Chúng ta không ai xa lạ với câu chuyện thần thoại David đánh bại người khổng lồ Goliath. Trong thế giới của những biến động không ngừng, việc xuất hiện những chàng David có khả năng làm khuynh đảo trật tự và làm khó cho những người khổng lồ không phải là hiếm có.
Hitec Konec diễn ra vừa qua ở Hải Phòng với 70 cuộc kết nối, trong đó có 15 cuộc kết nối với động lực đầu tư, còn lại là để hiểu thêm về công nghệ.
Cứ thử nhìn lại điện thoại di động của chúng ta, bao nhiêu % trong số các ứng dụng trên đó của những startup? Chúng ta đều tự có câu trả lời cho chính mình và nhận ra rằng có lẽ doanh nghiệp lớn không đợi bị doanh nghiệp nhỏ đánh bại, tìm cách hợp tác với nhau để chung sống sẽ tốt hơn rất nhiều. Thực tế là, đời sống của chúng ta đang ngày càng lệ thuộc nhiều hơn vào những mô hình mới mẻ lặp lại và nhân rộng ra được mà người ta gọi là startup này. Điều đó dẫn đến một thực tế, dù một doanh nghiệp lớn đến đâu, dù là B2B hay B2C, cũng buộc phải để mắt đến những mô hình kinh doanh mới nếu muốn tồn tại, phát triển. Chính những áp lực này đặt doanh nghiệp vào những thách thức mà dù dùng những mỹ từ như chuyển đổi số hay đổi mới sáng tạo nhưng bản chất cũng phản ánh một điều rằng, nếu không thay đổi và tìm kiếm những mô hình mới, cách thức mới sáng tạo giá trị mới, ngay cả những doanh nghiệp lớn cũng sẽ không tránh khỏi gặp khó.
Cũng có một thực tế là, với cái mới, người ta có xu hướng hoặc mù quáng lao vào nó, hoặc hồ hởi đón tiếp nó hoặc học hỏi, hợp tác với thái độ thận trọng, cũng có thể dè dặt, lo sợ, chống đối, phản đối cơ hội hợp tác, cạnh tranh, và cũng có thể coi thường, không chấp nhặt. Muôn kiểu thái độ phản ánh những tư duy khác nhau đang ít nhiều ảnh hưởng đến những hợp tác giữa những ông lớn và những mô hình kinh doanh mới còn đang ở giai đoạn mới mẻ chớm phát triển. Và cũng vì vậy, có rất nhiều vấn đề phải bàn để thực sự có được cái bắt tay hiệu quả giữa Goliath và David.
Trước tiên, tại sao phải có hợp tác này?
Lẽ đương nhiên, hợp tác với doanh nghiệp lớn, trưởng thành, startup có nhiều ích lợi như ta vẫn nhìn thấy, đó là mở rộng thị trường, gia tăng giá trị cho những khách hàng sẵn có của doanh nghiệp, là tận dụng nguồn lực, mạng lưới của doanh nghiệp v..v. Tuy nhiên, việc hợp tác không phải chỉ vì lợi ích của startup hay là một sự ban ân huệ cho các startup. Động lực đến từ chính cả các doanh nghiệp trưởng thành mong muốn đổi mới. Một cuộc khảo sát do Unilever tiến hành với 204 doanh nghiệp lớn và 114 startup về triển vọng hợp tác đến 2025 cho thấy, động lực học hỏi nhiều điều mới (Startup 88%/Tập đoàn: 85%); động lực gia tăng hiệu quả hoạt động (Startup 81%/Tập đoàn: 81%); động lực giải quyết vấn đề theo cách mới có thể nhân rộng ra được: (Startup 89%/ Tập đoàn: 80%)
Trên thực tế, việc hợp tác không còn là trên lý thuyết, những mong muốn động lực của doanh nghiệp thể hiện rõ qua khảo sát dưới đây mà đứng đầu bảng là mong muốn tìm hiểu khám phá các công nghệ mới và/hoặc mô hình kinh doanh mới; hiểu biết sâu sắc về xu hướng công nghiệp non trẻ; Mua lại tiềm năng các startup cùng ngành nghề hoặc bổ trợ; chứng minh rằng tổ chức của chúng tôi là “sáng tạo”; Tiếp cận tài năng và năng lượng mới; Nâng cao trách nhiệm xã hội của công ty và Kiếm lợi nhuận tài chính từ đầu tư (mạo hiểm).
Cũng trong cuộc khảo sát này 80% doanh nghiệp tin rằng startup sẽ có tác động tích cực lên cách tiếp cận của công ty lớn với đổi mới sáng tạo; 89% startup tin rằng họ có thể đưa ra các giải pháp cho doanh nghiệp, những giải pháp này có thể nhân rộng. Tuy nhiên, ở Việt Nam điều gì đang ngăn cản họ bắt tay nhau?
Sự e dè từ hai phía: Không khó để tìm ra những ví dụ về những mối hợp tác bất thành giữa startup và doanh nghiệp trưởng thành do sự è dè từ cả hai phía. Startup với đặc thù của mình vốn không phải là một doanh nghiệp lớn thu nhỏ, thiếu sự chuyên nghiệp, thiếu quy trình chuẩn mực và thiếu hiểu biết về doanh nghiệp lớn. Trong khi đó, các doanh nghiệp lớn cũng còn thiếu niềm tin với các startup. Tâm lý của những cỗ máy có thâm niên chạy ổn định luôn đối lập với những thứ mới mà ít nhiều người ta cho rằng đang theo phong trào. Thiếu thông tin, thiếu niềm tin, việc tiếp cận với doanh nghiệp lớn chưa bao giờ dễ dàng với startup. Ngay cả khi có cơ hội bắt tay hợp tác với doanh nghiệp, sự khác biệt về tư duy của hai phía xoay quanh vấn đề phát triển một sản phẩm bán được cho doanh nghiệp cũng khó đưa việc hợp tác đến thành công. Startup say sưa với sản phẩm mà quên đi vấn đề và lợi ích của các khách hàng doanh nghiệp. Ngoài ra, vòng đời bán hàng của startup buộc phải tối ưu ở mức ngắn nhất có thể để sống sót đối lập với quy trình phức tạp và tốc độ ra quyết định chậm chạp tại các doanh nghiệp tổ chức lớn. Không khó hiểu khi trên thế giới nhiều doanh nghiệp tập đoàn lớn tạo ra những sandbox mang tính thử nghiệm để tự mở rộng cơ hội hợp tác với startup bằng việc đơn giản hóa quy trình, ra quyết định nhanh và gia tăng tốc độ thử nghiệm. Ở Việt Nam, những sandbox như thế này còn rất mới mẻ và cũng là cụm từ xuất hiện hơn một năm trở lại đây. Tuy nhiên, để trở thành một hoạt động thực sự có giá trị cho doanh nghiệp, cần có sự đầu tư bài bản về con người và quan trọng hơn là tư duy của đội ngũ lãnh đạo dẫn dắt thử nghiệm.
Thiếu động lực đổi mới sáng tạo từ chính doanh nghiệp:
Hitec Konec năm 2018 kết nối các doanh nghiệp và startup trong công nghiệp phụ trợ và logistic. Mở đầu sự kiện là chia sẻ của anh Trần Mạnh Huy, công ty VBPO (Đà Nẵng) và Trần Quang Cường, công ty Nextfarm về các công nghệ mới.
Mặt khác cũng cần phải nhìn vào một thực tế là, mặc dù các doanh nghiệp đang mong muốn ứng dụng và làm chủ công nghệ như báo chí vẫn thường nói, chi cho nghiên cứu phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn rất thấp. Điều này xuất phát từ cả những nguyên nhân nội tại là sức ì của doanh nghiệp và những yếu tố thuộc môi trường vĩ mô. Theo báo cáo của World Bank năm 2017 thì mức chi trả cho hoạt động R&D của doanh nghiệp Việt Nam đang kém hơn so với Campuchia và thuộc top dưới trong khối các nước Đông Nam Á; năm 2018 chúng ta vẫn còn đưa ra ý kiến xem có nên bỏ mức giới hạn 10% đầu tư cho đổi mới sáng tạo hay không? Nếu còn những giới hạn như vậy thì động lực đổi mới sáng tạo và đầu tư cho hoạt động này sẽ chưa thực sự có những đột phá mạnh mẽ và cửa để startup có thể tham gia một phần của câu chuyện như vườn ươm, tăng tốc, hay bán mình cho doanh nghiệp lớn chắc còn là bài toán xa ở Việt Nam.
Các hình thức hợp tác giữa doanh nghiệp trưởng thành, các tập đoàn với startup gồm:
● Ươm tạo: Vườn ươm doanh nghiệp
● Tăng tốc: Ươm tạo và tăng tốc đổi lấy cổ phần
● Hackathons: Thiết kế sản phẩm dịch vụ trong thời gian ngắn
● Platforms: Xây dựng nền tảng
● Channels: Biến doanh nghiệp thành kênh bán hàng do sự phù hợp về lợi ích
● Spinoffs: Phát triển doanh nghiệp từ hoạt động nghiên cứu phát triển của tập đoàn lớn
● Bán hàng cho doanh nghiệp
Cần những nỗ lực phá băng
Một vài điều chúng tôi rút ra từ những câu chuyện từ thực tế triển khai việc kết nối giữa doanh nghiệp lớn và startup. HiTech Konec là một chương trình chúng tôi thực hiện bên lề của Techfest – một sự kiện thường niên cho startup công nghệ nhằm tạo một không gian cho startup gặp gỡ doanh nghiệp trưởng thành quan tâm đến công nghệ mới có cơ hội hợp tác, bán hàng cho nhau. Một phần không thể thiếu trong mỗi sự kiện này là việc mời một hoặc một vài chuyên gia có chuyên môn sâu về một công nghệ để chia sẻ xu hướng ứng dụng công nghệ cụ thể trong một hoặc vài ngành. Việc đào tạo này giúp doanh nghiệp trưởng thành có cái nhìn cụ thể hơn công nghệ mới đó có thể làm gì và làm thế nào để làm việc với các startup một cách hiệu quả. Sau 3 năm tổ chức, chúng tôi còn nhận ra cần phải hỗ trợ chính các doanh nghiệp lớn để họ nhìn ra bức tranh và cơ hội hợp tác với startup và chỉ ra cho các startup cách thức làm việc và bán hàng với doanh nghiệp lớn. Phần lớn các startup được hỏi đều trả lời họ rất khó tiếp cận các doanh nghiệp lớn, còn doanh nghiệp lớn thì rất ít có thời gian để tìm hiểu về các giải pháp mới của startup. Họ quen với những nhà cung cấp chuyên nghiệp và có bộ máy ổn định. Năm 2019, chúng tôi có dịp cùng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN, Bộ KH&CN tiếp tục phát triển HiTech Konec này thí điểm trước Techfest 2019 tại Hải Phòng và với Sàn giao dịch công nghệ Hải Phòng- Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng. Các startup được gặp gỡ trực tiếp các đại điện của các doanh nghiệp tập đoàn lớn tại Hải Phòng như General Electrics, đại diện Vinmart, Nhựa Tiền Phong, Vân Long, Mega Market, Tân Phong An. Cuộc gặp gỡ diễn ra bằng màn pitching của các startup và hỏi đáp nhanh từ khán giả là các chủ doanh nghiệp, các nhà đầu tư tiềm năng (vốn cũng là các chủ doanh nghiệp). Những câu hỏi thẳng thắn trực diện của doanh nghiệp vào giải pháp, chi phí, quy trình thực sự là một bài tập lớn cho các startup. Nó đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng và hiểu về nhu cầu của doanh nghiệp trước khi đi vào gặp gỡ trực tiếp 1:1 với khoảng 70 cuộc kết nối chính thức và không tại bàn trong đó 15 cuộc kết nối là với động lực đầu tư, phần còn lại là tìm hiểu công nghệ và cơ hội hợp tác. D.I.D, một startup trong mảng danh tính điện tử, dữ liệu thông minh chia sẻ: “Đây là một cơ hội quan trọng với những startup B2B như bên mình. Những gặp gỡ như thế này đã giúp D.I.D có cơ hội đi tiếp vào buổi gặp sâu hơn với đối tác mà bình thường sẽ mất rất nhiều thời gian để tìm kiếm và tiếp cận”. Khi chúng tôi hoàn thành bài viết, D.I.D đã có lịch hẹn chính thức với hai đối tác và tiếp tục về Hải Phòng để thực hiện những công việc sâu hơn. Hành trình để đi đến hợp đồng và hợp tác chính thức có lẽ còn dài, nhưng những nỗ lực ban đầu có sự tham gia của các nhà quản lý, các nhà vận hành các tổ chức hỗ trợ thực sự quan trọng và đáng trân trọng. Nó cũng giống như vốn mồi ban đầu cho hành trình xa hơn, bền vững hơn của startup. □
Trong 10 năm trở lại đây, tổng cộng gần 207 triệu USD đã được đầu tư vào 11.305 startup qua 579 chương trình tăng tốc trong doanh nghiệp, theo Báo cáo Chương trình tăng tốc Toàn cầu 2016 của Gust. Nguồn: http://gust.com/accelerator_reports/2016/global/