ĐO LƯỜNG TÁC ĐỘNG DOANH NGHIỆP TẠO TÁC ĐỘNG

13/05/21 02:05:22 Lượt xem:

Tác giả: Tạ Hương Thảo

Theo báo cáo “Thúc đẩy phát triển khu vực doanh nghiệp tạo tác động xã hội tại Việt Nam” (2018), doanh nghiệp tạo tác động xã hội được định nghĩa là “một tổ chức ở đó hoạt động thương mại và cam kết tạo tác động tích cực lên xã hội/môi trường là hai nguyên lý trung tâm của chiến lược vận hành tổ chức. Việc cân bằng giữa mục tiêu xã hội/môi trường với mô hình thương mại cho phép loại hình tổ chức này có thể giải quyết các thách thức xã hội và môi trường một cách bền vững”. Hay nói ngắn gọn, doanh nghiệp tạo tác động xã hội = mô hình kinh doanh + tác động xã hội/môi trường.

Không khó để chứng minh tính khả thi của mô hình kinh doanh của doanh nghiệp tạo tác động xã hội khi hiện tại có khá nhiều công cụ, điển hình là Mô hình kinh doanh Canvas. Nhưng ở cấu phần còn lại – tác động - không ít doanh nghiệp hiện nay vẫn còn lúng túng khi không biết làm thế để xác định và đo lường tác động từ đó chứng mình với nhà tài trợ, nhà đầu tư, khách hàng doanh nghiệp tạo ra thay đổi gì, tác động tới ai, thay đổi đó diễn ra như thế nào, v.v.

Một trong hai công cụ phổ biến nhất và được chấp nhận nhiều nhất trên toàn thế giới chính là Lý thuyết thay đổi (Theory of Change – ToC). Xuất hiện vào những năm 1990s, Lý thuyết thay đổi được dung để mô hình hóa và đánh giá hiệu quả của những sáng kiến cộng đồng của Aspen Institute.

Trước hết để đo lường tác động cần hiểu tác động là gì?

Tác động là gì?

Theo khái niệm được đưa ra trong nghiên cứu trên, tác động được hiểu là những thay đổi tích cực lên xã hội/môi trường, tuy nhiên, người viết đồng tình với quan điểm rằng tác động “có thể tích cực hoặc tiêu cực, có chủ đích hoặc không có chủ đích”. Lí do người viết đồng tình với quan điểm này là bởi lẽ doanh nghiệp có thể tạo tác động tích cực tới nhóm đối tượng này nhưng có thể (không chủ đích) tạo tác động tiêu cực tới nhóm đối tượng khác. Xét tác động ở nhiều mặt giúp doanh nghiệp nhìn bức tranh tổng thể về rủi ro/thách thức mình có thể gặp phải từ đó đưa ra kế hoạch hoạt động hiệu quả.

Tại sao cần đo lường tác động?

Đo lường thứ gì đó luôn tốt hơn đo lường không gì cả

Clear Impact.Com

  • Lên kế hoạch: Như Mô hình kinh doanh giúp bạn có cái nhìn tổng quan về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, việc đo lường tác động giúp bạn biết những thứ bạn đang làm (phần kinh doanh) có đang giúp bạn đạt được mục tiêu tốt đẹp cho cộng đồng, xã hội, môi trường như ban đầu bạn đề ra hay không
  • Cải thiện & Triển khai: Như đã nói ở trên, việc đo lượng giúp bạn biết hoạt động nào đang làm tốt và hoạt động nào không từ đó bạn có thể tối đa hóa tác động bạn tạo ra.
  • Hợp tác: Nhìn vào hoạt động bạn đang làm và tác động của nó, bạn có thể xác định đối tác nào bạn nên làm việc cùng để cùng bạn đem lại tác động sâu rộng hơn.
  • Chứng minh: Làm thế nào bạn chứng minh bạn là nhân tố chính dẫn tới tác động xã hội/môi trường đó hay bạn chỉ là một mắt xích nhỏ? Việc đo lường giúp bạn việc này. Những bằng chứng này cũng quan trọng với nhà tài trợ hay nhà đầu tư đang quan tâm tới bạn.
  • Kể chuyện: Câu chuyện tạo tác động của bạn góp phần tạo nên sự khác biệt của bạn với đối thủ cạnh tranh. Một câu chuyện tạo tác động thuyết phục nên là một câu chuyện có bằng chứng để chứng minh cho những tác động bạn tạo ra. Bằng chứng đó không đâu khác chính là từ việc bạn đo lường tác động.

Đo lường như thế nào?

Phiên bản đơn giản của Lý thuyết thay đổi gồm 6 cấu phần chính:

  1. Vấn đề (Issue): Vấn đề xã hội/môi trường bạn đang giải quyết
  2. Hoạt động (Activity): Hoạt động cốt lõi của bạn giải quyết vấn đề và dẫn tới tác động xã hội/môi trường. Đôi khi một số doanh nghiệp hoạt động này là hoạt động kinh doanh (Ví dụ đào tạo cho người khuyết tật) nhưng một số lại không (ví dụ: sử dụng người lao động là người khuyết tật).
  3. Ai (People/Planet): Ai/cái gì chịu tác động/thay đổi bởi hoạt động của bạn
  4. Kết quả trực tiếp (Output): Kết quả trực tiếp tạo ra bởi hoạt động doanh nghiệp đang triển khai. Kết quả này thường là những con số và có thể đo lường được.
  5. Kết quả ngắn-trung-dài hạn (Outcome): Đây là những kết quả tạo ra từ kết quả phía trước.
  6. Tác động (Impact): mục tiêu cộng đồng/môi trường cuối cùng bạn hướng tới.

Phần quan trọng nhất của Lý thuyết thay đổi không nằm ở việc liệt kê 5 cấu phần trên mà nằm ở việc kiểm chứng mối liên kết giữa những cấu phần này. Hay nói cách khác, làm thế nào để bạn chứng minh được Hoạt động A dẫn tới Kết quả B và dẫn tới kết quả cuối cùng như bạn đưa ra. Công việc này là công việc khó khăn nhất, tốn nhiều thời gian nhất nhưng cũng thú vị nhất khi đo lường tác động bởi từ đây bạn có thể thấy rằng có những hoạt động bạn đang đầu tư nhiều công sức lại không hề dẫn tới kết quả như bạn mong muốn.

Vậy làm thế nào để bạn chứng minh được những mối liên kết này? Trước hết, bạn cần xác định chỉ số đo lường (chỉ số định lượng và định tính). Sau đó thu thập dữ liệu cho từng tiêu chí thông qua khảo sát qua điện thoại, khảo sát online, phỏng vấn 1-1, phỏng vấn nhóm, hay quan sát hành vi. Tùy thuộc vào chỉ số bạn muốn đo, bạn xác định phương pháp thu thập dữ liệu hiệu quả, chính xác.

Làm thế nào để tạo ra bản ToC hiệu quả?

Đến đây, bạn có thể phác thảo ra câu chuyện tạo tác động của bạn nhưng như vậy chưa đủ. Để có bản Lý thuyết thay đổi hiệu quả, bạn nên cân nhắc tới một số yếu tố dưới đây:

  • Bối cảnh, giới hạn và rủi ro: Như đề cập ban đầu, ngoài tác động tích cực, bạn nên liệt kê tác động tiêu cực hay rủi ro bạn có thể tạo ra/gặp phải. Bên cạnh đó, bổi cảnh kinh doanh lúc đó (ví dụ Covid19) cũng là điều bạn nên liệt kê để thấy hết khó khăn bạn có thể gặp phải trong quá trình đạt được mục tiêu đề ra từ đó có kế hoạch khắc phục hiệu quả.
  • Xây dựng – Đo lường – Học hỏi: Giống như Mô hình kinh doanh Canvas (BMC), những gì bạn phác thảo ra trong ToC sẽ chỉ là giả định nếu không được kiểm chứng. Mỗi giả định không được kiểm chứng cẩn thận đều có thể tác động tiêu cực tới chuỗi kết quả phía sau.

Kết hợp Mô hình kinh doanh Canvas và Lý thuyết thay đổi, doanh nghiệp tạo tác động xã hội có thể dễ dàng chứng minh cả tính khả thi và tính tác động của dự án trên 1 trang giấy trước nhà đầu tư, nhà tài trợ, đối tác, khách hàng hay với chính đội ngũ trong doanh nghiệp. Để cả hai mô hình hiệu quả, doanh nghiệp cần không ngừng kiểm chứng giả đình và liên tục điều chỉnh hai mô hình để có cái nhìn toàn diện và thực tế về hoạt động doanh nghiệp.

---

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Tài liệu đào tạo Impact Criteria & Measurement – Why & How của WWF, Panda Labs và KisStartup
  2. Tài liệu Frontier Incubators Program
  3. https://www.actknowledge.org/services/theory-of-change/history/
  4. https://www.sopact.com/theory-of-change?fbclid=IwAR1GpvYYNf34FZti1SZfn4Vzm1nASPM_9dYaahRmzpgFm-mn6BIlzJ93d18
  5. https://www.kisstartup.com/vi/cong-cu-mo-hinh-kinh-doanh-canvas-cho-doanh-nghiep-va-doanh-nghiep-xa-hoi   
Tác giả: 
Tạ Hương Thảo - Capacity manager - KisStartup