Ngày 3/3/2024, sự kiện Bàn Tay Mẹ – Chạm Công Nghệ đã diễn ra trực tuyến, thu hút sự tham gia của đông đảo phụ nữ dân tộc thiểu số mong muốn học hỏi và áp dụng công nghệ vào kinh doanh. Chương trình là một phần của dự án “Tăng cường hệ sinh thái chuyển đổi số bao trùm tại Lào Cai và Sơn La”, do GREAT tài trợ và KisStartup triển khai, với sự đồng hành của Hội Liên hiệp Phụ nữ hai tỉnh.
Chia sẻ tại chương trình, chị Phạm Thị Phương Mai – chủ kênh và thương hiệu Mai Tây Bắc, và anh Nguyễn Văn Đức – chủ thương hiệu Gà 9 Cựa Phú Thọ – Đặc sản tiến Vua, đã truyền cảm hứng mạnh mẽ qua những câu chuyện thực tế về hành trình khởi nghiệp trên nền tảng số
Phụ Nữ – Khi Chạm Tay Vào Công Nghệ
Chị Nguyễn Đặng Tuấn Minh (CEO tại KisStartup, đồng thời trưởng tiểu dự án IDAP – Hỗ trợ kỹ thuật tăng cường hệ sinh thái chuyển đổi số bao trùm cho DNNVV tại tỉnh Lào Cai và tỉnh Sơn La ) mở đầu sự kiện bằng lời khẳng định:
“Khi đầu tư vào phụ nữ, họ sẽ tìm cách đầu tư cho con cái và cộng đồng.”
Sự kiện nhấn mạnh vào việc tận dụng công nghệ để mở rộng cơ hội kinh doanh, đặc biệt là cho những người phụ nữ ở vùng cao.
Câu Chuyện Thành Công: Từ Bản Làng Đến Thị Trường Online
Mai Tây Bắc – Biến Nông Sản Thành Thương Hiệu
Chị Mai Tây Bắc chia sẻ về lý do lựa chọn kinh doanh nông sản đặc sản Tây Bắc như mật ong rừng, thịt trâu gác bếp, chẩm chéo, và cách xây dựng thương hiệu cá nhân thông qua mạng xã hội.
Bài học: “Không phải ngày một ngày hai mà thành công. Ban đầu, mỗi ngày tôi đều làm một video, dù chỉ có 1-2 lượt xem. Nhưng sự kiên trì đã giúp tôi xây dựng niềm tin với khách hàng.”
Chiến lược: Lồng ghép câu chuyện đời sống và các mẹo vặt vùng cao để tạo nội dung hấp dẫn mà không làm khách hàng cảm thấy bị “quảng cáo quá lố”.
Thành công: Ví dụ sau viideo nhổ lông vịt bằng sáp ong rừng đạt 16 triệu lượt xem, giúp tăng mạnh doanh số bán mật ong. Chị Mai chia sẻ: “Cũng không thể nhớ rằng mọi người đã đặt bao nhiêu đơn hàng, em chỉ biết là sau đó việc bán mật ong rừng cũng không còn khó khăn như trước nữa. Mọi người cũng tin tưởng rằng mình có nhiều sáp ong như vậy thì cũng không mất nhiều công sức để chứng minh rằng mật ong của mình là mật ong thật.”
Gà Chín Cựa – Hành Trình Tìm Lại Giống Gà Huyền Thoại
Anh Nguyễn Văn Đức lại có cách tiếp cận khác: Tận dụng câu chuyện truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh để làm thương hiệu.
Lý do chọn sản phẩm: Thay vì làm nông nghiệp thông thường, anh chọn gà chín cựa vì nó hiếm, có câu chuyện, và khác biệt hoàn toàn trên thị trường.
Thách thức lớn nhất: Vận chuyển gà sống từ Phú Thọ vào tận các tỉnh miền Tây là một vấn đề đau đầu. Không có đơn vị vận chuyển nhận hàng, anh phải tự tạo ra hệ thống vận chuyển riêng, mất 3 năm để hoàn thiện. Bài học: “Bất cứ điều gì cũng có thể giải quyết được, miễn là bạn tìm cách đi từng bước một. Tôi đã biến điểm yếu (giao tiếp chưa trôi chảy) thành điểm mạnh – sự chân thật và gần gũi khiến khách hàng tin tưởng hơn.”
Những Bài Học Đắt Giá
Kiên trì là chìa khóa: Mai Tây Bắc mất 1 năm làm video mỗi ngày trước khi có sự đột phá. Đức dành 3 năm để tối ưu hệ thống vận chuyển.
Tận dụng thế mạnh cá nhân: Nếu bạn sống ở vùng nông thôn, đừng cố bán sản phẩm xa lạ. Hãy tập trung vào đặc sản quê hương và biến nó thành lợi thế.
Quảng cáo mà không quảng cáo: Thay vì liên tục kêu gọi mua hàng, hãy kể những câu chuyện thú vị và lồng ghép sản phẩm một cách tự nhiên.
Dám thất bại để học hỏi: Cả hai diễn giả đều từng thua lỗ khi chưa tối ưu được hệ thống bán hàng. Nhưng thay vì bỏ cuộc, họ rút kinh nghiệm và điều chỉnh chiến lược.
Công nghệ là cầu nối: Chỉ cần một chiếc điện thoại, bạn có thể xây dựng thương hiệu của riêng mình, tiếp cận hàng nghìn khách hàng trên toàn quốc.
Sự kiện “Bàn Tay Mẹ – Chạm Công Nghệ” không chỉ giúp phụ nữ vùng cao hiểu về công nghệ mà còn mang đến cảm hứng mạnh mẽ để họ tin rằng mình có thể làm được.
Công nghệ không còn xa lạ. Chỉ cần một chút kiên trì, tư duy đúng đắn và sự sáng tạo, bất kỳ ai cũng có thể thay đổi cuộc sống của mình. Bạn đã sẵn sàng chạm tay vào công nghệ và viết nên câu chuyện kinh doanh của riêng mình chưa?
----------------------------------
VỀ DỰ ÁN IDAP
IDAP (Inclusive Digital Acceleration Program) – Tăng cường hệ sinh thái chuyển đổi số bao trùm cho DNNVV tập trung vào nông nghiệp và du lịch tại hai tỉnh tỉnh Lào Cai và Sơn La là dự án được tài trợ bởi GREAT (Dự án Thúc đẩy Bình đẳng Giới thông qua Nâng cao Hiệu quả Kinh tế Sản xuất Nông nghiệp và Phát triển Du lịch) do công ty Cổ phần KisStartup là đối tác thực hiện chính trong thời gian từ 2024 đến 2027.
Tiền thân của dự án IDAP là chương trình Tăng tốc kinh doanh số (DAP) dành cho doanh nghiệp, HTX và hộ kinh doanh cá thể. Kết thúc chương trình: 100% thay đổi mô hình kinh doanh; 100% gia tăng doanh thu HƠN 7,2 TỶ là TỔNG DOANH THU QUA CÁC KÊNH TRỰC TUYẾN trong 05 khóa với 10 tuần làm việc, ước tính mỗi DN/HTX tăng 300-500% doanh thu so với trước khi tham gia chương trình.
----------------------------------
Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ
Fanpage: https://www.facebook.com/kisstartup
Website: https://www.kisstartup.com/
Email: hello@kisstartup.com
Liên hệ:(+84) 0392161403 (Mr. Hieu)