Tiếp nối hành trình tìm hiểu làng nghề dệt Đũi Nam Cao, dự án IDAP đã tổ chức chuyến tham quan đến trang trại thông minh IFarm, nơi mô hình cho thuê đất trồng rau ứng dụng công nghệ cao đang được triển khai hiệu quả. Đây không chỉ là cơ hội học hỏi về nông nghiệp thông minh mà còn là điểm kết nối giữa doanh nghiệp địa phương với các đơn vị cung cấp giải pháp số. Chị Bảo Trâm chia sẻ không chỉ những khó khăn trong bước đầu khởi nghiệp mà còn khẳng định nỗ lực chuyển đổi số ngay từ giai đoạn đầu sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian công sức. Tự đầu tư vào hệ thống quản lý hơn 500 khách hàng lẻ, theo dõi nhu cầu của từng khách hàng, và hệ thống Pancake để giúp sales bán hàng hiệu quả, chị Trâm khẳng định, việc tư duy chuyển đổi số làm gia tăng hiệu quả cho mô hình kinh doanh độc đáo này.
Điểm nổi bật của chuyến đi là buổi gặp gỡ trực tiếp với các đơn vị cung cấp dịch vụ công nghệ tham gia dự án. EzCloud đã giới thiệu nền tảng quản lý và bán phòng thông minh dành cho doanh nghiệp du lịch địa phương. Trong bối cảnh du lịch Lào Cai, Sơn La đang phát triển, giải pháp này đã thu hút sự quan tâm đặc biệt từ các chủ homestay và khách sạn nhỏ - những người đang tìm kiếm cách tối ưu hóa vận hành mà không cần đầu tư quá lớn vào công nghệ.
EGAP thì mang đến câu chuyện về truy xuất nguồn gốc và quản lý đầu vào - vấn đề mà nhiều doanh nghiệp chế biến nông sản đang phải đối mặt. Qua buổi chia sẻ, các doanh nghiệp địa phương đã hiểu rõ hơn cách công nghệ có thể giúp họ xây dựng niềm tin với người tiêu dùng thông qua minh bạch thông tin. Điều này đặc biệt quan trọng khi các sản phẩm OCOP của hai tỉnh đang cần một câu chuyện rõ ràng để tiếp cận thị trường rộng lớn hơn.
ACMan đã đi sâu vào vấn đề quản lý tài chính - điểm yếu của nhiều doanh nghiệp nhỏ. Thay vì những thuật ngữ kỹ thuật phức tạp, đại diện ACMan đã sử dụng những ví dụ cụ thể từ thực tế doanh nghiệp địa phương để minh họa cách nền tảng này có thể đơn giản hóa công việc kế toán, giúp chủ doanh nghiệp có cái nhìn rõ ràng hơn về tình hình tài chính.
Ngoài ra, buổi tham quan còn có sự tham gia đặc biệt của một nhà cung cấp dịch vụ địa phương. Bạn Mùa A Hủa - một sinh viên cung cấp dịch vụ chụp ảnh, đã tạo nên cầu nối đặc biệt giữa kỹ năng của người trẻ và nhu cầu của doanh nghiệp. Qua những bức ảnh thử nghiệm tại chỗ, các doanh nghiệp nhận ra rằng hình ảnh chuyên nghiệp không còn là đặc quyền của các thương hiệu lớn - mà giờ đây đã trở nên vừa tầm với và thiết thực.
Giá trị lớn nhất từ buổi gặp gỡ là sự hiểu biết sâu sắc hơn về nhu cầu của các bên để đưa doanh nghiệp sang một cấp độ mới trong chuyển đổi số. Nếu ở giai đoạn 1, chúng tôi nhấn mạnh việc số hóa sản phẩm dịch vụ, đổi mới kinh doanh số thì giai đoạn 2 sẽ là bước chuyển quan trọng từ đổi mới kinh doanh số sang chuyển đổi số một phần. . Các đơn vị cung cấp dịch vụ đã nhận ra rằng giải pháp của họ cần được "địa phương hóa" để phù hợp với đặc thù kinh doanh tại Lào Cai, Sơn La. Trong khi đó, doanh nghiệp địa phương đã thấy rõ hơn con đường chuyển đổi số không còn xa vời mà đã trở nên cụ thể và khả thi.
Kết thúc chuyến đi, các doanh nghiệp được đến thăm khu công nghệ cao Nông trại thông minh Việt Nam - Hàn Quốc. Các doanh nghiệp hiểu được cách chuyển đổi số được ứng dụng trong canh tác, thu hoạch và gia tăng giá trị cho nông sản. Chuyển đổi số giúp giảm sức người sức của đồng thời giúp doanh nghiệp tạo ra những sản phẩm sạch mà thị trường sẵn sàng trả giá cao. Được chứng kiến những công nghệ cao này, các doanh nghiệp hào hứng với những giá trị của dữ liệu.
Chuyến tham quan IFarm đã khép lại, nhưng những kết nối mới chỉ bắt đầu. Các bên đã lên kế hoạch cho những buổi làm việc chuyên sâu, nơi công nghệ và nhu cầu thực tiễn sẽ tiếp tục gặp gỡ để tạo nên những giải pháp có ý nghĩa thực sự cho hành trình chuyển đổi số tại địa phương.