Mentee

Thí điểm Chương trình Cố vấn khởi nghiệp cho phụ nữ tại Tp. Hải Phòng và Tp. Đà Nẵng (VWU Mentoring)

Hình ảnh mentoring của các cặp Mentor - Mentee trong Chương trình VWU Mentoring

 Nguồn ảnh: Cộng đồng VWU Mentoring

Trong năm 2022, KisStartup phối hợp với Ban kinh tế - Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, cùng Hội Hội Liên hiệp Phụ nữ Tp. Hải Phòng và Tp. Đà Nẵng triển khai thí điểm Chương trình Cố vấn khởi nghiệp cho Phụ nữ (gọi tắt là VWU Mentoring).

Đây là một phiên bản khác xuất phát từ chương trình SME Mentoring 1on1 được chúng tôi nỗ lực thực hiện với mục tiêu: Thí điểm thực hiện, chuyển giao quy trình và định hướng nhân rộng mô hình Cố vấn khởi nghiệp phù hợp dành riêng cho phụ nữ khởi nghiệp tại các địa phương nhằm duy trì và mở rộng hoạt động của mạng lưới phụ nữ khởi nghiệp trên cả nước.

 

Với thời gian 04 tháng triển khai, chúng tôi đã:

  • Tổ chức thành công 04 hội thảo chia sẻ kiến thức về Mentoring tại hai địa phương;
  • Đào tạo 08 cán bộ trực tiếp quản lý vận hành chương trình VWU Mentoring (03 cán bộ Hội LHPN Việt Nam và 05 cán bộ Hội LHPN cấp tỉnh);
  • Ghép cặp thành công cho 28 cặp Mentor - Mentee;
  • Chuẩn hóa quy trình, bộ tài liệu, công cụ dùng để quản lý và vận hành chương trình VWU Mentoring.

Sau chương trình,

  • 80% các cặp Mentor - Mentee đều nhận thấy sự thay đổi và lợi ích do mentoring mang lại. Đồng thời, các cặp Mentor - Mentee tại 2 địa phương vẫn tiếp tục duy trì và phát triển mối quan hệ mentoring; 
  • Mentoring được lồng ghép vào các hoạt động của CLB Phụ nữ khởi nghiệp tại 2 địa phương giúp nâng cao sự kết nối, hỗ trợ lẫn nhau trong kinh doanh và cuộc sống;
  • Đã có thêm các thành viên mới gia nhập vào cộng đồng VWU Mentoring.

 

Kế hoạch trong năm 2023 của KisStartup,

  • Tiếp tục đồng hành nhằm duy trì và phát triển Cộng đồng VWU Mentoring tại tp. Hải Phòng và tp. Đà Nẵng;
  • Phối hợp cùng Hội LHPN Việt Nam nhân rộng mô hình VWU Mentoring tại các địa phương khác;
  • Làm việc cùng các Trường Đại học để thí điểm chương trình mentoring dành riêng cho HSSV;
  • Sẵn sàng đóng gói chuyển giao quy trình quản lý và vận hành chương trình mentoring cho các tổ chức cá nhân.

Mọi câu hỏi hay quan tâm về chương trình vui lòng liên hệ với chúng tôi qua email hello@kisstartup.com hoặc số điện thoại +84 969 902 553 (Ms. Cẩm - Quản lý chương trình)

 

Tác giả: 
KisStartup

VWU MENTORING - Khởi động chương trình Cố vấn khởi nghiệp phụ nữ

Ngày 05/09/2022, buổi đào tạo nhân sự và quản lý vận hành được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Công ty CP KisStartup tổ chức với sự tham gia của các cán bộ đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ 2 tỉnh Hải Phòng và Đà Nẵng. Buổi đào tạo không chỉ dừng lại ở đào tạo đơn thuần mà còn đánh dấu bước khởi đầu cho chặng đường xây dựng các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đi vào chiều sâu cho phụ nữ tại các địa phương.

Cố vấn (mentor) trong khởi nghiệp và kinh doanh là một khái niệm không còn quá mới trong cộng đồng kinh doanh và khởi nghiệp tại Việt Nam. Người cố vấn thực chất là người có kinh nghiệm, vốn sống và có mong muốn đồng hành cùng các nhà sáng lập, các chủ doanh nghiệp trẻ để giúp họ trưởng thành trên nhiều khía cạnh, từ đó vận hành doanh nghiệp hiệu quả hơn. Về phần mình, các cố vấn cũng trưởng thành hơn trong khả năng gây ảnh hưởng tích cực đến người khác, học từ thế hệ trẻ và rèn luyện kỹ năng lắng nghe, khả năng đặt câu hỏi tốt.

      Những nhà lãnh đạo hay doanh nhân nổi tiếng trên thế giới đều có cho mình một mentor và mentee, điển hình là Steve Jobs. Một trong các cố vấn của ông là vị thiền sư Kobun Chino Otogawa - người đã có ảnh hưởng rất lớn đến quan điểm sống của Steve Jobs và những triết lý trong các thiết kế của  Apple.

      Sẽ không sai nếu nói rằng, mentoring chính là vũ khí của những tập đoàn lớn cho đến các doanh nghiệp nhỏ trong vận hành doanh nghiệp.

 

Về mục tiêu chương trình Mentoring tại Hội LHPN hướng đến:

  1. Xây dựng chương trình Cố vấn Khởi nghiệp Kinh doanh đầu tiên của Hội LHPN Việt Nam.
  2. Có một mô hình hoạt động phát triển bền vững, có cơ cấu tổ chức, có triết lý hoạt động và giá trị tạo ra cho người tham gia. Đặc biệt là phụ nữ khởi nghiệp tại các địa phương

 

Logic của chương trình:

  1. Giai đoạn 1: Workshop để tìm hiểu những vấn đề mà nữ chủ doanh nghiệp gặp phải trong quá trình vận hành doanh nghiệp).
  2.  Giai đoạn 2: Thiết kế mô hình theo yêu cầu thực tế của Mentor - Mentee.
  3.  Giai đoạn 3: Tuyển Mentor - Mentee.
  4.  Giai đoạn 4: Ghép cặp Mentor - Mentee.
  5.  Giai đoạn 5: Theo dõi và giám sát.
  6.  Giai đoạn 6: Điều chỉnh mô hình.

 

Thông tin về các hoạt động sắp tới:

Tại Hải Phòng:

  1. Hội thảo “Ứng dụng Cố vấn khởi nghiệp trong doanh nghiệp vừa và nhỏ” diễn ra vào ngày 14.09.2022
  2. Buổi định hướng và ghép cặp vào ngày 28.09.2022

Tại Đà Nẵng:

  1. Hội thảo “Ứng dụng Cố vấn khởi nghiệp trong doanh nghiệp vừa và nhỏ” diễn ra vào ngày 26.09.2022
  2. Buổi định hướng và ghép cặp vào ngày 03.10.2022

 

Tác giả: 
KisStartup

SME Mentoring 1on1 Chương trình Mentoring Hà Nội mở đơn đăng ký

SME Mentoring 1:1- Chương trình Mentoring tốt nhất và có tuổi đời lâu nhất tại Việt Nam. SME Mentoring 1on1 Hanoi chính thức trở lại và bắt đầu một mùa mới. 

Dành cho đăng ký trở thành Mentor: https://forms.gle/LjVKbyZ5sREfwXhN6

#LƯU_Ý:

  1. Vì form này sẽ tích hợp và yêu cầu các mentee gửi tuyên bố cá nhân kèm 01 ảnh chân dung (như hàng năm gửi qua email). Vì vậy với đơn đăng ký trở thành mentee, mọi người nên sử dụng máy tính.

  2. Cả hai form đều yêu cầu gửi về cho BTC một ảnh chân dung nên sẽ đều yêu cầu các anh chị phải đăng nhập trước khi xem form.

  3. Hạn chót đăng ký là: 23h59' ngày 25/4/2022 - tuy nhiên BTC sẽ đặt lịch phỏng vấn với các anh chị nào đăng ký trước vì vậy nếu đã đăng ký rồi, mọi người check email thường xuyên giúp em để nhận được thông báo sớm nhất nhé ạ.

Những bài viết nên đọc trước khi đăng ký 

Một số bài viết các bạn mentor và mentee tiềm năng có thể đọc để XÁC ĐỊNH RÕ KỲ VỌNG của mình trước khi nộp đơn thành mentor/mentee nhé:

1. Bí mật mang tên "người bạn già" - Chia sẻ của Mentor kỳ cựu Ted Nuyen

https://kisstartup.com/.../mentoring-bi-mat-mang-ten...

2. Mentoring - góc nhìn người trong cuộc - Chia sẻ của Nguyễn Đặng Tuấn Minh - Quản lý SME Mentoring 1on1 Hà Nội

https://kisstartup.com/.../mentoring-goc-nhin-nguoi-trong...

3. Giá trị nhất với Startup là được cố vấn - Chia sẻ của tỷ phú Jeff Hoffman về cố vấn

https://kisstartup.com/.../gia-tri-nhat-voi-startup-la...

4. Mentor trong khởi nghiệp - Hơn cả một người bạn

https://kisstartup.com/.../mentor-trong-khoi-nghiep-hon...

5. Phân biệt các vai trò (để tránh những kỳ vọng không đáng có về mentor của mình)

https://kisstartup.com/.../trainer-nguoi-dao-tao-coach...

Tác giả: 
KisStartup

SME Mentoring 1on1 Hà Nội- Mùa 5: 2020-2021

Năm thứ 5 trong chương trình SME Mentoring 1on1, từ 3 cặp rồi 5 cặp đầu tiên, con số của năm nay đã lên 18 cặp Mentor-Mentee. Điều hạnh phúc nhất với những người vận hành chương trình chính là giá trị và chất lượng của kết nối ngày càng được củng cố. Mentor và mentee đến, ở lại và quay lại với chương trình vì những giá trị nhân văn cho phát triển con người mà chúng ta theo đuổi. Khó khăn lớn nhất trong quan hệ mentoring không phải là tìm một người mentor, mentee mà là nỗ lực vun đắp cho mối quan hệ đó bằng sự cam kết, có mục tiêu và trở thành những phiên bản tốt hơn của chính chúng ta qua mỗi lần gặp gỡ. 12 lần gặp trong năm là khoảng thời gian giúp các bạn theo đuổi một mục tiêu cụ thể dưới sự hỗ trợ và giám sát và động viên tinh thần của mentor/mentee.

Chúng tôi cũng thực sự vui mừng vì năm nay trong chương trình theo truyền thống của SME Mentoring Hà Nội, sẽ có một số giảng viên của các trường đại học tham gia với mong muốn cùng các thầy cô gia tăng trải nghiệm và quay trở về xây dựng văn hóa mentoring cho các nhóm khởi nghiệp ngay tại trường đại học.

Một bằng chứng thú vị cho truyền thống này là từ năm 2018, SME Mentoring Hà Nội đón nhận những giảng viên Đại học công nghiệp Hà Nội đầu tiên tham gia chương trình, và với những nỗ lực tuyệt vời, năm 2020, HAUI đã có những chương trình vô cùng chất lượng như IT Festival, mà người khởi xướng, vận hành chương trình mentoring chính là mentor trong chương trình- Mentor Trịnh Bá Quý.

Nâng niu từ những nỗ lực nhỏ, vun đắp cho cộng đồng từ những hạt giống tiềm năng đầu tiên, chúng tôi tin rằng, cộng đồng của chúng ta ngày càng phát triển mạnh mẽ và củng cố thêm giá trị mà chúng ta theo đuổi.

Bạn đã sẵn sàng cho 12 tháng tới chưa, đừng quên đặt lịch hẹn với mentor ngay hôm nay hoặc tuần sau và đừng quên:

- Sự chủ động của bạn quyết định đến 40% thành công của quan hệ mentoring

- Mục tiêu rõ ràng của bạn quyết định 40% thành công của mối quan hệ mentoring

- Nguyên tắc: Bạn tốt lên, doanh nghiệp của bạn sẽ tốt lên (chiếm 200% và nhiều hơn nữa.

Hãy chứng minh năng lực lãnh đạo của bạn thể hiện ở khả năng xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp và vun đắp cho quan hệ đó, trở nên tốt hơn mỗi ngày - bởi vì bây giờ bạn đã có người lắng nghe và ủng hộ bạn vô điều kiện.

Chào mùa mentoring # 5: 2020-2021

---

#smementoring #mentor #mentee

#covankhoinghiep

Tác giả: 
KisStartup

MENTORING - Góc nhìn người trong cuộc

Nguyễn Đặng Tuấn Minh - Quản lý chương trình SME Mentoring 1on1- Hà Nội 

Có nhất thiết phải phân biệt mentor với những vai trò khác như người huấn luyện, người đào tạo, nhà đầu tư v..v hay không? Mentor có nên đầu tư không? Mentor không có chuyên môn gì đặc biệt thì mentor cái gì? 

Những câu hỏi này chúng tôi thường gặp khá nhiều trong những lần tương tác, gặp gỡ với nhiều thành phần khác nhau trong hệ sinh thái khởi nghiệp, từ startup, các giảng viên, những người đang hỗ trợ startup. 

Trên thực tế, không có đúng, không có sai, chỉ có cái nào phù hợp với bạn. Những chia sẻ dưới đây từ góc độ của những người đang thực hành xây dựng một chương trình mentoring trong 5 năm qua, học và điều chỉnh liên tục để tìm ra những giá trị cốt lõi tốt nhất của một chương trình mentoring – mà trên hết là ý nghĩa thực sự của hoạt động mentoring. Rất hy vọng bạn có thể sử dụng để tham khảo trên con đường tìm kiếm, trở thành một mentor/mentee hoặc xây dựng một chương trình mentoring. 

 

 

  1. Mentoring là gì?

Có rất nhiều định nghĩa và các trích dẫn của những người nổi tiếng. Nhưng với chúng tôi, đó là mối mối quan hệ đặc biệt giữa một người có nhiều kinh nghiệm hơn và một người ít kinh nghiệm hơn để cả hai cùng tốt lên về khía cạnh phát triển con người. 

Điều đó hàm ý rằng, người mentor nên nhiều tuổi hơn mentee và trong mối quan hệ này, cả hai đều đạt mục tiêu của mình là ngày càng trở nên tốt hơn cùng nhau.

Với định nghĩa này, chúng tôi theo đuổi một quan hệ mentoring có những đặc điểm sau đây:

  • Sự thoải mái và tự nguyện từ cả hai phía vì chúng ta xây dựng một quan hệ lâu dài. 
  • Không nóng vội: sự kiên trì từ cả hai phía, vượt qua những khó chịu ban đầu để trở thành những người bạn suốt đời. 
  • Có mục tiêu rõ ràng trong một thời gian rõ ràng: Nếu cùng giúp nhau có một mục tiêu, cụ thể, và cùng đạt được với nhau, đó sẽ một trải nghiệm tuyệt vời. 
  • Sự trưởng thành và hài lòng của cả hai người là thước đo cuối cùng của mối quan hệ. 

 

  1. Mentor mà không có chuyên môn thì có nên làm mentor không?

Bạn có chuyên môn, bạn có thể cho lời khuyên (nếu người mentee muốn nhận) nhưng nếu không có chuyên môn phù hợp với mong muốn của người đang cần, bạn sẽ có trải nghiệm và sự đồng cảm và hoặc giới thiệu họ cho người phù hợp. Thiền sư Kobun Chino Otogowa không kinh doanh nhưng ông có ảnh hưởng lớn lao đến Steve Jobs. Thực chất, trong quan hệ mentoring, chuyên môn chưa phải là điều quan trọng nhất. Nếu tập trung vào phát triển con người thì bạn sẽ tìm ra những điểm chung giữa nhu cầu phát triển cá nhân của bạn và những gì mentor có thay vì tập trung vào chuyên môn. 

  1. Tại sao phải phân biệt Mentor với những vai trò khác?

Trong cuộc sống, dù là một con người chúng ta cũng luôn đóng những vai trò khác nhau vào những thời điểm khác nhau. Việc phân biệt giúp chúng ta lựa chọn và ứng xử cho phù hợp với hoàn cảnh và có sự chuẩn bị và kỳ vọng tốt nhất.

Một người mentor có nhiều điểm chung với rất nhiều vai trò khác: Người đào tạo, Người huấn luyện, Người tư vấn v..v nhưng lại có những đặc điểm riêng. Với chúng tôi, đây là người:

  • Lắng nghe bạn, không phán xét
  • Cho bạn câu hỏi hay, giúp bạn tự nhận ra vấn đề và/hoặc giải quyết vấn đề
  • Không cho lời khuyên, chỉ chia sẻ trải nghiệm đã qua bằng sự đồng cảm 
  • Chân thành cho sự phát triển của bạn và muốn bạn tốt hơn mỗi ngày
  • Có nhiều trải nghiệm hơn bạn
  • Nói ít hơn bạn

 

  1. Mentor cho đi thì phải nhận lại, vậy tại sao mentor không nên làm nhà đầu tư?

Còn tùy thuộc Mentor cho đi điều gì và muốn nhận lại điều gì. Nếu mentor muốn cho đi kiến thức chuyên môn, mạng lưới của mình để đổi lại cổ phần và trở thành nhà đầu tư thì vai trò đó hợp với vai trò của một nhà đầu tư, một người tư vấn và đồng sáng lập. Lúc đó, không phải là quan hệ mentoring nữa, thực chất đó là quan hệ hợp tác. 

Nếu mentor muốn cho đi câu hỏi hay, sự quan tâm, lắng nghe nhận lại là sự học hỏi một người trẻ hơn mình và một mối quan hệ lâu dài với một người bạn trẻ thì việc đầu tư có lẽ cũng không phù hợp. 

Vì dựa trên sự tự nguyện nên quan hệ mentoring là sự hài lòng thỏa mãn của cả hai bên khi tìm thấy giá trị và mục tiêu chung của mình. Một lần nữa xin nhắc lại, sẽ không có đúng, sai, chỉ có những điều bạn tin là đúng và phù hợp với giá trị của bạn. 

Tỷ phú Jeff Hoffman từng khuyên rằng, nên chấm dứt quan hệ mentoring nếu bạn có ý định đầu tư vào doanh nghiệp đó và tìm cho chủ doanh nghiệp một người mentor khác. Nếu đang mentor cho một người, không nên đầu tư vào doanh nghiệp đó. 

  1. Nếu không mong nhận lại thì động lực của người mentor là gì?

Cũng tùy thuộc vào động lực trở thành mentor của mỗi người. Với chúng tôi, những mentor tham gia chương trình là những người có 1 hoặc nhiều hơn những động lực sau đây:

  • Rèn luyện kỹ năng lãnh đạo: Thể hiện qua khả năng gây ảnh hưởng tích cực đến một người trẻ thông qua lắng nghe, đặt câu hỏi hay giúp người trẻ TỰ định hướng và đạt được mục tiêu mong muốn
  • Đóng góp vào thành công : của người trẻ và đóng góp vào tương lai. Một ngày nào đó, mentee ngày ngô của bạn sẽ trưởng thành, và trong sự trưởng thành đó có một phần nhỏ những đóng góp của bạn.
  • Muốn học hỏi: Làm việc với những người trẻ tài năng là cách học nhanh nhất giúp mentor cập nhật những điều mới 
  • Thấy trước sự vĩ đại: Khi bạn thấy ở một con người tiềm năng, bạn đóng góp vào tiềm năng đó để nó trở nên vĩ đại, đó là một niềm vui không tiền bạc nào có thể mua được. 

Về chương trình SME Mentoring

  1. Tại sao lại thu phí cả mentor và mentee?

Để đảm bảo sự cam kết giữa cả hai bên cùng tiến bộ. Mối quan hệ không chỉ là cho đi nhận lại mà cả hai cùng trưởng thành. 

  1. Tại sao lại bắt cam kết gặp nhau 12 tháng? 

Ở Việt Nam, mentoring chưa phải là một văn hóa. Để xây dựng một chương trình, chúng tôi cần sự cam kết nghiêm túc giữa các thành viên. Để xây dựng một mối quan hệ bền vững lâu dài thì 12 tháng là một thời gian đủ dài để bắt đầu xây dựng quan hệ và xác định có tiếp tục mối quan hệ lâu dài hay không. 

  1. Chương trình phù hợp với ai? 

Chương trình SME Mentoring phù hợp với:

  • Chủ doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ mong muốn tìm cho mình một mentor hoặc trở thành mentor 
  • Để hỗ trợ các chương trình ươm tạo, trường đại học xây dựng các chương trình mentoring của riêng mình, chúng tôi khuyến khích các giảng viên, người điều phối các chương trình tham gia để có trải nghiệm của một mentor/mentee thì việc xây dựng chương trình sẽ tốt hơn rất nhiều

Chú thích: Từ góc độ người phát triển chương trình, tôi rất thích hình ảnh minh họa quan hệ này của WeeTracker, vì đó là một bức tranh đặc biệt. Người mentor là một người có nhiều kinh nghiệm hơn, không có miệng (đồng nghĩa với một người nói ít), chỉ tay cầm đuốc để tiến lên, chứ chính ông không phải là người vẽ ra con đường. 

Người mentor là người ít kinh nghiệm hơn, không có mắt (đồng nghĩa với anh không biết đường) nhưng anh rất nghiêm túc và trân trọng người mentor đi cùng. 

Nguồn ảnh: WeeTracker

Mọi trích dẫn lại nội dung xin ghi rõ nguồn KisStartup & SME Mentoring 1on1

Tác giả: 
KisStartup

Tổng kết 4 năm hoạt động của SME Mentoring 1on1 Hà Nội

 

60 không phải là một con số lớn, nhưng nó là một con số tuyệt vời so với con số 8 mentor-mentee đầu tiên của tháng 12.2015 khi chương trình SME Mentoring bắt đầu ở Hà Nội. Khi mọi người đang chuẩn bị bước sang năm mới 2020, một thập kỷ mới, một cộng đồng đang dần trưởng thành và mang lại những giá trị cho mentor và mentee một cách thực chất sau 4 năm hoạt động. 

Các founder tham gia chương trình, người ít nhất là 21 tuổi, người nhiều nhất là 72 tuổi, cùng chia sẻ niềm vui thuộc về một cộng đồng mang lại giá trị gắn bó, liên tục học hỏi và hỗ trợ lẫn nhau. 

Chúng tôi đã phát triển cộng đồng bằng một chặng đường và nuôi dưỡng bằng niềm tin, bằng thái độ tích cực, bằng sự chủ động và trên hết luôn mở để chào đón những sự chung sức mới. Sẽ không có một SME Mentoring Hà Nội như bây giờ nếu không có những “early adopters” như chị Giang Đỗ, chị Diễm Anh, chị Huyền Nga, cũng sẽ không thể có SME như bây giờ nếu không có những mentee kỳ cựu không chịu đổi mentor và mối quan hệ của họ chắc sẽ kéo dài suốt cuộc đời, trong khó khăn cũng như thành công. Xin chân thành cảm ơn anh Ted Nuyen- người truyền cảm hứng và chỉ dẫn, cảm ơn Trần Thanh Tùng, Kha Vinh đầy nhiệt huyết chia sẻ trải nghiệm và góc nhìn mới, và đặc biệt mentor Phan Đình Tuấn Anh người đồng hành cùng SME Mentoring Hà Nội. 

Mô hình của SME Mentoring 1on1 đang bước đầu được nhân ra các trường đại học phía Bắc. 

Năm nay mọi mentor, mentee của chương trình đều được nhận món quà đặc biệt, đó là cuốn sách The Go-Giver (Người dám cho đi) của Bob Burg & John David Mann. Trong bộ sách, có một câu nói rất thú vị, dành tặng cho các anh chị em mentor-mentee như một lời cảm ơn chân thành nhất, mong mọi người có một năm mới nhiều sức khỏe, thành công và khám phá mới. 

“...ngay cả khi bạn không nắm giữ một vị trí lãnh đạo truyền thống nào, không có nghĩa là bạn không ở trong một vị thế có thể ảnh hưởng đến người khác, để truyền cảm hứng và truyền sức mạnh cho người khác, để làm chất xúc tác cho sự lớn lao của người khác, để cổ vũ thành công của họ, nâng họ lên. Nói cách khác, là để cho đi quyền lãnh đạo, và khi làm thế “hích” cả thế giới đi theo hướng tích cực”

Tác giả: 
KisStartup

Cố vấn Khởi nghiệp

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Đây là hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận của KisStartup và là một chi nhánh của chương trình SME Mentoring 1on1 ra đời năm 2011 tại Tp. HCM và là chương trình lâu năm nhất và bài bản nhất tại Việt Nam. Mentoring trở thành một điểm nhấn để chúng tôi kết nối cộng đồng và xây dựng văn hóa tương trợ lẫn nhau giữa các thế hệ doanh nhân để cùng phát triển. Năm 2015, Co-Founder của KisStartup – Nguyễn Đặng Tuấn Minh trở thành quản lý chương trình SME Mentoring 1on1 tại Hà Nội. 

Để hiểu rõ về SME Mentoring 1on1, các chương trình, lịch sử hoạt động và sự phát triển của cộng đồng trong hơn 8 năm qua, bạn có thể xem tại: http://www.mentoring1on1.com

Để hiểu rõ cố vấn khởi nghiệp là gì (tiếng Việt), vui lòng xem tại: http://www.covankhoinghiep.com (phụ bản giúp giới thiệu văn hóa mentoring đến cộng đồng bằng tiếng Việt). 

Hướng dẫn tham gia chương trình cố vấn khởi nghiệp cùng SME Mentoring 1:1 Hà Nội

A. Dành cho các Cố vấn (mentor):

Bước 1: Cung cấp cho chúng tôi đường link đến CV của bạn trên LinkedIn. Nếu chưa có, bạn hãy tạo mới. Đây cũng là cách để mentee tìm hiểu về bạn

Bước 2: Trong phần Personal Statement, bạn cần nêu rõ:

  • Tại sao bạn muốn trở thành mentor?
  • Bạn sẽ làm gì cho mentee?
  • Bạn kỳ vọng gì ở chương trình mentoring. 

Bước 3: Sau khi duyệt hồ sơ của bạn, chúng tôi sẽ có buổi định hướng và ghép cặp cho cả mentor-mentee.

Bước 4: Hai bên sẽ gặp gỡ trao đổi với nhau tối thiểu 01 lần/01 tháng (mỗi lần tối thiểu 1h) trong 12 tháng. Nếu mối quan hệ không được duy trì, mentor có thể mất việc hoặc mentee có thể không có cơ hội làm việc tiếp.

Bước 5: Trong trường hợp một trong hai phía không thấy phù hợp có thể ngừng quan hệ mentoring trong 03 tháng đầu tiên.

B. Dành cho bên được cố vấn (mentee):

Bước 1: Đường link đến CV của bạn trên LinkedIn. Nếu chưa có, bạn hãy tạo mới. Đây cũng là cách để mentor tìm hiểu về bạn

Bước 2: Trong phần Personal Statement, cần nêu rõ:

  • Tại sao bạn cần một mentor?
  • Bạn kỳ vọng gì ở mentor?
  • Bạn kỳ vọng gì ở chương trình mentoring?

Bước 3: Sau khi duyệt hồ sơ của bạn, chúng tôi sẽ có buổi định hướng cho cả mentor-mentee.

Bước 4: Hai bên sẽ gặp gỡ trao đổi với nhau tối thiểu 01 lần/01 tháng (mỗi lần tối thiểu 1h). Nếu mối quan hệ không được duy trì, mentor có thể mất việc hoặc mentee có thể không có cơ hội làm việc tiếp.

Bước 5: Trong trường hợp một trong hai phía không thấy phù hợp có thể ngừng quan hệ mentoring trong 03 tháng đầu tiên.

Ngoài ra, theo quy định của SME Mentoring Hà Nội, để tăng độ cam kết của cả mentor-mentee và coi mentoring là quá trình học hỏi và trưởng thành của cả hai bên, các mentor và mentee tham gia chương trình đều phải đóng 01 khoản phí thường niên là 1.200.000đ/người/năm (một triệu đồng một người một năm).

Yêu cầu dịch vụ tại đây.

 

Mentors và Mentee của SME Mentoring 1on1 Hà Nội. 2016

Tác giả: 
KisStartup