Khát vọng hùng cường, góc nhìn từ khởi nghiệp sáng tạo
(BĐT) - Khả năng thành công của những doanh nghiệp mới hay khởi nghiệp sáng tạo, và sức khỏe của doanh nghiệp trưởng thành là thước đo của môi trường kinh doanh, của hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế và tầm nhìn, tư duy của người lãnh đạo.
Thị trường fintech và e-commerce tại Việt Nam còn rất nhiều dư địa để phát triển
Có một sự thật là trong lúc Việt Nam đang chứng kiến sự ra đời của nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo công nghệ lớn mạnh hơn, hút vốn đầu tư mạo hiểm nhiều hơn, thì cũng là lúc chúng ta chứng kiến hàng vạn doanh nghiệp phá sản. Phải chăng, điều đó bộc lộ những cơ hội và thách thức chúng ta đang gặp phải?
Bài viết đưa ra một góc nhìn tập trung vào những trở ngại đối với khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp sáng tạo nói riêng qua việc nhìn nhận lại 5 yếu tố ảnh hưởng đến sự thành công của startup từ cách tiếp cận của Bill Gross - nhà sáng lập IdeaLab.
Trên thực tế ở Việt Nam, chưa có một khảo sát chính thức trên diện rộng nào về lý do doanh nghiệp thất bại, ngoài một thực tế là họ không đủ khả năng trả nợ, không đủ khả năng tiếp tục kinh doanh. Chúng ta vẫn đang tìm kiếm những câu trả lời sâu sắc hơn giúp chúng ta hiểu được nguyên nhân của sự đóng cửa và phá sản của doanh nghiệp. Cùng với đó, cũng chưa có một khảo sát nào đưa ra những lý do tại sao các dự án khởi nghiệp thành công tại Việt Nam: do năng lực của người lãnh đạo, do vốn hay do mô hình kinh doanh... Vì vậy, việc sử dụng cách tiếp cận của Bill Gross có thể phần nào giúp chúng ta hiểu được những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức với khởi nghiệp sáng tạo.
Không thể phủ nhận rằng năm 2018, 2019 chứng kiến sự chuyển biến ngoạn mục, các startup của Việt Nam nhận dòng vốn đầu tư mạo hiểm kỷ lục, khả năng chiếm lĩnh thị trường trong nước của các nhóm khởi nghiệp sáng tạo và những ghi nhận quan trọng từ các tổ chức quốc tế.
Theo khảo sát trên 200 khởi nghiệp sáng tạo của Bill Gross, nhà sáng lập IdeaLab, khởi nghiệp sáng tạo thành công chính bởi 5 yếu tố theo thứ tự: 1. Thời điểm; 2. Đội nhóm; 3. Tính độc đáo, khác lạ; 4. Mô hình kinh doanh; 5. Vốn.
Việc dòng vốn đổ vào lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) và thương mại điện tử (e-commerce) cũng như số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp gia tăng trong mảng này phản ánh một thực tế của thị trường fintech và e-commerce còn quá nhiều dư địa để phát triển.
Với một quốc gia nằm trong một khu vực có đến 70% dân số chưa có tài khoản ngân hàng, thì việc xuất hiện nhiều các fintech nhằm giải quyết vấn đề của khách hàng này là điều dễ hiểu. Các quỹ đầu tư mạo hiểm cũng nhìn nhận Việt Nam như một thị trường tiềm năng không thể bỏ qua. Startup Việt còn hấp dẫn bởi sau thị trường Việt Nam, các nhà đầu tư cũng không thể bỏ qua tiềm năng những startup này mở rộng ra thị trường khu vực ASEAN. Những mô hình kinh doanh không quá mới trên thế giới có thể phát triển mạnh mẽ ở một thị trường các dịch vụ tài chính còn đơn giản và thói quen chi tiêu, tiết kiệm, đầu tư còn đang có những thay đổi mạnh mẽ. Nếu nhìn nhận trở lại theo 5 yếu tố nêu trên thì những thành công này đến từ sự xuất hiện “đúng thời điểm” trở thành lý do chính.
Nghiêm Xuân Huy, sáng lập viên Finhay, một trong những startup mảng fintech thành công nhất trong năm 2019, cùng với Momo được xếp vào 100 công ty fintech toàn cầu do KPMG và H2 Ventures công bố, từng chia sẻ: yếu tố quan trọng khiến Finhay nhận ngay lập tức 1 triệu USD đầu tư từ Insignia Ventures Partners chính là đáp án cho các câu hỏi về đội nhóm. Đội nhóm tốt đóng vai trò then chốt cho sự thành công của startup. Song không phải startup nào cũng may mắn có được đội nhóm tốt như Finhay. Việc tìm kiếm nhân sự tốt cho các dự án khởi nghiệp sáng tạo đang gặp không ít khó khăn. Bài toán nhân lực không chỉ dừng ở đầu tư cho tuyển dụng hay hoàn thiện chính sách, mà thực chất là một chiến lược dài hơi về nguồn nhân sự, phản ánh tầm nhìn của người lãnh đạo startup và bối cảnh thị trường.
Chiến lược nhân sự nằm trong một bức tranh chung về giáo dục, đào tạo. Không phải ngẫu nhiên những yếu tố từ thị trường tuyển dụng đang làm chậm bước đi của các startup. Nguồn nhân lực chất lượng cao khó kiếm, tiếng Anh kém, kỹ năng chưa tốt và quan trọng hơn nữa là thái độ làm việc thiếu chuyên nghiệp đang là một vấn đề lớn. Không ít các sáng lập startup vất vả tìm kiếm được đồng sáng lập để thúc đẩy dự án. Một chuyên gia về đổi mới sáng tạo của Israel nhận định rằng, Việt Nam đang sở hữu những tài năng vô giá, đáng tiếc là phần lớn họ mới chỉ có tư duy của một người kỹ sư làm sản phẩm chứ chưa có tư duy của người sáng tạo sản phẩm.
Nói về tính mới lạ độc đáo thì có lẽ những mô hình kinh doanh của Việt Nam khó có thể mang tính sáng tạo toàn cầu vốn đòi hỏi nhiều đầu tư về thời gian, công sức, tiền bạc và cả những trải nghiệm toàn cầu của đội ngũ sáng lập. Chúng ta hoàn toàn có thể khát khao tạo ra những mô hình như vậy, song thực tế, tỷ lệ sao chép hay mang tính mới bản địa vẫn chiếm đa số. Có thể nói, những thành công gần đây của một số mô hình như Logivan, Loglag, ABIVIN đang chứng minh khả năng giải quyết bài toán của chính thị trường bản địa và từng bước tiến gần ra khu vực.
Ở khía cạnh vốn, việc tiếp cận với các nguồn vốn trong giai đoạn trứng nước của dự án còn đang là một dấu hỏi rất lớn. Nhà đầu tư thiên thần vẫn là một khái niệm mới mẻ và những khuyến khích cho sự ra đời của những mạng lưới, quỹ đầu tư thiên thần vẫn chưa thực sự phát huy tác dụng. Khi nguồn vốn chưa được khơi thông cho khởi nghiệp ở giai đoạn đầu, mà chỉ có những đầu tư lớn cho những giai đoạn phát triển sau của dự án thì đó là sự lãng phí những tài năng và nguồn lực của xã hội.
Sẽ thật thú vị nếu chúng ta nhìn nhận khát vọng hùng cường như một ý tưởng, quá trình đi từ ý tưởng đến những sản phẩm trên sân chơi toàn cầu đòi hỏi những bước chuyển quan trọng không khác gì một khởi nghiệp. Ý tưởng sẽ mãi chỉ là ý tưởng nếu không có bước hiện thực hóa.
Trong khởi nghiệp sáng tạo, có thể thấy hành trình của những ý tưởng đi từ Vấn đề -> Ý tưởng -> Sáng chế/Cải tiến hữu ích/Giá trị có lợi thế cạnh tranh duy trì trong một thời gian đủ dài -> Thương mại hóa. Trong suốt quá trình đó, con người đóng vai trò quan trọng nhất.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu gần đây rằng: “không thể có nền kinh tế lớn khi thiếu vắng những thương hiệu nổi tiếng, không thể có doanh nghiệp tầm cỡ nếu thiếu các doanh nghiệp và cá nhân xuất sắc” có lẽ cũng mang hàm ý đó. Để hành trình đó tiến xa, nguồn lực quan trọng nhất chính là con người.
Nhận định đúng vấn đề chúng ta đang gặp phải để thực hiện những bước chuyển mạnh mẽ, đặt con người tự do sáng tạo vào trung tâm của đổi mới sáng tạo mới có thể thực sự biến khát vọng hùng cường thành những sản phẩm giá trị và xa hơn là những doanh nghiệp hùng mạnh.
Nguồn: Báo Đấu Thầu
• Báo cáo “Bức tranh khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam 2019” do Cơ quan Thương mại và Đầu tư của chính phủ Australia (Austrade) công bố, hiện Việt Nam đang đứng thứ 3 ở Đông Nam Á về số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp.
• Trong 9 tháng đầu năm 2019, tỷ lệ vốn đầu tư mạo hiểm đổ vào các doanh nghiệp công nghệ tài chính (fintech) của Việt Nam chiếm 36% tổng số vốn đầu tư mạo hiểm vào lĩnh vực fintech của khu vực Đông Nam Á, chỉ xếp sau Singapore với 51%. (Nguồn: Báo Chính phủ).