Để không ngại chuyển đổi số?

20/02/25 10:02:34 Lượt xem:

Chuyển đổi số không phải là giải pháp tức thời, nhưng với tầm nhìn dài hạn và sự hỗ trợ đúng đắn, nó có thể trở thành động lực mạnh mẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ không chỉ đổi mới mô hình kinh doanh mà còn tạo ra giá trị lớn hơn cho cộng đồng.


Nghệ nhân đan lát ở Hà Khuyên Craft.

“Thôi đừng nói chuyển đổi số ở đây chị ạ, mọi người sợ bị lừa đảo lắm ạ”; “Đúng rồi, em cũng nghe tivi nói chuyển đổi số, rồi Thủ tướng cũng nói, mà cũng chưa biết nó là gì rồi phải làm gì”, “Chúng em không biết bán gì trên internet ấy ạ”.

Đó là những câu nói, những chia sẻ mà chúng tôi nhận được trong hành trình xây dựng niềm tin và sự tự tin cho doanh nghiệp trong khuôn khổ dự án IDAP – Tăng cường chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Sơn La và Lào Cai.

Mặc dù không còn là khái niệm mới mẻ, chuyển đổi số vẫn là một ý niệm mơ hồ trong sự hình dung của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt tại các vùng nông thôn và miền núi, nơi nguồn lực còn hạn chế. Nhưng cũng chính tại những nơi điều kiện ngặt nghèo này lại càng cần chuyển đổi số, để có cơ hội giải quyết những bài toán tưởng như không giải được về đầu ra cho nông sản, về vận chuyển. Đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử như Shopee hay TikTok có thể tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm và đổi mới mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp vốn chỉ quen buôn bán trực tiếp theo lối cũ.

Làm thế nào doanh nghiệp dám thực hiện một “bước nhảy niềm tin”, mạnh dạn có những bước chân đầu tiên trên con đường chuyển đổi số? Đó là chuyện của hai người tiên phong dưới đây.

Tạo ra một sản phẩm mới

Những hứa hẹn mà chuyển đổi số đem lại nhiều khi chỉ thực sự hấp dẫn với doanh nghiệp khi họ đang đứng trước một bước ngoặt chưa từng có nào đó. Một trong những bước ngoặt đó là tạo ra một sản phẩm mới, khác hoàn toàn với những gì họ từng bán trước đó.


Chị Lê Thanh Bình với thương hiệu Mế Phiêng.

Câu chuyện của chị Lê Thanh Bình bắt đầu khi chị quyết định khai thác giá trị từ củ khoai sọ ở Sơn La - một loại nông sản thường chủ yếu bán thô trên thị trường. Nhận thấy bà con trồng khoai phải bán với giá rẻ mạt, thậm chí là phải đổ bỏ khi không bán hết, chị mày mò nghiên cứu, sáng tạo ra món bánh khoai sọ nhân đậu xanh dừa độc đáo. Sản phẩm này không chỉ lạ mắt mà còn mang đậm đặc trưng địa phương, trở thành một câu chuyện hấp dẫn với khách hàng.

Thực ra trước đây, chị Lê Thanh Bình đã từng lập fanpage để quảng bá bán miến dong. Chị cũng nhận ra rằng sức mạnh của mạng xã hội không chỉ là một kênh bán hàng, mà còn là nền tảng để kể câu chuyện về sản phẩm và thương hiệu. Chị đã sáng lập thương hiệu Mế Phiêng và từ đó tăng doanh thu so với trước. Tuy vậy, thời điểm ra đời chiếc bánh khoai sọ mới thực sự là cú hích, chị mới tập trung bán hàng trực tuyến một cách bài bản: có thông điệp rõ ràng, ý nghĩa: “Mộc mạc từ đất đậm đà từ tâm”, số hóa (tức quay phim) đều đặn cách làm bánh, tương tác liên tục với khách hàng (trả lời các nhận xét, bình luận, tin nhắn trên nhiều nền tảng mạng xã hội) nhờ vậy mà tạo dựng được niềm tin với khách hàng, tăng quy mô sản xuất lên hàng nghìn chiếc trong vòng hai tháng.

Một câu chuyện khác là của chị Hà Thị Khuyên tại huyện Vân Hồ, Sơn La trong lĩnh vực du lịch. Ban đầu, cũng như nhiều hộ dân khác xung quanh, chị chỉ làm dịch vụ homestay. Bước ngoặt là khi chị học hỏi được kỹ thuật làm đồ thủ công từ các nghệ nhân trong bản và chị thiết kế, tạo ra được những sản phẩm hiện đại hơn, hữu dụng với đại chúng hơn, ví dụ như quả còn (vốn chỉ là quả bóng ném trong các lễ hội làng) thành sản phẩm trang trí nội thất và các vật dụng từ mây tre đan. Nhờ đó, chị không chỉ dừng lại ở việc cung cấp dịch vụ lưu trú, mà còn tạo ra một loạt các dịch vụ sản phẩm mới, từ các sản phẩm quà lưu niệm, sản vật cho đến các workshop làm đồ thủ công cho du khách. Du khách không chỉ là người nghỉ dưỡng tại homestay, mua hàng, mà còn trải nghiệm nhiều hoạt động văn hóa do chị thiết kế. Sự hứng thú của khách hàng với các hình thức du lịch mới này khiến chị mạnh dạn bắt đầu lập và khai thác fanpage Hà Khuyên Crafts, quảng bá mạnh mẽ các sản phẩm và dịch vụ chuyên về thủ công mỹ nghệ của mình (bên cạnh fanpage Hà Khuyên Homestay, tập trung vào dịch vụ ăn, nghỉ). Dự án IDAP của chúng tôi đã hỗ trợ chị trong việc vận hành fanpage, xây dựng kênh bán hàng trực tiếp (cả sản phẩm lưu niệm, đến dịch vụ lưu trú, tour tham quan), tiếp nhận phản hồi của khách hàng để cải tiến sản phẩm phù hợp hơn với thị trường

Giá trị mang đến cho cộng đồng

Chuyển đổi số không chỉ là câu chuyện của các doanh nghiệp cá nhân, mà sâu xa hơn, nó là một hành trình tạo giá trị thực sự cho cộng đồng. Động lực của hai người phụ nữ tiên phong mà người viết đưa ra ở trên không đơn thuần là bán sản phẩm mới, mà còn giúp đỡ những người yếu thế. Với trường hợp của chị Lê Thanh Bình đó là giúp nâng cao giá trị nông sản cho bà con trong vùng. Với chị Hà Thị Khuyên, đó là đem lại sinh kế và thu nhập cho những người khuyết tật trong cộng đồng, là gìn giữ được nghề thủ công truyền thống và bảo tồn văn hóa của người Thái. Thực tế, sau khi áp dụng chuyển đổi số những bước đầu tiên, với số lượng đơn hàng ổn định, chị Hà Thị Khuyên đã tạo công ăn việc làm thêm cho tám nhân lực bán thời gian. Những giá trị này không chỉ giúp cá nhân và cộng đồng địa phương thay đổi cuộc sống mà còn thúc đẩy sự bao trùm trong quá trình chuyển đổi số.

Những thách thức

Cơ sở hạ tầng kém phát triển là một trong những thách thức lớn mà các doanh nghiệp nhỏ tại vùng núi phải đối mặt. Đối với các sản phẩm như bánh khoai sọ của chị Lê Thanh Bình, việc vận chuyển đến các tỉnh xa thường gặp khó khăn do đường sá khó khăn và hệ thống logistics chưa phát triển. Các vấn đề như sản phẩm bị dập nát, hỏng hóc trong quá trình vận chuyển không chỉ gây thiệt hại về tài chính mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh thương hiệu.

Ngoài ra, những doanh nghiệp này cũng cần thời gian để học, làm quen và thành thạo các công cụ chuyển đổi số. Phần lớn họ quen với cách bán hàng truyền thống và gặp khó khăn trong việc áp dụng các nền tảng thương mại điện tử, xây dựng thương hiệu số và duy trì sự hiện diện trực tuyến. Đặc biệt, tâm lý ngại thay đổi là một trở ngại không nhỏ. Những câu chuyện nhận được sự ủng hộ của cộng đồng như chị Hà Thị Khuyên không phổ biến. Nhiều người dân không quen với việc phải thay đổi cách làm cũ, và người khởi xướng sáng kiến thường phải đơn độc chứng minh hiệu quả trong thời gian dài trước khi nhận được sự đồng thuận.
***
Chuyển đổi số không phải là giải pháp tức thời, nhưng với tầm nhìn dài hạn và sự hỗ trợ đúng đắn, nó có thể trở thành động lực mạnh mẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ không chỉ đổi mới mô hình kinh doanh mà còn tạo ra giá trị lớn hơn cho cộng đồng. Những câu chuyện từ Mế Phiêng và Hà Khuyên Craft không chỉ là nguồn cảm hứng, mà còn là bài học thực tiễn, cho thấy rằng sự kết hợp giữa công nghệ và bản sắc văn hóa và giá trị cộng đồng chính là con đường bền vững để tự tin phát triển những mô hình kinh doanh mới trong thời đại số. Chuyển đổi số không chỉ là công cụ kinh tế, mà còn là hành trình nhân văn giúp kết nối và lan tỏa giá trị cộng đồng.

Bài đăng KH&PT số 1331 (số 7/2025)

Tác giả: 
Nguyễn Đặng Tuấn Minh

Tin tức liên quan