Covid-19

SME và những câu hỏi trước 7 xu hướng thúc đẩy chuyển đổi số

COVID 19 đến nhanh như một cơn lũ, càn quét qua các nền kinh tế và để lại những hậu quả khủng khiếp với nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp. Sau cơn lũ này, có những điểm yếu nội tại của doanh nghiệp đang lộ ra rõ nét, có những cơ hội trong khủng hoảng vì thế mà hình thành. Chỉ những doanh nghiệp có khả năng thích ứng cao mới có khả năng sống sót và thậm chí sống khỏe qua COVID 19. Ở khía cạnh tích cực, thì trong thách thức, COVID 19 giúp cho quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp diễn ra nhanh chóng hơn, hiệu quả hơn nếu doanh nghiệp thực sự biết tận dụng cơ hội này. 
Chính vì vậy, chuyển đổi số trở thành bắt buộc, không còn là lựa chọn có hay không mà là mệnh lệnh tồn tại hay là chết.  
SMEs đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế không chỉ bởi những đóng góp về việc làm, về sản lượng cho GDP mà còn bởi sự linh hoạt, khả năng thích ứng trong những môi trường biến động như hiện nay. Nhằm gợi ý những câu hỏi mà các doanh nghiệp SMEs nên đặt ra để nắm bắt những cơ hội và/hoặc nhận diện thách thức trong và sau COVID 19, bài viết phân tích theo 7 xu hướng thúc đẩy chuyển đổi số của doanh nghiệp SMEs theo nghiên cứu của Microsoft. (Nguồn: The Future of the Medium-Sized Business 7 Trends Driving SMEs’Digital Transformation)


1.    Làm việc linh hoạt
Làm việc từ xa trở thành lựa chọn bắt buộc khi COVID 19 diễn ra, nhưng ẩn đằng sau nó có nhiều câu chuyện và thông điệp hơn nữa. Khi làn sóng thứ nhất của COVID 19 đi qua, người ta dần nhận ra rằng, làm việc từ xa mang lại những lợi ích mà trước kia chưa bao giờ chúng ta nhận thấy. Sự tiết kiệm nguồn lực, thời gian di chuyển trên đường và khả năng vận hành mà không cần không gian vật lý. SMEs với đặc thù của mình là linh hoạt sẽ cắt giảm những chi phí gây lãng phí tốn kém, tận dụng các công cụ trực tuyến để vận hành hiệu quả hơn. Làm việc linh hoạt không chỉ thay đổi cách tương tác mà thực chất thể hiện sự thay đổi trong tư duy của chủ doanh nghiệp về sự cần thiết phải có một không gian hoặc sự hiện diện vật lý, nó chính là trao quyền cho nhân viên được tự do và chủ động với công việc của mình. Câu hỏi đặt ra với các chủ doanh nghiệp đó chính là: 
•    Bao nhiêu % trong vận hành/nhân viên doanh nghiệp có thể chuyển đổi sang làm việc linh hoạt?
•    Chuyển sang xu hướng này có thể tiết kiệm cho doanh nghiệp của bạn bao nhiêu chi phí? (Từ chi phí văn phòng, chi phí vận hành, chi phí quản lý nhân sự v..v) 
•    Làm việc linh hoạt có thể khiến bạn tuyển dụng thêm bao nhiêu người mà không phải quản lý
•    Làm việc linh hoạt có thể giúp bạn gia tăng bao nhiêu % doanh thu? 
•    Những công cụ nào giúp cho quá trình chuyển đổi này trở nên hiệu quả?

Chuyển đổi số. Chuyển đổi số là quá trình con người thay đổi cách sốngcách làm việc, và phương thức sản xuất với các công nghệ số” – GS. Hồ Tú Bảo (Nguồn: Tia Sáng)
2.    Cá nhân hóa trải nghiệm
Có lẽ chưa bao giờ trong lịch sử, với những áp lực khủng khiếp của giãn cách xã hội, con người lại phải lên mạng trực tuyến nhiều như vậy cho tất cả các nhu cầu học tập, mua bán, giải trí và làm việc. Thay vì 4h bình quân cho các mạng xã hội, có lẽ con số này đã tăng lên gấp đôi thậm chí gấp ba lần. Người tiêu dùng thay đổi, các doanh nghiệp thay đổi, đương nhiên các doanh nghiệp bán hàng cho những đối tượng này cũng buộc phải thay đổi. Con số theo thống kê của Microsoft là ở Mỹ, mới chỉ 8% khách hàng hài lòng với trải nghiệm của họ, có nghĩa là còn rất nhiều dư địa cho trải nghiệm của khách hàng được cải thiện ở những thị trường đang phát triển nơi thương mại điện tử mới chỉ ở giai đoạn khởi động. Nếu SMEs sâu vào hành vi, quy trình mua hàng và cảm xúc của khách hàng và muốn cải thiện nó thông qua chuyển đổi số, các câu hỏi đặt ra ở đây là:
•    Khách hàng của doanh nghiệp là ai? Họ đã thay đổi thế nào? Trải nghiệm của họ với doanh nghiệp đã thay đổi như thế nào – trực tuyến và ngoại tuyến? Khó khăn họ gặp phải là gì? Có khó khăn nào mới xuất hiện? Quy trình phải thay đổi thế nào để giải quyết những khó khăn này và/hoặc gia tăng giá trị cho họ?
•    Khách hàng mới xuất hiện là ai? Họ cần gì ở doanh nghiệp? Trải nghiệm của 
•    Công cụ nào có thể gia tăng giá trị cho những trải nghiệm này? Công cụ nào giúp quá trình hiểu trải nghiệm của họ hiệu quả hơn cho doanh nghiệp?

SMEs Việt Nam

Trong tổng số 518.000 doanh nghiệp đăng ký năm 2017, khoảng 500.000 doanh nghiệp là DNVVN. Các DNVVN đóng góp khoảng 47% GDP của đất nước và 40% ngân sách nhà nước, và khoảng chín triệu việc làm đã được tạo ra bởi các DNVVN.

3.    Quyết định dựa trên dữ liệu
73% những doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Mỹ thu thập, xử lý, phân tích, khai thác dữ liệu để ra quyết định  thấy những tác dụng rõ rệt của dữ liệu lớn trong vận hành doanh nghiệp. Tìm ra giá trị trong dữ liệu mới thực sự là ý nghĩa của dữ liệu lớn. Thách thức của doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam trước tiên nằm ở ý thức về tầm quan trọng của dữ liệu. Dữ liệu của các doanh nghiệp mặc dù không ít đã được số hóa nhưng phần lớn vẫn tản mát, thiếu chiến lược thu thập, xử lý, phân tích nên khâu khai thác để biến nó thành giá trị thì dường như chưa nhiều. Chưa kể rất nhiều doanh nghiệp còn để những dữ liệu này nằm trong tay của đơn vị thứ ba mà không hề có chiến lược kiểm soát. Câu hỏi đặt ra với SMEs trong vấn đề dữ liệu quan trọng nhất vào thời điểm này là:
•    Doanh nghiệp đang đối xử với tài sản dữ liệu của mình như thế nào? (thu thập, xử lý, phân tích, khai thác?)
•    Doanh nghiệp có nhìn thấy những cơ hội và thách thức từ hiện trạng dữ liệu của chính mình?
•    Doanh nghiệp sẽ thực hiện theo lộ trình như thế nào để sử dụng dữ liệu trong quá trình đổi mới mô hình kinh doanh của mình?

Một số con số về SME Việt Nam trong COVID 19

Theo một cuộc khảo sát cho thấy, 52% doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam có kế hoạch đầu tư trong năm nay bất kể Covid-19, tỷ lệ cao nhất ở Đông Nam Á. Nguồn: VnExpress.2020

Tháng trước, Tổng cục Thống kê Việt Nam (GSO) báo cáo rằng 29.200 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động trong sáu tháng đầu năm 2020, trong khi 19.600 doanh nghiệp khác đang chờ hoàn tất thủ tục giải thể.

Trong cùng thời kỳ, 565.000 người đã yêu cầu trợ cấp thất nghiệp do 7,8 triệu công nhân bị mất việc làm hoặc bị giảm giờ làm việc. Ở chiều ngược lại, 13.700 công ty được thành lập vào tháng 6, nâng tổng số doanh nghiệp mới lên 62.000, mặc dù con số này giảm 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguồn: https://hrmasia.com/
4.    Trí tuệ nhân tạo
Theo Microsoft, từ chatbots, tự phục vụ và quản lý mối quan hệ khách hàng, dự báo bán hàng, AI cho phép các doanh nghiệp vừa và nhỏ nắm bắt, quản lý và đo lường khách hàng và tương tác với doanh nghiệp của họ. Tuy nhiên, SMEs Việt Nam còn khá mơ hồ với ứng dụng AI trong sản xuất và kinh doanh và không biết bắt đầu từ đâu. Việc ứng dụng AI vào sản xuất kinh doanh đòi hỏi phải có sự chuẩn bị về mặt dữ liệu. Chỉ khi có dữ liệu đúng và phù hợp, doanh nghiệp mới có thể đặt ra bài toán về việc sử dụng AI ở mức độ nào cho những vấn đề nào cần giải quyết. Việc xác định vấn đề cũng như tìm ra mức độ ứng dụng AI để giải quyết nó phụ thuộc chủ yếu vào sự chuẩn bị dữ liệu của doanh nghiệp.  
Một số câu hỏi đặt ra là: 
•    Mức độ sẵn sàng về dữ liệu và các kênh thu thập dữ liệu của doanh nghiệp
•    Vấn đề lớn nhất doanh nghiệp đang gặp phải là gì? 
•    Làm thế nào để tối ưu chi phí và gia tăng doanh thu thông qua tự động hóa quy trình sử dụng trí tuệ nhân tạo?
•    Doanh nghiệp nên bắt đầu từ những bước đơn giản nào để làm quen và hiểu về AI?

5.    Trao quyền cho người tiên phong: Rõ ràng bài toán chuyển đổi số không chỉ là công nghệ mới hay phần mềm mới, nó cần cách nghĩ mới. Như đã phân tích ở trên, con người là chủ thể của quá trình này. Doanh nghiệp muốn CĐS hiệu quả thì cần có những con người tiên phong với cách làm mới và tư duy mới. Chủ doanh nghiệp thay vì tư duy đóng phải hướng đến tư duy mở, chấp nhận những cách tiếp cận mới và dám trao quyền cho những người có năng lực tiên phong. Câu hỏi đặt ra là:
•    Những ai sẽ là những người tiên phong trong doanh nghiệp cho công cuộc chuyển đổi số?
•    Doanh nghiệp sẽ cung cấp gì cho người được trao quyền (thông tin, hiểu biết sâu) để họ có thêm sức mạnh, năng lực?
•    Doanh nghiệp sẽ thay đổi tư duy như thế nào để trao quyền hiệu quả cho những người này?
•    Doanh nghiệp sẽ đầu tư những gì để người được trao quyền thực thi hiệu quả quyền của họ?

6.    Giải pháp đám mây
Các giải pháp đám mây đang giúp doanh nghiệp giảm đáng kể những đầu tư cho hạ tầng công nghệ khi áp dụng các công nghệ mới trong chuyển đổi số và gia tăng khả năng thích ứng và điều chỉnh linh hoạt của doanh nghiệp trong bối cảnh mới. Mặt khác, với các giải pháp đám mây, SMEs có thể mở rộng quy mô cung cấp dịch vụ mà không gia tăng chi phí đầu tư lớn. Nhận diện các vấn đề hiện tại xoay quanh quy trình và dịch vụ của mình và tìm kiếm các giải pháp đám mây phù hợp sẽ là một quá trình đòi hỏi có câu hỏi đúng và nhân sự phù hợp. Các câu hỏi đặt ra là:
•    Chiến lược nào doanh nghiệp đang lựa chọn cho doanh nghiệp của mình? Chiến lược thị trường bản địa? Chiến lược thị trường nước ngoài?
•    Những giải pháp đám mây nào đang có khả năng đáp ứng các nhu cầu này?
•    Giải pháp đó tương thích như thế nào với những hệ thống đang có tại doanh nghiệp?
•    Khả năng thu thập, khai thác, bảo mật dữ liệu của doanh nghiệp với những giải pháp này?
•    Nhân sự cần thiết để vận hành các giải pháp?

7.    An ninh mạng
Xây dựng và bảo vệ tài sản trong công cuộc chuyển đổi số là một thách thức lớn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam. Nếu chưa nhận thức về chuyển đổi số hay vấn đề dữ liệu, mọi ứng dụng công nghệ mới có thể đẩy doanh nghiệp vào những rủi ro mới. Phòng bao giờ cũng tốt hơn chống, những đầu tư cho chuyển đổi số luôn luôn phải song hành với đầu tư phòng các rủi ro. Câu hỏi lớn nhất đặt ra cho mỗi doanh nghiệp chính là rủi ro lớn nhất mà doanh nghiệp gặp phải cho tài sản của mình khi chuyển đổi số là gì? Khi nhận diện được những rủi ro, với sự chuẩn bị của mình, doanh nghiệp sẽ có những đầu tư thích đáng cho việc xây dựng những quy trình an toàn hơn, hiệu quả hơn cho nội bộ và trong tương tác với các yếu tố môi trường bên ngoài. 


Cuối cùng, có thể thấy, với 7 xu hướng trên, chuyển đổi số đang tác động vào mọi khía cạnh của mô hình kinh doanh của một doanh nghiệp từ phân khúc khách hàng, giá trị mang lại cho khách hàng, các nhóm kênh, cách quan hệ khách hàng, dòng doanh thu, hoạt động chính của doanh nghiệp, nguồn lực chính, đối tác chính và cấu trúc chi phí. 7 xu hướng tác động đến chuyển đổi số này sẽ tạo ra biến đổi cốt lõi của mô hình kinh doanh. “Bất kỳ công ty nào có hoạt động cốt lõi có thể chuyển sang trực tuyến đều cho thấy những kết quả tích cực bất ngờ”. Olivier D’Assier. Trưởng Bộ phận Nghiên cứu Ứng dụng Khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại Qontigo
 

Tác giả: 
Nguyễn Đặng Tuấn Minh - Sáng lập & CEO KisStartup