Không để cộng đồng dân tộc thiểu số, đặc biệt là phụ nữ, bị bỏ lại trong chuyển đổi số

Cộng đồng dân tộc thiểu số, đặc biệt là phụ nữ, những người thường chịu thiệt thòi trong các quá trình kinh tế đặc biệt là chuyển đổi số, sẽ được đặt ở trung tâm của các hoạt động hỗ trợ...

Phụ nữ dân tộc thiểu số sẽ được đặt ở trung tâm của các hoạt động hỗ trợ. Ảnh minh họa

Phụ nữ dân tộc thiểu số sẽ được đặt ở trung tâm của các hoạt động hỗ trợ. Ảnh minh họa
Mới đây, Dự Án IDAP "Tăng cường hệ sinh thái chuyển đổi số bao trùm cho doanh nghiệp nhỏ và vừa" tại hai tỉnh Lào Cai và Sơn La đã chính thức ra mắt. Dự án IDAP được tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và cố vấn khởi nghiệp KisStartup thực hiện, với sự tài trợ từ Dự án GREAT – sáng kiến do Chính phủ Australia tài trợ và được quản lý bởi Cowater International.

CƠ HỘI ĐỂ HỖ TRỢ VÀ TRAO QUYỀN CHO PHỤ NỮ DÂN TỘC THIỂU SỐ
Dự án IDAP đặt mục tiêu thúc đẩy chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Lào Cai và Sơn La từ năm 2024 đến 2027, với trọng tâm vào lĩnh vực nông nghiệp và du lịch.

IDAP không chỉ đơn thuần cung cấp kỹ năng và công cụ chuyển đổi số mà còn tiếp cận theo hướng hệ thống thị trường, đảm bảo tính bao trùm và bền vững cho cả hệ sinh thái doanh nghiệp. Phụ nữ dân tộc thiểu số, những người thường chịu thiệt thòi trong các quá trình kinh tế đặc biệt là chuyển đổi số, sẽ được đặt ở trung tâm của các hoạt động hỗ trợ.

Ông Roger Oakeley, Cố vấn trưởng của dự án GREAT 2, cho biết một yếu tố rất quan trọng trong quá trình triển khai dự án là đảm bảo cộng đồng dân tộc thiểu số, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số, không bị bỏ lại phía sau. 

“Đây là cơ hội để chúng tôi hỗ trợ và trao quyền cho phụ nữ dân tộc thiểu số”, ông Roger Oakeley nói. “Dự án GREAT là cơ hội để xây dựng cơ sở hạ tầng số, cung cấp giải pháp kinh doanh, và giúp phụ nữ dân tộc thiểu số hiểu rõ rằng họ luôn cần phải tiến lên và phát triển”.

Bà Nguyễn Đặng Tuấn Minh, Quản lý và đồng sáng lập KisStartup, tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và cố vấn khởi nghiệp, cho biết: “Chúng tôi nhận thức rằng, mọi công cụ số chỉ là công cụ nếu không có những nhận thức cần thiết về sự thay đổi của mô hình kinh doanh và tư duy của người lãnh đạo”.

Vì vậy, thay vì tập trung vào hướng dẫn các kênh, các sàn, KisStartup đã đi từng bước song song, đổi mới mô hình kinh doanh, bổ sung nhân lực và thay đổi nhận thức về thị trường kết hợp với các công cụ số. 

Đã tham gia dự án GREAT giai đoạn 1 và có nhu cầu nâng cao năng lực hợp tác trong giai đoạn 2, chị Bùi Phương Thanh đến từ HTX Noong Piêu (xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La), cho biết: “Sau khi thực hành các mô hình kinh doanh và xây dựng chân dung khách hàng, tôi đã xác định rõ ràng các bước tiếp theo trong sự nghiệp của mình".

Hiện tại, HTX Noong Piêu đã trở thành đơn vị đầu tiên ở Việt Nam xuất khẩu mận sang bốn nước thuộc EU. Theo chị Thanh, việc liên kết giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã, và tạo ra một cộng đồng hỗ trợ lẫn nhau sẽ là điều cần thiết để các đơn vị cùng phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

NGUỒN LỰC VÀ CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC THỰC HIỆN CHUYỂN ĐỔI SỐ CÒN HẠN CHẾ
Ông Lê Hồng Phong, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án ODA và Đầu tư xây dựng tỉnh Lào Cai, cho biết khi thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật và thúc đẩy chuyển đổi số cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ, và siêu nhỏ tại Lào Cai, “chúng tôi nhận thấy rằng ở đây hầu như không có doanh nghiệp lớn, mà chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ”. 

“Hiện tại chúng tôi chưa thể tiếp cận đầy đủ các doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ, cũng như các hợp tác xã để họ có thể tham gia vào dự án. Do đó, cần làm sao để cung cấp đầy đủ thông tin cho tất cả các bên, từ đó họ có thể xác định nhu cầu và mong muốn tham gia”, ông Lê Hồng Phong nói.

“Riêng với các đối tượng là doanh nghiệp vừa, nhỏ và đặc biệt là những doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, tôi mong muốn nhận được danh sách càng sớm càng tốt để có thể thông tin lại và kết nối với các đơn vị quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã, và liên minh hợp tác xã tại các huyện. Điều này sẽ giúp tăng cường sự tương tác và tham gia của các đơn vị trong dự án”.

Một điểm nữa mà ông Lê Hồng Phong nhấn mạnh là đối với tỉnh Lào Cai, quá trình chuyển đổi số đang được quan tâm mạnh mẽ, tuy nhiên, nguồn lực và chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, gây khó khăn trong việc giúp các đơn vị tiếp cận và áp dụng. 

“Vì vậy, chúng tôi rất mong KisStartup có thể bố trí thêm nguồn nhân lực cũng như dành nhiều thời gian và công sức hơn để hỗ trợ quá trình chuyển đổi số tại tỉnh Lào Cai”, ông Lê Hồng Phong nói.

Theo ông Roger Oakeley, Cố vấn trưởng của dự án GREAT 2, hợp tác giữa các bên liên quan trong quá trình chuyển đổi số, giữa các đơn vị địa phương và quốc gia rất quan trọng. Các đơn vị cung cấp dịch vụ cần hiểu rõ nhu cầu của cộng đồng địa phương và đáp ứng các nhu cầu đó. Để làm điều này, họ phải nắm rõ đặc tính, đặc điểm, văn hóa, và yếu tố của từng khu vực.

“Toàn bộ dự án cần hiểu rõ tình hình, môi trường, và các rào cản về mặt môi trường và xã hội, để thúc đẩy kinh doanh. Chúng ta sẽ không thể đạt được mục tiêu nếu thiếu sự tham gia tích cực và chủ động của tất cả các bên liên quan”, Cố vấn trưởng của dự án GREAT 2 cho biết.

Đặc biệt, sự hỗ trợ không chỉ cần thiết trong giai đoạn của dự án mà còn cần duy trì sau này, vì tất cả sự phát triển đều phải có tính bền vững. 

“Tính bền vững là từ khóa quan trọng, bao gồm cả việc xây dựng năng lực cho cộng đồng địa phương. Để các dự án và mạng lưới phát triển bền vững, cần có sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương, với kỹ năng và kiến thức cần thiết để thúc đẩy hệ thống quan hệ sinh thái và chuyển đổi số, từ đó phát triển và tăng trưởng kinh doanh dài hạn” ông Roger Oakeley nói.

Thông tin thêm về dự án, bà Nguyễn Đặng Tuấn Minh, Quản lý và đồng sáng lập KisStartup, cho biết dự án IDAP được thiết kế để tăng cường một hệ sinh thái chuyển đổi số bao trùm, kết nối các doanh nghiệp nhỏ và vừa với các nguồn lực từ trường đại học, các nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật và nhân lực, cùng các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp. 

Với mục tiêu xây dựng năng lực toàn diện, IDAP không chỉ giúp các doanh nghiệp cải thiện doanh thu và mở rộng thị trường qua kênh trực tuyến mà còn tạo điều kiện để họ tận dụng hiệu quả các giải pháp chuyển đổi số, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số lãnh đạo doanh nghiệp, kết nối họ với các nhà cung cấp dịch vụ, tổ chức hỗ trợ để gia tăng hiệu quả kinh doanh thông qua chuyển đổi số.

Nguồn: Báo VnEconomy

Tài liệu khác