Sáng ngày 4/3, chín chuyên gia thuộc chương trình LIF Global 2025 tại Việt Nam, đã thảo luận với Tập đoàn Hồ Gươm để giúp tập đoàn tháo gỡ thách thức đang gặp phải.
Đây là buổi “pitching ngược” diễn ra lần đầu tiên với doanh nghiệp Việt Nam, khi doanh nghiệp chủ động “mở” bài toán bên trong để tìm đến giải pháp từ các nhà sáng tạo bên ngoài, thay vì những người có ý tưởng, công nghệ sẽ trình bày để kêu gọi doanh nghiệp đồng ý đầu tư, ứng dụng ý tưởng của mình.
Tập đoàn Hồ Gươm, sau hơn 30 năm phát triển đã mở rộng đến nhiều lĩnh vực như may mặc, bất động sản, giáo dục, công nghệ, đang mong muốn chuyển đổi số các hoạt động, bắt đầu từ giảm ùn tắc sản phẩm trên dây chuyền sản xuất hàng dệt may. Họ đã may mắn gặp LIF Global (Leaders in Innovation Fellowships), một chương trình tập trung vào xây dựng mối quan hệ và phát triển kinh doanh cho các nhà đổi mới sáng tạo đang trong giai đoạn phát triển đề xuất kinh doanh cho những đổi mới sáng tạo của mình. Chương trình do Học viện Kỹ thuật Hoàng gia Anh, phối hợp tổ chức với OXENTIA - công ty tư vấn về quản lý đổi mới sáng tạo và thương mại hóa công nghệ toàn cầu, có nguồn gốc từ Đại học Oxford.
Đại diện Tập đoàn Hồ Gươm trình bày về thách thức Tập đoàn đang gặp phải. Ảnh: Diễm Quỳnh
LIF Global quy tụ các nhà sáng tạo từ các nhà sáng tạo đến từ các nền kinh tế mới nổi trên toàn thế giới, mang đến cơ hội đào tạo, cố vấn và kết nối để giúp những ý tưởng từ các nhà sáng tạo phù hợp và dễ dàng đi vào thực tế hơn. LIF Global 2025 tại Việt Nam có sự tham gia của 9 nhà sáng tạo (innovator) thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như AI, công nghệ sinh học, y tế, xây dựng…
Qua ‘cầu nối’ Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp (VNU CSK) thuộc ĐHQGHN, và KisStartup - đối tác trong nước của LIF Global tại Việt Nam, Tập đoàn Hồ Gươm đã được kết nối với 9 nhà sáng tạo để thảo luận và tìm kiếm giải pháp cho thách thức họ gặp phải.
Sau khi thảo luận, các chuyên gia đã đưa ra một số giải pháp thiết thực như áp dụng cảm biến để nhận biết trọng lượng quá tải tại một vị trí trên dây chuyền, từ đó giúp người quản lý nhà máy dễ dàng phát hiện ùn tắc; ứng dụng mã vạch cho các sản phẩm trên dây chuyền để nắm được quá trình “di chuyển” trong lúc sản xuất của mỗi sản phẩm… Đại diện Tập đoàn Hồ Gươm nhận xét, các ý tưởng này “có thể áp dụng được” và sẽ tìm hiểu, cân nhắc thêm để ứng dụng tại nhà máy.
Những nhà sáng tạo trình bày giải pháp của mình. Ảnh: Diễm Quỳnh
Nhận xét về cuộc thảo luận này, chị Nguyễn Đặng Tuấn Minh, đại diện KisStartup với hơn 10 năm đồng hành cùng cộng đồng khởi nghiệp cho rằng “Cái hay ở đây là sự hợp tác đa ngành. Nếu chỉ có những nhà sáng tạo về AI, họ sẽ chỉ đưa ra giải pháp về AI nhưng với những innovator có chuyên môn khác, họ có cách tiếp cận sáng tạo và nhìn vấn đề theo một cách khác thì sẽ đưa đến những giải pháp khác. Hợp tác đa ngành sẽ đem đến những đổi mới không tưởng tượng trước được”. Vì vậy, chị hy vọng các doanh nghiệp có thể cởi mở các bài toán hơn để có thể tiếp cận được các ý tưởng mới từ các nhà sáng tạo khác trong tương lai.
Link bài viết: https://khoahocphattrien.vn/su-kien/doanh-nghiep-viet-lan-dau-pitching-n...