đổi mới sáng tạo mô hình kinh doanh

Đồng hành cùng SDG Challenge 2019 - những mô hình kinh doanh sáng tạo vì cộng đồng người khuyết tật

Trong 3 tuần hướng dẫn bao gồm đào tạo và huấn luyện tăng cường cùng các đội tham gia SDG Challenge 2019- Chương trình do UNDP và NSSC thuộc Bộ Khoa học công nghệ tổ chức. KisStartup đã khép lại những hoạt động ở hai vòng hỗ trợ các đội. Với mong muốn nâng cao năng lực cho đội ngũ các nhóm khởi nghiệp sáng tạo vì mục tiêu phục vụ cộng đồng người khuyết tật để các nhóm hoàn thiện mô hình kinh doanh, KisStartup không chỉ đào tạo mà còn huấn luyện và kết nối các nhóm với những chuyên gia về Sở hữu trí tuệ- TS. Phan Quốc Nguyên, Thuế - PGS.TS Lý Phương Duyên, Tài chính và mô hình kinh doanh tạo tác động- ThS. Đỗ Thu Giang và các hỗ trợ về vốn - Thriive. Song song với đó, 2 tháng sau chương trình đào tạo, đội ngũ Tình nguyện viên của KisStartup tiếp tục hỗ trợ truyền thông, marketing cho các dự án với những giá trị đặc biệt này.

Tóm tắt về một số đội tham gia SDG Challenge 2019: 

Goodluck - Khi ngôn ngữ không còn là rào cản

Với mục đích xây dựng công nghệ hỗ trợ giao tiếp cho người khiếm thính trong đời sống thường ngày cũng như trong công việc, Goodluck ra đời hướng đến các đối tượng là những người khiếm thính sử dụng được ngôn ngữ ký hiệu.

Được thành lập vào năm 2019 với chỉ 5 thành viên, Goodluck đã và đang từng bước phát triển sản phẩm nhận diện ngôn ngữ ký hiệu và hỗ trợ giao tiếp. Nhờ ý tưởng đột phá cũng như thiết thực trong đời sống, rút ngắn được thời gian và xóa bỏ rào cản giao tiếp giữa người khiếm thính với những người không biết ngôn ngữ ký hiệu, dự án đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ của xã hội nói chung và cộng đồng người khiếm thính nói riêng.

Hiện tại Goodluck đã bước đầu thành công với việc chuyển đổi từ kí hiệu ra văn bản. Trong tương lai, Goodluck được kỳ vọng sẽ xây dựng được hệ thống dịch real-time hai chiều, hoàn toàn xử lý được vấn đề khó khăn trong giao tiếp đối với người khiếm thính, qua đó tạo cho họ nhiều điều kiện phát triển bản thân trong công việc cũng như đời sống hơn, giúp đời sống của họ trở nên dễ dàng hơn.

Hợp tác xã Vụn Art - Nền tảng tạo việc làm cho người khuyết tật

Ra đời với mong muốn trở thành một trong những thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực quà tặng, lấy việc kinh doanh quà tặng và dịch vụ trải nghiệm làm trọng tâm để tạo việc làm và gây dựng quỹ hỗ trợ người khuyết tật.

Thông qua Tái sử dụng các nguyên vật liệu thừa trong quá trình sản xuất, Vụn Art hướng đến phục hồi chức năng về việc làm cho người khuyết tật thông qua hoạt động đào tạo nghề tranh ghép vải; tạo ra các sản phẩm, dịch vụ phục vụ khách hàng tốt nhất. Việc này vừa giúp bảo vệ môi trường đồng thời bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, thu nhập bền vững cho các đối tượng yếu thế trong đó có người khuyết tật.

Dự tính trong những năm tới, Vụn Art sẽ tiếp tục hoàn thiện cách thức tổ chức để trở thành DNXH hàng đầu tại Hà Nội trong lĩnh vực đào tạo nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật; cung cấp các sản phẩm quà tặng, dịch vụ sáng tạo cho các cơ quan doanh nghiệp và khách du lịch.

Bên cạnh đó, đây còn là hành động nhằm bảo tồn, giữ gìn và phát triển văn hóa truyền thống - một trong những mục tiêu quan trọng đối với mỗi quốc gia trong thời kỳ “thế giới phẳng”.

Lớp học Cánh diều - Giải pháp giáo dục cho trẻ em khuyết tật trí tuệ

️Với mong muốn tạo nên một xã hội công bằng cho tất cả mọi người, doanh nghiệp xã hội Cánh Diều tập trung phát triển mảng hướng nghiệp và giáo dục kỹ năng sống cho người tự kỷ, khuyết tật trí tuệ. Đồng thời Cánh Diều cũng hướng tới mình là cầu nối trung gian đáng tin cậy giữa người khuyết tật trí tuệ, người tự kỷ và nhà tuyển dụng.

Với mục tiêu như vậy, Cánh Diều xác định những nhiệm vụ ban đầu bao gồm: Xây dựng mô hình hướng nghiệp điển hình cho người tự kỷ khuyết tật trí tuệ; Tạo công ăn làm ổn định cho tối thiểu 10 lao động; Truyền thông, cung cấp kiến thức về sàng lọc can thiệp sớm khuyết tật cho phụ huynh, giáo viên và cộng đồng; Kết nối doanh nghiệp với người lao động là người khuyết tật; Đồng hành, hỗ trợ phụ huynh trên con đường hỗ trợ con hòa nhập cộng đồng.

Trong tương lai gần, lớp học Cánh Diều có định hướng để trở thành địa chỉ uy tín, một tháng có thể giới thiệu việc làm cho 10-20 bạn. Và xa hơn nữa, Cánh Diều dự định áp dụng AI trong tư vấn định hướng cho bố mẹ có trẻ bị khuyết tật trí tuệ, tự kỷ và xây dựng platform kết nối việc làm cho trẻ em khuyết tật trí tuệ với các doanh nghiệp khác.

Dịch vụ phiên dịch trực tuyến SCDeaf - Hành trình từ ý tưởng thành hiện thực

Là quán quân của cuộc thi SDG Challenge 2017, SCDeaf luôn là doanh nghiệp khởi nghiệp được đánh giá cao về ý tưởng sản phẩm dịch vụ phiên dịch trực tuyến. Đến với cuộc thi năm nay, SCDeaf đem đến mô hình lớp học dạy ngôn ngữ ký hiệu cho cả người điếc và người bình thường bên cạnh dịch vụ phiên dịch để xây dựng nên cộng đồng có thể giúp thay đổi nhận thức xã hội.

Dịch vụ phiên dịch trực tuyến của SCDeaf tạo cơ hội cho người điếc muốn giao tiếp với người bình thường một cách dễ dàng hơn thông qua việc sử dụng ứng dụng. Người điếc có thể truy cập ứng dụng và kết nối được cả phiên dịch viên và người nghe, từ đó phiên dịch viên sẽ trực tiếp dịch lại cho người nghe với tốc độ nhanh chóng.

Bên cạnh đó, với mong muốn ngày càng rút ngắn khoảng cách và nâng cao nhận thức của đại đa số với nhóm người yếu thế, Trung tâm đã tự tạo ra giáo trình dạy học thông qua kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy và tiếp xúc với người khuyết tật. Mỗi khóa học ngôn ngữ ký hiệu thường diễn ra trong 2-3 tháng, học viên tại đây được chia lớp theo trình độ cũng như bài kiểm tra xếp lớp sẽ được thay đổi dựa theo thời gian và xu thế xã hội. Thấy được rằng mô hình này có thể thu hút những bạn trẻ hứng thú và muốn giúp đỡ người khuyết tật, Trung tâm cam kết cung cấp việc làm cho những học viên đã hoàn thành khóa học và có mong muốn gắn bó lâu dài.

Trong tương lai, SCDeaf mong muốn có thể đào tạo và mở rộng nhân sự, mở rộng nền tảng để có thể phát triển thêm các hoạt động của mình, trở thành mô hình có tiếng nói khắp các tỉnh và cả nước. Thông qua cuộc thi, SCDeaf cũng tìm kiếm cơ hội để được hỗ trợ tạo riêng server và làm ứng dụng tại Việt Nam tăng thêm thuận tiện cho người sử dụng.

Enablecode - Dự án training và tạo việc làm cho người khuyết tật - "Chạm tay tới những điều tưởng chừng ngoài tầm với"

Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người khuyết tật cao nhất thế giới, bên cạnh đó kéo theo tỉ lệ người khuyết tật thất nghiệp cũng tương đối cao. Trước tình trạng đó, hai người ngoại quốc sinh sống một thời gian dài tại Việt Nam đã đưa ra giải pháp sáng tạo và vô cùng hiệu quả với mục đích giúp đỡ người khuyết tật Việt Nam nói chung và người khuyết tật thất nghiệp ở Việt Nam nói riêng. Cũng từ đây, Enablecode được thành lập.

Bắt đầu hoạt động chính thức từ năm 2017, Enablecode đã cung cấp hàng trăm khóa học cho người khuyết tật từ kỹ năng mềm đến chuyên môn. Sau khi đã hoàn thành khóa học, cũng chính họ sẽ trở thành nhân viên chính thức của công ty. Làm về xác minh hình ảnh trong quá trình phát triển trí tuệ nhân tạo, người khuyết tật hầu hết đều có cơ hội được đào tạo về công nghệ thông tin và trực tiếp tham gia vào các dự án của Enablecode. Trong đó có cả các dự án từ Hội Chữ thập đỏ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.

Mục đích Enablecode hướng đến không chỉ là tạo công ăn việc làm ổn định cho người khuyết tật tại Việt Nam mà còn tạo động lực cho những người khuyết tật khác cũng như mang lại niềm tin cho những bậc cha mẹ có con cái là người khuyết tật rằng con họ cũng có thể thành công trong tương lai.

Với bước đệm vững chắc như trên, Enablecode mong muốn đưa ra được hệ thống dữ liệu đào tạo hoàn chỉnh với hệ sinh thái đối tác. Thêm vào đó cũng hướng đến thị trường rộng lớn hơn, mở rộng phạm vi hoạt động ra quốc tế.

Đầu kéo xe lăn chạy điện ETIC - Hướng đi mới cải thiện khả năng di chuyển cho người khuyết tật
- "Khi thế giới tưởng chừng như sắp sụp đổ"

Sau một vụ tai nạn, founder của ETic trở thành người khuyết tật chi dưới. Khi mọi thứ gần như sụp đổ ngay trước mắt, anh nghĩ mình cần sống một cách có ích vì bản thân, vì gia đình và cho những người như anh. Bắt đầu từ việc muốn cái tiến phương tiện đi lại của bản thân, một người khuyết tật chi dưới đã chế tạo ra sản phẩm đầu kéo xe lăn kết hợp giảm xóc vô cùng thuận tiện phục vụ sinh hoạt cho rất nhiều người khuyết tật khác.

Tự tin là sản phẩm đầu kéo xe lăn đầu tiên tại Việt Nam, ETIC mang tới những chiếc xe có động cơ hoàn chỉnh nhất, ít xảy ra lỗi nhất và khả năng cân bằng chịu tải được để người dùng có thể yên tâm di chuyển. Sử dụng pin Nissan với chất lượng tốt, một chiếc xe sạc đầy pin có thể đi được quãng đường 50-60km, do đó từ 2015 đến nay đã có gần 1000 chiếc xe được đem đến tay người dùng. Đặc biệt, sản phẩm được Hiệp hội chấn thương cột sống, Trung tâm phục hồi Bạch Mai, Trung tâm sản xuất xe lăn Kiến Tường quan tâm và giới thiệu đến những đối tượng phù hợp. Ngoài ra, ETIC còn mang đến cơ hội việc làm cho cả người khuyết tật và người bình thường.

Trong tương lai, ETIC mong muốn mô hình của mình được hỗ trợ để mở rộng thị trường thành chuỗi phân phối sản phẩm/hợp tác xã cũng như phát triển thêm nhiều tính năng cho sản phẩm đầu kéo xe lăn. Để tăng tiếp cận cho người khuyết tật và những người cao tuổi, ETIC hy vọng sản phẩm của mình có thể xuất hiện tại các trung tâm giải trí, bệnh viện, điểm du lịch.

Tác giả: 
KisStartup