Khi chuyển đổi số thành chuyển đổi xanh

21/12/24 03:12:24 Lượt xem:

Trong quá trình chuyển đổi số, có những doanh nghiệp đã "tình cờ" tạo ra những sản phẩm mới thân thiện với môi trường và đem lại công ăn việc làm cho những người yếu thế.


Chị Vì Thị Sáng, Thành viên HTX Tân Xuân 269, thu hoạch lá tre.

Trong suốt hơn bốn năm qua, chúng tôi* đã có dịp hỗ trợ và đồng hành với nhiều doanh nghiệp nhỏ và hợp tác xã của người dân tộc thiểu số ở Sơn La và Lào Cai “chuyển đổi số” để phát triển bền vững trong khuôn khổ của dự án GREAT do Chính phủ Úc tài trợ.

Chuyển đổi số, theo quan điểm của chúng tôi, không phải là một khái niệm cao siêu, xa vời. Khi trao đổi với các chủ doanh nghiệp, chúng tôi diễn đạt rằng đây là quá trình tận dụng internet để bán hàng tốt hơn, dễ hơn và có tác động lớn hơn. Quá trình này không chỉ đơn thuần là việc áp dụng công nghệ mà quan trọng hơn, đó là việc tạo ra sản phẩm mới, thị trường mới, cách làm mới và trên hết là một tư duy mới mẻ.

Đây là một hành trình nhiều bất ngờ và chúng tôi dự kiến sẽ chia sẻ những câu chuyện thú vị mà chúng tôi được dịp trải nghiệm. Những câu chuyện này, biết đâu, có thể thúc đẩy những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tương tự và truyền cảm hứng cho nhiều công ty, ở bất kỳ trình độ và quy mô nào.

Sản phẩm nào phù hợp để bán trên mạng?

Thực ra bất kỳ sản phẩm nào cũng có thể bán trên mạng (không chỉ là các sàn thương mại điện tử mà còn cả các website, mạng xã hội,…) nhưng thông thường, các doanh nghiệp đều không tự tin với các sản phẩm thô. Lí do là quá trình bảo quản, vận chuyển, lưu kho bãi và đóng gói phức tạp và khó giữ được chất lượng ban đầu, tỉ lệ đổ bỏ nhiều. Hơn nữa, việc cạnh tranh trên môi trường mạng còn khốc liệt hơn cả thị trường truyền thống khi số lượng và hình thức sản phẩm quá nhiều và “muôn hình vạn trạng”.

Vậy nên để hưởng lợi tốt nhất từ việc bán hàng trên Internet, các doanh nghiệp nên tạo ra những sản phẩm đã chế biến, có thời hạn sử dụng dài, không mất công bảo quản và vận chuyển. Bản thân sản phẩm cũng nên có sự khác biệt để nổi bật giữa “đám đông”, từ đó khiến người dùng quan tâm, chú ý.

Không ngại thử nghiệm những sản phẩm mới

Chúng tôi có dịp hỗ trợ Hợp tác xã Tân Xuân 269 tại Sơn La phát triển một sản phẩm mới để bán trên mạng. Thực tế trước đây, tổ chức này đã rất thành công với việc bán măng sấy khô trên cả thị trường truyền thống lẫn trên mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử. “Măng thì có người mua hết từ lúc bắt đầu sản xuất” - chị Cao Thị Tâm, chủ nhiệm hợp tác xã chia sẻ.

Tuy nhiên, măng thì chỉ có thời vụ, và chỉ với một sản phẩm này, dẫu đắt hàng đi chăng nữa cũng không đủ để giúp tất cả các thành viên trong hợp tác xã có thể thoát nghèo. Bởi vậy, việc tìm ra một sản phẩm mới để tăng doanh thu là nhu cầu thường trực của họ. Chúng tôi đề xuất họ chế biến trà lá tre. Đây là sản phẩm mới manh nha có trên thị trường, tức là đã được chứng minh về tính khả thi và mức độ cạnh tranh cũng không quá lớn, do chỉ có một vài doanh nghiệp ở phía Nam sản xuất dưới hình thức “nước lá tre”.

Hơn nữa, đây cũng là thức uống khá quen thuộc với người dân ở Lào Cai – người thường đổ nước và ngâm lá tre trong ống nứa lúc đi rừng và khi cần uống thì “nướng” ống nứa lên. Ý tưởng này nhanh chóng được mọi người hướng ứng và chỉ mất ba tuần để cho ra đời sản phẩm. Hiện nay đã có nhiều người quan tâm và đặt hàng trà lá tre trên mạng xã hội và sắp tới sẽ được phân phối trên nhiều nền tảng hơn.

Một câu chuyện khác của chúng tôi đó là về Homestay Bản Liền Forest. Đây là một doanh nghiệp hộ gia đình nằm ở Bắc Hà, Lào Cai, nơi nổi tiếng với loại chè Shan Tuyết, được trồng ở độ cao 1800m có nước trà màu xanh đẹp, vị ngọt hậu, thơm ngon được xuất khẩu tới 40 quốc gia, trong đó có cả những thị trường khó tính như châu Âu và Mỹ.

Bản Liền Forest chủ yếu cung cấp dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng và họ cũng quảng bá dịch vụ của mình trên mạng xã hội nên thu hút rất nhiều khách du lịch tới lưu trú. Tuy nhiên, du lịch cũng chỉ có “mùa” và ngoài thời điểm phục vụ khách du lịch, họ cũng thu hoạch và bán chè. Làm thế nào để “cạnh tranh” với cả bản – với hàng chục, hàng trăm hộ gia đình cũng bán loại sản phẩm tương tự đó là một dấu hỏi, kể cả là bán trên mạng.

Chúng tôi phát hiện ra rằng lá trà già cũng được bán lẻ tẻ trên các sàn thương mại điện tử, chứ không chỉ là búp trà non theo kiểu truyền thống mà người Bản Liền vẫn chế biến. Bởi vậy, chúng tôi chia sẻ với những người chủ Bản Liền Forest và họ nhanh chóng đồng tình và bạn Vàng Thị Thông, một thành viên của Homestay còn bày tỏ mong muốn tìm kiếm công nghệ khử chát trong lá trà. Giờ đây, họ đã có thêm một sản phẩm mới, là lá trà già sấy khô, để uống theo kiểu Bancha của Nhật.

Việc từ ý tưởng tới sản phẩm để có thể bán được trên mạng diễn ra nhanh chóng, một phần là nhờ sự trợ giúp “chuyển đổi số”, hay nói rộng ra là internet. Hai doanh nghiệp này vốn đã “hiện diện” trên mạng xã hội (thông qua việc thành lập fanpage trên facebook) và có một lượng “khán giả” nhất định.

Mạng xã hội làm giảm rào cản gia nhập thị trường, họ có thể dùng “chuyển đổi số” để khai phá thị trường và đa dạng hóa sản phẩm. Bất cứ khi nào có sản phẩm mới, có ý tưởng mới, họ có thể nhanh chóng thử nghiệm phản ứng của người dùng bằng cách giới thiệu sản phẩm và trò chuyện với khách hàng trên mạng.

Bản Liền Forest giới thiệu trải nghiệm du lịch ở Homestay của mình trên mạng xã hội. 

Trà lá tre và lá trà già – hai sản phẩm có thể gọi là “phi truyền thống” với những gì họ biết và bán trước đó, thông thường để bán trực tiếp sẽ đòi hỏi một quá trình quảng bá và thuyết phục khách hàng mới mất thời gian và công sức. Tuy nhiên, nếu bán trực tuyến, họ có thể nhanh chóng chia sẻ với tập khách hàng cũ và tìm kiếm khách hàng mới tiềm năng, chỉ bằng vài cú click chuột.

Quá trình này vô hình trung sẽ đòi hỏi họ tự điều chỉnh cách viết, cách giao tiếp, bán hàng sao cho phù hợp với khách hàng mới, và rồi từ đó chuyển đổi mô hình kinh doanh, nhưng không hề tốn kém, và nếu có thất bại cũng nhanh chóng và không đau thương.

Khi xuất hiện nhiều sản phẩm tương tự trên thị trường, thì doanh nghiệp cũng đã có tập khách hàng trung thành và có chỗ đứng, và lại tiếp tục tận dụng internet để thử nghiệm các ý tưởng mới. Thực tế, sau khi cho ra đời sản phẩm lá trà già, một thành viên của Bản Liền Forest đã thử đăng bài về hoa trà lên mạng và ngay lập tức có người đặt mua. Còn Hợp tác xã Tân Xuân cũng đang giới thiệu trên mạng sản phẩm gừng sấy khô.

Tình cờ thành chuyển đổi xanh

Cả Hợp tác xã Tân Xuân 269 và Bản Liền Forest Homestay đều không hề nghĩ đến sản phẩm mới hiện nay. Hợp tác xã Tân Xuân 269 chỉ lấy măng, còn lá tre chỉ để không. Người Bản Liền chỉ thu hoạch búp và lá trà non để làm trà xanh, còn lá trà già vốn rất chát và đắng, sẽ bị loại bỏ. Giờ đây, những phụ phẩm nông nghiệp này đã được tận dụng thành dòng sản phẩm mới. Sản phẩm trà lá tre vẫn giữ được hương thơm đặc trưng, màu xanh biếc và được cho là mang lại một số lợi ích sức khỏe như giải nhiệt và giúp điều trị các bệnh về hô hấp.

“Sản phẩm cả bản đều thích, mọi người cũng thức thâu đêm để hoàn thành sản phẩm mới gửi đi chào hàng. Có những đơn đặt hàng ngay rồi. Sắp tới, với công nghệ này, bên mình cũng đang thử nghiệm các sản phẩm mới để không chỉ bán ở địa phương, mà còn tận dụng thương mại điện tử để bán hàng ra cả nước và tìm hướng xuất khẩu ra thế giới.” – chị Cao Thị Tâm cho biết. Còn sản phẩm lá trà già thì “có vị ngon, không chát, có tiềm năng ứng dụng trong nhiều sản phẩm mới để bán cho khách du lịch và bán trên sàn thương mại điện tử, cũng như chính trang fanpage của bên mình” – anh Lâm A Nâng, chủ Bản Liền Forest Homestay chia sẻ.

Cũng cần nói thêm rằng, những sản phẩm mới này không chỉ đến từ bản thân doanh nghiệp mà nhờ chúng tôi kết nối với nhà khoa học. Anh Trần Chí Thành, người sáng lập Công ty Sắc Mộc Tinh đã chuyển giao công nghệ định hình diệp lục cho hai doanh nghiệp này với giá ưu đãi. Công nghệ của anh vẫn lưu giữ được màu xanh và đồng thời khử vị chát của lá.

Những câu chuyện thành công của Hợp tác xã Tân Xuân 269 và các doanh nghiệp tại Lào Cai là minh chứng cho hiệu quả của việc mở rộng khả năng kinh doanh và thử nghiệm mô hình kinh doanh mới. Việc tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp không chỉ giúp giảm thiểu lãng phí mà còn góp phần xây dựng chuỗi giá trị bền vững, đem lại lợi ích kinh tế và xã hội. Các công đoạn như thu hái, phân loại, chế biến và đóng gói sản phẩm không chỉ mang lại việc làm cho lao động địa phương, mà còn phù hợp với nhiều đối tượng như phụ nữ, người khuyết tật và lao động phổ thông. Đây còn là một bước tiến lớn trong việc sử dụng chuyển đổi số để thúc đẩy bình đẳng giới và hòa nhập xã hội./.

Tác giả: 
Lưu Trọng Hiếu - Nguyễn Viết Dũng * Trợ lý dự án Chương trình Tăng tốc kinh doanh số (IDAP) dành cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh cá thể của KisStartup.

Tin tức liên quan