5 phút mỗi ngày: Sách khởi nghiệp: WORK SMARTER NOT HARDER – Phần 1: Sức mạnh của tập trung

Thượng Đế rất công bằng với cả người giàu có và người nghèo, tất cả đều chỉ có 24h một ngày, vì vậy làm gì với nguồn tài nguyên này là do bạn. Timo đã đưa ra những cách rất thú vị và mang tính thực hành cao để bạn có thể có cách cải thiện một ngày làm việc hiệu quả. Tôi nhận ra rằng, việc thực hành và luyện thành thói quen khó hơn rất nhiều so với dành 5 phút đọc phần này. Tuy vậy, có thể bạn giống tôi, hãy tập trung vào nguyên tắc hoặc gợi ý nào bạn thấy thú vị nhất hoặc ấn tượng nhất và thử trước. Dù bắt đầu từ đâu, chắc chắn hiệu suất của bạn sẽ được cải thiện. Hãy đọc và thực hành cùng tôi. Tạ Hương Thảo – Điều phối các chương trình nâng cao năng lực tại KisStartup.

 

 

 


work harderWORK SMARTER NOT HARDER by Timo Kiander

“Làm việc thông minh hơn thay vì chăm chỉ hơn” (Work Smarter not Harder) của Timo Kiander đưa ra 18 cách khác nhau để cải thiện một ngày làm việc của bạn. Timo Kinder đưa ra nhiều lời khuyên từ học kỹ năng máy tính hữu ích mới đến hiểu những nhịp độ và đầu mục công việc của bạn. “Làm việc thông minh hơn thay vì chăm chỉ hơn” sẽ từng bước giúp bạn nâng cao năng suất lao động.

“Để tạo nền tảng vững chắc cho năng suất lao động, bạn cần có đủ những đặc điểm sau: tư duy đúng, tập thể dục, chế độ dinh dưỡng hợp lý và ngủ đủ giấc”

1.   KHỞI ĐẦU NGÀY MỚI ĐẦY NĂNG LƯỢNG

Bằng việc học cách thức dậy sớm, bạn có thể có thêm thời gian cho buổi sáng và tận hưởng ngày mới tốt hơn. Hãy tự quyết định, sau đó đặt báo thức và cam kết thực hiện theo kế hoạch đã đề ra.

Thay đổi chu kỳ ngủ của bạn theo từng bước một, mỗi lần khoảng 15 phút, trong 3-4 đêm. Một khi bạn cảm thấy thoải mái với sự thay đổi nhỏ này, hãy thực hiện một điều chỉnh khác cho thời gian thức dậy của bạn và chú ý đến thời gian bạn đi ngủ.

Một khi bạn đã theo được nhịp sinh học mới này, hãy tận dụng khoảng thời gian này để đầu tư cho bản thân. Ví dụ, bạn có thể thiền, đọc sách hoặc bắt đầu một chế độ tập thể dục mới.

2. HIỂU NHỊP ĐỘ LÀM VIỆC TỐI ƯU CỦA BẠN

Để cải thiện sự tập trung và hiệu quả công việc, bạn hãy cố gắng tìm ra nhịp độ làm việc phù hợp với bạn nhất. Dưới đây là một vài gợi ý.

Phương pháp Pomodoro

Mỗi lần làm việc kéo dài 25 phút, giữa mỗi lần làm việc nghỉ giải lao 5 phút. Cứ thế cho đến khi bạn lặp lại vòng này lần thứ 4 thì bạn nghỉ dài khoảng 15 – 30 phút.

Khoảng 90 phút

Cơ thể chúng ta làm việc theo vòng 90 phút/lần. Đây là khoảng thời gian cơ thể chúng ta tập trung và làm việc hiệu quả nhất. Sau đó chúng ta nghỉ 20 phút.

Quy tắc 52 – 17

Theo quy tắc này, bạn sẽ làm việc 52 phút và nghỉ giải lao 17 phút.

3. TRÁNH XA MỌI THỨ LÀM XAO NHÃNG

Có 3 thứ khiến bạn xao nhãng trong suốt quá trình làm việc, đó là: các công cụ giao tiếp, người khác và xao nhãng từ bên trong.

Hãy cố gắng kiểm soát trang mạng xã hội và email tốt nhất có thể. Bạn có thể đặt ra quy định, ví dụ, kiểm tra mail và trang mang xã hội 2 lần/ngày, mỗi lần chỉ kéo dài 15 – 20 phút.

Cho dù đó là thành viên gia đình hay đồng nghiệp của bạn, bạn cũng nên thay đổi để tránh phiền nhiễu, ví dụ, yêu cầu mọi người không làm việc trong lúc bạn làm việc, thay đổi vị trí làm việc hoặc mua tai nghe chống ồn hoặc tới văn phòng sớm hơn mọi người.

Đảm bảo bạn có ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi và có đủ năng lượng để tránh “sự phiền nhiễu nội tâm” như những suy nghĩ lơ đãng.

4. ĐẶT MỤC TIÊU MỖI NGÀY

Hãy tập cho mình một thói quen là lên kế hoạch cho từng ngày. Cách này giúp bạn biết chính xác bạn nên tập trung vào công việc gì khi bắt đầu ngày mới. Bạn cũng không cần phải vận dụng trí nhớ để nhớ xem bạn cần làm gì bởi mọi thứ đều sẵn sàng trên giấy.

5. UỐNG NƯỚC

Không chỉ đem lại lợi ích về sức khỏe, uống nước còn có tác động tới năng suất lao động. Một nghiên cứu được thực hiện bởi The University of East London đã chỉ ra rằng uống nước giúp nâng cao hiệu suất của não bộ lên 14%.

Hãy bắt đầu uống nhiều nước hơn ngay từ hôm nay. Cơ thể và não bộ sẽ biết ơn bạn vì điều đó!

6. XÁC ĐỊNH CÔNG VIỆC QUAN TRỌNG NHẤT VÀ LÀM NÓ TRƯỚC

Để xác định đâu là công việc quan trọng, hãy cân nhắc các yếu tố sau:

1. Tác động lâu dài của một công việc
2. Tác động ngắn hạn của một công việc

Trong trường hợp đầu tiên, một nhiệm vụ – khi hoàn thành – có thể có tác động lớn đến tương lai của bạn. Rất có thể, đây là nhóm công việc bạn nên tập trung ngay bây giờ, ngày cả khi chưa ngay kết quả.

Hiệu quả ngắn hạn cũng có thể đóng một vai trò lớn khi cân nhắc tới thứ tự ưu tiên. Ngay cả nếu việc đó có vẻ không quan trọng với bạn nhưng lại quan trọng với người khác bởi người ta phụ thuộc vào công việc đó để làm những công việc khác. (*)

(*) Bạn có thể đọc cách đặt thứ tự ưu tiên qua bài viết 2×2 – Công cụ thiết lập thứ tự ưu tiên trong khởi nghiệp


“KisStartup nhận ra rằng, việc đọc cả một cuốn sách dài với những founder của startup là điều không khả thi. Vì vậy, cần có một cách tóm tắt hiệu quả hơn chỉ là giới thiệu sách, một tóm tắt đủ cẩn thận với độ dài vừa phải, với những thông điệp quan trọng. Được mentor Phan Đình Tuấn Anh của SME Mentoring 1:1 giới thiệu, chúng tôi đã tìm được địa chỉ có những cuốn sách được tóm tắt và giới thiệu một cách cẩn thận tại Paul Minors. Sau khi được Paul cho phép, chúng tôi lựa chọn cuốn sách phù hợp nhất với khởi nghiệp, đội nhóm của KisStartup tìm đọc các cuốn sách nguyên gốc để đảm bảo chắc chắn một lần nữa cuốn sách phù hợp với các khởi nghiệp và chuyển nghĩa sang tiếng Việt. Trong suốt 2018, chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu với bạn những cuốn sách này và chia nhỏ theo từng phần để phù hợp thời lượng đọc của bạn tối đa 5 phút mỗi lần.

Các cuốn sách được đồng nghiệp của tôi tại KisStartup – Tạ Hương Thảo – Điều phối các chương trình nâng cao năng lực  và Mai Phạm – Điều phối truyền thông và phát triển mạng lưới tại KisStartup  chuyển nghĩa. Tôi hy vọng bạn cũng như tôi tìm được giá trị từ cuốn sách này. Đúng như tác giả của cuốn sách Ben Horowitz nói: “Cái khó không phải là đặt ra những mục tiêu lớn, thách thức và táo bạo. Cái khó chính là việc bạn phải sa thải nhân viên khi bạn không thực hiện được những mục tiêu lớn ấy“. Làm thế nào để cùng nhau xây dựng tầm nhìn, trở thành một CEO theo đúng nghĩa và duy trì được sự kiên định trên con đường sáng tạo giá trị, hãy cùng đọc, khám phá và thực hành“.

Nguyễn Đặng Tuấn Minh. Quản lý & Đồng sáng lập KisStartup

HUẤN LUYỆN VIÊN KHỞI NGHIỆP - COACHSách khởi nghiệpTư duy khởi nghiệpTags

Tác giả: 
KisStartup

Tài liệu khác