thương mại hóa

Thương mại hóa kết quả nghiên cứu Cần kiên trì, bền bỉ

Một số bài học rút ra từ hoạt động chuyển giao công nghệ và thương mại hóa tại Vương quốc Anh có thể mang tính tham khảo, với hy vọng sẽ hữu ích cho những trường đại học, viện nghiên cứu đang mong muốn tìm ra những hướng đi hiệu quả nhằm thương mại hóa và chuyển giao công nghệ.

Spin – out Endomag của UCLB, đem lại các giải pháp đột phá trong chữa ung thư vú. Công nghệ của Endomag đã được sử dụng ở hơn 1000 bệnh viện trên khắp thế giới, với khoảng 450.000 bệnh nhân được hưởng lợi. Nguồn ảnh: UCL.ac.uk

Tháng 4/2024, chúng tôi có dịp được tham quan học hỏi các hoạt động chuyển giao công nghệ và thương mại hóa tại Vương quốc Anh trong khuôn khổ một chương trình do Học viện Kỹ thuật Hoàng gia Anh tổ chức và Đại sứ quán Anh tại Việt Nam tài trợ. Chúng tôi có dịp gặp gỡ và tham quan ba trường đại học bao gồm: Đại học Cambridge; Đại học Southampton; Đại học College – London; các đại diện các chương trình tăng tốc của Mỹ, văn phòng chuyển giao công nghệ của Bồ Đào Nha, Hà Lan và lắng nghe chia sẻ từ các quản lý chương trình khác nhau tại Học viện Kỹ thuật Hoàng gia Anh.

Mọi sự so sánh đều là khập khiễng đặc biệt là môi trường học thuật và những điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam rất khác Vương quốc Anh. Nhưng một số bài học rút ra trong chương trình vẫn có thể mang tính tham khảo, với hy vọng sẽ hữu ích cho những trường đại học, viện nghiên cứu đang mong muốn tìm ra những hướng đi hiệu quả nhằm thương mại hóa và chuyển giao công nghệ.

Tầm nhìn của Vương Quốc Anh – Chương trình ICURE

Chương trình ICURE (Innovation to Commercialisation of University Research) của Vương quốc Anh là một sáng kiến nhằm thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ và nghiên cứu từ các trường đại học ra thị trường. Đây là một chương trình được tài trợ bởi Innovate UK (cơ quan đổi mới sáng tạo quốc gia trực thuộc Bộ Khoa học Công nghệ Vương quốc Anh) và phối hợp thực hiện với nhiều trường đại học và các tổ chức nghiên cứu khác.

ICURE có ba mục tiêu: 

1. Thương mại hóa nghiên cứu: Giúp các nhà nghiên cứu tại các trường đại học biến những kết quả nghiên cứu của họ thành các sản phẩm và dịch vụ có thể thương mại hóa.

2. Đào tạo và hỗ trợ: Cung cấp đào tạo và hỗ trợ cho các nhà nghiên cứu về cách tiếp cận thị trường, phát triển kế hoạch kinh doanh, và thu hút đầu tư.

3. Kết nối với doanh nghiệp: Xây dựng mối quan hệ giữa các nhà nghiên cứu và các doanh nghiệp, nhà đầu tư để tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các công nghệ mới.

ICURE đã chứng tỏ là một công cụ quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại hóa nghiên cứu và phát triển công nghệ tại Vương quốc Anh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thông qua sự đổi mới sáng tạo.

Hơn cả các TTO trong trường đại học, về cơ bản là tiếp cận những nghiên cứu đã có sẵn và tìm kiếm khả năng thương mại hóa chúng, ICURE hỗ trợ cả những gì mới chỉ là ý tưởng tiềm tàng, miễn là tác giả muốn tạo ra những kết quả vượt ra ngoài những bài công bố, tạo tác động tới công chúng. Đọc mục tiêu khiến ta tưởng ICURE giống như một vườn ươm nhưng đối tượng của chương trình này khác xa các startup, bởi các công nghệ từ trường đại học thường “cao siêu” hơn các công ty công nghệ, chưa từng tồn tại trên thị trường, còn người đứng đằng sau các ý tưởng đó là các nhà khoa học, vốn quen thuộc và thoải mái với việc viết báo và giảng dạy hơn so với việc bước ra ngoài làm bất cứ thứ gì liên quan đến kinh doanh.   

ICURE có bốn loại chương trình, gần như bao phủ hết mức độ hoàn thiện của các ý tưởng và mức độ trưởng thành của nhà nghiên cứu: Engage (Tham dự) kéo dài bốn tuần, tài trợ 2000 bảng Anh, dành cho cả các sinh viên sau đại học và kĩ thuật viên, để họ có thể khai phá khả năng thương mại hóa và những người được hưởng lợi tiềm năng từ các nghiên cứu của họ; Discover (khám phá) kéo dài bốn tuần, trong đó đẩy người tham gia phải dấn thân sâu hơn vào thị trường và tìm hiểu các ứng dụng thực tế từ công nghệ của họ; Explorer (thám hiểm) kéo dài 12 tuần toàn thời gian, với khoản tài trợ là 35 nghìn bảng Anh để các nhà nghiên cứu kiểm chứng các giả thuyết của mình và đi nói chuyện với khách hàng tiềm năng; Exploit (khai thác) kéo dài 12 tuần toàn thời gian, với khoản tài trợ là 20 nghìn bảng Anh dành cho các nhóm có thể tạo ra công ty spin-out và có cơ hội nhận tiếp tài trợ lên đến 200 nghìn bảng Anh để phát triển công ty.

Mở rộng ảnh hưởng các nghiên cứu của mình ra ngoài khu vực hàn lâm là một thách thức lớn với tất cả các nhà nghiên cứu. Tại sao đang “yên ổn” với công việc hàn lâm, các nhà khoa học lại muốn tham gia ICURE, làm những việc hoàn toàn xa lạ với kĩ năng của họ? Nhưng ICURE đã thay đổi được điều đó. Trên thực tế, trong khi gặp một nhóm các nhà khoa học từ Đại học Cambridge tham gia chương trình, họ có chia sẻ rằng quá trình tham gia ICURE vô cùng khó khăn đối với họ bởi họ phải thay đổi từ tư duy nghiên cứu sang tư duy sản phẩm và nhu cầu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc phải và được đi phỏng vấn, gặp gỡ khách hàng, thay đổi hoàn toàn ý niệm ban đầu về sản phẩm, dịch vụ, liên tục phải “đập đi làm lại” đã khiến họ có những góc nhìn rất mới về sản phẩm nghiên cứu của mình. Điều đó đã giúp Chương trình ICURE chứng tỏ là một công cụ quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại hóa nghiên cứu và phát triển công nghệ tại Vương quốc Anh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thông qua sự đổi mới sáng tạo.

 

 

 

 

 

 

Autolus, spin-out của UCLB, phát triển từ Viện Nghiên cứu ung thư của UCL, mới đây đã lên sàn chứng khoán và thu được vốn trị giá 921 triệu USD. Nguồn ảnh: UCL.ac.uk

ICURE chính xác là một chương trình với mục đích từng bước kéo nhà khoa học ra khỏi vùng an toàn của mình, muốn họ bước ra khỏi phòng nghiên cứu, chia sẻ ý tưởng, tìm kiếm hợp tác với các đồng nghiệp, lắng nghe những khách hàng tiềm năng…Họ cũng đã giúp chuyển đổi nhiều dự án nghiên cứu trở thành doanh nghiệp khởi nghiệp, được các công ty lớn mua lại. Tuy nhiên với họ, việc tạo điều kiện cho những hợp tác nảy nở giữa các trường đại học và doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo đã là một thành tựu đáng kể. 

Góc nhìn của các trường đại học

Đại học Cambridge: Để mọi thứ diễn ra tự nhiên nhưng cần tạo môi trường cho điều đó

Là một trong những trường đại học hàng đầu thế giới với những nghiên cứu xuất sắc, những tưởng Đại học Cambridge sẽ phải thúc đẩy làm sao để nhanh chóng tạo ra những công ty spin off, spin out hàng trăm triệu đô. Nhưng trên thực tế, trường đại học này đi rất chậm rãi trong việc tạo ra hệ sinh thái liên kết giữa đại học và khối công nghiệp. Chính xác hơn, trường này để các nhà khoa học “tự giác”, “tự nguyện” kết nối, liên kết với doanh nghiệp.  

Nhưng sự “tự giác” đó cần nhiều cú hích. Họ khuyến khích nhà khoa học tham gia phát triển dịch vụ tư vấn để xây dựng niềm tin giữa trường đại học và doanh nghiệp. Nói cách khác, tại Cambridge, các giảng viên, nhà nghiên cứu được khuyến khích trở thành người tư vấn cho các doanh nghiệp. Trường cho phép sử dụng thương hiệu của nhà trường cho hoạt động tư vấn, tạo điều kiện về ký kết hợp đồng và hỗ trợ cho các nhà khoa học về bảo hiểm dịch vụ tư vấn (bảo hiểm cho những sự cố xảy ra khi các lời khuyên từ hoạt động tư vấn gây ra những tác động không mong muốn cho khách hàng) nhằm tạo ra môi trường lý tưởng nhất cho sự liên kết này diễn ra. Nhà trường hầu như không nhận phần trăm chi phí hoặc chỉ nhận một khoản tượng trưng cho sự hỗ trợ hào phóng này. Mục đích chính là thông qua những hợp đồng tư vấn này, mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp được củng cố, doanh nghiệp cũng nhận ra những lợi ích thiết thực khi làm việc với nhà trường và từ đó những mô hình hợp tác rất sáng tạo có thể mở ra. Tư duy của họ là tri thức phải được mang ra bên ngoài mới là tri thức sống. Giảng viên chính là các đại sứ của trường để chuyển giao tri thức. Hệ sinh thái giữa trường và doanh nghiệp phát triển một cách hữu cơ và từ từ nhưng bền chặt. Một ví dụ rất độc đáo là khi tập đoàn LEGO tìm đến nhà khoa học tại Cambridge nghiên cứu về tuổi thơ để nhờ tư vấn cho tập đoàn này. Từ một hợp đồng tư vấn đơn thuần, LEGO nhận ra giá trị của những nghiên cứu về tuổi thơ với sự phát triển sản phẩm của tập đoàn. Quỹ LEGO Foundation sau đó tài trợ để xây dựng trung tâm nghiên cứu PEDAL (Trung tâm Nghiên cứu sự vui chơi trong Phát triển giáo dục và Học tập) tại Đại học Cambridge. 

Trường cho phép sử dụng thương hiệu của nhà trường cho hoạt động tư vấn, tạo điều kiện về ký kết hợp đồng và hỗ trợ cho các nhà khoa học về bảo hiểm dịch vụ tư vấn nhằm tạo ra môi trường lý tưởng nhất cho sự liên kết này diễn ra. Nhà trường hầu như không nhận phần trăm chi phí hoặc chỉ nhận một khoản tượng trưng cho sự hỗ trợ hào phóng này.

Đại học UCL – Tập trung vào thế mạnh vượt trội của mình

UCL – University College London cũng là một trong những đại học nghiên cứu hàng đầu của Vương quốc Anh. Đại học này thành lập UCLB – một công ty con đảm nhiệm việc chuyển giao các nghiên cứu từ trường ra ngoài xã hội. UCL sở hữu UCLB và quyết định số tiền lợi nhuận mà UCLB được giữ lại để tái đầu tư, phần còn lại đóng góp vào các quỹ đầu tư và công nghệ của UCL. Mặc dù vậy, UCL cho phép UCLB hoạt động độc lập, tự quyết định việc vận hành của mình và tập trung vào thương mại hóa, trong khi UCL tập trung vào sứ mệnh giáo dục và nghiên cứu. UCLB có thể hành động nhanh chóng và theo hướng thương mại hơn nhờ mô hình công ty con độc lập, tránh được sự quan liêu của trường đại học. Mặc dù là một đại học đa ngành lớn với hơn 60.000 nhân viên, UCLB chỉ tập trung thương mại hóa hai lĩnh vực được coi là mạnh nhất của UCL là liệu pháp tế bào và gene. Một vài thành công của họ có thể kể đến như Freeline – công ty spin-out chuyên phát triển các liệu pháp chữa trị các bệnh di truyền, Orchard – cũng là một spin out với các liệu pháp gene chữa các bệnh hiếm gặp, đã được một công ty dược mua lại với giá gần 500 triệu USD, Achilles là công ty phát triển liệu pháp miễn dịch để tiêu diệt khối u mà không làm ảnh hưởng đến các tế bào lành đã lên sàn chứng khoán.

Cũng giống như Đại học Cambridge, quá trình thương mại hóa của UCLB cũng là một sự bền bỉ. UCLB không nhận phí trừ khi thương mại hóa thành công và thu được doanh thu từ quyền sở hữu trí tuệ (IP). Trong gần 10 năm đầu, UCLB đầu tư vào các công ty khởi nghiệp, giấy phép và bằng sáng chế mà không có doanh thu. Sở dĩ công ty này vẫn tồn tại vì UCL vẫn trả toàn bộ lương cho nhân viên của UCLB. 

Khái niệm “thương mại hóa” của UCLB cũng rất rộng, không nhất thiết là “chuyển giao” cho khối công nghiệp hay thành lập doanh nghiệp spin out. Khi được hỏi UCLB tiếp cận một ý tưởng như thế nào, Anne Lane, Giám đốc mảng thương mại hóa của UCLB chia sẻ rằng, kể cả khi một công nghệ không phù hợp để trở thành một spin – out, họ đôi khi chỉ cần làm sao để nhà khoa học bước ra khỏi “tháp ngà” là được. Bởi thông thường, các nhà khoa học chỉ muốn tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu của họ còn giao lại tất cả cho UCLB. Nhưng UCLB sẽ không làm như vậy, công ty này sẽ cùng ngồi phác thảo con đường tiềm năng cho sản phẩm của các nhà khoa học và yêu cầu họ tham gia. Họ có thể sẽ phải nói chuyện với các luật sư về bằng sáng chế, có thể sẽ phải nói chuyện với các nhà đầu tư. UCLB sẽ cố gắng đẩy giới hạn an toàn của các nhà khao học ra xa nhất có thể, tùy thuộc vào thiên hướng của các nhà khao học. 

University of Southampton – Kết nối với doanh nghiệp và tư duy hợp tác liên ngành 

Innovation Hub – Công viên khoa học Southampton là trung tâm hàng đầu về đổi mới và doanh nghiệp, cung cấp môi trường sôi động cho các doanh nghiệp công nghệ cao và khởi nghiệp. Đó là một cơ sở hạ tầng đẩy đủ bao gồm không gian văn phòng, các phòng thí nghiệm và phòng họp được thiết kế để hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và phát triển cũng như phát triển kinh doanh. Điều đáng nói là toàn bộ hệ thống tiện nghi trị giá hàng chục triệu đô này hoàn toàn là do doanh nghiệp tài trợ xây dựng. Trường đặc biệt nhấn mạnh nghiên cứu theo nhu cầu doanh nghiệp và tạo ra mạng lưới cố vấn trong trường để hỗ trợ nhà khoa học thương mại hóa kết quả nghiên cứu. 

Nhưng Đại học Southampton không chỉ thể hiện sự năng động trong việc hợp tác với khối công nghiệp. Họ còn tự thiết lập mối quan hệ với các trường đại học khác, gọi là sáng kiến SETsquared, ngoài Southampton còn có bốn trường Đại học khác là Bath, Bristol, Exeter và Surrey – đều là những trường hàng đầu nước Anh, để hỗ trợ các công ty khởi nghiệp công nghệ cao và mở rộng quy mô. 

Tuy nhiên để có được sự năng động như ngày nay, Đại học Southampton đã có một nền tảng vững chắc từ trước đó với những nghiên cứu công nghệ lõi đã được ứng dụng trở thành những sản phẩm có tác động sâu rộng tới xã hội. Một trong những ví dụ là trường hợp của Sir David N. Payne. Ông là nhà tiên phong nghiên cứu nổi tiếng quốc tế về quang tử học, đã hoạt động trong lĩnh vực này hơn 50 năm. Công nghệ sợi quang là một trong những thành công khoa học lớn nhất trong ba thập kỷ qua và những đóng góp của Payne được thừa nhận là có ảnh hưởng sâu rộng trong nhiều lĩnh vực. Sợi quang làm nền tảng cho internet, cung cấp khả năng laser mới và cảm biến môi trường, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng vì lợi ích của tất cả các quốc gia. Ông cũng là người nhận giải thưởng VinFuture tại Việt Nam. Khi được hỏi, những quốc gia đang phát triển như Việt Nam cần làm gì để xây dựng hệ sinh thái cho chuyển giao công nghệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu, ông cho rằng đó là lựa chọn được thế mạnh của mình và hợp tác quốc tế. Ông cho rằng hợp tác học hỏi giữa các quốc gia là điều vô cùng quan trọng. Theo ông, kể cả những nước phát triển cũng cần phải học từ những quốc gia đang phát triển. Ông vẫn thường khuyến khích các đồng nghiệp của mình nên tìm cách cùng làm việc với những nhà khoa học ở các quốc gia đang phát triển, vì “họ có cách làm khác chúng ta”.  

——

Để thay cho lời kết về quá trình thúc đẩy một hệ sinh thái chuyển giao công nghệ và thương mại hóa, chúng tôi xin mượn lời của Steven Schooling, Giám đốc điều hành, UCLB khi được hỏi về kinh nghiệm thành công của UCLB, ông có tóm tắt ngắn gọn rằng chúng tôi mất 30 năm để đi một chặng đường dài để tạo ra những tác động lớn hơn cho nghiên cứu của mình, vậy nên phải luôn luôn kiên nhẫn và kiên định với con đường mình chọn. Không thay đổi nào diễn ra qua đêm, đặc biệt là những thay đổi về chính sách. Hiểu được cách tiếp cận hạn chế rủi ro nhưng cũng hiểu được mệnh lệnh từ cuộc sống, nhằm tạo ra những giá trị dài hơi cho các kết quả nghiên cứu từ trường đại học, viên nghiên cứu là vô cùng quan trọng để có những chiến lược hành động trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. □

————–

Ở Vương quốc Anh, sự đo lường tác động của nghiên cứu không còn dừng lại ở các công bố, xuất bản phẩm mà đã tiến tới những ảnh hưởng lên kinh tế, xã hội, văn hóa và chính sách. Các Văn phòng Chuyển giao Công nghệ (TTO) trong các trường đại học không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và thương mại hóa tài sản trí tuệ (IP) mà họ làm tất cả những gì có thể để các kết quả nghiên cứu có thể vươn ra khỏi biên giới của trường, đem lại lợi ích cho xã hội, kể cả khi trường không nhận được lợi ích tài chính trực tiếp và nhanh chóng.  

————–

Các bước trong chương trình ICURE

1. Nộp đơn tham gia: Các nhóm nghiên cứu từ các trường đại học nộp đơn để được xét duyệt tham gia chương trình.

2. Đào tạo và huấn luyện: Các nhóm được tham gia các khóa đào tạo và huấn luyện về phát triển kinh doanh, chiến lược tiếp cận thị trường, và kỹ năng thuyết phục nhà đầu tư.

3. Phát triển dự án: Các nhóm phát triển dự án của mình, từ việc hoàn thiện công nghệ, xây dựng mẫu thử, đến việc thử nghiệm thị trường.

4. Kết nối đầu tư: Các nhóm được giới thiệu và kết nối với các nhà đầu tư tiềm năng để tìm kiếm nguồn tài trợ và hợp tác.

Lợi ích của chương trình ICURE

– Hỗ trợ tài chính: Cung cấp tài trợ ban đầu cho các nhóm nghiên cứu để phát triển dự án.

– Mạng lưới kết nối: Tạo cơ hội kết nối với các chuyên gia, nhà đầu tư, và doanh nghiệp trong ngành.

– Phát triển kỹ năng: Giúp các nhà nghiên cứu phát triển kỹ năng kinh doanh, tiếp cận thị trường và thương mại hóa.

—————–

Một vài lời khuyên cho các học giả về thương mại hóa của Sir David N. Payne

Thứ nhất, người đóng thuế không trả tiền để các nhà nghiên cứu “ngồi không”. 

Thứ hai, chính phủ thúc đẩy nghiên cứu ở các trường đại học để đạt được lợi thế cạnh tranh cho nền kinh tế. 

Thứ ba, nhà khoa học nợ những người nộp thuế việc chuyển giao kết quả nghiên cứu vào đời sống. Đại học kiếm tiền từ việc đó thì cũng tốt thôi, nhưng điều đó không quan trọng. Quan trọng là đại học có sứ mệnh phải đặt mục tiêu cống hiến, chia sẻ một cách vô tư nếu muốn giữ vững ý nghĩa và vai trò của mình trong xã hội. Doanh nghiệp chỉ tập trung vào những con số tài chính cho quý tiếp theo chứ không theo đuổi một tầm nhìn 20 năm như trường đại học. 

——-

1 Người viết bài tham dự với vai trò là một đại diện chương trình ươm tạo và tăng tốc từ Việt Nam, thuộc Công ty TNHH DNXH KisImpact

Nguồn: https://tiasang.com.vn/doi-moi-sang-tao/thuong-mai-hoa-ket-qua-nghien-cu...

Tài liệu tham khảo: https://www.uclb.com/about/technology-transfer-your-questions

Tác giả: 
Nguyễn Đặng Tuấn Minh

Giới thiệu về iRnD

iRnD (Innovation Research & Development) là dự án nhằm thúc đẩy thương mại hóa và chuyển giao công nghệ của KisStartup. 

Với mục tiêu mang các kết quả nghiên cứu đến với doanh nghiệp đang cần đổi mới và đầu tư công nghệ, đến với những cơ hội hợp tác thiết thực nhằm thương mại hóa kết quả nghiên cứu, chúng tôi kỳ vọng chương trình sẽ là cầu nối hữu hiệu giữa các công nghệ và doanh nghiệp. 

HOẠT ĐỘNG CHÍNH

Trong khuôn khổ iRnD, chúng tôi có những mảng hoạt động chính sau đây: 

  • Ươm tạo các dự án có tiềm năng thương mại hóa cao từ các trường đại học, viện nghiên cứu
  • Xây dựng mạng lưới chuyên gia tư vấn kỹ thuật hỗ trợ dự án về kỹ thuật, luật, kinh doanh, v.v.
  • Đầu tư thành lập các doanh nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ cao và có khả năng chuyển giao công nghệ 
  • Hợp tác với các đối tác trong nước và quốc tế thực hiện các chương trình thúc đẩy thương mại hóa, chuyển giao công nghệ  
  • Nghiên cứu tìm kiếm các mô hình kinh doanh mới và hiệu quả nhằm thúc đẩy thương mại hóa, chuyển giao công nghệ 
  • Tăng cường ứng dụng và khai thác các nguồn lực công nghệ và mạng lưới quốc tế để hỗ trợ các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học tiếp cận nguồn vốn, tài trợ trong và ngoài nước
  • Thúc đẩy sự tham gia của các tập đoàn, tổ chức tại Việt Nam và trên thế giới vào quá trình thương mại hóa, chuyển giao công nghệ. 

CHƯƠNG TRÌNH/DỰ ÁN NĂM 2024-2025

Các chương trình/dự án chính trong  năm 2024-2025 để triển khai các hoạt động trên bao gồm: 

  • iRnD incubator
  • Mitsui Chemicals Awards
  • LIF Global 2025
  • TTC pitching 

iRnD sẽ khởi động với chương trình TTC Pitching

 

TTC Pitch -Chương trình nằm trong hoạt động thúc đẩy thương mại hóa và chuyển giao công nghệ thuộc dự án iRnD của KisStartup. TTC Pitch mong muốn thu hẹp khoảng cách giữa các doanh nghiệp có công nghệ sẵn sàng cho thị trường và những doanh nghiệp đang tìm kiếm giải pháp tiên tiến để áp dụng.

Đối tượng tham gia: 

  • Nhà cung cấp công nghệ: Doanh nghiệp, tổ chức và nhà khoa học sở hữu công nghệ trưởng thành, sẵn sàng chuyển giao và hợp tác.
  • Người tìm kiếm công nghệ: Doanh nghiệp, cá nhân và tổ chức đang tìm kiếm hoặc áp dụng công nghệ mới.

Chương trình được tổ chức hai tháng một lần, với các bài thuyết trình từ tối đa năm nhóm giải pháp công nghệ trong mỗi phiên.

Nếu bạn quan tâm, bạn có thể đăng ký tham dự tại ĐÂY.

Bạn quan tâm cập nhật thông tin mới nhất tại website www.kisstartup.com. 

Chúc mừng Quản lý chương trình ươm tạo tại KisStartup hoàn thành chương trình Thạc sĩ về thương mại hóa tại Chalmers University of Technology

KisStartup và KisImpact xin trân trọng thông báo và chúc mừng Quản lý các chương trình nâng cao năng lực và ươm tạo tại KisStartup và KisImpact của chúng tôi - Bà Tạ Hương Thảo đã chính thức hoàn thành chương trình học Thạc sĩ tại Chalmers University of Technology, Vương quốc Thụy Điển. Là một trong số ít người Châu Á tham gia chương trình học về thương mại hóa tại ngôi trường nằm trong top 10 thế giới về ươm tạo, bà Thảo đã không chỉ mang những kinh nghiệm từ 5 năm làm việc tại KisStartup và KisImpact đến chương trình học mà còn lĩnh hội những kiến thức, mạng lưới quan trọng về thương mại hóa, sở hữu trí tuệ tại trường và Châu Âu để đóng góp vào các sản phẩm, dịch vụ tại KisStartup và KisImpact. 

Trong thời gian theo học tại trường, bà Tạ Hương Thảo cùng đội nhóm của mình đã phát triển dự án thương mại hóa kết quả nghiên cứu Anferra. Dự án được 2 tập đoàn công nghiệp lớn của Thụy Điển tài trợ và đồng hành đưa công nghệ từ phòng lab vào thử nghiệm ở quy mô lớn hơn (Demo project). Anferra đã tham gia thi Venture Launch của trường được giải Climate Scholarship 5000 Euro, đại diện trường đi pitch Stage 2 ở Berlin và còn được 1 năm free coworking space ở trường và đại diện trường đi thi vòng quốc gia.

Kết thúc thời gian học tập, bà Thảo được nhận thực tập tại LOT Network trong vai trò người phân tích tài sản trí tuệ IP analyst. LOT Network là mạng lưới giúp các thành viên giảm thiểu rủi ro tranh chấp sáng chế từ Patent Troll. 

Với tầm nhìn của trở thành một cộng đồng liên tục phát triển của những cá nhân, tổ chức ĐỔI MỚI SÁNG TẠO, xây dựng, phát triển tại Việt Nam, hoạt động trên phạm vi toàn cầu và sáng tạo những tác động BỀN VỮNG, KisStartup luôn dõi theo và tạo điều kiện tốt nhất trong năng lực có thể cho những tài năng của KisStartup và KisImpact phát triển, cùng chia sẻ những khó khăn, cùng học hỏi những kiến thức mới và cùng nhau tiến bộ. Những thành tựu ban đầu của Bà Tạ Hương Thảo thực sự truyền cảm hứng cho các nhân sự tại KisStartup và KisImpact để tiếp tục con đường chúng tôi lựa chọn. 

CÔNG TY & ĐẦU TƯ DANH MỤC MỚI của Chalmers Venture.

Anferra - Biến chất thải thép nguy hại thành hóa chất xử lý nước. 

Chất thải thép nguy hại nhiễm dầu là một vấn đề nghiêm trọng trong chế biến thép. Anferra, một công ty mới trong danh mục đầu tư của Chalmers Ventures, đã phát triển một phương pháp đang chờ cấp bằng sáng chế để chuyển đổi sắt trong thép thành clorua sắt, một hóa chất lọc nước có nhu cầu cao. Hiện nay, chất thải này được đốt hoặc chôn lấp. Với công nghệ của Anferra, có thể tái chế tới 100%. 

Ebba Adolfsson, đồng sáng lập công ty cho biết, tầm nhìn của Anferra là trong tương lai sẽ không có công ty gia công thép nào bị buộc phải chôn lấp hoặc đốt các kim loại có giá trị và quy trình của Anferra sẽ được các công ty tái chế trên toàn cầu sử dụng.

Chalmers Ventures cũng nhận thấy tiềm năng tăng trưởng kinh tế to lớn trong ý tưởng kinh doanh của Anferra, trong đó mỗi tấn thép phế thải tái chế không chỉ mang lại lợi ích về môi trường mà còn là cơ hội kinh tế quan trọng.

-Chúng tôi nhìn thấy sự hình thành của một tương lai bền vững bằng cách biến phế liệu trong quá khứ thành tài nguyên của ngày mai, mở đường cho một thế giới xanh hơn và bền vững hơn. Fredrik Örneblad Giám đốc đầu tư Seed, Chalmers Ventures cho biết: Chúng tôi mong muốn được theo dõi và hỗ trợ công ty trên hành trình phát triển.

Chiến lược của Anferra là hợp tác với các công ty tái chế đã xử lý lượng lớn chất thải thép.

Đội ngũ của Anferras 
Phát triển kinh doanh: Ebba Adolfsson và Tạ Hương Thảo.
Nhà nghiên cứu và cung cấp ý tưởng: Thomas Ottink, Năng lượng và Vật liệu, Hóa học và Kỹ thuật Hóa học tại Đại học Công nghệ Chalmers

Tác giả: 
KisStartup

Đại diện của KisStartup và KisImpact tham gia chương trình Chuyển giao công nghệ tại Vương quốc Anh

Chúng tôi vui mừng thông báo, đại diện của KisStartup và KisImpact đã tham gia cùng 04 đại diện khác của Việt Nam đã tham gia chương trình Thương mại hóa do Học viện Kỹ thuật Hoàng gia, Vương Quốc Anh tổ chức và Đại sứ Quán Anh tài trợ. Chương trình đã tạo điều kiện cho chúng tôi tiếp xúc và gặp gỡ với hơn 40 các chuyên gia, nhà đổi mới sáng tạo, các nhà quản lý tiên phong và các đồng nghiệp tại Thái Lan, Philippines. 

Chương trình thực tế tại Đại học Cambridge, Đại học Southampton, UCL thực sự mang lại những góc nhìn mới mẻ và có giá trị về hệ sinh thái cho thương mại hóa của từng trường đại học với những cách làm riêng và những bài học cho Việt Nam. 

Đặc biệt trong chuyến đi, chúng tôi đã có cơ hội gặp gỡ và lắng nghe lời khuyên từ Giáo sư, Sir. David N. Payne, Giáo sư hàng đầu tại Đại học Southampton và Giám đốc Viện Zepler về Quang tử và Trung tâm Nghiên cứu Quang điện tử. Ông cho rằng, với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam, cần phải tìm ra những hướng đi có trọng tâm, và tăng cường hợp tác quốc tế để khai thác thế mạnh của mình. Một hệ sinh thái phải mất rất nhiều năm mới có thể xây dựng được nền móng nên cần những nỗ lực trong dài hạn. 

Với những gì gặt hái được trong chuyến đi, đồng thời với những cam kết KisStartup và KisImpact đang thực hiện trong việc đổi mới sáng tạo tạo tác động, chúng tôi tin tưởng và sẽ tiếp tục có những hành động, chương trình cụ thể để đưa các kết quả nghiên cứu khoa học đến gần hơn với đời sống và ứng dụng thực tiễn. 

 

Tác giả: 
KisStartup

Lễ kick-off giữa KisStartup và Mitsui Chemicals

  Vào ngày 18/04/2023 vừa qua, KisStartup và Mitsui Chemicals R&D đã chính thức khởi động dự án “Mitsui Chemicals R&D Collaboration Reward”. Dự án này nhằm tìm kiếm những kết quả nghiên cứu ở các trường đại học, viên nghiên cứu từ các công ty, doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam để hợp tác với Mitsui và thúc đẩy thương mại hoá.

Bên cạnh đó, KisStartup cũng chia sẻ một số khó khăn, cơ hội cũng như hiện trạng trong hệ sinh thái Việt Nam. Chúng tôi đã cùng nhau thảo luận về mục tiêu, định hướng và kế hoạch của dự án đồng thời lên kế hoạch cho những hành động tiếp theo. 

Dưới đây là các lĩnh vực mà Mitsui Chemicals R&D quan tâm

LĨNH VỰC 1: THIẾT BỊ Y TẾ

  • Thiết bị y tế chẩn đoán trong ống nghiệm (IVD) sử dụng enzym, chất chỉ điểm ung thư (cancer maker), chất chỉ điểm vi khuẩn/vi rút/nấm và hormones (kích thích tố),..

  • Giải pháp tích hợp các thiết bị y tế với giải pháp Robot/Trí tuệ nhân tạo (AI) cho phép cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế tiên tiến, bao gồm phân tích hình ảnh y tế và chẩn đoán cải thiện.

LĨNH VỰC 2: SẢN PHẨM NGÀNH HÓA - SINH TRONG NÔNG NGHIỆP

  • Các tác nhân nông nghiệp giúp kiểm soát sinh học có nguồn gốc từ nấm và vi khuẩn để kiểm soát sâu bệnh và côn trùng truyền bệnh trong nông nghiệp.

  • Các công nghệ trong dược liệu

LĨNH VỰC 3: DINH DƯỠNG

  • Thực phẩm chức năng, thực phẩm thay thế đạm, men vi sinh cho người và động vật

  • Công nghệ nuôi cấy thịt, bao gồm việc sử dụng các chất mang vi mô trong nuôi cấy tế bào

LĨNH VỰC 4: VẬT LIỆU CƠ BẢN & VẬT LIỆU XANH (TRUNG HÒA CARBON)

  • Nguồn nhiên liệu tái tạo từ vật liệu/công nghệ xanh như sinh khối, khí sinh học, cellulose, tảo, ...

  • Các giải pháp bền vững như công nghệ màng lọc CO2, H2 hay lọc nước

Dưới đây là một số thông tin về chúng tôi:

-Mitsui Chemicals được thành lập từ năm 1997 với 161 công ty trực thuộc và gần 19.000 nhân viên. Với số vốn góp lên tới 125 tỷ JPY, Mitsui Chemicals đang thực hiện sứ mệnh đóng góp rộng rãi cho xã hội bằng cách cung cấp các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao cho khách hàng thông qua sự đổi mới và sáng tạo các vật liệu, đồng thời duy trì sự hài hòa với môi trường toàn cầu. 

-KisStartup thành lập năm 2015 với sứ mệnh đồng hành cùng cộng đồng khởi nghiệp trong hoạt động nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo hiệu quả hơn, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cộng đồng. Chúng tôi đã làm việc trong hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam sang năm thứ 8 với network chặt chẽ với các trường đại học và viện nghiên cứu, đồng thời đào tạo cho hơn 500 giảng viên của các trường đại học trên cả nước về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Chúng tôi hy vọng dự án này sẽ mở ra những cơ hội và triển vọng cho việc thúc đẩy thương mại hoá tại Việt Nam.