội nhóm chuyên nghiệp hơn. Sự thiếu vắng những dịch vụ phát triển kinh doanh chuyên nghiệp phi tài chính như thuế, luật, tài chính v..v. cũng như các chương trình tăng tốc, ươm tạo đang làm hạn chế đáng kể sự phát triển của những dự án hiện tại và có thể, sẽ khó thúc đẩy sự ra đời những dự án tiềm năng trong những năm tiếp theo một cách hiệu quả, bền vững dựa trên thế mạnh địa phương.

Sự tham gia của các doanh nghiệp lớn: Doanh nghiệp lớn trong vai trò người mua hàng, đối tác đặt hàng hay ươm tạo, tăng tốc nội bộ, đầu tư dường như là những khái niệm còn mới mẻ. Việc thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo dường như vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Sự xuất hiện lẻ tẻ của các doanh nghiệp lớn tại các Techfest vùng được lý giải bởi nhiều nguyên nhân: không ít trường hợp xuất phát phát từ suy nghĩ khởi nghiệp sáng tạo vẫn còn là câu chuyện phong trào, chưa phải mối bận tâm của doanh nghiệp lớn. Một vài doanh nghiệp xuất hiện vào phút chót trong những phiên kết nối đầu tư chia sẻ rằng, thời gian có hạn, mà thông tin thì đến chậm nên khó thu xếp. Còn nguyên nhân sâu xa hơn của khoảng trống này chính là thiếu sự kết nối, hợp tác và thông tin thông suốt giữa những cấu phần khác nhau của hệ sinh thái khởi nghiệp: các sở ban ngành với các tổ chức hiệp hội, các cơ quan và các đơn vị có liên quan đến khởi nghiệp. Khởi nghiệp sáng tạo là một phần không thể tách rời của hệ sinh thái và môi trường kinh doanh. Nó sẽ chỉ phát triển được khi môi trường đó trưởng thành từng ngày. Không có mô hình nào là hoàn hảo, chỉ có những nỗ lực phi thường của con người mới biến những nơi khô cằn thành cơ hội và tự biến mình thành hình mẫu cho những nơi có vấn đề tương tự mà thôi.

Tôi xin trích một câu trong lời giới thiệu cuốn sách “Vươn ra khỏi Thung lũng Silicon” của GS. Michael E. Goldberg kể về câu chuyện của Ohio đã tự mình tạo dựng mô hình riêng cho mình như thế nào từ những thách thức mà chính họ gặp phải cho đến những câu chuyện khác nhau trên thế giới đã tự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp một cách sáng tạo như thế nào để thay cho lời kết: “Trong khi Thung lũng Silicon tự hào với danh tiếng đỉnh cao của hệ sinh thái khởi nghiệp thành công, các thuộc tính độc đáo và sự tập trung chính vào công nghệ thông tin khiến nó trở thành mô hình hạn chế cho các khu vực khác trên thế giới học tập. Thay vào đó, việc phát triển hệ sinh thái có thể được truyền cảm hứng từ những trở ngại, đấu tranh và thất bại mà Đông Bắc Ohio phải đối mặt, một khu vực bị áp lực bởi những thách thức kinh tế nhưng đồng thời nổi bật bởi sự khéo léo và quyết tâm của chính mình”.

 


 

 

Giải nhất của Techfest vùng Đông Nam Bộ là dự án “Máy lọc nước biển thành nước ngọt cho ngư dân tàu đánh bắt xa bờ”. “Máy lọc nước biển thành nước ngọt gồm nhiều bộ phận, theo đó nước biển sau khi bơm cấp vào máy sẽ được lọc bằng cụm màng lọc thô để loại bỏ chất bẩn cho ra nước biển sạch. Nước biển sạch sẽ đi qua một máy nén áp suất cao để đẩy qua màng lọc RO. Tại đây, muối và các tạp chất khác sẽ được lọc sạch để cho ra nước ngọt tinh khiết. Sản phẩm nước ngọt đầu ra của máy lọc nước biển này được Bộ Y tế chứng nhận đạt tiêu chuẩn nước uống”, theo anh Trần Thái Sơn, giảng viên trường Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu, tác giả của Dự án.

Tác giả: 
Nguyễn Đặng Tuấn Minh - Sáng lập & CEO KisStartup