Bình luận - Sự kiện, Tư duy khởi nghiệp Tags comfort zone, khởi nghiệp sáng tạo, sáng tạo giá trị, vùng an toàn trong khởi nghiệp

11/04/18 06:04:40 Lượt xem:

values

Nếu bắt đầu câu chuyện về khởi nghiệp năm 2017 bằng những thương vụ rót vốn đầu tư đình đám hay những chương trình truyền hình thực tế về khởi nghiệp hấp dẫn, e rằng sẽ không thể khái quát hết những mảng màu đa sắc ở lĩnh vực này trong năm qua.

Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam có đặc thù so với khởi nghiệp sáng tạo ở các nước phát triển khác. Thí dụ, Israel hay Singapore có dân số ít, startup sinh ra ở những quốc gia này luôn hướng tới xuất khẩu giải pháp. Với bối cảnh như Việt Nam, câu chuyện về startup cũng là câu chuyện về những nỗ lực phục vụ nhu cầu của một đất nước đang phát triển. Và hơn thế, không ít giải pháp của những startup đó lại có tiềm năng trở thành giải pháp toàn cầu.

Thành công tiềm ẩn nơi thách thức

Sự kiện startup thương mại điện tử Tiki hay startup trong lĩnh vực đặt phòng khách sạn trực tuyến VnTrip gọi được vốn đầu tư khủng vào những ngày cuối năm cùng những giải thưởng quốc tế mà startup Việt nhận được thời gian gần đây đều mang một thông điệp chung: chúng ta có những tiềm năng có thể khai phá mạnh mẽ hơn trong thời gian tới về công nghệ, đặc biệt là dùng để giải quyết những khó khăn mà chính Việt Nam đang gặp phải trong những lĩnh vực nổi cộm như nông nghiệp, y tế, giáo dục.

Một tỷ phú từng chia sẻ rằng, nếu startup đi lên từ nước nghèo, hãy cố gắng giải quyết những vấn đề của nước nghèo thay vì giải quyết vấn đề của những người giàu. Không hẳn vì bạn không hiểu hết câu chuyện của họ mà đơn giản vì khi bạn giải quyết vấn đề của hơn 85% dân số thế giới hiện sống ở các nước đang phát triển, đó là lúc bạn đang giải quyết những vấn đề toàn cầu, ông lý giải.

Trên thực tế, trong những lĩnh vực nhiều thách thức lại tiềm tàng những thành công. Chẳng hạn, ở một đất nước số người nói tiếng Anh phát âm chưa chuẩn dẫn đến nhiều thiệt thòi trong công việc cuộc sống, hệ thống giáo dục còn nhiều khiếm khuyết, thì những nỗ lực của startup giải quyết vấn đề đó như của Monkey Junior (ứng dụng dạy tiếng Anh cho trẻ em) đã khiến cho giải pháp của họ vượt khỏi phạm vi quốc gia và vươn ra quốc tế.

Các startup trao đổi tại sự kiện Techfest Hà Nội, tháng 11-2017. Ảnh: Lê Loan

Hay trong ngành y tế vốn tồn tại nhiều khó khăn bất cập từ khâu khám chữa bệnh cho đến khâu phòng bệnh, những nỗ lực về mặt công nghệ, đơn giản như tạo ra thẻ khám bệnh OneLink, đã giúp rút ngắn rất nhiều thời gian chờ đợi cho người bệnh. Về mặt công nghệ, giải pháp OneLink không có gì đột phá, thậm chí còn có vẻ như đang đi chậm nếu so với những giải pháp đòi hỏi công nghệ cao, cần đến cài đặt ứng dụng, có sử dụng smartphone như Vicare, UDr, CLAS Healthcare.

Nhưng thực tế, giải pháp này đang được triển khai ở hơn 30 bệnh viện trên cả nước, trong đó có Hà Nội, Phú Thọ, và Thái Bình. Câu chuyện OneLink cùng các giải pháp song hành khác cho thấy, công nghệ trước tiên cần được nhìn nhận là công cụ để sáng tạo giá trị và/hoặc giải quyết vấn đề.

Bước ra khỏi “vùng an toàn”

Không khác nhiều so với các nhận định của nhiều diễn giả nổi tiếng năm qua đến Việt Nam, cá nhân tôi cho rằng, startup Việt vẫn đang thiếu một sự dũng cảm cần thiết để bước chân ra khỏi “vùng an toàn” – đó có thể là những mô hình đã tồn tại có sẵn trên thế giới, cũng có thể là cách làm cũ đã thành công đâu đó.

Đôi khi vùng an toàn có diện mạo khá tinh vi, thường được ngụy trang bằng những ý nghĩ về những vấn đề mình tưởng ai cũng có và cứ thế giải quyết nó. Vùng an toàn không chỉ nằm trong câu chuyện của startup, ở góc độ khác, truyền thông và các câu chuyện hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp cần có sự phản biện sắc sảo hơn để khuyến khích những giải pháp sáng tạo hơn thay vì chỉ nằm trong vùng an toàn của thành công và thất bại.

Chúng ta biết rằng, quy trình, thủ tục thành lập doanh nghiệp hiện này còn hết sức phức tạp, đặc biệt đối với những ngành nghề kinh doanh mới. Bởi vậy, câu chuyện khởi nghiệp đang đặt ra sức ép rất lớn ở tầm vĩ mô về cải cách chính sách, đòi hỏi chính sách phải đi nhanh hơn để bắt kịp xu hướng và mở đường mạnh mẽ hơn cho các doanh nghiệp sáng tạo ra những giải pháp toàn cầu ngay trên đất nước mình.

Đó chính là những cú hích quan trọng thúc đẩy giải quyết những vấn đề mà startup đối diện hằng ngày, từ thủ tục hành chính đến bảo hộ sở hữu trí tuệ, đưa sản phẩm ra nước ngoài…, để thực sự tạo niềm tin về mặt vĩ mô cho startup yên tâm sáng tạo.

Nguyễn Đặng Tuấn Minh (Quản lý và đồng sáng lập KisStartup)

Nguồn: Báo Khoa học Phát triển

Bình luận - Sự kiệnTư duy khởi nghiệpTags 

Tác giả: 
KisStartup

Tin tức liên quan