trở thành một mentor

MENTORING - Góc nhìn người trong cuộc

Nguyễn Đặng Tuấn Minh - Quản lý chương trình SME Mentoring 1on1- Hà Nội 

Có nhất thiết phải phân biệt mentor với những vai trò khác như người huấn luyện, người đào tạo, nhà đầu tư v..v hay không? Mentor có nên đầu tư không? Mentor không có chuyên môn gì đặc biệt thì mentor cái gì? 

Những câu hỏi này chúng tôi thường gặp khá nhiều trong những lần tương tác, gặp gỡ với nhiều thành phần khác nhau trong hệ sinh thái khởi nghiệp, từ startup, các giảng viên, những người đang hỗ trợ startup. 

Trên thực tế, không có đúng, không có sai, chỉ có cái nào phù hợp với bạn. Những chia sẻ dưới đây từ góc độ của những người đang thực hành xây dựng một chương trình mentoring trong 5 năm qua, học và điều chỉnh liên tục để tìm ra những giá trị cốt lõi tốt nhất của một chương trình mentoring – mà trên hết là ý nghĩa thực sự của hoạt động mentoring. Rất hy vọng bạn có thể sử dụng để tham khảo trên con đường tìm kiếm, trở thành một mentor/mentee hoặc xây dựng một chương trình mentoring. 

 

 

  1. Mentoring là gì?

Có rất nhiều định nghĩa và các trích dẫn của những người nổi tiếng. Nhưng với chúng tôi, đó là mối mối quan hệ đặc biệt giữa một người có nhiều kinh nghiệm hơn và một người ít kinh nghiệm hơn để cả hai cùng tốt lên về khía cạnh phát triển con người. 

Điều đó hàm ý rằng, người mentor nên nhiều tuổi hơn mentee và trong mối quan hệ này, cả hai đều đạt mục tiêu của mình là ngày càng trở nên tốt hơn cùng nhau.

Với định nghĩa này, chúng tôi theo đuổi một quan hệ mentoring có những đặc điểm sau đây:

  • Sự thoải mái và tự nguyện từ cả hai phía vì chúng ta xây dựng một quan hệ lâu dài. 
  • Không nóng vội: sự kiên trì từ cả hai phía, vượt qua những khó chịu ban đầu để trở thành những người bạn suốt đời. 
  • Có mục tiêu rõ ràng trong một thời gian rõ ràng: Nếu cùng giúp nhau có một mục tiêu, cụ thể, và cùng đạt được với nhau, đó sẽ một trải nghiệm tuyệt vời. 
  • Sự trưởng thành và hài lòng của cả hai người là thước đo cuối cùng của mối quan hệ. 

 

  1. Mentor mà không có chuyên môn thì có nên làm mentor không?

Bạn có chuyên môn, bạn có thể cho lời khuyên (nếu người mentee muốn nhận) nhưng nếu không có chuyên môn phù hợp với mong muốn của người đang cần, bạn sẽ có trải nghiệm và sự đồng cảm và hoặc giới thiệu họ cho người phù hợp. Thiền sư Kobun Chino Otogowa không kinh doanh nhưng ông có ảnh hưởng lớn lao đến Steve Jobs. Thực chất, trong quan hệ mentoring, chuyên môn chưa phải là điều quan trọng nhất. Nếu tập trung vào phát triển con người thì bạn sẽ tìm ra những điểm chung giữa nhu cầu phát triển cá nhân của bạn và những gì mentor có thay vì tập trung vào chuyên môn. 

  1. Tại sao phải phân biệt Mentor với những vai trò khác?

Trong cuộc sống, dù là một con người chúng ta cũng luôn đóng những vai trò khác nhau vào những thời điểm khác nhau. Việc phân biệt giúp chúng ta lựa chọn và ứng xử cho phù hợp với hoàn cảnh và có sự chuẩn bị và kỳ vọng tốt nhất.

Một người mentor có nhiều điểm chung với rất nhiều vai trò khác: Người đào tạo, Người huấn luyện, Người tư vấn v..v nhưng lại có những đặc điểm riêng. Với chúng tôi, đây là người:

  • Lắng nghe bạn, không phán xét
  • Cho bạn câu hỏi hay, giúp bạn tự nhận ra vấn đề và/hoặc giải quyết vấn đề
  • Không cho lời khuyên, chỉ chia sẻ trải nghiệm đã qua bằng sự đồng cảm 
  • Chân thành cho sự phát triển của bạn và muốn bạn tốt hơn mỗi ngày
  • Có nhiều trải nghiệm hơn bạn
  • Nói ít hơn bạn

 

  1. Mentor cho đi thì phải nhận lại, vậy tại sao mentor không nên làm nhà đầu tư?

Còn tùy thuộc Mentor cho đi điều gì và muốn nhận lại điều gì. Nếu mentor muốn cho đi kiến thức chuyên môn, mạng lưới của mình để đổi lại cổ phần và trở thành nhà đầu tư thì vai trò đó hợp với vai trò của một nhà đầu tư, một người tư vấn và đồng sáng lập. Lúc đó, không phải là quan hệ mentoring nữa, thực chất đó là quan hệ hợp tác. 

Nếu mentor muốn cho đi câu hỏi hay, sự quan tâm, lắng nghe nhận lại là sự học hỏi một người trẻ hơn mình và một mối quan hệ lâu dài với một người bạn trẻ thì việc đầu tư có lẽ cũng không phù hợp. 

Vì dựa trên sự tự nguyện nên quan hệ mentoring là sự hài lòng thỏa mãn của cả hai bên khi tìm thấy giá trị và mục tiêu chung của mình. Một lần nữa xin nhắc lại, sẽ không có đúng, sai, chỉ có những điều bạn tin là đúng và phù hợp với giá trị của bạn. 

Tỷ phú Jeff Hoffman từng khuyên rằng, nên chấm dứt quan hệ mentoring nếu bạn có ý định đầu tư vào doanh nghiệp đó và tìm cho chủ doanh nghiệp một người mentor khác. Nếu đang mentor cho một người, không nên đầu tư vào doanh nghiệp đó. 

  1. Nếu không mong nhận lại thì động lực của người mentor là gì?

Cũng tùy thuộc vào động lực trở thành mentor của mỗi người. Với chúng tôi, những mentor tham gia chương trình là những người có 1 hoặc nhiều hơn những động lực sau đây:

  • Rèn luyện kỹ năng lãnh đạo: Thể hiện qua khả năng gây ảnh hưởng tích cực đến một người trẻ thông qua lắng nghe, đặt câu hỏi hay giúp người trẻ TỰ định hướng và đạt được mục tiêu mong muốn
  • Đóng góp vào thành công : của người trẻ và đóng góp vào tương lai. Một ngày nào đó, mentee ngày ngô của bạn sẽ trưởng thành, và trong sự trưởng thành đó có một phần nhỏ những đóng góp của bạn.
  • Muốn học hỏi: Làm việc với những người trẻ tài năng là cách học nhanh nhất giúp mentor cập nhật những điều mới 
  • Thấy trước sự vĩ đại: Khi bạn thấy ở một con người tiềm năng, bạn đóng góp vào tiềm năng đó để nó trở nên vĩ đại, đó là một niềm vui không tiền bạc nào có thể mua được. 

Về chương trình SME Mentoring

  1. Tại sao lại thu phí cả mentor và mentee?

Để đảm bảo sự cam kết giữa cả hai bên cùng tiến bộ. Mối quan hệ không chỉ là cho đi nhận lại mà cả hai cùng trưởng thành. 

  1. Tại sao lại bắt cam kết gặp nhau 12 tháng? 

Ở Việt Nam, mentoring chưa phải là một văn hóa. Để xây dựng một chương trình, chúng tôi cần sự cam kết nghiêm túc giữa các thành viên. Để xây dựng một mối quan hệ bền vững lâu dài thì 12 tháng là một thời gian đủ dài để bắt đầu xây dựng quan hệ và xác định có tiếp tục mối quan hệ lâu dài hay không. 

  1. Chương trình phù hợp với ai? 

Chương trình SME Mentoring phù hợp với:

  • Chủ doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ mong muốn tìm cho mình một mentor hoặc trở thành mentor 
  • Để hỗ trợ các chương trình ươm tạo, trường đại học xây dựng các chương trình mentoring của riêng mình, chúng tôi khuyến khích các giảng viên, người điều phối các chương trình tham gia để có trải nghiệm của một mentor/mentee thì việc xây dựng chương trình sẽ tốt hơn rất nhiều

Chú thích: Từ góc độ người phát triển chương trình, tôi rất thích hình ảnh minh họa quan hệ này của WeeTracker, vì đó là một bức tranh đặc biệt. Người mentor là một người có nhiều kinh nghiệm hơn, không có miệng (đồng nghĩa với một người nói ít), chỉ tay cầm đuốc để tiến lên, chứ chính ông không phải là người vẽ ra con đường. 

Người mentor là người ít kinh nghiệm hơn, không có mắt (đồng nghĩa với anh không biết đường) nhưng anh rất nghiêm túc và trân trọng người mentor đi cùng. 

Nguồn ảnh: WeeTracker

Mọi trích dẫn lại nội dung xin ghi rõ nguồn KisStartup & SME Mentoring 1on1

Tác giả: 
KisStartup