văn hóa học hỏi từ thất bại

“Xin chúc mừng! Chúng ta đã sai rồi!”

Chấp nhận thất bại vốn là một trong những tố chất phân biệt người lựa chọn làm kinh doanh với những người lựa chọn những phương án ổn định và an toàn hơn trong cuộc sống. Tuy vậy, hiểu về thất bại như thế nào cho đúng và ứng xử như thế nào với thất bại là điều mà tôi muốn đề cập với các bạn trong bài viết này.

Tác giả: Nguyễn Đặng Tuấn Minh. Quản lý & Đồng sáng lập KisStartup . Nguồn: Tia Sáng

Chấp nhận THẤT BẠI – một văn hóa nên khuyến khích trong kinh doanh

Trong kinh doanh, không ai nản và từ bỏ sau một vài lần thất bại. Vì đã là kinh doanh, thất bại là một tất yếu. Cũng chính vì vậy, khởi nghiệp kinh doanh là một công việc nghiêm túc, không thể và không bao giờ nên là một phong trào, vì phong trào sẽ không giúp bạn giữ được lửa lâu bền và dễ khiến bạn nản. Tuy vậy, việc khởi nghiệp trở thành một xu hướng khắp nơi, xuất hiện những câu chuyện thành công cũng có những mặt tích cực nhất định. Nó đưa những bạn trẻ vốn thụ động chờ đợi một công việc an toàn ra khỏi quan niệm cũ, dám thử nghiệm những cái mới và dám va chạm để dũng cảm hơn trước những thách thức của môi trường kinh doanh khắc nghiệt. Quan trọng hơn, nó đưa xã hội đến gần hơn với một quan niệm: thất bại là một tất yếu trên con đường kinh doanh và nên được khuyến khích.

Vòng lặp “Xây dựng – kiểm chứng/ đo lường – học hỏi” được Eric Ries nhắc đến trong cuốn Khởi nghiệp tinh gọn (Lean Startup).

Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từng nhận định rằng, nước Mỹ sở dĩ vẫn là nơi sản sinh ra những ý tưởng kinh doanh dẫn đầu thế giới vì họ có văn hóa chấp nhận thất bại, điều mà không phải quốc gia nào, nền văn hóa nào cũng chấp nhận. Trong văn hóa đề cao tính ổn định, sự thất bại được định nghĩa bằng nhiều kịch bản khác nhau, thất bại về thu nhập tài chính không ổn định, thất bại là theo đuổi cái gì đó mà không đi được đến cùng, thất bại là không thành người nổi tiếng trong kinh doanh v..v. Sự thất bại là một cái gì đó minh chứng cho một điều rằng, không tuân thủ những lựa chọn an toàn thì thất bại là phải. Đây chính là điểm khiến những người khởi nghiệp dễ bị nản khi gặp những ý kiến phản đối, thậm chí cản trở từ gia đình, bạn bè và cộng đồng.

Chấp nhận thất bại như thế nào?

Hiểu thế nào về văn hóa thất bại ở Silicon Valley: Nơi khơi nguồn của “thất bại nhanh, thất bại thường xuyên” (Fail fast – Fail often)? Những tấm gương của Mark Zuckerberg hay Bill Gates khiến nhiều người nhầm tưởng rằng, cứ nghỉ việc, bỏ học, cứ khởi nghiệp thật nhiều và xây dựng những dự án vĩ đại sẽ có ngày thành công vang dội. Nhiều người cũng nhầm tưởng rằng, họ khuyến khích thất bại tới mức thất bại nhiều, khởi nghiệp nhiều là một thành tích giúp bạn ghi điểm trong con mắt nhà đầu tư. Những quan niệm sai lầm khiến không ít các bạn trẻ khởi nghiệp lao vào như thiêu thân cho các dự án lớn lao mà quên mất rằng, thất bại trong khởi nghiệp là kinh nghiệm quý nhưng học gì từ những kinh nghiệm đó mới là quan trọng.

Vậy nên hiểu như thế nào? Để hiểu và áp dụng hiệu quả về “Thất bại nhanh, Thất bại thường xuyên”, chúng ta hãy bắt đầu từ vòng lặp “Xây dựng – kiểm chứng/ đo lường – học hỏi” được Eric Ries nhắc đến trong cuốn Khởi nghiệp tinh gọn (Lean Startup). Vòng lặp này thực chất cho chúng ta thấy rằng, việc tối ưu hóa những gì học hỏi được từ việc có một ý tưởng, xây dựng một sản phẩm, đem ra thử trên thị trường và học rồi tiến hành tiếp những bước tiếp theo là để phát triển sản phẩm/dịch vụ ngày một tốt hơn. Quy trình này không bao giờ dừng lại, ngay cả đối với những doanh nghiệp đã phát triển rất mạnh mẽ. Bằng chứng là chính General Electric đã tận dụng tối đa ý tưởng này từ lean startup để thử nghiệm và đổi mới sáng tạo thành công để tạo ra một ngành công nghệ số mới. Vòng lặp này thực chất nhấn mạnh vào câu chuyện bạn có thể xây dựng một giả định hoặc một ý tưởng ban đầu nhưng không bao giờ nên lao vào thực hiện ý tưởng đó. Tất cả mới chỉ là những giả định chưa được kiểm chứng. Mặc dù bạn có niềm tin vào sản phẩm dịch vụ sẽ thành công nhưng bạn cần phải mang ý tưởng đó kiểm chứng thật nhanh, thật nhiều và nếu phủ nhận được những giả định đó bằng những kiểm chứng tốt hơn, đó là lúc bạn chấp nhận rằng mình đã sai trong giả định, mình thất bại. Những thất bại nhỏ liên tiếp này là một bước quan trọng để bạn tiến đến thành công vững chắc hơn trong tương lai.

Và sự thức tỉnh cho nhiều startup 

Chấp nhận thất bại không đồng nghĩa với việc bạn lấy những thất bại trong khởi nghiệp trở thành một thành tích cho bản thân, đơn giản vì hai lý do: (1) Nhà đầu tư và sự kiên nhẫn của họ không phải là vô hạn. Họ cũng chỉ có thể chấp nhận sự thất bại của bạn ở mức độ nhất định. Liên tục thất bại đồng nghĩa với việc bạn không học được gì từ những thất bại của mình và bạn không thực sự đáng tin cậy để trao tiền đầu tư. (2) Ngay cả khi nhận được đầu tư, cũng mới chỉ là thành công bước đầu, và rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp thất bại sau khi nhận đầu tư vài tháng, hoặc thất bại sau khi bị ngưng rót vốn. Chuẩn bị cho những kịch bản thất bại và chuẩn bị nội lực để có thể đứng vững quan trọng hơn rất nhiều so với niềm tự hào “có thất bại cũng thất bại bằng tiền của người khác”

Bên cạnh đó, rất đáng lưu ý khái niệm Phát triển khách hàng (customer development) mà Steve Blank đưa ra, một doanh nghiệp khởi nghiệp có thể thất bại ở bất kỳ bước nào trong bốn bước đó. Theo Steve Blank, phát triển khách hàng trải qua bốn bước: Khám phá khách hàng; Kiểm chứng khách hàng; Tạo ra khách hàng; Xây dựng công ty. Nhiều người quá yêu và tin vào sự thành công của sản phẩm mà thường cắt bỏ hai bước đầu tiên.


Khái niệm Phát triển khách hàng (customer development) mà Steve Blank đưa ra, một doanh nghiệp khởi nghiệp có thể thất bại ở bất kỳ bước nào trong bốn bước đó.

Để hình dung những kịch bản chấp nhận thất bại, tôi xin thử lấy một ví dụ.

Tôi là một lập trình viên và có khả năng học ngoại ngữ tốt. Tôi thấy xung quanh bạn bè mình học ngoại ngữ gặp nhiều khó khăn và vì vậy tôi quyết tâm lập trình một phần mềm học ngoại ngữ cho các bạn lập trình viên như tôi và nói chung là cho giới trẻ Việt Nam. Tôi tin vào thành công của mình vì qua khảo sát sơ bộ tôi thấy, phần mềm của đối thủ cạnh tranh nhiều, nhưng công nghệ không tốt bằng tôi và không nhiều người dùng.

Kịch bản thất bại sẽ là: 

Tôi lao vào lập trình ngay một phần mềm học ngoại ngữ, ngốn của tôi vài tháng trời mất ăn mất ngủ, nhưng khi tung sản phẩm ra thì không có nhiều người dùng ngoài bạn bè và những người quen. Tôi sẽ đổ lỗi vì mình chưa có tiền làm marketing chứ không phải sản phẩm không tốt. Và rất có thể tôi sẽ lao đầu đi tìm nhà đầu tư.

Kịch bản chấp nhận thất bại sẽ là:

– Có thể mình đúng nhưng cũng chưa chắc đã có nhiều người cần, mình phải đi hỏi xem mọi người học ngoại ngữ bằng phần mềm thế nào? Họ dùng cái gì rồi, họ thích hay không thích, tại sao? Họ có trả tiền để cho một sản phẩm như vậy không?

– Rồi tôi lân la đến các quán trà đá sinh viên, hỏi chuyện vài bạn, hỏi đến người thứ năm tôi phát hiện ra rằng, mọi người có muốn học bằng phần mềm, các phần mềm đều thú vị nhưng họ không chống lại được căn bệnh lớn là LƯỜI học ngoại ngữ, họ chưa thấy sức ép phải học quá mức. Hóa ra, MÌNH ĐÃ NGHĨ SAI về nhu cầu học ngoại ngữ. Vấn đề thất bại của những đối thủ không nằm ở sản phẩm, tính năng mà ở chính hành vi của người dùng và tiếp theo tôi sẽ đặt câu hỏi: “rõ ràng mọi người đều dùng Facebook, tốn tới tối thiểu hai giờ mỗi ngày, tại sao không thể dành thời gian để học ngoại ngữ? Dường như phải làm cái gì đó vui vui để học ngoại ngữ cũng hấp dẫn như Facebook hoặc tận dụng Facebook để học ngoại ngữ chăng? v.v… và tôi lại tiếp tục khám phá để kiểm chứng, trước khi đi vào bước xây dựng sản phẩm mẫu, đo lường và học hỏi tiếp.

Bạn thấy đấy, chấp nhận thất bại thực chất là chấp nhận mình sai, và hóa ra việc chấp nhận mình giả định sai cũng không quá khó khăn như ta tưởng, nếu không muốn nói là quá trình đi chứng minh mình sai là một quá trình giúp ta khám phá ra những thứ hết sức thú vị, gợi ý cho ta nhiều điều và thậm chí mở ra những hướng đi mới mẻ. Vì vậy, văn hóa chấp nhận thất bại cũng không cần phải đao to búa lớn, nó có thể bắt đầu từ những thứ rất nhỏ. Nếu bạn sẵn sàng để học cái mới, hãy chấp nhận mình có thể sai. Một vài câu test nhỏ dưới đây sẽ giúp bạn khẳng định mình đã sẵn sàng học từ thất bại chưa:

1. Bạn có sẵn sàng bước chân ra ngoài, hỏi chuyện người lạ về những vấn đề họ đang gặp phải không?

2. Bạn có sẵn sàng ngừng nói về sản phẩm của mình và lắng nghe người khác nói về vấn đề của họ không?

3. Bạn có chỉ trích người khác khi người đó không hiểu gì về ý tưởng của bạn không?

4. Bạn có hạnh phúc khi khám phá ra rằng mình đã nghĩ sai không?

5. Nhìn kết quả khảo sát, bạn có sẵn sàng nói câu: Mình sai rồi không?

Nếu các câu trả lời 1. Có; 2. Có; 3. Không; 4. Có; 5. Có : Xin chúc mừng, bạn đã bước những bước đầu tiên trên con đường mà bạn đã chọn: KHỞI NGHIỆP.

Tác giả: 
Nguyễn Đặng Tuấn Minh – Quản lý & Đồng sáng lập KisStartup