“KisStartup nhận ra rằng, việc đọc cả một cuốn sách dài với những founder của startup là điều không khả thi. Vì vậy, cần có một cách tóm tắt hiệu quả hơn chỉ là giới thiệu sách, một tóm tắt đủ cẩn thận với độ dài vừa phải, với những thông điệp quan trọng. Được mentor Phan Đình Tuấn Anh của SME Mentoring 1:1 giới thiệu, chúng tôi đã tìm được địa chỉ có những cuốn sách được tóm tắt và giới thiệu một cách cẩn thận tại Paul Minors. Sau khi được Paul cho phép, chúng tôi lựa chọn cuốn sách phù hợp nhất với khởi nghiệp, đội nhóm của KisStartup tìm đọc các cuốn sách nguyên gốc để đảm bảo chắc chắn một lần nữa cuốn sách phù hợp với các khởi nghiệp và chuyển nghĩa sang tiếng Việt. Trong suốt 2018, chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu với bạn những cuốn sách này và chia nhỏ theo từng phần để phù hợp thời lượng đọc của bạn tối đa 5 phút mỗi lần.
The Hard Thing about Hard things là cuốn đầu tiên chúng tôi giới thiệu bởi chúng tôi thấy ở đó sự đồng cảm với những khởi nghiệp, những câu chuyện không bao giờ cũ về con người và thái độ ứng xử với startup và những con người trong tổ chức vốn sinh ra để đi tìm kiếm những mô hình kinh doanh mới đầy thách thức nhưng không ít cám đỗ. Khởi nghiệp nhiều khó khăn và đòi hỏi những nỗ lực phi thường. Ben Horowitz đưa ra những thông điệp cô đọng, chỉ ra những điều cần thiết khi đôi khi ta lãng quên. Khi đọc nó, tôi nhận ra một điều, văn hóa doanh nghiệp có lẽ cũng hình thành từ sự trưởng thành của người sáng lập khởi nghiệp sáng tạo từ vai trò một sáng lập viên – startup founder- thành người sở hữu một doanh nghiệp sáng tạo giá trị – business owner.
Cuốn sách được đồng nghiệp của tôi tại KisStartup – Tạ Hương Thảo – Điều phối các chương trình nâng cao năng lực tại KisStartup” chuyển nghĩa. Tôi hy vọng bạn cũng như tôi tìm được giá trị từ cuốn sách này. Đúng như tác giả của cuốn sách Ben Horowitz nói: “Cái khó không phải là đặt ra những mục tiêu lớn, thách thức và táo bạo. Cái khó chính là việc bạn phải sa thải nhân viên khi bạn không thực hiện được những mục tiêu lớn ấy“. Làm thế nào để cùng nhau xây dựng tầm nhìn, trở thành một CEO theo đúng nghĩa và duy trì được sự kiên định trên con đường sáng tạo giá trị, hãy cùng đọc, khám phá và thực hành“. Nguyễn Đặng Tuấn Minh. Quản lý & Đồng sáng lập KisStartup
The Hard Thing about Hard things- Phần 1 – Khi mọi thứ bắt đầu đổ vỡ
Cuốn sách The Hard Thing about Hard things của doanh nhân Ben Horowitz – một trong những vị doanh nhân giàu kinh nghiệm và đáng kính tại Sillicon Valley – chỉ dẫn cách bắt đầu và vận hành công ty khởi nghiệp. Ben Horowitz chia sẻ hành trình của chính mình rồi từ đó đưa ra lời khuyên cho câu hỏi làm thế nào để trở thành một CEO thành công, tạo dựng công ty có tầm nhìn, khuyến khích văn hóa làm việc, tuyển dụng, cắt giảm nhân sự và rất nhiều thông tin bổ ích khác. Đây là cuốn sách gối đầu cho những ai đang kiếm tìm lời khuyên bổ ích về kinh doanh!
CEO đều phải đối mặt với khó khăn. Vậy đâu là bí quyết để trở thành một CEO thành công? Đáng tiếc, chẳng có bất kỳ bí quyết nào nhưng nếu là kĩ năng thì đó chính là sự kiên định và khả năng tìm ra hướng đi phù hợp nhất cho doanh nghiệp. Lúc bạn cảm thấy thất bại ê chề mới chính là lúc bạn có thể tạo nên sự khác biệt lớn nhất.
Giai Đoạn Khủng Hoảng
Mọi CEO đều khởi đầu với tầm nhìn rõ ràng. Bạn sẽ tạo ra một môi trường làm việc tuyệt vời, thu hút những người thông minh nhất cùng cho ra sản phẩm làm hài lòng khách hàng và giúp thế giới tốt đẹp hơn. Thật tuyệt phải không? Nhưng sau đó, sau khi làm việc ngày đêm để biến giấc mơ thành hiện thực, bạn thức dậy và nhận ra rằng mọi thứ đang không đi theo hướng bạn đã vạch ra. Sản phẩm của bạn gặp phải vấn đề. Thị trường không vận hành theo ý muốn. Nhân viên mất tự tin và nghỉ việc. Khách hàng cũng rời bỏ bạn. Mọi thứ sụp đổ ngay trước mắt. Và bạn thì rơi vào Khủng hoảng (The Struggle).
Khủng hoảng không phải là thất bại nhưng nó sẽ gây ra thất bại đặc biệt khi bạn nhụt chí. Phần lớn mọi người đều không đủ kiên cường để vượt qua giai đoạn này. Nhưng đừng lo, mọi doanh nhân nổi tiếng trên thế giới như Steve Jobs hay Mark Zuckerberg đểu trải qua thời kỳ Khủng hoảng của chính mình. Nhưng không phải ai cũng có thể vượt qua thời kỳ này. Đó là lí do tại sao nó được gọi là Khủng hoảng. Lúc khó khăn nhất chính là lúc điều tuyệt vời nhất xảy ra.
Lời khuyên giúp bạn vượt qua Khủng hoảng
- Đừng gánh vác khó khăn một mình.
- Đây không phải ván cờ đam. Đây là ván cờ vua. Vậy nên, nó phức tạp.
- Bạn chơi càng lâu thì càng có cơ hội gặp may.
- Đừng đơn thương độc mã.
- Nhớ rằng, đây là giai đoạn giúp bạn trưởng thành.
CEO hãy thành thật
CEO thường nghĩ rằng lo lắng cho vấn đề của công ty là việc của riêng mình. Và điều đó không hề đúng. Nếu công ty mất một khách hàng lớn thì tất cả công ty phải cùng biết nguyên nhân để cùng nhau giải quyết lỗ hổng trong sản phẩm, marketing và bán hàng. Hãy giao cho những người không chỉ có thể giải quyết vấn đề mà còn hào hứng làm.
Minh bạch trong công ty bởi 3 lí do sau đây:
- Sự tin tưởng. Không có sự tin tưởng, không thể làm việc.
- Càng nhiều người cùng giải quyết vấn đề càng tốt.
- Văn hóa công ty tốt giống như giao thức định tuyến (RIP): tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa. Nếu bạn làm chủ doanh nghiệp, bạn buộc phải lạc quan. Vượt qua áp lực, đối mặt với sợ hãi và nhìn thẳng vào vấn đề.
Cách cắt giảm nhân viên
Cắt giảm nhân viên không phải chuyện dễ dàng. Dưới dây là một vài lời khuyên giúp bạn cắt giảm nhân viên hợp tình hợp lý.
- Hiểu mình định làm gì.
- Không trì hoàn
- Hiểu lý do cho nhân viên nghỉ việc
- Đào tạo quản lý để biết cách cắt giảm nhân viên
- Thông báo tới toàn thể công ty về việc cắt giảm nhân viên và nêu lý do tại sao.
- Rõ ràng và thực tế – nói rõ về tình hình công ty, không lảng tránh.
Chuyển nghĩa bởi Tạ Hương Thảo – Điều phối các chương trình nâng cao năng lực tại KisStartup“.
Nguồn: Paul Minors
KIẾN THỨC CHO STARTUP, Sách khởi nghiệp, Tư duy khởi nghiệpTagskisstartup, paul minors, Sách khởi nghiệp, tạ hương thảo, the hard thing about hard things