Nguyễn Đặng Tuấn Minh. Nguồn: Tia Sáng
Tương lai nằm ở trong tay người trẻ. Dù cầu thủ bóng đá hay các doanh nhân trẻ, điểm tương đồng nằm chính ở chỗ, sức trẻ và sự tự tin, bản lĩnh được tôi luyện thì mới có thể thành công được.
Nhân chuyện thành công của U23 Việt Nam, tôi muốn chia sẻ với các bạn một vài liên tưởng đến khởi nghiệp sáng tạo
Nguồn ảnh: KisStartup xin chân thành những tác giả đã chụp những bức ảnh đầy cảm hứng này.
1. Cần sự đào tạo bài bản và xây dựng nền móng: Thế hệ cầu thủ này hơn thế hệ cầu thủ trước ở nhiều điểm nhưng đúng như ông Đoàn Nguyên Đức chia sẻ: “chẳng có thành công nào từ trên trời rơi xuống”. Nếu chấp nhận xây dựng mọi thứ từ móng thì trong 10 năm qua mới ra được những lứa cầu thủ như vậy: giỏi chuyên môn kỹ thuật, khỏe về thể lực, tâm lý thi đấu vững vàng ổn định: thắng không kiêu, bại không nản; đạo đức tốt; tiếng Anh tốt để tự tin giao tiếp quốc tế. Làm cầu thủ muốn thành công trên đấu trường quốc tế cần được đào tạo bài bản để thành cầu thủ chuyên nghiệp thì làm doanh nhân muốn chuyên nghiệp cũng cần được đào tạo bài bản. Đối với một nền bóng đá, chỉ tập trung thu gom các cầu thủ giỏi để thi đấu mà không bồi dưỡng từ nhỏ và chuyên nghiệp thì thắng thua là do may rủi rất nhiều. Trong hệ sinh thái khởi nghiệp câu chuyện cũng tương tự như vậy. Thiết nghĩ nếu chỉ tập trung “hớt váng” các doanh nghiệp tiềm năng xuất sắc trên thị trường và nhìn vào những chỉ số đầu tư mà không bồi dưỡng phát triển tinh thần doanh nhân và chuẩn bị kỹ năng, hiểu biết cho thế hệ trẻ sẽ rất khó để có những thành công bền vững và có khả năng lan tỏa. Cho đến giờ chúng ta vẫn chưa có nhiều những tập đoàn tầm cỡ quốc tế phải chăng là do thiếu đi những trường đại học những cái nôi ươm mầm cho những doanh nhân ấy?
2. Sự va đập cọ xát và chấp nhận thất bại rất nên được khuyến khích. Sự tự tin dám vươn ra thị trường quốc tế mới giúp ta học được nhiều điều. Cầu thủ phải đi thi đấu để cọ xát học hỏi và rèn bản lĩnh để tự tin thì doanh nhân cũng cần thử sức mình ở những đấu trường lớn hơn. Nếu không có sự rèn luyện các cầu thủ U23 Việt Nam vốn quen với thời tiết nhiệt đới rất khó có thể chiến đấu đến phút thứ 120 tại một nơi đầy băng tuyết. Để rèn luyện ý chí, chúng ta cũng cần những doanh nhân sẵn sàng cho những khó khăn khắc nghiệt từ môi trường kinh doanh mang lại. Dám bước chân ra khỏi vùng an toàn (comfort zone) để thu hoạch từ những trải nghiệm mới mẻ là vô cùng cần thiết. Khí chất là thứ giúp đội tuyển của chúng ta thành công, nhưng sẽ không thể hình thành khí chất nếu như không có sự tôi luyện. Trận chiến với Uzbekistan chỉ là một sự mở đầu cho chuỗi những trải nghiệm mới cần thiết để có thể đi xa hơn trong những hoàn cảnh khắc nghiệt hơn để vươn lên những tầm cao hơn.
3. Tinh thần đồng đội: Chẳng có thành công nào của riêng một cá nhân. Một đội bóng thành công do tinh thần đoàn kết và sự đồng đều về thể lực kỹ thuật giữa các cầu thủ chứ không thể chỉ dựa vào một cá nhân riêng lẻ. U23Việt Nam thành công nhờ có một đội ngũ mạnh đồng đều, bổ trợ được cho nhau chứ không chỉ dựa vào một ngôi sao sáng. Các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trẻ thành công cũng cần đội nhóm tốt chung tầm nhìn, quyết tâm và mục tiêu. Song một mình đội nhóm của họ cũng vẫn chưa đủ, họ cần những người đồng hành trong cả hệ sinh thái khởi nghiệp. Đội bóng cần phải biết xây dựng đội nhóm và dùng người và cũng phải biết liên kết hợp tác. Thậm chí còn phải liên kết với nhiều thành phần khác nhau trong cả một hệ sinh thái của môn thể thao này. Điều này cũng đúng trong hệ sinh thái khởi nghiệp, một doanh nghiệp khởi nghiệp có tiềm năng cũng cần có sự kết hợp của nhiều nguồn lực xã hội: cần có những người đồng hành là giỏi những huấn luyện viên, những mentor, những đối tác hỗ trợ và bổ trợ tốt.
Các cầu thủ U23 Việt Nam sau trận chung kết AFC cup 2018
4. Sự tự tin, có mục tiêu và quyết liệt đến cùng: điều này có lẽ không phải chỉ trong bóng đá. Nếu thiếu đi điều này thì trận đấu nào cũng có thể chỉ giải quyết được việc học hỏi, thị trường nào cũng chỉ để biết biết mà không rút ra được điều gì. Chúng ta đi được xa tại giải đấu là vì chúng ta muốn chiến thắng và thực sự tin vào điều đó. Niềm tin cũng sẽ chỉ dừng lại nếu là sự cầu may rủi nếu không có những mục tiêu cụ thể và sự quyết liệt đến cùng. Điều quan trọng nhất đối với người chủ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo chính là niềm tin vào những giá trị mình sáng tạo sẽ mang lại lợi ích cho mọi người và đặt ra những mục tiêu cụ thể và quyết tâm thực hiện mục tiêu đó.
5. Đặt nền móng cho người trẻ &Học từ người trẻ: Người trẻ rất hay, vì họ luôn sẵn sàng làm lại và không có gì để mất. Bỏ lại những thành tích cũng như thất bại trong quá khứ, họ vươn tới những đỉnh cao hơn. Tôi tin rằng, tương lai nằm trong tay những người trẻ. Song họ sẽ không thể có ngày hôm nay nếu không có những người đi trước tình nguyện làm viên gạch nền móng để xây dựng nhà từ móng. Tự nhận mình là một người trẻ với những người nhiều tuổi nhưng là thế hệ cũ với những bạn trẻ, tôi nhận thấy mình học được nhiều qua thành công của U23 Việt Nam. Đó có lẽ cũng là lý do tôi suốt đời muốn làm một mentee để được thấy mình trẻ và học hỏi và cũng luôn muốn mình trở thành một mentor. Được đồng hành và học từ những người trẻ, giỏi, có tầm nhìn, khát khao và niềm tin, còn gì tuyệt vời hơn như vậy? Sự kế tiếp giữa các thế hệ đòi hỏi tầm nhìn và xác định sứ mệnh của mình. Đó cũng là điều mà khởi nghiệp sáng tạo của chúng ta đang rất cần.
6. Sáng tạo và sự lan tỏa giá trị & tinh thần đoàn kết: Khi các cầu thủ trẻ đá bóng, họ đá cho sự đam mê của chính mình. Có thể cũng giống như rất nhiều thế hệ cầu thủ khác, họ chiến đấu cho màu cờ sắc áo. Khi ra trận, có lẽ họ không cần nghĩ quá nhiều mà chỉ chiến đấu hết mình. Doanh nhân có lẽ cũng vậy, khởi điểm từ sự đam mê, từ việc thấy một bất công mà không ai giải quyết và làm đến cùng. Có điều, chính các cầu thủ cũng không bao giờ nghĩ rằng, mình đã sáng tạo ra những giá trị mới cho văn hóa bóng đá Việt Nam, một sự lột xác bỏ lại đằng sau sự tự ti, lối chơi manh mún, họ mang đến một tinh thần chơi đẹp – fair play làm nên một hình ảnh bóng đá Việt Nam mới. Câu chuyện của họ không phải cổ tích, bởi họ đã nỗ lực hết sức, chuẩn bị cho nó chứ không phải chờ đợi phép màu. Có điều họ sẽ không bao giờ nghĩ rằng mình lại tạo ra được những tác động lớn lao như vậy: tinh thần gắn kết, tạo ra cả triệu nụ cười, sự nồng ấm, vô tư gắn bó với nhau cho cả một dân tộc đang còn vật lộn trong khó khăn mưu sinh. Họ đã tạo ra những giây phút mà người ta quên hết những mâu thuẫn nhỏ nhặt, những bộn bề cuộc sống để cùng hân hoan trong niềm vui và hy vọng.
Vì vậy, tôi nghĩ đơn giản rằng, có lẽ không cần phải nghĩ quá nhiều, hãy nghĩ đến những giá trị tốt đẹp và cố gắng chiến đấu hết sức mình, bạn không cần phải cân đo, đong đếm, nhưng một ngày bạn chợt nhận ra những “tác động lan tỏa” đó thật lớn lao mà không vật chất nào mua nổi. Có lẽ đó là sự hấp dẫn của sáng tạo giá trị, là chủ nghĩa anh hùng trong sự lựa chọn của mỗi chúng ta trên con đường ta bước đi…
Nguyễn Đặng Tuấn Minh – Quản lý và Đồng sáng lập KisStartup
Viết cho Bóng đá U23Việt Nam và khởi nghiệp trẻ sáng tạo Việt Nam, 27.1.2018
Bình luận - Sự kiện, Tư duy khởi nghiệpTags khởi nghiệp sáng tạo, khởi nghiệp trẻ, U23Việt Nam