Đại diện của KisStartup trình bày tại Hội thảo về Bảo tồn di sản văn hóa người Mông ở Bắc Hà gắn với phát triển du lịch
Đại diện KisStartup, KisImpact và Chương trình ươm tạo mô hình kinh doanh trên nền tảng văn hóa di sản - HCI tham gia trình bày tại Hội thảo: “Định hướng và giải pháp bảo tồn di sản văn hóa người Mông Bắc Hà, Si Ma Cai gắn với phát triển du lịch địa phương giai đoạn 2025-2030.”
Sự kiện được tổ chức theo Kế hoạch số: 388/KH-HTKH ngày 26/11/2024, trong khuôn khổ Đề tài NCKH cấp tỉnh: “Nghiên cứu, bảo tồn văn hóa truyền thống người Mông huyện Si Ma Cai và huyện Bắc Hà gắn với phát triển du lịch.”
Tại hội thảo, bà Nguyễn Đặng Tuấn Minh, đại diện KisStartup, đã trình bày chuyên đề: “Chuyển đổi số & Cơ hội cho bảo tồn, khai thác và phát triển du lịch trên nền tảng văn hóa di sản - Bài học từ thế giới và câu chuyện từ Việt Nam.”
Nội dung chính:
Bài trình bày nhấn mạnh vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo (Creative and Culture Industry - CCI) như một động lực chính cho phát triển kinh tế bền vững và toàn diện. Bà Minh chia sẻ rằng, năm 2021, Liên Hợp Quốc đã chỉ định là Năm quốc tế về nền kinh tế sáng tạo vì sự phát triển bền vững, đánh dấu sự công nhận văn hóa di sản như một nguồn lực quý giá, đặc biệt quan trọng trong việc tái thiết kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Bài học từ thế giới:
- Ethnotek: Mô hình thương mại gắn liền với giá trị văn hóa truyền thống.
- Maria's Bag: Thương hiệu sử dụng các sản phẩm thủ công truyền thống để tạo dựng giá trị kinh tế và xã hội.
Đề xuất từ KisStartup:
- Nhận diện: Xác định các giá trị văn hóa di sản cần số hóa.
- Số hóa: Lưu giữ và chuyển đổi dữ liệu văn hóa vào định dạng số.
- Tìm kiếm mô hình kinh doanh mới: Tận dụng công cụ số để khai thác giá trị văn hóa.
- Làm giàu: Sáng tạo thêm giá trị từ di sản văn hóa số hóa.
- Đầu tư: Phát triển hạ tầng, công nghệ, bảo tồn các giá trị văn hóa di sản, đào tạo nhân lực, nghệ nhân
- Bảo tồn & Phát triển: Đảm bảo sự bền vững của di sản.
Giải pháp cụ thể:
- Thí điểm hỗ trợ homestay: Nâng cao năng lực quảng bá và thu hút du khách.
- Ứng dụng công nghệ mới: Số hóa tiềm năng văn hóa để phục vụ quảng bá du lịch.
- Đào tạo trực tuyến: Tăng cường kỹ năng cho cán bộ địa phương và các chủ homestay, đảm bảo khả năng duy trì sau khi dự án kết thúc.
- Phát triển nguồn nhân lực địa phương: Đào tạo đội ngũ kế cận, xây dựng một hệ sinh thái phát triển bền vững.
Mục tiêu hướng tới:
- Phát triển du lịch dựa trên nền tảng di sản văn hóa.
- Thúc đẩy cộng đồng địa phương trở thành trung tâm bảo tồn và khai thác giá trị văn hóa bền vững.
Mong muốn đóng góp của KisStartup và dự án IDAP:
Việc tham gia hội thảo này là minh chứng cho cam kết của KisStartup và dự án IDAP - Tăng cường hệ sinh thái chuyển đổi số bao trùm trong việc thúc đẩy khai thác nền tảng văn hóa di sản vào phát triển du lịch tại các địa phương. Dự án IDAP, triển khai từ 2024-2027, đặt mục tiêu không chỉ bảo tồn mà còn khai thác bền vững các giá trị văn hóa trong hành trình xây dựng hệ sinh thái chuyển đổi số, đồng hành cùng sự phát triển của các ngành du lịch địa phương và cộng đồng bản địa.
Bài trình bày của đại diện KisStartup đã mang đến góc nhìn phát triển mô hình kinh số bền vững giúp kết nối chuyển đổi số với bảo tồn văn hóa, góp phần thúc đẩy các sáng kiến phát triển du lịch gắn liền với bản sắc văn hóa truyền thống.