Theo 2X Global
Phạm Phương Linh giới thiệu và biên tập
Là gì? – Đầu tư lồng ghép lăng kính giới (Gender lens investing)
Đầu tư lồng ghép lăng kính giới (viết tắt là GLI) đã tồn tại hơn một thập kỷ. Đó là sự lồng ghép các yếu tố về giới trong quá trình đầu tư để đạt được kết quả tài chính và xã hội tốt hơn. Các nhà đầu tư sẽ tham khảo một hoặc nhiều “lăng kính” trong quá trình đầu tư. 2X Global đã vạch ra 5 tiêu chí cùng cách đo lường những tiêu chí này trong các khoản đầu tư (Hình 1).
Các nhà đầu tư lồng ghép lăng kính giới nhận ra rằng các hệ thống tài chính mang lại lợi ích khác nhau giữa nam và nữ, đặc biệt là phụ nữ da màu. Đồng thời, sự tham gia tích cực của các hệ thống tài chính là một công cụ để thúc đẩy bình đẳng giới. Sự tích hợp của các “lăng kính” đa dạng này là một sự phát triển gần đây của hoạt động đầu tư, được thúc đẩy bởi cộng đồng hành động theo JEDI.
*JEDI là Cộng đồng Thực hành Công lý, Công bằng, Đa dạng và Hòa nhập với mục tiêu thúc đẩy việc kết hợp bình đẳng về giới, chủng tộc và sắc tộc trong quá trình ra quyết định đầu tư toàn cầu. Nó góp phần làm tăng nhu cầu và cơ hội đầu tư cho sự đa dạng, tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi rộng rãi hơn hướng tới một hệ sinh thái tài chính công bằng và bền vững hơn.
Tại sao – Lý do lựa chọn đầu tư lồng ghép lăng kính giới?
Đầu tư lồng ghép lăng kính giới không chỉ có ý nghĩa tạo tác động xã hội mà còn đem lại lợi ích tài chính lớn và giảm thiểu các rủi ro cho kinh tế vĩ mô.
- Những số liệu tích cực của kinh tế vĩ mô
- Ngân hàng Đầu tư Châu Âu ước tính rằng sự đa dạng giới lớn hơn trong lực lượng lao động có thể dẫn đến tiềm năng tăng 26% GDP toàn cầu hàng năm và 160 nghìn tỷ USD vốn nhân lực, đồng thời có thể nâng cao hiệu quả kinh doanh lên 15%;
- Các nhóm đầu tư đa dạng về giới có IRR ròng cao hơn 20% ở các thị trường mới nổi toàn cầu;
- Sự đa dạng về nhận thức có thể giúp các tổ chức làm việc hiệu quả hơn tới 66%;
- Lợi ích từ việc có phụ nữ lãnh đạo và cân bằng giới trong tổ chức
- Hơn 10 năm đầu tư, các công ty có người sáng lập là nữ hoạt động tốt hơn 63% so với những công ty có đội ngũ sáng lập toàn nam;
- Chỉ 12% người ra quyết định đầu tư mạo hiểm ở Mỹ là phụ nữ. Tuy nhiên, 69,2% quỹ hoạt động tốt nhất năm 2019 có đối tác chung (GPs) là nữ;
- Các công ty niêm yết đại chúng ở Châu Mỹ Latinh có tỷ lệ đại diện nữ cao hơn mang lại ROI cao hơn 44% và tỷ suất lợi nhuận cao hơn 47%.
- Rủi ro khi không tập trung đầu tư lồng ghép lăng kính giới
- Trong một cuộc khảo sát của McKinsey với 1.000 công ty ở 12 quốc gia, các công ty thiếu sự đa dạng có khả năng hoạt động kém cao hơn 29%;
- Thiệt hại do bạo lực đối với phụ nữ gây ra là 2% GDP toàn cầu, tương đương 1,5 nghìn tỷ USD;
- Đầu tư quỹ công vào các dịch vụ chăm sóc trẻ em và chăm sóc người già là khoản đầu tư đáng giá và hiệu quả hơn trong việc giảm thâm hụt công và nợ công so với các chính sách thắt lưng buộc bụng vì nó sẽ thúc đẩy việc làm, thu nhập, tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy bình đẳng giới.
- Tăng trưởng ở thị trường tư nhân và quỹ đầu tư mạo hiểm (VC)
Ở thị trường tư nhân, đầu tư theo lăng kính giới được xác định theo ba cách tiếp cận riêng biệt: Tiếp cận vốn, đầu tư vào lãnh đạo nữ và đầu tư vào các sản phẩm và dịch vụ tập trung vào phụ nữ.
Theo dữ liệu của Catalyst at Large và Sáng kiến tác động xã hội Wharton trong năm 2021, có 206 quỹ đầu tư lăng kính giới với tổng vốn huy động 6 tỷ USD, thể hiện mức tăng trưởng 49% so với 138 quỹ vào năm 2020;
Về lĩnh vực tài chính giới (Gender finance)
Tài chính giới là một lĩnh vực tương đối mới nhằm xem xét ảnh hưởng của giới tính đối với các hệ thống tài chính và cách sử dụng hệ thống này để thúc đẩy bình đẳng giới. Tài chính giới là một hệ sinh thái bao gồm:
- Tiếp cận dịch vụ tài chính: khám phá lý do tồn tại khoảng cách tiếp cận vốn giữa các giới và làm thế nào các sản phẩm và dịch vụ tài chính phù hợp có thể giải quyết các nhu cầu và thách thức cụ thể mà phụ nữ phải đối mặt;
- Kiến thức tài chính: nâng cao hiểu biết về tài chính của phụ nữ, cung cấp cho họ các công cụ và kiến thức để quản lý tài chính một cách hiệu quả;
- Khởi nghiệp: Tài chính giới thúc đẩy đầu tư vào các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo và cung cấp cho họ các nguồn lực cũng như sự hỗ trợ cần thiết để họ thành công;
- Đầu tư: lồng ghép lăng kính giới vào các quyết định đầu tư, đảm bảo rằng các khoản đầu tư tạo ra kết quả tích cực cho cả nam và nữ;
- Tác động xã hội: đo lường và theo dõi tác động của hệ thống tài chính đối với các giới tính khác nhau, từ đó thúc đẩy các chính sách nhằm thu hẹp khoảng cách giới hiện có.
Tại hệ sinh thái tài chính giới, KisImpact & KisStartup tập trung vào phân tích trên góc độ về đầu tư. Việc lồng ghép các lăng kính giới vào trong các quyết định đầu tư sẽ tạo sự thay đổi tích cực cả về kinh tế và xã hội. Đặc biệt, xét trên góc độ của lĩnh vực tài chính, mục tiêu là càng có nhiều tổ chức và cá nhân tiếp cận được nguồn vốn và thúc đẩy hệ sinh thái này phát triển.