Chuyển đổi số không chỉ là xu hướng, mà là một sự thay đổi tất yếu trong thời đại công nghệ phát triển không ngừng. Tuy nhiên, hành trình này không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ hay xây dựng sự hiện diện trực tuyến.
Tour dạy nhuộm chàm của HTX Mường Hoa. Ảnh: NVCC
Đối với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh, chuyển đổi số thường được hiểu hẹp là việc số hóa dữ liệu, sử dụng phần mềm quản lý hay bán hàng trên mạng. Nhưng đó chỉ là bước khởi đầu. Để thực sự thành công, chuyển đổi số cần được nhìn nhận từ góc độ chiến lược – nơi tư duy về mô hình kinh doanh, khách hàng và giá trị được đặt lên hàng đầu.
Chuyển đổi số không phải là đánh đổi
Nhiều doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh vẫn bị chi phối bởi tư duy truyền thống, trong đó “bán được hàng” là ưu tiên hàng đầu, còn công nghệ chỉ là “có cũng được”, thậm chí là “xa xỉ”. Tâm lý này xuất phát từ lo ngại rằng chuyển đổi số đồng nghĩa với việc đánh đổi quy trình quen thuộc, phát sinh thêm chí và thậm chí còn mất đi khách hàng truyền thống – những người vẫn quen với cách thức giao dịch cũ.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường và hành vi khách hàng thay đổi nhanh chóng, những suy nghĩ mang tính phòng thủ như vậy có thể khiến doanh nghiệp mất đi cơ hội cạnh tranh. Khách hàng ngày nay không còn bị giới hạn bởi không gian vật lý; họ ưa chuộng sự tiện lợi, đa kênh và hành trình mua sắm thường bắt đầu từ các nền tảng số. Điều này đặt ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp chưa sẵn sàng thay đổi.
Những bước chuyển mình từ tư duy phòng thủ sang chủ động luôn là yếu tố quyết định trong hành trình chuyển đổi số. Để đạt được thành công, doanh nghiệp cần nhìn nhận số hóa không phải là sự đánh đổi, mà là cơ hội để tạo ra giá trị mới và mở rộng thị trường.
Ví dụ điển hình là Hợp tác xã (HTX) Mường Hoa (Lào Cai), ban đầu họ suy nghĩ rằng chuyển đổi số sẽ làm mất đi cách thức kinh doanh truyền thống hoặc không phù hợp với ngành nghề của mình. Về sau, họ thay đổi suy nghĩ, coi đây là cơ hội để đưa các sản phẩm địa phương đến gần hơn với khách hàng thông qua việc số hóa. Họ bắt đầu với các bước đơn giản như chụp ảnh sản phẩm, đăng tải lên mạng xã hội kèm theo nội dung mô tả chân thực và rõ nét. Những hình ảnh gần gũi đã nhanh chóng thu hút sự chú ý từ người tiêu dùng, giúp họ nhận được những đơn hàng đầu tiên mà không cần chi phí quảng cáo.
Sự chuyển đổi này không chỉ dừng lại ở việc bán hàng online. Việc sử dụng phần mềm quản lý để ghi nhận doanh thu và theo dõi đơn hàng đã giúp HTX Mường Hoa kiểm soát luồng tài chính một cách hiệu quả hơn. Không những thế, nhờ tăng trưởng doanh thu và mở rộng mạng lưới khách hàng, họ đã có cơ hội tham gia các hội chợ triển lãm, qua đó tiếp cận các thị trường lớn hơn và nâng tầm thương hiệu địa phương.
Một ví dụ khác là HTX Tân Xuân 269 (Sơn La). Ban đầu, họ từ chối tham gia các dự án chuyển đổi số vì cho rằng nó không phù hợp với mô hình sản xuất của mình. Nhưng chỉ sau một buổi học và thử nghiệm đăng bài trên Zalo, họ đã đạt được kết quả bất ngờ: bán ngay 1 tấn gạo và 200 lít mật ong. Thành công ban đầu này đã thay đổi hoàn toàn cách nhìn nhận của họ, từ sợ hãi sự thay đổi sang chủ động khai thác cơ hội.
Câu chuyện của hai HTX minh chứng cho việc khi doanh nghiệp từ bỏ tư duy phòng thủ và sẵn sàng thử nghiệm những phương pháp mới, họ không chỉ vượt qua thách thức mà còn nắm bắt được những cơ hội lớn lao. Tư duy chủ động này chính là nền tảng để chuyển đổi số mang lại giá trị bền vững, tạo động lực đổi mới và mở ra những cánh cửa mới trong kinh doanh.
Chuyển đổi số không chỉ là bài toán công nghệ
Trong chuyển đổi số, công nghệ chỉ là phương tiện, mục tiêu là làm sao để tạo dựng được niềm tin và kết nối với khách hàng, dựa trên việc thấu hiểu giá trị cốt lõi của mình.
Ví dụ, HTX Đặc sản Tây Bắc ban đầu sở hữu một fanpage với hơn 19.000 lượt thích, nhưng hơn nửa trong số đó là lượt thích ảo hoặc sai đối tượng, dẫn đến doanh thu không hiệu quả. Doanh nghiệp không đầu tư vào nội dung, chiến lược và mối quan hệ bền vững với khách hàng, dẫn đến sự thiếu mặn mà trong việc quản lý kênh trực tuyến.
Sau khi thay đổi tư duy và chiến lược, HTX tập trung kể những câu chuyện về sản phẩm – từ nguồn gốc, quy trình sản xuất đến giá trị độc đáo. Sự kiên nhẫn trong việc xây dựng lại fanpage đã tạo nên đột phá: lượt tương tác tăng mạnh, doanh thu cải thiện rõ rệt, và họ còn xây dựng được một hệ thống quản lý minh bạch, giúp gắn kết bền vững với khách hàng.
Hợp tác xã Tân Xuân 269 chuyên về sản xuất măng nứa sấy khô. Ảnh: NVCC
Kết nối với khách hàng không đồng nghĩa với việc phải tạo ra những chiến dịch quảng bá rầm rộ. Cơm Lam Giàng Dự là một minh chứng cho điều đó. Từ những câu chuyện giản dị và chân thật trên mạng xã hội về nguyên liệu và quá trình làm ra chiếc bánh chưng, ống cơm lam, họ đã tạo dựng sự gần gũi với khách hàng. Người tiêu dùng ngày nay không chỉ tìm kiếm sản phẩm, mà còn muốn hiểu giá trị và câu chuyện đằng sau thương hiệu.
Việc minh bạch trong giao tiếp và tạo ra những câu chuyện gắn liền với sản phẩm đã giúp Cơm Lam Giàng Dự thu hút được các đơn hàng lớn từ nhiều nơi, đồng thời mang lại doanh thu ổn định. Nhờ đó, họ tiếp tục nhận thấy có thể dùng phần mềm để quản lý dữ liệu khách hàng và tài chính, tối ưu hóa quy trình và thậm chí còn mở rộng cơ hội kinh doanh. Đây là một minh chứng cho thấy, niềm tin và kết nối trong môi trường số không phải là điều “vô hình” mà hoàn toàn có thể được xây dựng từ những hành động nhỏ.
Một yếu tố quan trọng khác trong tư duy chuyển đổi số là khả năng khai thác giá trị văn hóa và biến chúng thành giá trị kinh tế. Tổ hợp tác Bản Liền (Lào Cai) đã khéo léo áp dụng chiến lược “kể chuyện để kết nối” thông qua việc chụp lại những hình ảnh đẹp về đời sống địa phương và chia sẻ trên các nền tảng số. Những câu chuyện thú vị về cuộc sống và văn hóa không chỉ thu hút sự quan tâm của khách hàng mà còn mở ra cơ hội kinh doanh mới.
Từ bước đầu chỉ là chia sẻ hình ảnh, Tổ hợp tác Bản Liền đã phát triển các tour trải nghiệm văn hóa và hợp tác với các đối tác như ezCloud để quản lý dịch vụ lưu trú, từ đó mở rộng quy mô kinh doanh. Điều này cho thấy, tư duy đổi mới về giá trị văn hóa có thể mang lại hiệu quả kinh tế bền vững, biến di sản thành động lực phát triển.
Tư duy cá nhân hóa thay vì công thức chung
Số hóa (digitization) là bước đầu tiên trong hành trình chuyển đổi số, nơi các quy trình truyền thống được thay thế bằng quy trình kỹ thuật số. Nhưng điều này không tạo nên sự khác biệt lớn nếu mô hình kinh doanh cốt lõi không thay đổi. Đổi mới mô hình kinh doanh (business model innovation) là cấp độ cao hơn, nơi doanh nghiệp tận dụng công nghệ để tạo ra giá trị mới hoặc cung cấp giá trị hiện có theo những cách sáng tạo hơn.
Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp sẽ có một con đường chuyển đổi số riêng và không có một công thức chung nào cho tất cả. Mỗi doanh nghiệp cần cá nhân hóa hành trình của mình dựa trên giá trị cốt lõi và mục tiêu riêng. Các ví dụ như HTX Mường Hoa hay Tổ Hợp tác Bản Liền đều cho thấy rằng việc điều chỉnh chiến lược phù hợp với nhu cầu và năng lực nội tại là yếu tố then chốt để thành công.
Chẳng hạn, HTX Mường Hoa đã đi từ việc đăng tải câu chuyện về quá sản phẩm tới tối ưu quá trình quản lý tài chính bằng công nghệ. Trong khi đó, Tổ hợp tác Bản Liền lại tập trung vào việc phát triển các tour du lịch văn hóa, kể các câu chuyện về di sản và sử dụng công nghệ để quản lý dịch vụ lưu trú.
Tư duy linh hoạt để thích nghi
Chuyển đổi số không chỉ là việc hiện diện trên nền tảng số mà còn là cách doanh nghiệp ứng phó với những biến động trong tương lai, từ khủng hoảng kinh tế đến thay đổi hành vi tiêu dùng. Những doanh nghiệp có tư duy linh hoạt và sẵn sàng thay đổi sẽ dễ dàng thích nghi và đứng vững hơn trong môi trường cạnh tranh khốc liệt.
Công nghệ trong chuyển đổi số chỉ là phương tiện, tư duy mới là yếu tố quyết định. Khi các doanh nghiệp nhận ra rằng công nghệ không chỉ hỗ trợ mà còn là nền tảng để đổi mới mô hình kinh doanh, tối ưu hóa quy trình, và kết nối sâu hơn với khách hàng, họ sẽ tạo ra giá trị bền vững và nâng cao khả năng cạnh tranh.
Những câu chuyện từ Cơm Lam Giàng Dự, HTX Mường Hoa, HTX Tân Xuân 269, hay Tổ hợp tác Bản Liền đều cho thấy một điểm chung: thay đổi tư duy là bước đi đầu tiên và quan trọng nhất trong hành trình chuyển đổi số. Đó là hành trình mà mọi doanh nghiệp, dù lớn hay nhỏ, đều có thể bắt đầu – chỉ cần có sự chủ động, tự tin và sẵn sàng hành động từ những bước nhỏ nhất.
Bài đăng KH&PT số 1324+1325 (số 52/2024+1/2025)