Khởi nghiệp: Bắt đầu từ giáo dục thái độ tự lập

11/04/18 06:04:33 Lượt xem:

Chuyên mục về khởi nghiệp xuất hiện từ cách đây chưa lâu tulaptrên Tạp chí Tia Sáng nhưng đã có không ít bài viết hữu ích nhờ những đóng góp tâm huyết của một cộng tác viên rất mới, Nguyễn Đặng Tuấn Minh. Trong số đặc biệt kỷ niệm 25 năm thành lập Tạp chí, chị chia sẻ về cơ duyên đến với Tia Sáng: đơn giản bắt đầu từ một cuốn sách cho trẻ em.

Khởi nghiệp, cụm từ gần đây được ngành ngành, nhà nhà nhắc đến nhiều như một trào lưu thời thượng, dễ khiến những ai đang làm việc liên quan đến nó đều tự nhiên thấy mình đặc biệt. Là một người khởi nghiệp và thất bại nhiều lần, động lực khiến tôi nhận lời viết về Khởi nghiệp trên Tia Sáng bắt đầu từ một buổi tối khi cầm trên tay cuốn sách nhỏ cho trẻ em này. 

Khi nhìn bìa cuốn sách, bạn sẽ thấy thật thú vị vì cuốn sách kể câu chuyện về hai cô cậu quyết định kinh doanh để tự mua găng tay đánh bóng chày và tham gia trại hè bóng đá. Bạn sẽ cùng các nhân vật chập chững đi vào kinh doanh bằng những định nghĩa vô cùng thú vị về quảng cáo, về mô tả sản phẩm dịch vụ, về cách đấu tranh đòi hỏi quyền lợi chính đáng và đàm phán. Và khi đọc đến trang cuối của cuốn sách nhỏ cho trẻ em này, có thể cũng như tôi, bạn sẽ ngộ ra rằng, xây dựng một văn hóa quốc gia khởi nghiệp hay gì đó tương tự thường bắt đầu từ những thứ căn bản, gốc rễ sâu xa, đơn giản nhưng không dễ: đó là nỗ lực của cả một hệ sinh thái ở nhiều cấp độ mà nhà trường và gia đình là những cái nôi quan trọng nhất. Khi trẻ em được giáo dục thái độ tự lập trong cuộc sống và học cách kiếm đồng tiền chân chính từ sức lao động của mình, tinh thần khởi nghiệp mới có rễ sâu gốc bền. 

Lần lại tuổi thơ Bill Gates hay Mark Zuckerberg, có thể thấy họ không bỗng nhiên trở thành thiên tài. Họ luôn chủ động, không ngừng khám phá, có trách nhiệm với đồng tiền kiếm được và nghiêm túc trong đầu tư thời gian công sức vào công việc kinh doanh. Một nền văn hóa giáo dục khuyến khích sự chủ động mới có thể đẻ ra những triệu phú 9 tuổi ở Mỹ (chuyên kinh doanh kẹo)1

Tôi lại ngẫm thêm rằng, nếu những cuốn sách này được đưa vào trường học cho trẻ em sớm hơn, có lẽ những sinh viên, doanh nhân khởi nghiệp 22 tuổi tôi gặp sẽ có thể tự tin bước vào công việc kinh doanh mà không ngơ ngác đi tìm những ước mơ Zuckerberg. Các em có thể trở thành những doanh nhân tốt hơn, có trách nhiệm hơn như hai bạn nhỏ trong câu chuyện, quan sát chính nhu cầu xung quanh và thế mạnh của bản thân để có thể đưa ra những sản phẩm dịch vụ hữu ích cho cuộc sống. Trong suốt câu chuyện khởi nghiệp của hai đứa trẻ 9 tuổi, không hề có bóng dáng can thiệp của các bậc cha mẹ. Họ xuất hiện duy nhất một lần trong đoạn thoại khen ngợi những đứa trẻ hợp tác tốt với nhau. Cha mẹ quan sát, tạo ra những giới hạn cần thiết và họ đánh giá cao sự độc lập tự chủ của trẻ. 

Ở một đất nước mà một đứa trẻ nhỏ được chăm bẵm đến 22 tuổi vẫn chưa hết là “thằng bé”, “con bé” được bao cấp và chăm chút từng li từng tí, khi ra trường vẫn không chủ động kiếm tiền, sống ỷ lại vào bố mẹ, rồi gia đình phải dồn tiền của chạy công chạy việc, thì khuyến khích tinh thần tự khởi sự kinh doanh, dù có thể chỉ là khởi sự bằng một quán trà đá vỉa hè để tự nuôi sống bản thân, đồng nghĩa với thay đổi tư duy hoàn toàn trong mỗi công dân trẻ, khiến họ có ý thức độc lập tự chủ và tự quyết cuộc đời mình, là điều hết sức quan trọng.

Ở một đất nước mà còn quá nhiều người phụ nữ ở nông thôn vừa phải đối mặt với nguy cơ bạo hành, vừa phải làm trụ cột gia đình về kinh tế, dạy dỗ con cái, thì khuyến khích khởi sự kinh doanh để họ có thể chủ động thay đổi cuộc đời mình, cũng là điều rất cần thiết. 

Và vì vậy, thay vì nhận mình đang tham gia vào “phong trào khởi nghiệp”, tôi nghĩ đơn giản, viết lách cùng với những công việc hỗ trợ khác cho khởi nghiệp đồng nghĩa với góp phần xây dựng văn hóa khuyến khích sự độc lập sáng tạo và tinh thần doanh nhân trong mỗi con người. Là một người đang vận hành một tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, với vai trò là một giảng viên đang hỗ trợ sinh viên học kinh doanh, tôi cũng mong muốn làm tốt từ những công việc rất nhỏ, đó là viết những gì thật đơn giản và thiết thực để mọi người đều có thể sử dụng những kiến thức đó một cách hiệu quả nhất, chia sẻ những gì chân thành nhất và lắng nghe để học hỏi được nhiều nhất. 
——–
1 http://www.doanhnhansaigon.vn/ chan-dung-doanh-nhan/nhung-doanh-nhan-nho-tuoi-nhat-the-gioi/1082057/

Bình luận - Sự kiệnSách khởi nghiệpTư duy khởi nghiệpTags 

Tác giả: 
KisStartup

Tin tức liên quan