Tư duy khởi nghiệpTags ABIVIN

Khởi nghiệp sáng tạo: Công nghệ mới cho những vấn đề cũ

(BĐT) – 2017 là năm chúng ta chứng kiến sự sôi động của các câu chuyện về công nghệ tiên phong trong làng khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam khi mà số lượng doanh nghiệp (DN)/nhóm khởi nghiệp trong mảng công nghệ 4.0 gia tăng đáng kể.

01_EJGGNhiều DN khởi nghiệp sáng tạo phát triển sang giai đoạn tăng trưởng nhờ tìm ra thị trường thực sự cho sản phẩm, dịch vụ. Các DN này đều có xuất phát điểm khá tương đồng: Những người sáng lập phát triển mô hình kinh doanh từ công nghệ lõi, giải quyết một vấn đề thực tại, tìm ra phân khúc thị trường có vấn đề đó lớn nhất và hình thành nên những sản phẩm, dịch vụ đổi mới. Sau đây là một số mô hình kinh doanh thú vị nhằm giải quyết một vấn đề vốn rất cũ nhưng bằng những công nghệ mới.

Giải bài toán tối ưu đường đi

ABIVIN, một trong các startup thành công nhất năm 2016 đã nhận định, với một thị trường mà chi phí logistics đang thuộc hàng cao nhất thế giới (“chi phí vận chuyển logistics tính theo tỷ trọng trong GDP khoảng 18-20%, gần gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển và cao hơn 4% mức bình quân toàn cầu” – theo Ngân hàng Thế giới), thì cơ hội nằm chính ở những thách thức này.

Xuất phát từ thế mạnh thuật toán về dữ liệu lớn, ABIVIN chỉ thực sự bắt đầu nảy sinh ý tưởng khi có khách hàng đầu tiên gặp vấn đề và tìm đến. Từ đó, DN này đã tìm ra hướng đi thực sự về tối ưu hóa đường đi nhằm giảm thiểu chi phí, rủi ro và thời gian cho các DN trong lĩnh vực giao nhận, thương mại điện tử. ABIVIN tận dụng tối đa các công nghệ và thiết bị đang được sử dụng để giảm thiểu chi phí đầu tư cho DN sử dụng giải pháp và tập trung vào chuyên môn của mình là sử dụng dữ liệu lớn để phân tích và tìm ra đường đi tối ưu.

ABIVIN cũng nhận ra rằng, cái khó không nằm ở thuyết phục DN sử dụng giải pháp, mà chính là làm thật tốt các giải pháp đang có để từ đó mọi người nhận ra lợi ích của giải pháp. Mặt khác, với số lượng khách hàng đang tăng lên thuộc các nhóm quy mô khác nhau, trước mắt, việc phục vụ tốt những khách hàng lớn là nền tảng quan trọng để phát triển những giải pháp mang tính đại trà phục vụ nhiều hơn các DN ở quy mô khác nhau.

Công nghệ hỗn hợp trong quản lý nhà cho thuê

Bài toán giải quyết vấn đề thất thoát điện nước, thiếu minh bạch trong giá cả sinh hoạt phí của thị trường nhà cho thuê gây khó cho cả chủ nhà và người thuê nhà. Tình trạng này đang được một nhà khởi nghiệp sáng tạo đáng chú ý năm 2017, quán quân Techfest 2017 – AMI, đưa ra giải pháp rất thuyết phục: Kết hợp giữa việc phát triển phần cứng là các thiết bị kết nối Internet để thu thập và kiểm soát thông tin về điện, nước, sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích các dữ liệu thu được, từ đó đưa ra những thông tin hữu ích cho người quản lý nhà.

Cộng đồng nhà thông minh AMI ra đời trước tiên là dành cho những người trẻ, muốn tiết kiệm thời gian, công sức thanh toán các hóa đơn tiền điện, nước, muốn có sự minh bạch; những chủ nhà trẻ muốn kiểm soát công việc cho thuê nhà một cách đơn giản nhất, tiết kiệm thời gian nhất.

Việc nắm giữ những thông tin quan trọng xoay quanh một ngôi nhà không chỉ mang lại cho AMI một cộng đồng những người có nhà cho thuê, mà đang mở ra những hướng đi mới trong việc minh bạch hóa và tối ưu hóa nguồn lực khi nắm giữ được thông tin tiêu dùng các sản phẩm cơ bản như điện, nước, Internet – điều mà không chỉ thị trường nhà cho thuê, mà thị trường bất động sản, du lịch đều đang rất cần. Việc nắm thông tin về căn hộ cũng dẫn đến bài toán mới là khả năng tối ưu hóa dung lượng còn trống của các không gian và cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng khác. Do đó, AMI đã phát triển thêm được cả mảng tối ưu việc cho thuê phòng giúp các chủ nhà và dịch vụ sửa chữa nhỏ những hỏng hóc phát sinh trong quá trình thuê nhà.

Giảm thời gian, chi phí trong lĩnh vực y tế

Ở một đất nước mà thời gian bình quân của một lượt khám bệnh là 10 giờ đồng hồ, ai cũng có thể nhìn thấy vấn đề lớn về y tế và chăm sóc sức khỏe. Song giải quyết bài toán đó bắt đầu từ đâu?

Việc phát triển ứng dụng để kết nối bác sĩ, bệnh nhân, chuỗi nhà thuốc vốn là nỗ lực rất nhiều năm qua cho câu chuyện chăm sóc sức khỏe của người dân. Tuy vậy, bài toán y tế không phải là kết hợp một cách cơ học các thành phần trong hệ sinh thái cung ứng dịch vụ lại với nhau. Do đó, xây dựng một ứng dụng kết nối không giải quyết được vấn đề một cách toàn diện. UDr – một ứng dụng kết nối bác sĩ, bệnh nhân, tư vấn khám chữa bệnh trực tuyến được phát triển dựa trên nền tảng của một cộng đồng y tế thông minh đã được phát triển trước đó – là một mô hình kinh doanh tiềm năng.

UDr là sự kết hợp các công nghệ khác nhau để giảm thời gian, chi phí cho cả người bệnh và các cấu phần trong hệ sinh thái. Tận dụng những kết nối các thiết bị IoT sẵn có được các bác sĩ chấp nhận với việc phân tích dữ liệu về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân thông qua cung cấp thông tin về chỉ số sinh tồn của bệnh nhân theo thời gian thực, kết hợp với mạng lưới các bác sĩ gia đình do một đối tác khác phát triển,  UDr đưa ra những cảnh báo các mối nguy hiểm với sức khỏe của bệnh nhân. Có thể thấy UDr là sự kết hợp linh hoạt giữa trực tuyến và ngoại tuyến, tận dụng các nền tảng công nghệ cũng như hiểu biết sẵn có của thị trường, kết hợp với những giải pháp đang có để hình thành một giải pháp có lợi cho người dùng và mang lại giá trị cho các bên tham gia.

Bài toán cũ + công nghệ mới = những hướng đi mới

Trên thực tế, không một DN nào dừng lại ở một bài toán duy nhất với thị trường. Cơ hội cho DN sẽ có thể mở ra theo nhiều hướng khác nhau, có thể là nhiều cơ hội ở những thị trường mới hoặc ngành có vấn đề tương đồng (trường hợp của ABIVIN); cũng có thể là cơ hội mở ra việc phát triển giá trị gia tăng mới trên nền tảng những gì đang có như AMI, hay UDr. Điểm thú vị khi xuất phát ở một thị trường đang phát triển như Việt Nam là một khi đã có những người dùng đầu tiên thì chính lợi ích sản phẩm, dịch vụ mang lại để giải quyết những vấn đề vốn tồn tại rất lâu lại là một điểm quan trọng giúp cơ chế marketing bằng giới thiệu truyền miệng trở thành cách hiệu quả nhất và tiết kiệm chi phí nhất. Một giải pháp ban đầu có thể là nhắm đến những người dùng cuối B2C, nhưng với đặc tính tạo dựng nền tảng, nó hoàn toàn có tiềm năng lấn sân sang thị trường B2B cho DN và ngược lại.

Trong bối cảnh nhiều startup loay hoay với câu chuyện làm thế nào để thương mại hóa sản phẩm và công nghệ của mình, thì những ví dụ trên chứng minh rằng, những vấn đề thực tiễn xã hội luôn là gợi ý quan trọng để phát triển những giải pháp mới cho bài toán cũ, và cách tiếp cận này sẽ luôn mở ra những hướng đi mới cho DN trong tương lai để phát triển bền vững.

Tác giả: 
Nguyễn Đặng Tuấn Minh – Quản lý & Đồng sáng lập KisStartup