khởi nghiệp sáng tạo

RECAP: “KHỞI NGHIỆP SÁNG TẠO KINH TẾ TUẦN HOÀN”

Ngày 19 tháng 6 năm 2024, chúng tôi đã hoàn thành buổi học cuối cùng của Chương trình khởi nghiệp sáng tạo kinh tế tuần hoàn. Chương trình đã thu hút được đa dạng các đối tượng khác nhau tham gia từ sinh viên, giảng viên các trường đại học đến các doanh nghiệp thực tế.

Chương trình tập trung giới thiệu tới học viên về quá trình tuần hoàn hóa, những phát triển mới mô hình kinh doanh tuần hoàn và cách phân tích, tận dụng những thế mạnh vốn có của bản thân để áp dụng được kinh tế tuần hoàn. Trong chương trình chúng tôi cũng tổ chức các buổi giao lưu giữa học viên với những doanh nghiệp có mô hình kinh tế tuần hoàn như VinaStraws, SDvico, UPGREEN Vietnam. Với kinh nghiệm của bản thân, 3 doanh nghiệp là 3 case study tiêu biểu giúp học viên có những góc nhìn mới mẻ, rõ ràng nhất về kinh tế tuần hoàn trong thực tế.

Ngoài ra, sau chương trình chúng tôi cũng nhận về được 2 thách thức đến từ doanh nghiệp học viên với mong muốn bắt đầu tuần hoàn hóa quy trình kinh doanh của mình và hoặc đổi mới mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn. Hai thách thức sẽ mở ra những chương trình tiếp của KisStartup và KisImpact nhằm đưa kinh tế tuần hoàn vào thực tế doanh nghiệp nhiều hơn. Kết thúc chương trình đào tạo, chúng tôi sẽ dành thời gian hoàn thiện và bổ sung tài liệu phiên bản mới năm 2024.

Chân thành cảm ơn sự tham gia của các giảng viên, doanh nghiệp và các bạn sinh viên để chúng tôi tiếp tục hoàn thiện phiên bản 2024 của bộ tài liệu.

KisStartup tham gia phát triển đội ngũ giảng viên nguồn về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong Fintech tại Học Viện Ngân hàng

Chương trình đào tạo giảng viên nguồn (TOT) về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực Fintech do Học viện Ngân hàng tổ chức là một phần trong chuỗi các hoạt động triển khai nhiệm vụ “Huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức nâng cao về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, theo Quyết định số 1865/QĐ-BKHCN ngày 28/6/2019 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt tổ chức chủ trì, thực hiện nhiệm vụ thuộc Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844), thực hiện từ năm 2020.

Chương trình được thiết kế nhằm trang bị cho học viên kiến thức tổng quan về Fintech, nhận diện xu hướng mới trong Fintech; mối quan hệ giữa tiền số và thị trường tài chính; nắm được khung pháp lý cho Fintech và cách thức quản lý tài chính - quản trị rủi ro cho hoạt động Fintech… Đặc biệt, kết thúc chương trình, học viên có khả năng phát triển các kỹ năng, phương pháp tổ chức huấn luyện hiệu quả các nhóm/doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói chung và lĩnh vực Fintech nói riêng.

Trong khuôn khổ chương trình, KisStartup sẽ cung cấp kiến thức về phân tích các mô hình kinh doanh trong Fintech dành cho các giảng viên và đồng hành cùng các giảng viên trong Phương pháp giảng dạy khởi nghiệp sáng tạo. Trong khóa học, các giảng viên sẽ kết hợp chuyên môn và lồng ghép kiến thức về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để tạo ra những nội dung giảng dạy mới đặc thù trong fintech và giúp các fintech trong tương lai chuẩn bị kỹ lưỡng cho hành trang khởi nghiệp và làm việc trong lĩnh vực mới mẻ này. 

Khóa học kéo dài 14 ngày từ 2.11.2020 và kết thúc ngày 26.11.2020.

Nguồn tham khảo: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2020-11-02/khai-giang-...

Tác giả: 
KisStartup

Giới thiệu KisUNI

GIỚI THIỆU - KISUNI LÀ GÌ? 

Là một dự án nằm trong hoạt động hỗ trợ cộng đồng ra đời với mục tiêu hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu.

Đúc kết từ 5 năm kinh nghiệm làm việc với các trường đại học, đào tạo người giảng dạy khởi nghiệp sáng tạo và hỗ trợ các Câu lạc bộ khởi nghiệp sáng tạo khối trường công nghệ, kỹ thuật, KisStartup mong muốn tạo một cộng đồng phát triển lành mạnh hỗ trợ các cá nhân, tổ chức mong muốn thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trong các trường đại học, cao đẳng, các viện nghiên cứu.

KisUNI – DÀNH CHO AI? 

  • Giảng viên mong muốn phát triển chương trình khởi nghiệp sáng tạo tại trường đại học của mình
  • Các CLB/chương trình của các trường đại học mong muốn phát triển hoạt động khởi nghiệp sáng tạo và liên kết hoạt động của mình với hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên cả nước

NGUỒN LỰC CỦA KISUNI ĐỂ HỖ TRỢ CÁC TRƯỜNG ?

  • TOT Training: Chương trình huấn luyện - thực hành Người đào tạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: Theo đó, KisUNI sẽ tập trung vào:

    • Đào tạo TOT (online và offline) : cho các giảng viên, cá nhân mong muốn theo đuổi công việc giảng dạy khởi nghiệp ĐMST 

    • Hỗ trợ thực hành: Sau khi hoàn thành các khóa đào tạo TOT tại KisStartup, học viên đăng ký tham gia mạng lưới thành viên TOT tại KisStartup để được hỗ trợ thực hành giảng dạy và trao đổi chuyên môn thường xuyên

    • Giám sát & Đảm bảo chất lượng: Để trở thành giảng viên được công nhận của KisUNI, học viên cam kết theo các tiêu chuẩn của KisStartup về người đào tạo bao gồm số giờ thực hành, số lượng đối tượng giảng dạy, NPS và đánh giá của học viên 

    • Công khai danh sách giảng viên đạt chuẩn của KisUNI: Học viên đạt chuẩn của KisUNI sẽ được công khai danh sách trên website của KisStartup và sẽ được điều chỉnh, kiểm tra và đánh giá định kỳ hàng năm. 

  • SME Mentoring 1on1: Thực hành mentoring để hiểu về khởi nghiệp sáng tạo

    • Hướng dẫn thực hiện chương trình mentoring: Với kinh nghiệm vận hành chương trình mentoring 1:1 cho khởi nghiệp sáng tạo trong 5 năm, KisStartup mong muốn đồng hành cùng các trường đại học triển khai các chương trình mentoring có ý nghĩa và sáng tạo cho giảng viên, sinh viên và các dự án khởi nghiệp sáng tạo tại trường. KisStartup sẽ hỗ trợ miễn phí hoàn toàn và cam kết đồng hành cho nỗ lực của các trường

    • Thực hành trải nghiệm: Để có trải nghiệm của một mentor trước khi triển khai các chương trình mentoring trong trường đại học, bạn có thể tham gia chương trình Mentoring tại SME Mentoring 1on1 do KisStartup vận hành tại Hà Nội hoặc SME Mentoring 1on1 tại HCM 

  • Khóa đào tạo trực tuyến khởi nghiệp sáng tạo: Giúp sinh viên, giảng viên các trường thành viên trong mạng lưới của KisUNI có thể học bất kỳ lúc nào. Sau khóa học, học viên có thể đề nghị được hỗ trợ từ KisUNI và các nguồn lực khác của KisStartup
  • Commercialization Accelerator Program​: Tăng tốc thương mại hóa kết quả nghiên cứu của sinh viên, giảng viên
    • Thương mại hóa kết quả nghiên cứu cho sinh viên và giảng viên

    • Đưa các sản  phẩm tiềm năng ra thị trường

  • NetAStartup- Nền tảng kết nối trực tuyến các dự án khởi nghiệp sáng tạo

    • Cập nhật các dự án online 

    • Kết nối các nguồn lực

Thông tin chi tiết chương trình tại: http://kis-uni.com/

 

Tác giả: 
KisStartup

Đào tạo Tư duy Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp ĐMST tại Đại học Hải Phòng

Ngày 3.6 – 4.6.2020, KisStartup vinh dự nhận được sự tin tưởng của Ban lãnh đạo và cán bộ trường Đại học Hải Phòng mời về giảng dạy trong vai trò là đơn vị phụ trách chuyên môn đào tạo cho đối tượng chính là sinh viên có tiền dự án hoặc đang có ý định thương mại hóa nghiên cứu từ phòng lab. Ngoài ra, KisStartup còn thiết kế đặc biệt một buổi cùng các thầy cô trong trường với hy vọng tạo ra những giảng viên nguồn có khả năng đỡ đầu, hỗ trợ và giám sát các ý tưởng và dự án. Ngay sau khóa học, nhà trường sẽ thành lập ban hỗ trợ sinh viên đổi mới sáng tạo bao gồm có các thành phần: coach, mentor, advisor và trainer. Việc thành lập và đi vào vận hành hỗ trợ các nhóm sinh viên trong vai trò cụ thể của từng giảng viên tham gia bước đầu sẽ gặp ít nhiều khó khăn. Tuy nhiên bản thân các giảng viên tham dự cũng đều cam kết sẽ theo sát và thực hành dưới sự cố vấn và giám sát 03 tháng tới của KisStartup.

Việc nằm trong cộng đồng của KisStartup đồng nghĩa với việc chúng tôi sẽ cam kết thông tin tới các nhóm dự án và thầy cô những cơ hội phù hợp nhất cũng như hỗ trợ hiệu quả và sớm nhất có thể. KisStartup hy vọng đây là bước khởi đầu nhỏ cho những bước tiến dài hơn của trường đại học trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hỗ trợ mạnh mẽ cho chính sinh viên trong trường.

---

#kisstartup #đại_học_hải_phòng #vintechcity

#đào_tạo_đổi_mới_sáng_tạo #đào_tạo_khởi_nghiệp_sinh_viên

#coach #mentor #trainer #advisor #huấn_luyện_khởi_nghiệp

Tác giả: 
KisStartup

COVID-19: Thời gian để startup suy ngẫm và xem lại mình

Dịch corona virus là một liều thuốc thử để biết sức khỏe cộng đồng doanh nghiệp của Việt Nam. Nó cũng cho thấy các startup và các doanh nghiệp nhỏ và vừa có khả năng thích nghi linh hoạt như thế nào.

Nguyễn Đặng Tuấn Minh.

Nguyễn Đặng Tuấn Minh.

 

Đó là những nhận định của chị Nguyễn Đặng Tuấn Minh, giám đốc và đồng sáng lập tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp KisStartup, đồng thời là chuyên gia kết nối đầu tư của Techfest Vietnam nhiều năm trong cuộc trao đổi với Báo KH&PT.

Từ tháng 12 năm ngoái đến nay, dịch bệnh COVID-19 đã trở nên phức tạp ở nhiều nước khiến hoạt động kinh tế-xã hội bị đình trệ, thậm chí có nơi đã gọi là một sự khủng hoảng mà đến nay vẫn chưa nhìn thấy đáy. Trước tương lai không chắc chắn này, theo chị những thách thức lớn nhất của startup Việt là gì?

Thời kì này không chỉ startup Việt mà các doanh nghiệp khởi nghiệp nói chung ở nhiều nơi trên thế giới đều đang đối mặt với khó khăn. Các startup thường là những doanh nghiệp ít tuổi, tầm dưới 5 năm và đang ở giai đoạn trứng nước để định hình kinh doanh, nên đại dịch này là một biến động quá lớn và bất ngờ mà phần lớn họ chưa có kinh nghiệm đối phó. Mặc dù bình thường họ luôn phải quản trị rủi ro xung quanh, nhưng những cú sốc hàng chục năm mới thấy một lần như thế thì ngay cả doanh nghiệp lớn cũng đau đầu, chứ đừng nói đến doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thứ hai, từ đại dịch này có thể thấy chắc chắn mô hình kinh doanh của nhiều startup phải thay đổi, chẳng hạn theo hướng tinh gọn hơn hay phải xác định lại cách thức giải quyết vấn đề của khách hàng. Nhưng các thách thức này mang tính đặc thù theo ngành, ví dụ nhóm startup sản xuất, đặc biệt là các sản phẩm không phải hàng thiết yếu sẽ gặp khó khăn hơn vì cầu bị giảm; hay nhóm công nghệ du lịch cũng giảm doanh thu vì khách không thể đi đến. Nhưng ngược lại cũng xuất hiện những cơ hội đặc thù, ví dụ các startup thương mại điện tử hay công nghệ giáo dục trước kia phải loay hoay thay đổi hành vi người tiêu dùng thì thời đại dịch đã khiến học online trở thành xu hướng bắt buộc, chi phí để giáo dục thị trường giảm đi đáng kể và có cơ hội để bứt phá nếu làm tốt. Tuy nhiên, ngay cả ở những nhóm có cơ hội vẫn phải đối mặt với khó khăn, khi nhu cầu khách hàng tăng lên đột biến mà khả năng đáp ứng của startup không theo kịp thì đó cũng là vấn đề lớn.

Thách thức thứ ba có thể kể đến là vận hành. Thay vì có thể gặp nhau, trao đổi thì chúng ta phải làm việc từ xa. Điều này gây ra những biến đổi không nhỏ trong quá trình vận hành và quản trị công ty, nếu startup nào chưa quen sẽ phải đối mặt với hiệu suất công việc giảm khá nhiều.

Thách thức cuối cùng nhưng có thể nói là quan trọng nhất, đó là thiếu tiền để sống sót. Một doanh nghiệp trưởng thành còn phải đối mặt với khó khăn trong thời đại dịch vì dòng tiền chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, nói gì đến các doanh nghiệp khởi nghiệp. Chính vì đại dịch chưa biết bao giờ mới thực sự chấm dứt nên khả năng sống sót được bao lâu phụ thuộc rất nhiều vào dòng tiền và năng lực để duy trì dòng tiền của doanh nghiệp.

Vậy startup đang ứng phó với những thách thức đấy như thế nào?

Chúng ta không thể thay đổi hoàn cảnh, nhưng hoàn toàn có thể thay đổi cách phản ứng với nó. Trong số các startup tôi biết thì nhìn chung mọi người khá lạc quan và suy nghĩ tích cực. Bản thân startup khi khởi nghiệp đã rất dũng cảm rồi, nên với những tình huống như thế họ cũng vẫn can đảm đối mặt và nhanh chóng thích nghi. Ví dụ, các startup điều chỉnh sản phẩm hoặc đưa ra sản phẩm hoàn toàn mới. Như Nemzone, một doanh nghiệp mảng thực phẩm, trước đây doanh thu chủ yếu từ take away phục vụ người dùng vào cuối tuần. Giờ họ tung ra sản phẩm hằng ngày và có nhiều món ăn hơn để đáp ứng khẩu vị đa dạng của khách, kết hợp với mạng lưới giao đồ vốn đã dần thân quen với người dân đô thị.

Các startup cũng đã liên kết lại để chia sẻ các công cụ làm việc từ xa, chẳng hạn như cộng đồng Vietnam Remote Workforce đã được Bộ TT&TT bảo trợ, để đưa ra một danh sách hơn 50 công ty có cả startup cung cấp giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp mùa dịch kèm theo ưu đãi, dùng thử, miễn phí. Dự án này có tác động lan tỏa khá tốt, đặc biệt với những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trước đây, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể không có nhu cầu nên không để ý đến những công cụ như vậy hoặc không có chi phí để đầu tư, nhưng giờ tình thế bắt buộc họ sẽ quan tâm. Vô hình trung, đại dịch sẽ giúp họ chuyển đổi số nhanh hơn. Những ai quen công cụ số rồi, sau này sẽ chắc sẽ khó muốn quay lại với các công cụ thủ công truyền thống.

Đây cũng là dịp mà startup có thể phát hiện ra những điều thú vị, chẳng hạn như có công ty nhận ra từ trước đến giờ có những khâu hiệu suất không mấy cao, hay khi một số nhân viên làm việc ở nhà mới biết đôi khi ít người lại tốt hơn, nên lại có cơ hội tinh gọn lại bộ máy.

Quay lại câu chuyện tại sao startup nên tận dụng được lợi thế của mình thời COVID-19 này. Với một cấu trúc tinh gọn, startup có khả năng thay đổi nhanh hơn các doanh nghiệp lớn có bộ máy cồng kềnh, phức tạp. Startup cũng thường gồm toàn người trẻ nên tư duy (mindset) của họ khá cởi mở, dễ tiếp nhận những điều mới và sẵn sàng sử dụng công cụ mới để vận hành kinh doanh.

Như vậy mặc dù startup sẽ chịu tác động, nhưng đây cũng là cơ hội để buộc họ phải dành thời gian suy nghĩ nhiều hơn về những biến động môi trường vĩ mô tác động đến mô hình kinh doanh và cách thích ứng của họ. Với những ưu thế như nhỏ gọn, linh hoạt và cởi mở, tôi tin startup có thể nhanh chóng tìm ra cách quản trị tối ưu nhất có thể. Một cách thẳng thắn mà nói, chính thời dịch mới thấy doanh nghiệp lớn hay nhỏ đều có thể đóng góp, đều có cơ hội và không nhất thiết phải cạnh tranh nếu tìm ra được hướng đi riêng. Về vấn đề thiếu vốn và tiền mặt như đã nêu ở trên, cách tốt nhất vẫn là cắt giảm chi phí và tiếp tục tìm kiếm những cơ hội để khai thác thế mạnh của mình nhằm tối ưu hóa dòng tiền.

Những người giúp đỡ startup như chị hay các mạng lưới hỗ trợ, vườn ươm khởi nghiệp có gặp phải những thách thức hay cần điều chỉnh gì trong cuộc khủng hoảng này?

Cũng như các startup, đây là dịp tốt để các tổ chức hỗ trợ nhìn nhận lại mô hình của mình và tinh chỉnh. Nếu không còn các sự kiện hoành tráng, không có những cuộc gặp mặt lớn hay những đợt tuyển ồ ạt, không có các cuộc thi nữa thì bây giờ chúng ta sẽ phải làm gì? Rất nhiều hoạt động đã được chuyển sang online, chẳng hạn như tư vấn, trao đổi hay gọi vốn. Dĩ nhiên từ trước đến nay tổ chức của chúng tôi vẫn làm như thế - chúng tôi vừa hoàn thành xong vòng phỏng vấn online với nhóm startup để kết nối với các nhà đầu tư thiên thần ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh trong tháng 3 vừa qua. Nhưng dịp này sẽ khiến nhiều bên khác cũng chuyển đổi vận hành tương tự và có thể tạo ra nét văn hóa của riêng mình.


Vào thời điểm này, tôi nghĩ việc hợp tác giữa các mạng lưới là điều cần thiết. Điểm yếu trong hệ sinh thái của chúng ta trước đây là các thành phần tương tác chưa hiệu quả, vẫn còn rời rạc, và đây là cơ hội để mọi người làm việc với nhau tốt hơn. Chẳng hạn nhóm hỗ trợ khởi nghiệp của Bộ KH&CN trên Facebook những tháng qua đã hoạt động rất tích cực và chia sẻ được một loạt thông tin hữu ích với nhiều bên liên quan cho hỗ trợ startup.


Tuy nhiên, các mạng lưới hỗ trợ sẽ phải đối mặt với vấn đề sâu xa hơn là thay đổi các dịch vụ của mình. Các mạng lưới thiết kế dịch vụ xoay quanh startup, mà sau mùa dịch này số lượng startup nhiều khả năng sẽ suy giảm và có những vấn đề khác trước. Điều này đòi hỏi các mạng lưới, tổ chức hỗ trợ cũng phải nhanh chóng chuyển đổi để thích nghi với nhu cầu mới. Mặc dù hiện nay mới chỉ hơn 3 tháng đình trệ, chưa ai mà tôi biết bị phá sản, mọi người vẫn đang cố gắng duy trì và kì vọng là 6 tháng nữa tình hình sẽ ổn. Nhưng bức tranh sau dịch sẽ khác rất nhiều. Có lẽ lúc đó doanh nghiệp sẽ không cần đến những hỗ trợ kĩ năng nữa mà sẽ đòi hỏi những giúp đỡ sâu hơn về năng lực quản trị, khai thác thế mạnh và mở rộng thị trường hoặc những vấn đề về dịch vụ phát triển kinh doanh như pháp lý, thuế, v..v. chẳng hạn.

Tuy nhiên, tôi nghĩ vẫn là chưa đủ. Ngoài các gói hỗ trợ, cần phải chọn đúng khó khăn mang tính “tử huyệt” để thiết kế những chương trình hỗ trợ hiệu quả ví dụ phát triển kinh doanh, mở rộng thị trường, mạng lưới bán hàng cho nhóm B2C hay nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giúp chuyển đổi số và đưa nhóm startup B2B đến gần hơn với các mạng lưới doanh nghiệp hay lý tưởng hơn nữa, có thể đây là thời điểm thuận lợi để tiến hành các sandbox giúp startup tham gia một phần vào giải quyết những vấn đề khó của khu vực công mà trước kia tuổi đời hay kinh nghiệm là hạn chế - khó giúp họ tiếp cận với việc cung cấp những cơ hội như vậy v..v. Có như vậy, doanh nghiệp sống sót qua giai đoạn này mới là doanh nghiệp được sàng lọc và khỏe mạnh để chuẩn bị cho việc tái cấu trúc sau đại dịch.

Theo chị, còn những cơ hội khác cho hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam trong mùa dịch không?

Nếu quan sát thế giới, một loạt sự kiện quốc tế lớn như Seedstar summit, Y Combinator Demo Day hay những hội thảo công nghệ quốc tế của Google, Facebook, Microsoft, TechEx …đều chuyển sang online hoặc bị hoãn lại. Đằng sau đó là dấu hiệu của lượng vốn thực sự đầu tư sẽ giảm. Câu hỏi đặt ra là nếu không có những nguồn vốn này, liệu startup có đủ sức để đi tiếp? Theo tôi thấy, số lượng startup nhận vốn ngoại của Việt Nam không phải quá lớn mà chủ yếu nhắm vào các nhóm fintech. Phần đa còn lại vẫn đang ở giai đoạn bootstrapping – tức vốn tự thân.

Việc sụt giảm đầu tư đang là tình hình chung của thế giới, không chỉ riêng Việt Nam. Rất nhiều chuyên gia đã cảnh báo từ trước rằng startup nếu muốn sống sót phải có kế hoạch tài chính cho 12-18 tháng tiếp theo do xu hướng vốn mạo hiểm giảm chung. Bản thân các quỹ trong thời gian tới cũng sẽ tìm cách tái cơ cấu các hạng mục đầu tư, và chuyển sang những đối tượng sinh lời nhiều hơn. Chắc chắn sẽ có 1 số startup hưởng lợi, ví dụ chỉ từ đầu năm đến nay Trung Quốc đã có thêm 3 kì lân tỷ đô trong lĩnh vực y tế hay ở Việt Nam, một số startup thuộc nhóm Medtech đã nhận đầu tư đầu năm nay. Nhưng sẽ không có công thức chung cho tất cả startup.

Ở Việt Nam, thời điểm này là thời điểm cực kì thú vị để phát triển được thị trường vốn trong nước, đặc biệt là thúc đẩy được đầu tư thiên thần trong nước để các startup Việt ít phải lệ thuộc vào dòng vốn bên ngoài - chí ít là giúp startup ở giai đoạn đầu. 

Cảm ơn chị đã chia sẻ!

Tác giả: 
Khoa học Phát triển

Khát vọng hùng cường, góc nhìn từ khởi nghiệp sáng tạo

(BĐT) - Khả năng thành công của những doanh nghiệp mới hay khởi nghiệp sáng tạo, và sức khỏe của doanh nghiệp trưởng thành là thước đo của môi trường kinh doanh, của hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế và tầm nhìn, tư duy của người lãnh đạo. 

Thị trường fintech và e-commerce tại Việt Nam còn rất nhiều dư địa để phát triển

Thị trường fintech và e-commerce tại Việt Nam còn rất nhiều dư địa để phát triển

Có một sự thật là trong lúc Việt Nam đang chứng kiến sự ra đời của nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo công nghệ lớn mạnh hơn, hút vốn đầu tư mạo hiểm nhiều hơn, thì cũng là lúc chúng ta chứng kiến hàng vạn doanh nghiệp phá sản. Phải chăng, điều đó bộc lộ những cơ hội và thách thức chúng ta đang gặp phải?

Bài viết đưa ra một góc nhìn tập trung vào những trở ngại đối với khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp sáng tạo nói riêng qua việc nhìn nhận lại 5 yếu tố ảnh hưởng đến sự thành công của startup từ cách tiếp cận của Bill Gross - nhà sáng lập IdeaLab.

Trên thực tế ở Việt Nam, chưa có một khảo sát chính thức trên diện rộng nào về lý do doanh nghiệp thất bại, ngoài một thực tế là họ không đủ khả năng trả nợ, không đủ khả năng tiếp tục kinh doanh. Chúng ta vẫn đang tìm kiếm những câu trả lời sâu sắc hơn giúp chúng ta hiểu được nguyên nhân của sự đóng cửa và phá sản của doanh nghiệp. Cùng với đó, cũng chưa có một khảo sát nào đưa ra những lý do tại sao các dự án khởi nghiệp thành công tại Việt Nam: do năng lực của người lãnh đạo, do vốn hay do mô hình kinh doanh... Vì vậy, việc sử dụng cách tiếp cận của Bill Gross có thể phần nào giúp chúng ta hiểu được những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức với khởi nghiệp sáng tạo.

Không thể phủ nhận rằng năm 2018, 2019 chứng kiến sự chuyển biến ngoạn mục, các startup của Việt Nam nhận dòng vốn đầu tư mạo hiểm kỷ lục, khả năng chiếm lĩnh thị trường trong nước của các nhóm khởi nghiệp sáng tạo và những ghi nhận quan trọng từ các tổ chức quốc tế.

Theo khảo sát trên 200 khởi nghiệp sáng tạo của Bill Gross, nhà sáng lập IdeaLab, khởi nghiệp sáng tạo thành công chính bởi 5 yếu tố theo thứ tự: 1. Thời điểm; 2. Đội nhóm; 3. Tính độc đáo, khác lạ; 4. Mô hình kinh doanh; 5. Vốn.

Việc dòng vốn đổ vào lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) và thương mại điện tử (e-commerce) cũng như số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp gia tăng trong mảng này phản ánh một thực tế của thị trường fintech và e-commerce còn quá nhiều dư địa để phát triển.

 

Với một quốc gia nằm trong một khu vực có đến 70% dân số chưa có tài khoản ngân hàng, thì việc xuất hiện nhiều các fintech nhằm giải quyết vấn đề của khách hàng này là điều dễ hiểu. Các quỹ đầu tư mạo hiểm cũng nhìn nhận Việt Nam như một thị trường tiềm năng không thể bỏ qua. Startup Việt còn hấp dẫn bởi sau thị trường Việt Nam, các nhà đầu tư cũng không thể bỏ qua tiềm năng những startup này mở rộng ra thị trường khu vực ASEAN. Những mô hình kinh doanh không quá mới trên thế giới có thể phát triển mạnh mẽ ở một thị trường các dịch vụ tài chính còn đơn giản và thói quen chi tiêu, tiết kiệm, đầu tư còn đang có những thay đổi mạnh mẽ. Nếu nhìn nhận trở lại theo 5 yếu tố nêu trên thì những thành công này đến từ sự xuất hiện “đúng thời điểm” trở thành lý do chính.

Nghiêm Xuân Huy, sáng lập viên Finhay, một trong những startup mảng fintech thành công nhất trong năm 2019, cùng với Momo được xếp vào 100 công ty fintech toàn cầu do KPMG và H2 Ventures công bố, từng chia sẻ: yếu tố quan trọng khiến Finhay nhận ngay lập tức 1 triệu USD đầu tư từ Insignia Ventures Partners chính là đáp án cho các câu hỏi về đội nhóm. Đội nhóm tốt đóng vai trò then chốt cho sự thành công của startup. Song không phải startup nào cũng may mắn có được đội nhóm tốt như Finhay. Việc tìm kiếm nhân sự tốt cho các dự án khởi nghiệp sáng tạo đang gặp không ít khó khăn. Bài toán nhân lực không chỉ dừng ở đầu tư cho tuyển dụng hay hoàn thiện chính sách, mà thực chất là một chiến lược dài hơi về nguồn nhân sự, phản ánh tầm nhìn của người lãnh đạo startup và bối cảnh thị trường.

Chiến lược nhân sự nằm trong một bức tranh chung về giáo dục, đào tạo. Không phải ngẫu nhiên những yếu tố từ thị trường tuyển dụng đang làm chậm bước đi của các startup. Nguồn nhân lực chất lượng cao khó kiếm, tiếng Anh kém, kỹ năng chưa tốt và quan trọng hơn nữa là thái độ làm việc thiếu chuyên nghiệp đang là một vấn đề lớn. Không ít các sáng lập startup vất vả tìm kiếm được đồng sáng lập để thúc đẩy dự án. Một chuyên gia về đổi mới sáng tạo của Israel nhận định rằng, Việt Nam đang sở hữu những tài năng vô giá, đáng tiếc là phần lớn họ mới chỉ có tư duy của một người kỹ sư làm sản phẩm chứ chưa có tư duy của người sáng tạo sản phẩm.

Nói về tính mới lạ độc đáo thì có lẽ những mô hình kinh doanh của Việt Nam khó có thể mang tính sáng tạo toàn cầu vốn đòi hỏi nhiều đầu tư về thời gian, công sức, tiền bạc và cả những trải nghiệm toàn cầu của đội ngũ sáng lập. Chúng ta hoàn toàn có thể khát khao tạo ra những mô hình như vậy, song thực tế, tỷ lệ sao chép hay mang tính mới bản địa vẫn chiếm đa số. Có thể nói, những thành công gần đây của một số mô hình như Logivan, Loglag, ABIVIN đang chứng minh khả năng giải quyết bài toán của chính thị trường bản địa và từng bước tiến gần ra khu vực.

Ở khía cạnh vốn, việc tiếp cận với các nguồn vốn trong giai đoạn trứng nước của dự án còn đang là một dấu hỏi rất lớn. Nhà đầu tư thiên thần vẫn là một khái niệm mới mẻ và những khuyến khích cho sự ra đời của những mạng lưới, quỹ đầu tư thiên thần vẫn chưa thực sự phát huy tác dụng. Khi nguồn vốn chưa được khơi thông cho khởi nghiệp ở giai đoạn đầu, mà chỉ có những đầu tư lớn cho những giai đoạn phát triển sau của dự án thì đó là sự lãng phí những tài năng và nguồn lực của xã hội.

Sẽ thật thú vị nếu chúng ta nhìn nhận khát vọng hùng cường như một ý tưởng, quá trình đi từ ý tưởng đến những sản phẩm trên sân chơi toàn cầu đòi hỏi những bước chuyển quan trọng không khác gì một khởi nghiệp. Ý tưởng sẽ mãi chỉ là ý tưởng nếu không có bước hiện thực hóa.

Trong khởi nghiệp sáng tạo, có thể thấy hành trình của những ý tưởng đi từ Vấn đề -> Ý tưởng -> Sáng chế/Cải tiến hữu ích/Giá trị có lợi thế cạnh tranh duy trì trong một thời gian đủ dài -> Thương mại hóa. Trong suốt quá trình đó, con người đóng vai trò quan trọng nhất.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu gần đây rằng: “không thể có nền kinh tế lớn khi thiếu vắng những thương hiệu nổi tiếng, không thể có doanh nghiệp tầm cỡ nếu thiếu các doanh nghiệp và cá nhân xuất sắc” có lẽ cũng mang hàm ý đó. Để hành trình đó tiến xa, nguồn lực quan trọng nhất chính là con người.

Nhận định đúng vấn đề chúng ta đang gặp phải để thực hiện những bước chuyển mạnh mẽ, đặt con người tự do sáng tạo vào trung tâm của đổi mới sáng tạo mới có thể thực sự biến khát vọng hùng cường thành những sản phẩm giá trị và xa hơn là những doanh nghiệp hùng mạnh.

Nguồn: Báo Đấu Thầu

• Báo cáo “Bức tranh khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam 2019” do Cơ quan Thương mại và Đầu tư của chính phủ Australia (Austrade) công bố, hiện Việt Nam đang đứng thứ 3 ở Đông Nam Á về số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp.

• Trong 9 tháng đầu năm 2019, tỷ lệ vốn đầu tư mạo hiểm đổ vào các doanh nghiệp công nghệ tài chính (fintech) của Việt Nam chiếm 36% tổng số vốn đầu tư mạo hiểm vào lĩnh vực fintech của khu vực Đông Nam Á, chỉ xếp sau Singapore với 51%. (Nguồn: Báo Chính phủ).

 

Tác giả: 
Nguyễn Đặng Tuấn Minh, CEO & Sáng lập KisStartup Innovation

Đại học trong tương quan với hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo

Để thực hiện được vai trò là một cấu phần quan trọng và hỗ trợ cho sự phát triển của khởi nghiệp sáng tạo (KNST) và cũng chính là nơi sản sinh ra nhiều các nhà sáng lập KNST tài năng, các trường đại học phải đối mặt với nhiều thách thức. 


Trung tâm STEM của trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội. Ảnh: Ngô Hà.

Trước kia chúng ta hay nghe nói rằng thay đổi đến từ những áp lực như đối thủ cạnh tranh, thị trường biến động v..v. Tuy nhiên thực tế cũng chứng minh, cho dù áp lực có lớn, nhưng sự thay đổi chỉ có thể diễn ra khi chúng ta thấy mình cần phải thay đổi. Chính vì vậy, áp lực lớn nhất lại nằm ở chính nội tại của mỗi con người, mỗi tổ chức, mỗi quốc gia. Sự tương tác với bên ngoài cho dù là cạnh tranh hay hợp tác cũng là giúp ta nhận rõ hơn những điểm yếu, điểm mạnh và nhu cầu đổi mới nội tại của chính mình. Đặt trường đại học là một phần của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong mối tương quan với khởi nghiệp sáng tạo và các thành phần khác giúp trường đại học nhận rõ hơn những áp lực mình đang phải đối mặt và những cơ hội mà mình đang có.

Có một thực tế không thể phủ nhận, chúng ta đang chứng kiến những khó khăn trong tuyển sinh của nhiều trường đại học cao đẳng, chúng ta cũng đang chứng kiến nạn chảy máu chất xám từ trường đại học ra doanh nghiệp, ra nước ngoài và sự loay hoay của không ít các trường đại học để tìm ra cho mình một mô hình hoạt động mới, thích ứng và làm chủ sự thay đổi trong khi sáng tạo được giá trị và tạo nhiều tác động hơn. Từ những quan sát của mình, tác giả cho rằng, các trường đại học đang đứng trước ba áp lực lớn: (1) Áp lực định vị chính mình: xác định được giá trị, sự khác biệt và vai trò của mình trong bức tranh lớn từ đó xác định những kết nối với các thành phần khác nhau và giá trị mình tạo ra với họ; (2) Áp lực thu hút nhân tài và phát triển đội ngũ: Thu hút, nuôi dưỡng và phát triển nhân tài gồm sinh viên, cán bộ, giảng viên, học viên nói chung để thực hiện sứ mệnh của trường đại học (3) Áp lực tìm kiếm mô hình sáng tạo giá trị và tác động: Hiện thực hóa những điều trên bằng việc tìm kiếm và điều chỉnh mô hình hoạt động.

Những áp lực này đặt trong bối cảnh của mỗi trường sẽ giúp nhận ra những vấn đề nội tại khác nhau. Vì vậy, không thể không xác định những vấn đề cốt lõi của chính trường đại học trước khi đặt nó trong sự tương tác với hệ sinh thái khởi nghiệp. Các câu hỏi lớn đặt ra chính là sự tương tác với hệ sinh thái khởi nghiệp sẽ giúp giải quyết gì hay phần nào cho những vấn đề mà trường đang gặp phải? Từ đó mới có thể trả lời câu hỏi nên làm gì?

1Định vị chính mình: Trường đại học ở đâu trong hệ sinh thái khởi nghiệp là một câu hỏi lớn, nhưng có lẽ câu hỏi tốt hơn chính là KNST giúp trường định vị lại chính mình như thế nào? Có hai nhà đầu tư của Nhật sau khi tiếp xúc với khoảng hơn 20 nhóm KNST băn khoăn hỏi tôi, tại sao chúng tôi chưa thấy một nhóm nào đi ra từ trường đại học? Có duy nhất một nhóm mà sáng lập còn đang học trong trường thì họ nói hầu như không biết gì đến hỗ trợ của trường đang có? Câu hỏi tiếp theo của họ chính là các trường đại học của Việt Nam hay ở Việt Nam có chương trình nào hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu của giảng viên, sinh viên, nghiên cứu viên không? Thực tế, trường đại học không thể làm tất cả mọi việc của hệ sinh thái khởi nghiệp. Sự ôm đồm tất cả mọi việc hay sự thờ ơ không làm gì đều có thể có những rủi ro tiềm ẩn. Nếu không tìm ra sự khác biệt của mình, giá trị riêng của mình, nói một cách khác là không xác định được phân khúc mình làm tốt nhất thì sẽ rất khó biết mình cần gì và nên kết nối với ai, việc nào trường nên làm và việc gì nên hợp tác. Al Reis, tác giả cuốn sách “Định vị - Cuộc chiến tâm trí” từng tổng kết “Cách tiếp cận cơ bản của định vị không phải là tạo ra cái gì đó mới hay khác đi mà thực chất là vận dụng những gì đó có trong đầu, kết nối lại những gì đã tồn tại sẵn ở đó” – Al Reis. Định vị mình trong hệ sinh thái khởi nghiệp sẽ giúp định vị lại chính những khác biệt và giá trị của mình trong một bức tranh lớn.

2. Thu hút nhân tài: Ở khía cạnh nhân tài, tham gia vào cuộc chơi khởi nghiệp này, các trường được gì ngoài những phong trào phục vụ PR, marketing để tuyển sinh, giảm tỷ lệ bỏ học của sinh viên, hay giải quyết tỷ lệ thất nghiệp trong sinh viên? Không ít giảng viên tâm sự với chúng tôi rằng, khó khăn lớn nhất họ đang gặp phải là sinh viên thờ ơ với khởi nghiệp, điều này hàm chứa những khó khăn khi họ phải triển khai những hoạt động cần triển khai các chương trình khởi nghiệp tại trường. Thực chất, vấn đề cốt lõi không nằm ở việc sinh viên thờ ơ với khởi nghiệp. Điều này là bình thường bởi chỉ có khoảng 5% dân số là trở thành doanh nhân nên giải pháp không thể nằm ở việc phải làm nhiều hoạt động để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp. Nếu các trường lựa chọn tập trung vào con số 5% sinh viên, thì họ đang ở đâu? Làm thế nào để tìm thấy họ và hỗ trợ họ một cách tốt nhất? Còn nếu trường định vị mình là những người trang bị cho cả các sáng lập startup và nhân sự tương lai của họ thì việc của trường là trang bị kiến thức và thúc đẩy tinh thần sáng tạo, nghiên cứu khoa học.

3. Tìm kiếm mô hình: Mô hình hỗ trợ KNST không thể tách rời khỏi mô hình vận hành của chính trường đại học. Không một mô hình nào tồn tại vĩnh viễn bởi nó sẽ bộc lộ những bất cập. Nếu tìm kiếm mô hình hoạt động tối ưu hơn và điều chỉnh là một vấn đề trường đang gặp phải thì mô hình vườn ươm cũng vậy. Không thể có một công thức chung như phần lớn các trường đại học đang thực hiện là tổ chức cuộc thi toàn trường, rồi chọn ý tưởng, đưa vào ươm tạo là xong. Chỉ khi vườn ươm ra đời từ nhu cầu thực tiễn của trường trong việc thúc đẩy những gì mình đang sẵn có và có đội ngũ cho hoạt động một cách bài thì mới có thể tìm ra những mô hình hoạt động hiệu quả. Rất ít những vườn ươm tìm ra được hướng đi riêng từ nhu cầu thực tiễn, các thế mạnh vượt trội của nhà trường kết hợp với sự tương tác với hệ sinh thái khởi nghiệp như Vườn ươm công nghệ FuturiX của HUTECH. Nói một cách khác, vườn ươm chỉ là một trong số những biểu hiện của việc tìm ra mô hình hoạt động tối ưu trong sự tương tác với hệ sinh thái khởi nghiệp. Chỉ khi nào xác định được nhu cầu của chính mình, thế mạnh của chính mình thì mới có thể tìm ra những mô hình, cách thức hiệu quả.

***

Khởi nghiệp sáng tạo là một cơ hội giúp các trường nhận ra nhu cầu đổi mới của chính mình ở nhiều góc độ khác nhau, nhiều cấp độ khác nhau. Cũng không quên rằng năm điều một trường đại học muốn ĐMST phải đối mặt đó là (1) Văn hóa của trường đại học, (2) Vai trò của lãnh đạo, (3) Tinh thần khởi nghiệp, (4) Thiết lập mối quan hệ đối tác với doanh nghiệp và cộng đồng, (5) Chuyển giao công nghệ. Đây là kết quả nghiên cứu của hai tác giả Louis G. Tornatzky và Elaine C. Rideout của cuốn Innovation 2.0 – Reinventing University Roles in a Knowledge Economy (ĐMST 2.0- Sáng tạo lại vai trò của trường đại học trong nền kinh tế tri thức). Nó cũng lý giải tại sao một số trường đại học ĐMST thành công, còn một số trường lại gặp khó khăn. □

Tác giả: 
KisStartup

Đào tạo HLV Khởi nghiệp ĐMST đầu tiên của Tỉnh Trà Vinh


ĐÀO TẠO HLV KHỞI NGHIỆP ĐẦU TIÊN CỦA TỈNH TRÀ VINH

Trong khuôn khổ chương trình của Dự án phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ của tỉnh Trà Vinh (SME Trà Vinh), KisStartup đã tiến hành thực hiện chương trình Đào tạo Huấn luyện viên khởi  nghiệp đầu tiên của tỉnh Trà Vinh. Khóa huấn luyện tăng cường diễn ra 05 ngày tại Hà Nội với mục tiêu cho ra những Huấn luyện viên nòng cốt đầu tiên tại tỉnh Trà Vinh là bước đầu chuẩn bị cho chuyến đi đường dài hỗ trợ các dự án khởi nghiệp tại tỉnh Trà Vinh về sau.

 

Song song với việc được đào tạo tăng cường, các Huấn luyện viên  đồng thời được quan sát và thực hành trên chính các dự án cần nhận hỗ trợ tại tỉnh Trà Vinh. Đồng thời, trong chuyến đào tạo tăng cường, các Huấn luyện viên và các dự án khởi nghiệp của tỉnh Trà Vinh có cơ hội được giao lưu ăn trưa cùng các đối tượng khác nhau trong hệ sinh thái khởi nghiệp tại Hà Nội. Xin chân thành cám ơn: Anh Ngô Thọ Hùng – Chuyên gia phát triển tác động xã hội, Chị Lê Ngọc Anh – Founder dự án Cánh Diều (giáo dục cho trẻ tự kỷ và trẻ khuyết tật), chị La Thị Cẩm Tú – Giảng viên Đại học FTU đã dành thời gian tới giao lưu và chia sẻ. Cũng trong khóa đào tạo Huấn luyện viên khởi nghiệp này, các huấn luyện viên cùng các dự án khởi nghiệp đã có cơ hội trải nghiệm thực tế trong chuyến đi thăm xưởng sản xuất đầu kéo xe điện cho xe lăn ETIC tại Hòa Bình. Chân thành cám ơn anh Lê Tích – Founder của ETIC đã nồng nhiệt đón tiếp.

 

Sau 05 ngày đào tạo tăng cường này, KisStartup vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ và giám sát trực tuyến quá trình thực hành và làm việc của các Huấn luyện viên ba tháng sau.

---

#Huyến_luyện_viên_khởi_nghiệp #Coach #Đào_tạo_HLV

#KisStartup #SME_Trà_Vinh #Cánh_Diều #ETIC 

 

 

       

 

 

Tác giả: 
KisStartup

Phối hợp với VinTech City tư vấn đào tạo Giảng viên 24 trường đại học phát triển hoạt động CLB Khởi nghiệp sáng tạo

Trong 2 ngày 11-12.10.2019, KisStartup phối hợp với VinTech City đã tiến hành đào tạo cho 50 giảng viên đến từ 24 trường đại học từ miền Trung, miền Bắc, tại Đại học Công nghệ, ĐHQG Hà Nội. Khóa đào tạo tập trung cung cấp những công cụ cơ bản, khái niệm cơ bản giúp học viên có những hiểu biết về khởi nghiệp sáng tạo đồng thời sử dụng những công cụ này trong hỗ trợ startup, phát triển hoạt động các CLB khởi nghiệp sáng tạo ở trường trong giai đoạn sắp tới. Trong khuôn khổ chương trình, chúng tôi cũng mời các chuyên gia về hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, Sở hữu trí tuệ và startup để cùng học viên trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức quan trọng.

Kết thúc chương trình, KisStartup cam kết tiếp tục hỗ trợ các chủ nhiệm CLB Khởi nghiệp sáng tạo về công nghệ, các giảng viên tiếp tục phát triển hoạt động của mình, đồng thời giao lưu kết nối để thúc đẩy hoạt động giữa các trường với nhau.

Tác giả: 
KisStartup

Đổi mới sáng tạo trong du lịch: Loay hoay tìm cái mới

Du lịch – một ngành từ lâu được coi là công nghiệp không khói, một ngành mũi nhọn của Việt Nam. Có thể vì lý do đó, nên giống như nhiều quốc gia phát triển khác, chúng ta đang cố gắng phát triển du lịch bằng mọi giá, đặt du khách vào trung tâm của sự phát triển.


Du lịch Sơn Đoòng qua thực tế ảo (càng ít tiếp xúc với khu hang động này thì càng bảo tồn được nó). Ảnh: Save Sơn Đoòng.

Mặt tích cực của nó là phát triển cơ sở hạ tầng, tạo công ăn việc làm v..v. Tuy nhiên, bản thân việc phát triển bằng mọi giá dẫn đến những hệ lụy khó lường và tác động lâu dài. Không thể quên rằng có rất nhiều mặt trái của ngành du lịch cần phải nhìn nhận đúng đắn, đó là sự tàn phá môi trường, sự bền vững và cân bằng sinh thái, sự biến mất của những bản sắc văn hóa vốn được gìn giữ cả nghìn năm v..v. Những quốc gia lệ thuộc vào du lịch còn có nguy cơ không thể chống đỡ lại được trước những biến động từ bên ngoài. 
Với con số tăng trưởng du lịch ấn tượng, trước những xu hướng mới trong du lịch, đây là lúc du lịch Việt Nam nhìn lại những cơ hội, thách thức và tìm ra những hướng đi bền vững hơn cho mình bằng sáng tạo những mô hình kinh doanh bền vững hơn, mang lại nhiều giá trị lâu dài hơn. Đây cũng là lúc nhìn ra những điểm hạn chế hiện tại của ngành để có những hướng đi phù hợp. Với đặc thù là một ngành công nghiệp liên ngành, sự phối hợp giữa dịch vụ và những sản phẩm để phục vụ trải nghiệm của ngành du lịch là vô cùng mật thiết, trong khi đó sự dung hòa giữa gia tăng giá trị trải nghiệm cho khách hàng và tìm kiếm mô hình kinh doanh hiệu quả, bền vững chưa bao giờ là một bài toán dễ. Trong chuỗi bài về đổi mới sáng tạo trong du lịch, chúng tôi sẽ tập trung vào những hạn chế trong việc tìm kiếm những mô hình kinh doanh đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, đặt vào xu hướng chung của du lịch toàn cầu; điểm sáng và những mô hình tiềm năng; những trường hợp nghiên cứu về du lịch cộng đồng ở Việt Nam và những bất cập hiện tại và những đề xuất. 

Xu hướng toàn cầu

Bài đầu tiên sẽ tập trung vào phân tích những hạn chế hiện tại trong mối tương quan giữa 5 bước cơ bản và những xu hướng hiện tại của ngành du lịch. Những xu hướng chính của ngành du lịch toàn cầu hiện tại bao gồm: 
● Sự nổi lên của nhóm Millennials (những người trẻ sinh từ giữa năm 1990 đến đầu những năm 2000), họ trở thành một nhóm khách hàng quan trọng nhất và vì vậy, toàn bộ ngành du lịch đều phải có những điều chỉnh để thay đổi, thích nghi và phục vụ nhu cầu của nhóm này. Cũng cần phải lưu ý rằng, Millennials là một thế hệ rất quan tâm đến sự phát triển bền vững và du lịch có trách nhiệm. Thay vì tập trung vào du lịch tiện nghi, nhóm Millennials có xu hướng hướng đến những trải nghiệm thật về văn hóa, gần gũi với thiên nhiên và đời sống của những người dân bản địa. Họ cũng ưa chuộng những sản phẩm thân thiện với môi trường, giàu hàm lượng văn hóa và sẵn sàng trả giá cao cho những sản phẩm có hàm lượng giá trị cao chân thực này. 
● Du lịch có chủ điểm: Đi du lịch ẩm thực. Tuần lễ chỉ phụ nữ. Du lịch sinh thái, Du lịch cộng đồng v..v. tất cả những chủ điểm này đang phản ánh nhu cầu du lịch có chủ điểm và chú trọng vào chất lượng của trải nghiệm. Điều đó phản ánh nhu cầu về sản phẩm dịch vụ có khả năng cá nhân hóa cao và phục vụ những ngách thị trường cụ thể. 
● Chụp ảnh và những giá trị cộng hưởng. Máy ảnh kỹ thuật số và truyền thông mạng xã hội đang không chỉ để giới thiệu các chuyến đi, để kể về trải nghiệm mà thực chất đang góp phần quảng bá cho những sản phẩm dịch vụ du lịch độc đáo của những cộng đồng nhỏ còn ít được biết tới. Du lịch cộng đồng cũng nhờ đó đang tạo ra những câu chuyện thực sự ấn tượng trên những mạng xã hội như Facebook, Instagram v.v. Điện thoại di động cũng đang tạo ra cơ hội cho những cộng đồng làm du lịch nhỏ có thể tự mình marketing sản phẩm dịch vụ tới những khách du lịch tiềm năng qua mạng xã hội. 

● Sự tích hợp của các công nghệ mới như: thực tế ảo gia tăng trải nghiệm trước chuyến đi của khách hàng; trí tuệ nhân tạo và chatbots; Internet kết nối vạn vật; sự tập trung vào những dữ liệu thu thập được để phân tích và hiểu hành vi của người dùng đang tạo cho ngành du lịch những cơ hội mới.   
5 bước cơ bản mang tên “Google 5 stages of travel” (bao gồm – Ước ao – Lên kế hoạch – Đặt chỗ - Trải nghiệm – Chia sẻ) và những cơ hội và thách thức đổi mới sáng tạo có thể xuất hiện ở bất kỳ đâu trong 5 bước này. 

Việt Nam đang ở đâu?

Nếu nhìn vào 5 bước trên, và để ý sự nổi lên của một số startup trong mảng du lịch tại Việt Nam trong thời gian qua, đặt trong bối cảnh các xu hướng nêu trên, có thể thấy một số hạn chế sau đây:


Một trong những xu hướng du lịch trên thế giới có nhắc đến sự nổi lên của nhóm Millennials (những người sinh giữa năm 1990 và đầu 2000) quan tâm đến những dịch vụ du lịch có trách nhiệm và phát triển bền vững. Ảnh của VEO – Volunnteer for Education Organization, một tổ chức du lịch kết hợp làm tình nguyện. 

Dreaming & Planning: Cho đến thời điểm này, du lịch Việt Nam vẫn còn đang loay hoay bước chân vào ước mơ của khách hàng. Các kênh quảng bá du lịch của chúng ta chưa có sự đột phá cả về số lượng và chất lượng. Việc quảng bá sử dụng công nghệ mới chỉ được nhắc đến thành một chiến lược lớn năm 2018. Bản thân các doanh nghiệp, mặc dù đã ứng dụng internet để quảng bá nhưng không có sự đầu tư vào nội dung sáng tạo mà chỉ mới cạnh tranh bằng từ khóa, hình ảnh và những công cụ phổ biến. Có thể nói ở hai bước đầu, ngành du lịch nói chung và doanh nghiệp du lịch nói riêng đều đang khá lúng túng và thiếu đột phá. Có thể sự thiếu đột phá này còn xuất phát từ chính sự nghèo nàn trong thiết kế trải nghiệm của khách hàng. Thiếu những chất liệu đầu vào, nội dung không thể sáng tạo và tìm kiếm những cách thể hiện mới được. Sự xuất hiện lác đác của một số doanh nghiệp trong mảng AR/VR tham gia vào ngành du lịch chưa thực sự tạo ra những đổi mới trong cách thức đưa Việt Nam ra thế giới. Tỷ phú Jeff Hoffman khi sang Việt Nam đã chia sẻ với các startup du lịch rằng: “startup Việt Nam cần phải để thế giới thấy Việt Nam theo một cách khác”. “Một cách khác” ở đây đòi hỏi chúng ta tư duy một cách tổng thể hơn, đột phá hơn và nắm bắt xu hướng đang diễn ra mạnh mẽ của việc ứng dụng những công nghệ mới song song với tạo dựng những giá trị thực để có thể tận dụng tối đa những gì công nghệ mang lại. 
Booking: Có thể thấy, booking đang là mảnh đất startup Việt và cả các doanh nghiệp khai thác nhiều nhất hiện nay. Nó nằm trong bước trước khi trải nghiệm của khách hàng và có thể diễn ra trong khi trải nghiệm khi nhu cầu mới phát sinh. Có điều, các mô hình vay mượn trong booking và nỗ lực bản địa hóa không giúp các startup thoát ra khỏi câu chuyện cạnh tranh trên đại dương đỏ với những startup và doanh nghiệp đình đám của nước ngoài. Booking đang gặp phải nhiều vấn đề ở mạng lưới, ở năng lực vận hành, năng lực công nghệ, khả năng tài chính để chơi cuộc chơi lớn và có thể nói các nỗ lực hiện nay đều manh mún, thiếu sự liên kết. Các startup Việt vẫn đang cạnh tranh trên những sản phẩm cũ, cách làm cũ chứ chưa thực sự tạo ra một thị trường mới hay tạo ra sản phẩm mới, tìm kiếm những nguồn cung mới v..v. Nói một cách khác, họ chưa tạo ra được những đột phá dựa trên lợi thế sân nhà của mình. 
Experiencing: Đâu đó người ta nói rằng dữ liệu lớn, internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo và nói chung là những công nghệ tiên phong đang thay đổi thế giới này hoàn toàn. Nhưng đâu đó chính những chuyên gia cũng đang nói rằng “you can’t have Internet of things without things” – Không thể có internet kết nối vạn vật nếu không có “vạn vật” thực sự. Điều đó hàm ý rằng, mặc dù công nghệ đang chiếm thế thượng phong trong đổi mới sáng tạo, đang làm tiền đề cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo nổi lên, đang thay đổi mô hình kinh doanh truyền thống thì không thể phủ nhận một thực tế là chúng ta sẽ không thể phát triển những giải pháp bền vững nếu như không thực sự kết hợp hiểu biết về công nghệ với thực tiễn giải quyết vấn đề của những thứ hiện hữu có thể cầm nắm, cảm nhận được. Đối với ngành du lịch, cho dù công nghệ có giúp doanh nghiệp quảng bá hình ảnh đến đâu thì khoảng cách giữa kỳ vọng ước mơ với những hiện thực có thể sẽ rất lớn và gây ra thất vọng cho khách du lịch. Một bãi biển đẹp như mơ trên các video clip, những cái phẩy tay lướt trên màn hình để trải nghiệm trước một thắng cảnh có thể tạo ra ước mơ, dẫn khách hàng nhanh chóng đến đặt chỗ khó có thể thay thế cho cảm xúc thất vọng khi thấy một bãi biển đầy rác, những dịch vụ và trải nghiệm nghèo nàn và những đồ lưu niệm thiếu sáng tạo tinh tế. Cho dù chúng ta bắt đầu xây dựng những ứng dụng gia tăng trải nghiệm của khách hàng như ứng dụng du lịch gia tăng trải nghiệm của từng thành phố thì thực sự những ứng dụng trên điện thoại di động mới chỉ dừng lại ở cung cấp những gì mình có, hoàn toàn thiếu những hiểu biết thực sự về nhu cầu và trải nghiệm của người dùng. Đó là chưa nói đến, trải nghiệm di động mới chỉ là một phần nhỏ trong trải nghiệm tổng thể của khách hàng. Thực tế cho thấy chưa có một ứng dụng nào của startup Việt được khách du lịch cả trong nước và nước ngoài rỉ tai nhau chia sẻ nhất định phải sử dụng khi đi du lịch ở Việt Nam. 
Sharing: Cuối cùng, cũng cần phải chỉ ra những điểm đang hạn chế sự chia sẻ - bước cuối cùng trong 5 bước. Những con số 93% du khách hài lòng với du lịch Việt Nam, 40% quay lại dường như là những con số lạc quan thái quá. Nếu nhìn vào thực tế là không phải doanh nghiệp nào cũng sử dụng phần mềm quản lý khách hàng để chăm sóc lại khách hàng và thiếu vắng những chiến dịch động lực để họ chia sẻ trải nghiệm với khách hàng tiềm năng mới thì những con số trên không phản ánh những thách thức với du lịch. Việc thu thập thông tin về trải nghiệm của khách hàng manh mún, thiếu hệ thống và không có sự liên kết giữa các khâu nên việc ứng dụng những công nghệ mới như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, IoT, blockchain sẽ là một rào cản lớn. Đó là chưa nói đến, nhận thức của doanh nghiệp trong ứng dụng công nghệ mới là vấn đề đầu tiên mang tính quyết định. 
Việc chỉ ra những hạn chế thực chất là bước đầu để chúng ta cảm thấy sức ép phải đổi mới sáng tạo. Đã qua rồi thời của khai thác những gì thiên nhiên ban tặng một cách vô trách nhiệm. Việc chỉ thu hút khách du lịch đến những thắng cảnh mà không đầu tư để bảo tồn những thắng cảnh đó thì rất khó để phát triển bền vững và gia tăng giá trị trên đó. Trên con đường đi tìm những hướng đi và mô hình bền vững hơn của ngành du lịch, cần có một cái nhìn tổng thể để thực sự trả lời cho câu hỏi đầu tiên, quan trọng nhất: tại sao du lịch cần đổi mới sáng tạo hơn. Trong bài viết sau, chúng tôi sẽ cùng bạn khám một số mô hình có thể trở thành những điểm sáng tiềm năng, những trường hợp nghiên cứu ở Việt Nam và đồng thời chỉ ra những điểm hạn chế khiến mô hình khó mở rộng và lặp lại được theo tinh thần của startup. 

Tài liệu tham khảo: 
Top Travel Trends For 2019. https://www.forbes.com/sites/alexandratalty/2018/12/31/top-travel-trends...
Tháng 2/2019: Việt Nam đón lượng khách quốc tế lớn nhất từ trước đến nay  https://bvhttdl.gov.vn/thang-2-2019-viet-nam-don-luong-khach-quoc-te-lon...

Tác giả: 
Nguyễn Đặng Tuấn Minh - Siu Hrill