Mentoring tại Airbnb

Hãy đưa mentoring vào doanh nghiệp

Khi “khởi nghiệp”, “đổi mới sáng tạo” nổi lên trong vài năm qua ở Việt Nam, người ta để ý rất nhiều đến những khái niệm mới nảy sinh ra từ câu chuyện này. Mặc dù không ít người nghĩ rằng, khởi nghiệp là thứ phong trào, song điều không thể phủ nhận là nó đang tạo ra những hiệu ứng không thể không suy nghĩ. 

Đó là nghĩ về cách làm mới, về sức mạnh của người trẻ, đó là cách ứng dụng công nghệ vào doanh nghiệp và sự chuyển mình của những cỗ máy già nua để thích nghi và nắm bắt xu hướng mới. Điều đó đồng nghĩa với việc nhiều khái niệm đã vượt ra khỏi phạm vi của khởi nghiệp hay đổi mới sáng tạo của những dự án và doanh nghiệp non trẻ, mà len lỏi vào những doanh nghiệp đã vận hành nhiều năm, thậm chí đang phải tìm cách làm mới lại mình và giảm sức ì, gia tăng hiệu quả.

Hãy đưa mentoring vào doanh nghiệp - ảnh 1

Nguyễn Đặng Tuấn Minh, CEO & Sáng lập KisStartup Innovation

Trong một chuyến đi tới Mỹ và có cơ hội gặp gỡ với không ít trong số 500 doanh nghiệp lớn nhất đất nước này, tác giả bài viết được chứng kiến một trong những cuộc chiến căng thẳng mà họ (bao gồm cả những doanh nghiệp trên 100 năm tuổi) phải đối mặt, là cuộc chiến thu hút nhân tài. Cuộc chiến này đang khiến những doanh nghiệp buộc phải chuyển mình mạnh mẽ từ chiến lược tới cách thức tổ chức (thêm những phòng ban mới về đổi mới sáng tạo, thu hút khởi nghiệp sáng tạo tham gia cùng giải bài toán của doanh nghiệp và thậm chí thay đổi hẳn không gian làm việc từ những tòa cao ốc thành các coworking space theo hướng trẻ trung hiện đại để thu hút tài năng trẻ vào làm việc).

Và một trong những điều ấn tượng nhất mà tác giả tìm hiểu được đó là sự phát triển mạnh mẽ hoạt động mentoring (tạm dịch là cố vấn) trong doanh nghiệp theo hướng sâu hơn, toàn diện hơn. Mentoring không mới trong những tập đoàn lớn của thế giới, nhưng ở Việt Nam, khái niệm này dường như còn mới mẻ ngay cả với những doanh nghiệp khởi nghiệp - đối tượng cần tìm kiếm những doanh nhân giàu kinh nghiệm để đồng hành, chia sẻ và lắng nghe mình.

Mentoring thường được hiểu là mối quan hệ giữa một người nhiều kinh nghiệm (mentor) hỗ trợ một người ít kinh nghiệm hơn (mentee) nhằm phát triển bản thân, đạt được mục tiêu và/hoặc hoàn thiện những kỹ năng trong cuộc sống. Trên thực tế, mentoring là một mối quan hệ đặc biệt, tự nguyện giữa hai bên và phi lợi nhuận. Để tham gia mối quan hệ này, cả hai bên cần thật sự nhận thức được, việc trở thành cố vấn/người được cố vấn là có ích cho mình. Mối quan hệ mentoring, khác với mối quan hệ huấn luyện, đào tạo, là mối quan hệ lâu dài và dựa trên nền tảng tôn trọng, chia sẻ và tự nguyện của cả hai để cùng phát triển.

Đến đây, có thể sẽ có người thắc mắc vậy tại sao các doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ cũng nên có hoạt động mentoring? Làm như vậy thì doanh nghiệp được lợi gì?

Trên thực tế, một mặt mentoring có thể mang lại những lợi ích được lượng hóa cụ thể bằng con số như: có một mentor tốt là nhân tố chính để gia tăng mức độ gắn kết với công ty đối với thế hệ Y (còn gọi là Millennials - những người sinh ra trong giai đoạn từ đầu thập niên 1980 đến đầu thập niên 2000). Thế hệ Y có xu hướng ở lại doanh nghiệp lâu hơn 5 năm nếu họ có một mentor (68%), gấp đôi so với nhóm không có mentor (32%). Nếu không phát triển văn hóa mentoring, các doanh nghiệp có nguy cơ mất người giỏi. Đó cũng là một trong những lý do khiến bản thân các lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp nên trở thành mentor để từ đó phát triển văn hóa mentoring trong tổ chức của mình (theo Forbes, 2017).

Những công ty trên thế giới đang sử dụng mentoring như một lợi thế cạnh tranh

Chương trình Mentoring trong doanh nghiệp của Facebook

Mục tiêu: Hỗ trợ hòa nhập đối với những kỹ sư trẻ tài năng mới gia nhập công ty bằng cách ghép cặp với những đồng nghiệp giàu kinh nghiệm trong công ty (cũng là những người trẻ).

Mô tả ngắn: 10 năm về trước, Facebook thậm chí còn không hề đào tạo nhân viên. Họ phát triển một hoạt động là Trại tập huấn Facebook kéo dài 7 tuần cho các kỹ sư trẻ và các quản lý dự án. Không phải để tăng tốc, chương trình này tập trung vào duy trì chuẩn mực cao của tổ chức, nhận diện những mentors nội bộ có khả năng dạy và đảm bảo những người được cố vấn học qua việc xử lý những tình huống thật. Và giờ bạn nhìn thấy, sau 10 năm Facebook đã lớn mạnh thế nào.

Chương trình mentoring tại Airbnb

Mục tiêu: Cho các chủ nhà nhiều kinh nghiệm (đang là khách hàng của Airbnb) cố vấn những chủ nhà ít kinh nghiệm (những khách hàng mới của Airbnb) cách làm chủ và cho thuê phòng. Chương trình mentoring đầy tính sáng tạo và độc đáo này thực sự chứng minh cơ hội vô tận về mentoring cho các tổ chức. 

Mô tả ngắn: Theo Airbnb, nếu bạn là một chủ cho thuê mới và không có đơn đặt hàng đầu tiên, bạn có thể đề nghị có một mentor. Một khi đã có mentor sẵn sàng chúng tôi sẽ ghép cặp cho bạn với người nói cùng ngôn ngữ và có sản phẩm tương tự. Quá trình mentoring có thể diễn ra qua email và kết thúc sau 30 ngày.

Bạn thấy đấy, Airbnb đã soán ngôi Google trở thành môi trường làm việc tốt nhất thế giới và thay đổi vĩnh viễn ngành du lịch.

Chương trình mentoring tại Intel

Mục tiêu: Gia tăng chuyển giao trí thức và kỹ năng cần thiết ngay lập tức trong công ty.

Mô tả ngắn: Intel luôn quan tâm đến nâng cao kỹ năng và kiến thức chuyên môn hơn là chia sẻ kinh nghiệm. Đó là lý do chương trình mentoring của họ tập trung vào mentoring đồng cấp. Nhân viên của công ty được khuyến khích tự phát triển hoạt động mentoring, kết nối với các nhân viên khác và lồng ghép văn hóa mentoring vào hoạt động. Mentoring ở Intel có thể coi là ví dụ điển hình tuyệt vời về mentoring trong tổ chức. Đây cũng là nhân tố đóng góp vào thành công cho hoạt động tái cấu trúc của Intel năm 2016.

Mặt khác, giá trị của mentoring cũng có thể được thể hiện qua những giá trị tinh thần mà doanh nghiệp có thể phải mất rất nhiều chi phí mà không thể xây dựng được. Văn hóa mentoring trong doanh nghiệp thực chất là một bằng chứng với người lao động rằng công ty thực sự quan tâm đến họ và lắng nghe câu hỏi của họ. Nó tạo được sự gắn kết của người lao động với doanh nghiệp và nâng cao sự hài lòng của người lao động - điều này đúng với cả những người được trở thành mentor và có một mentor. Và thực chất, đó có thể là cách tiết kiệm nhất để gia tăng sự hài lòng bền vững so với những chương trình team building đắt đỏ.

Mentoring cũng giúp bồi dưỡng thế hệ lãnh đạo mới vì đây chính là hoạt động hiệu quả và bền vững nhằm gia tăng kỹ năng và tầm ảnh hưởng của người lãnh đạo để tiến dần đến những vị trí lãnh đạo cao hơn. Cuối cùng, thay vì cạnh tranh lẫn nhau, mentoring sẽ tạo ra một văn hóa tương trợ, học hỏi lẫn nhau và sẵn sàng chia sẻ. Tại sao mentoring có thể làm được những điều như vậy? Bởi lẽ từ cả mentor và người đi tìm kiếm mentor đều có những động lực có lợi cho tổ chức.

Trên thế giới phổ biến 5 mô hình mentoring trong kinh doanh mà tùy theo đặc thù của ngành nghề, lĩnh vực, động cơ, các tổ chức khác nhau có thể theo đuổi những mô hình mentoring khác nhau (theo Management-mentors).

1. Mô hình mentoring 1:1

2. Mô hình mentoring dựa trên nguồn lực

3. Mô hình mentoring theo nhóm

4. Mô hình mentoring dựa trên đào tạo

5. Mô hình mentoring cho cấp quản lý/điều hành.

Động lực của người trở thành mentor thông thường là học hỏi từ thế hệ trẻ, chia sẻ và lắng nghe để giúp đỡ phát triển những người trẻ, rèn luyện bản thân về khả năng lãnh đạo và gây ảnh hưởng tích cực đến người khác, mong muốn đóng góp và trả lại cho cộng đồng những giá trị tốt đẹp.

Trong khi đó, động lực của người đi tìm kiếm một mentor (của nhân viên trẻ) thông thường là học hỏi từ những người có nhiều kinh nghiệm đi trước; lắng nghe những ý kiến phản biện hoặc những câu hỏi có ích để suy nghĩ về vấn đề của mình, phát triển mạng lưới và xây dựng quan hệ.

Nếu đến đây mà vẫn đang băn khoăn về câu chuyện các mô hình này thực tế chạy thế nào và mang lại hiệu quả gì, doanh nghiệp có thể tham khảo mô hình của những công ty như Airbnb, Facebook hay Intel và cách họ đang dùng mentoring để tạo ra lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ và thực sự đạt được những thành công mà không phải doanh nghiệp nào cũng có được.

Tại Việt Nam, cộng đồng SME Mentoring 1:1 đã chứng kiến một trong những doanh nghiệp đầu tiên mang mô hình mentoring 1:1 vào tổ chức, đó là Saigon Food. Sau những thử nghiệm ban đầu, Saigon Food nhận thấy những giá trị gắn kết đặc biệt cho các thành viên trong Công ty. Điều đó minh chứng cho một giá trị, mọi lời giải cho các bài toán đều bắt đầu từ những câu hỏi tốt. Câu hỏi cho bài toán mentoring đầu tiên dành cho người chủ doanh nghiệp khi phải trả lời câu hỏi tại sao mình cần xây dựng chương trình mentoring trong nội bộ? Một khi đã trả lời được câu hỏi một cách chính xác, doanh nghiệp sẽ tìm ra cách thức phù hợp và sáng tạo để phát triển chương trình hiệu quả.

SME Mentoring 1:1 là cộng đồng đầu tiên ở Việt Nam tập trung vào xây dựng văn hóa mentoring hỗ trợ cho các chủ doanh nghiệp, quản lý với hơn 9.000 thành viên quan sát và khoảng 60 cặp mentor-mentee hoạt động từ năm 2011 đến nay.

Nguyễn Đặng Tuấn Minh, CEO & Sáng lập KisStartup Innovation

Nguồn: Báo Đấu Thầu

Tác giả: 
KisStartup