Nhiều người nói đến trường hợp của Socola Marou, đến câu chuyện của hai chàng trai Pháp sang Việt Nam làm loại sô cô la ngon nhất thế giới ở các khía cạnh thành công của họ: thiết kế đẹp, nhắm vào nhóm phân khúc khách hàng nước ngoài v..v. Cá nhân tôi cho rằng, có một vài điểm trong câu chuyện của họ rất đáng chú ý. Nó luôn khiến tôi băn khoăn tại sao doanh nghiệp Việt Nam đang xuất khẩu sản phẩm lại gặp nhiều khó khăn đến vậy. Bài viết ngắn này, tôi chia sẻ quan điểm từ góc nhìn “tư duy hướng tới hiệu quả – effectuations (tư duy hướng tới hiệu quả) mà chúng tôi có dịp giới thiệu với các bạn.
Đầu tiên, có thể bạn cũng đồng ý với tôi rằng
- Khi nghỉ việc để tập trung vào socola cho dù họ không nắm trong tay công thức hay công nghệ sản xuất socola nào, điều đó không có nghĩa là họ không có gì.
- Khi họ đưa sản phẩm của họ tới những người nước ngoài ở Việt Nam và xuất khẩu có lẽ, họ cũng không nghĩ quá nhiều về việc sử dụng các bài báo, blog nước ngoài để viết bài, từ đó báo Việt dịch lại và PR cho họ tại thị trường Việt Nam
Tôi chỉ nghĩ chắc chắn họ đang tận dụng rất tốt những thế mạnh họ thực sự có, vượt lên trên những gì chúng ta thấy trên bề mặt như thiết kế đẹp. Tôi cho rằng họ tận dụng rất tốt thế mạnh cốt lõi của mình là sự hiểu biết về thị trường Âu về gu thưởng thức và những tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Người Việt sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức để thực sự hiểu được gu thưởng thức socola của thị trường Châu Âu, và có lẽ rất ít nhà sản xuất Việt Nam biết đến những nơi như Academy of Chocolate (Viện Hàn lâm Socola) ở Anh để tạo cho sản phẩm những tấm giấy thông hành để xuất khẩu như họ.
Mặt khác, hai chàng trai này cũng tận dụng được tối đa việc thử nghiệm, giới thiệu sản phẩm trong cộng đồng nhỏ của nước ngoài ở Việt Nam. Mối quan hệ của họ trong mạng lưới những người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam cho họ sự tiếp cận một cộng đồng nhỏ nhưng đa dạng và mở ra đầy hứa hẹn cho những cơ hội xuất khẩu.
Một trong những lý do khiến sản phẩm của họ thực sự bền vững chính là sự gắn bó mật thiết với những giá trị bản địa bản địa của sản phẩm. Để tôn vinh vùng trồng nguyên liệu cho Socola Marou, thay vì chọn những cái tên Pháp, Marou chọn những cái tên đầy trân trọng cho những loại sản phẩm của họ: 5 loại socola của hãng theo 5 tỉnh cung cấp nguồn hạt cacao là Tiền Giang, Đồng Nai, Lâm Đồng, Bà Rịa – Vũng Tàu và Bến Tre.
Một sản phẩm kết hợp giữa những giá trị cốt lõi bản địa với thế mạnh về hiểu biết thị trường chắc chắn sẽ có cơ hội tồn tại và phát triển. Bài viết không nhằm mục đích quảng bá cho bất kỳ thương hiệu, sản phẩm dịch vụ nào. Tại KisStartup, chúng tôi tập cho mình một thói quen từ mỗi câu chuyện thành công hay thất bại phải cố gắng nhìn ra những giá trị từ câu chuyên của họ để liên tưởng đến những câu chuyện startup chúng tôi đang làm việc.
Nếu phân tích dựa trên 5 tư duy hướng tới hiệu quả, có lẽ không phải nói quá nhiều, điểm nổi bật trong cách suy nghĩ của họ chính là khai thác triệt để thế mạnh của mình và tự kiến tạo tương lai. Trong thách thức của một thị trường đang phát triển như Việt Nam lại tồn tại rất nhiều cơ hội không chỉ của những vùng nguyên liệu trù phú mà còn ở thị trường thiếu thốn những sản phẩm tốt, có chất lượng thực sự. Họ không nghĩ quá nhiều về điểm yếu của mình trong việc thiếu kinh nghiệm trong sản xuất socola. Họ có niềm tin vào tiềm năng của sản phẩm và họ bỏ việc để tập trung hoàn toàn. Điều đó cũng cho thấy, giống như quan sát của tôi, trong nhiều trường hợp, thành công không đến từ người giỏi nhất mà đến từ người tập trung nhất và kiên trì nhất!
Tác giả: Nguyễn Đặng Tuấn Minh. Quản lý & Đồng sáng lập KisStartup
Nguồn: KisStartup
Blog do những Sáng lập & Đội ngũ tại KisStartup viết và giới thiệu tới bạn. Rất mong nhận được phản hồi, chia sẻ của bạn đọc. Nếu trích dẫn, xin bạn lưu ý chỉ rõ nguồn và tác giả để tôn trọng những nỗ lực của chúng tôi. Tìm hiểu thêm về chúng tôi tại : http://www.kisstartup.com
KIẾN THỨC CHO GIẢNG DẠY KHỞI NGHIỆP & ĐỔI MỚI SÁNG TẠO, KIẾN THỨC CHO STARTUP, Tư duy khởi nghiệpTags effectuations, giá trị bản địa của sản phẩm, tận dụng thế mạnh cốt lõi, tư duy hướng tới hiệu quả